“Đem ánh sáng vào bóng tối trái tim con người đó là nhiệm vụ của người nghệ sĩ” (Robert Schuman)
Nguyễn Hồ Kiều My
Lớp 12a2, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2023-2024
Từ đâu mà con người tìm đến văn chương? Từ đâu văn chương đi vào cuộc sống con người? Văn chương kì diệu lắm. Văn chương là nghệ thuật nhưng lại chân thực vô cùng. Người đọc tìm đến ở đó không phải là những thứ cao siêu mà chỉ đơn giản ở đó họ tìm được cuộc đời. Robert Schuman đã từng nhận định rằng: “Đem ánh sáng vào bóng tối trái tim con người đó là nhiệm vụ của người nghệ sĩ”.
Tác phẩm văn học bao giờ cũng là kết quả của quá trình nhà văn khám phá lý giải đời sống rồi chuyển hóa những hiểu biết đó vào nội dung tác phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức của con người. Văn học đưa ta đến những chân trời hiểu biết mới, giúp ta hiểu được hơn cuộc sống không chỉ trong hiện tại mà cả trong quá khứ, không chỉ trong phạm vi đất nước mình mà cả ở xứ sở xa xôi. Chính trong cảm thụ tác phẩm văn học, sự “nếm trải” cuộc sống được miêu tả trong các hình tượng sinh động có khả năng giúp người đọc sống nhiều hơn, sống dài hơn bằng những số phận, cuộc đời khác nhau trong tác phẩm.
Ánh sáng tượng trưng cho những điều tích cực, những điều tốt đẹp trong cuộc sống, còn bóng tối đại diện cho những điều xấu xa, tồi tệ, kiềm hãm cuộc sống con người. Nhờ có văn chương, những người cầm bút đã xoa dịu tâm hồn tổn thương, trái tim cần được chữa lành, giúp con người ta thoát khỏi sự tăm tối, bế tắc của cuộc đời. Ý nghĩa tồn tại văn chương thực chất là hướng con người đến cái đẹp, cái thiện, là đưa ánh sáng vào trái tim con người. Ánh sáng văn chương chính là vẻ đẹp của cảm xúc, tư tưởng, tình cảm của nhà văn chuyển hóa vào tác phẩm thông qua hình thức nghệ thuật độc đáo. Ánh sáng ấy có khả năng kì diệu, soi sáng nhận thức, thắp sáng niềm tin, giúp con người hiểu hơn về cuộc sống và con người, từ đó soi chiếu nhận thức chính mình. Ánh sáng văn chương có tác dụng khơi dậy, bồi đắp những tình cảm đẹp đẽ trong tâm hồn con người, giúp con người sống đẹp đẽ, nhân văn hơn.
Xuất hiện trên văn đàn cùng thời với rất nhiều nhà văn khác, Thạch Lam mang một dấu ấn rất riêng. Không trào lộng như Vũ Trọng Phụng, không hài hước như Nguyễn Công Hoan, không triết lý như Nam Cao. Thạch Lam nhẹ nhàng và tinh tế. Mỗi truyện ngắn của ông như một bài thơ về những cuộc đời, những thân phận nhỏ bé, côi cút và bất hạnh, gợi sự thương cảm, xót xa. Truyện ngắn Hai đứa trẻ được in trong tập truyện Nắng trong vườn. Truyện là một bức tranh đời sống của một phố huyện nghèo ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Ánh sáng Thạch Lam đưa vào trái tim con người qua truyện ngắn: Biết yêu cảnh đẹp của quê hương đất nước - Bức họa đồng quê phố huyện nghèo khi chiều xuống, đêm về. Biết xót thương trước những mảnh đời cơ cực nghèo khổ: Hiện thực bức tranh phố huyện nghèo nàn cùng những mảnh đời cơ cực như mấy đứa trẻ con nhà nghèo, mẹ con chị Tí, bà cụ Thi điên, bác phở Siêu, gia đình bác xẩm, chị em Liên. Biết nuôi dưỡng niềm tin, hi vọng về một tương lai, cuộc sống tốt đẹp, một cuộc sống có nghĩa: Cảnh đợi tàu của người dân nơi phố huyện đặc biệt của hai đứa trẻ Liên và An. Không những vậy, Thạch Lam đã đưa ánh sáng vào trái tim con người bằng hình thức nghệ thuật độc đáo: ngôn từ giàu chất thơ, khai thác đời sống nội tâm nhân vật, đối lập giữa ánh sáng và bóng tối... Ánh sáng Nguyễn Du đưa vào trái tim con người qua tác phẩm: Biết trân trọng ngợi ca tài sắc của người tài hoa bạc mệnh thể hiện tiếng lòng cảm thông chia sẻ với thân phận bi kịch của Tiểu Thanh nói riêng và người phụ nữ nói chung và biết nói lên tiếng nói đau đời,thương mình và căm phẫn trước bất công phi lý trong cuộc đời, chân thành đặt ra những câu hỏi về thân phận con người và thể hiện tiếng lòng khát khao bạn tri ân trong cuộc đời của tác giả. Tất cả được viết bằng những dòng cảm xúc chân thành nhất của tác giả có sức lay động lòng người bao thế hệ. Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du vì thế là biểu hiện thiết tha của một trái tim nhân ái, nhân văn sâu sắc:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
(Nguyễn Du)
Con người không chỉ có nhu cầu hiểu biết mà còn có nhu cầu hướng thiện, khao khát cuộc sống tốt lành, chan chứa tình yêu thương giữa người và người. Văn học giáo dục bằng cả trái tim, bằng cảm xúc. Với đặc trưng thẩm mỹ, văn học nghệ thật chính là hình thức giáo dục tự nhiên hơn cả. Nó khơi gợi những tình cảm, đạo đức, kéo người đọc vào mạch tình cảm của tác phẩm làm cho họ không thể dửng dưng. Văn học giúp cảm hóa, thanh lọc tâm hồn con người, bồi dưỡng nhân cách để con người “gần người hơn” (Nam Cao). Đóng vai trò như một phương diện xã hội hóa cá nhân, phát triển trong mỗi cá nhân đầy đủ những đặc tính xã hội cũng như những biểu hiện phong phú của bản chất người. Do vậy, văn học giúp con người sống đẹp, sống tốt trong xã hội, có những đóng góp cụ thể để xây dựng và cải tạo hiện thực đời sống.
Nền văn học Việt Nam là bầu trời thì Nguyễn Minh Châu là tia nắng rực rỡ giữa bầu trời ấy. Ông đã nhặt nhạnh những tinh hoa của cuộc đời, những trăn trở trớ trêu mà cuộc sống giấu sau những cái đẹp, gội rửa qua lăng kính của ông hình thành tác phẩm. Văn chương chân chính không phải là kiếp ve sầu ngắn ngủi sau một mùa hạ, cũng chẳng giống những đóa hoa chóng tàn mỗi độ sang thu, mà đó là những nấc thang nâng tầm giá trị nhân sinh, nghệ thuật trong tâm hồn con người qua dòng chảy của lịch sử... Nghệ thuật không thể là màn sương mờ ảo màu sữa pha ánh màu hồng ban mai che lấp đi những đau thương của kiếp người.
Cái đẹp của văn học bắt nguồn từ chính sự phản ánh chân thực của đời sống. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp của con người mà còn phát triển ở họ khả năng hành động, sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Khám phá những vẻ đẹp của con người, nhất là vẻ đẹp tâm hồn, khiến người đọc rung động bởi chính vẻ đẹp của nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật vừa là hình ảnh của bản thân hiện thực vừa là thế giới của ước mơ, của cái đẹp, của khát vọng. Cái đẹp của văn học không thể bị sở hữu bởi riêng cá nhân nào, cho nên việc cảm thụ cái đẹp là hoàn toàn vô vụ lợi, nó giúp tâm hồn con người được thanh lọc, tránh xa những điều vụ lợi, tầm thường trong cuộc sống thường nhật. Cái đẹp của văn học vô tư nhưng không vô tâm, mà luôn hướng người đọc đến những suy tư, trăn trở, trách nhiệm về các vấn đề của cuộc sống, của thời đại.
Các văn nghệ sỹ cho rằng, để làm tròn trọng trách của văn học, nghệ thuật với quá trình hình thành và hoàn thiện đạo đức, lối sống, nhân cách cao đẹp cho các thế hệ người Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, trước hết, đội ngũ văn nghệ sỹ - những chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa văn nghệ phải bám sát thực tiễn sinh động, có mặt ở mũi nhọn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Các nghệ sỹ cần tìm được những cảm xúc, sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. Các tác phẩm cần thể hiện nổi bật những nhân tố tích cực trong xã hội, nhân vật tiêu biểu của thời kỳ phát triển mới của dân tộc, của thời đại; cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên, phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái giả dối, cái thấp hèn, cái ác độc.
Mỗi tác phẩm như một nấc thang nâng đỡ bước chân người đọc đi đến phần người, đi đến những giá trị chân – thiện – mĩ của cuộc sống. Đó như một làn gió mang tới cho tâm hồn con người thứ mát lành của triết lý sống đáng quý. Gấp lại trang sách mà ngọn gió ấy vẫn không ngừng thổi muôn đời.
Nguyễn Hồ Kiều My