Khúc tình ca lãng tử qua hai đoạn thơ trong Tây Tiến của Quang Dũng

26/08/2021

KHÚC TÌNH CA LÃNG TỬ

QUA HAI ĐOẠN THƠ TRONG TÂY TIẾN CỦA QUANG DŨNG

Người ta yêu thơ Quang Dũng vì chất lãng tử, hào hoa ngay cả trong thời chiến.  Và cái chất lãng tử ấy đã tạo nên một Tây Tiến thật sự khác biệt so với các bài thơ cùng thời kì chống Pháp lúc bấy giờ. Nhắc tới Tây Tiến của Quang Dũng, người đọc thường ấn tượng với một thiên nhiên miền Tây hiểm trở, khắc nghiệt mà hùng vĩ ở đoạn một hay một bình đoàn Tây Tiến “độc, lạ” ở đoạn ba. Nhưng tôi lại ấn tượng với hình ảnh Tây Tiến ở đoạn hai. Dường như đoạn hai là kết tinh của cái chất lãng mạn hào hoa vốn ăn sâu trong tâm hồn Quang Dũng. Bức tranh chiều sương Châu Mộc và hội đuốc hoa như một bức tranh sơn mài của một danh họa mang vẻ đẹp màu sắc cổ điển và lãng mạn kết hợp hài hòa với tính thời đại và hiện đại trong khói lửa chiến tranh:

…“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”…

Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ, nỗi nhớ quay quắt về vùng đất, con người mà nhà thơ từng gắn bó. Nếu ở đoạn trước là nỗi nhớ về thiên nhiên Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ, hiểm trở, nhớ về những hình ảnh đoàn quân kiêu hùng trên chặng đường hành quân gian khổ, thì qua đoạn thứ hai, nỗi nhớ ấy là nhớ về những kí ức vui vẻ ấm áp, và một thiên nhiên sông nước tràn đầy chất thơ.

Bốn câu đầu chất chứa nỗi nhớ về những đêm liên hoan hào hứng, vui vầy: đó là những hồi ức vui vẻ, ấm áp.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Câu thơ “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” miêu tả không khí vui tươi, nhộn nhịp đang diễn ra tại nơi ở của các chàng trai Tây Tiến. Cụm tính từ “bừng lên” cho thấy ánh sáng đang rực rỡ, không khí trở nên rộn rã bởi tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng cười nói vui đùa. “Hội đuốc hoa” là đốt đuốc sáng để sinh hoạt, ca hát, nhảy múa, vui chơi. Như có một sức sống kỳ diệu đang thổi vào lều trại của bao chàng trai xa nhà, người lính Tây Tiến tạm gác lại những cuộc hành quân liên miên bất kể ngày đêm để hòa vào những giờ phút nhộn nhịp, sôi nổi bởi âm thanh và ánh sáng. Quang Dũng còn dùng từ “hội đuốc hoa” với ẩn ý là lễ cuới. Vì đêm tân hôn thường được nói bằng thành ngữ “động phòng hoa chúc” mà “hoa chúc” nghĩa là “đuốc hoa”, chỉ hành động thắp nến sáng trong phòng của đôi tân hôn. Ta cũng bắt gặp “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa” trong Truyện Kiều… Ở đây, chú rể không ai khác hơn chính là những chàng trai Tây Tiến lãng mạn, đa tình, còn cô dâu là các sơn nữ dịu dàng, thùy mị. Ngôn ngữ của tác giả thật đa tầng, đa nghĩa cho thấy sự nghịch ngợm trong nét đùa thông minh và dí dỏm… giống cách nói súng ngửi trời hay cọp trêu người ở những câu thơ trước. Câu thơ của Quang Dũng làm ta nhớ đến mấy câu thơ của Tố Hữu trong bài Việt Bắc:“Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan, Nhớ sao ngày tháng cơ quan, Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo...”. Dòng hồi ức đều đưa cả hai nhà thơ nhớ về những đêm liên hoan văn nghệ ấm áp vui vầy, lời ca tiếng hát rộn vang núi rừng như thể hiện niềm tin tưởng lạc quan vào kháng chiến của những người cầm súng bảo vệ quê hương.

Dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn đuốc bập bùng, các anh đã phát hiện vẻ đẹp lung linh đến lạ lùng của các thiếu nữ vùng sơn cước: Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Thán từ “kìa” vừa là lời chào đón, vừa nói lên sự ngạc nhiên, hạnh phúc đến bất ngờ của các chàng trai về vẻ đẹp kỳ lạ, lộng lẫy của các cô gái Tây Bắc. Chừng như những “xiêm áo” ấy được ẩn dấu trong khói lứa chiến tranh và chỉ chớ có cơ hội, có điều kiện sẽ lan tỏa như hạnh phúc luôn là niềm khao khát cháy bỗng luôn hiện hữu trong tận sâu thẳm tâm hồn con người. Đọc đến đây gợi liên tưởng đến bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan:

Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân 
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo…”

Cảnh trong hoài niệm nhưng qua thán từ “kìa” trở nên sinh động như hiện thực đang diễn ra trước mắt. Cụm từ “xiêm áo tự bao giờ” miêu tả vẻ đẹp rực rỡ, lạ thường về trang phục cũng như trang sức cổ truyền đậm sắc màu dân tộc của các thiếu nữ ấy và họ cũng hồi hộp cho buổi gặp gỡ nên đã chuẩn bị sẵn những bộ quần áo đẹp tự bao giờ. Các cô gái không khác gì những cô dâu rạng rỡ trong lễ cưới của mình.

Các chàng trai còn phát hiện nét đẹp đằm thắm dịu dàng của phương xa ở vũ điệu huyễn hoặc mê say qua câu thơ: “Khèn lên man điệu nàng e ấp. “Khèn” là nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tây Bắc còn man điệu” là điệu múa của họ, có chút gì đó hoang dã mà gần gũi. Khi tiếng khèn vang lên, các thiếu nữ lộng lẫy bởi “xiêm áo”, tình tứ mà đoan trang trong dáng điệu e ấp để rồi say đắm trong vũ khúc chơi vơi, đồng vọng. Từ “e ấp càng toát lên vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng của các cô gái. Nét đẹp này càng làm các cô quyến rũ, tạo lực hút mạnh mẽ hơn trong mắt các chàng trai. Những người lính Tây Tiến như những vị khách đa tình, lãng tử say mê trong tiếng nhạc réo rắt, trong điệu múa độc đáo và trong nét đẹp duyên dáng của phương xa. Những âm thanh phát ra từ nhạc cụ của đồng bào Tây Bắc đối với người lính Tây Tiến vừa lạ vừa có vẻ hoang dại mang tính sơ khai mà đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chính cái lạ ấy làm đắm say tâm hồn những chàng trai Tây Tiến gốc Hà Nội hào hoa. Từ "man điệu" mà Quang Dũng sử dụng ở đây cũng rất tài hoa. Người đọc như được chứng kiến những vũ khúc hoang sơ của miền sơn cước. Vũ khúc ấy hòa với vũ điệu duyên dáng, e ấp, tình tứ. Ta chú ý tác giả sử dụng từ: Ban đầu là "em" tiếp đến là "nàng" rồi sau lại là "em". Từ cách sử dụng ấy ta cảm nhận được em như một nàng tiên kiều diễm và ta như lạc vào cõi thần tiên với không khí mê say đến ngây ngất. Chính trong không khí của âm nhạc, vũ điệu ấy đã chắp cánh cho tâm hồn những người lính Tây Tiến bay bổng.

Câu thơ “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ” với sáu thanh bằng như đưa những chàng trai Tây Tiến mênh mang, da diết trong tiếng “khèn man điệu”, tâm hồn tràn đầy ý thơ. Cụm từ “xây hồn thơ” cho thấy vui trong hiện tại, vui ở quê hương nhưng các anh không quên mơ tưởng đến ngày mai tươi vui - sạch bóng quân thù, độc lập tự do. Ngày xưa, lý tưởng của những tráng sĩ, chinh nhân phải là chinh đông dẹp tây: “Làm trai cho đáng nên trai, Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên.” hoặc “Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng.” Tuy nhiên, những lý tưởng, hoài bão ấy còn bó hẹp trong những Phú Xuân, Đồng Nai hay xứ Đông, xứ Đoài và còn giới hạn trong phạm vi một biên giới. Còn những chàng trai Tây Tiến mang lý tưởng rộng lớn hơn. Tâm hồn của họ đang vượt qua biên giới để đến với anh em nước bạn Lào thân yêu. Câu thơ của Quang Dũng dựng lên chân dung những người chiến sĩ trong thời đại mới: vừa lãng mạn, mộng mơ, ấm áp tình người vừa thể hiện tình cảm quốc tế vô sản rất chân tình và rất đẹp.

Cảnh trong hồi ức nhưng lại sáng rực bởi sắc màu, dịu dàng bởi âm thanh, và rất ấm áp bởi những ngọn lửa hồng. Đó còn là sự ấm áp của tình quân dân “cá nước”, của tình đồng đội một thời gắn bó bên nhau. Không còn vất vả, không còn cực nhọc, các anh chỉ trở về dáng tuổi mười tám đôi mươi, dáng tuổi trẻ, dáng những sinh viên - học sinh tinh nghịch, yêu đời. Núi cao, đèo xa không thể làm họ gục ngã, không thể để mất những lạc quan, yêu đời.

Nếu bốn câu đầu là những khúc hát rộn ràng tươi vui thì bốn câu thơ sau lại là những “nốt trầm xao xuyến”:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

Một không gian bảng lảng khói sương như trong cõi mộng cứ thế hiện ra. Cái thực của khí trời Tây Bắc, cái mộng của không khí bảng lảng sương khói hiện lên như một miền cổ tích. Quang Dũng không chỉ là một nhà thơ mà ông còn là một họa sĩ. Bởi vậy đoạn thơ đậm màu sắc hội họa với những nét bút phác thảo thật là tài hoa. Chỉ một vài nét chấm phá vậy mà cái hồn của cảnh vật và con người hiện lên thật sinh động đầy sức cuốn hút.

Khổ thơ mở ra một khoảng thời gian phiếm chỉ chiều sương ấy và một không gian dòng sông buổi chiều giăng mắc một màu sương, sông nước bến bờ hoang dại như một bờ tiền sử. Cái dữ dội, khốc liệt được đẩy lùi đi và thay vào đó là những hình ảnh nhẹ nhàng và thơ mộng. Độc đáo trong câu thơ là đại từ “ấy”, một từ vô danh về ngữ pháp nhưng hữu tình về ngữ nghĩa. Tố Hữu đã dùng từ “ấy” để ghi lại thời khắc đáng nhớ:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”

Hay trong thơ Thế Lữ:

“Buổi ấy lòng ta nghe tiếng bạn
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên”

Hai tiếng “chiều sương” kết hợp với đại từ phiếm định “ấy” vừa làm tăng thêm vẻ xa vắng bâng khuâng, vừa khiến buổi chiều sương Châu Mộc hiện ra rõ ràng, không lẫn vào muôn buổi chiều vô danh khác của con người. Thời gian và không gian đó là thời gian – không gian của miền kí ức, của quá khứ… những hình ảnh ấy giờ chỉ còn là trong cõi nhớ, trong hoài niệm… Cùng nhớ tới Châu Mộc nhưng nếu Tế Hanh nhớ đến một Châu Mộc tươi đẹp rực rỡ như hoa:

"Nông trường Châu Mộc như hoa nở
Giữa núi rừng Tây Bắc hát ca"…
(Đến Mộc Châu - 1959)

Thì hình ảnh Châu Mộc trong Quang Dũng gắn liền hình ảnh “sương” - nét đặc trưng của núi Tây Bắc: sương neo đậu nhánh cây bãi cỏ, sương giăng khắp lối - sương tạo ra giá lạnh... Quang Dũng rất ấn tượng với hình ảnh bảng lảng, mờ ảo này: ngay đoạn một ông đã nhắc đến: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi…”. Chế Lan Viên cũng từng khắc khoải “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ”, Tố Hữu cũng “Nhớ từng bản khói cùng sương” hay “Mênh mông bốn mặt sương mù”... Dường như với cả ba nhà thơ, vùng đất Tây Bắc với vẻ đẹp mờ ảo, huyễn hoặc đã trở thành một kí ức da diết. Sương ở đây không phải là sương che lấp, che phủ mà sương thể hiện nỗi buồn man mác, nỗi lưu luyến của người đi Châu Mộc vào buổi chiều sương.

Chiều Châu Mộc của Quang Dũng còn có hình ảnh "hồn lau" với dáng lau uyển chuyển, mỏng manh qua màn sương, đồng thời như mang đến làn gió thổi vào từng cây cỏ để tạo nên không gian thiên nhiên đầy sức sống, mãnh liệt. Lau là loài cây hoang dại nay được nhân hóa trở thành có linh hồn: chập chờn, lay động, phảng phất, mong manh neo đậu bến bờ, neo đậu lòng người. Một cảm giác vấn vương lưu luyến, hắt hiu… Câu thơ Quang Dũng gợi nhớ đến những vần thơ nổi tiếng trong bài “Lau biên giới” của nhà thơ Chế Lan Viên:

“Ai lên biên giới cho lòng ta theo với
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình
Bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh”

Nếu “lau” trong thơ Chế Lan Viên chủ yếu thiên về ấn tượng thị giác thì trong thơ Quang Dũng lại nghiêng về những cảm nhận từ tâm hồn. Hồn lau gợi hồn mùa thu xào xạc, bởi lẽ xưa nay với các thi sĩ xưa hồn lau chính là hồn của mùa thu:

“Ngàn lau cười trong nắng
Hồn của mùa thu về
Hồn mùa thu sắp đi
Ngàn lau xao xác trắng”.
(Lau mùa thu – Chế Lan Viên)

Hoa lau nở trắng cờ, lá lau kêu xào xạc trong gió “nẻo bến bờ”, nơi bờ sông bờ suối. Với tâm hồn thi sĩ tài hoa, Quang Dũng đã cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên Châu Mộc qua cảnh sắc “chiều sương” và “hồn lau nẻo bến bờ”. Những thi liệu ấy đã tạo nên vẻ đẹp cổ điển bức tranh suối rừng nơi miền đất lạ. Thấp thoáng trong vần thơ “Tây Tiến” là những câu cổ thi tuyệt bút:

“Sương đầu núi buổi chiều như dội,
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu…”
(Chinh phụ ngâm)

Trên cái nền huyền ảo của sương và lau trắng, nổi bật lên dáng người trên con thuyền độc mộc. Đó là những cô gái, những người dân Tây Bắc trên sông nước hay dáng người ấy cũng chính là những chiến sĩ Tây Tiến đang vượt thuyền qua song đã để lại ấn tượng vô cùng lưu luyến đến nỗi Quang Dũng phải thốt lên “Có thấy, có nhớ” như lời tự chất vấn bản thân, lời hỏi những người lính Tây Tiến. Câu thơ chạm khắc một dáng người đầy chất kiêu bạt và thơ mộng giữa thiên nhiên dữ dội… Những hình ảnh rất bình thường, giản dị ấy giờ đây trở nên đặc biệt vô cùng. Dường như: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.” (Chế Lan Viên).

Ấn tượng khép lại khổ thơ là hình ảnh cánh hoa trôi trên dòng nước lũ. Câu thơ mang đậm chất tài hoa của Quang Dũng. Ta có cảm nhận đây là thế giới của cõi mộng, cõi mơ, cõi thơ và cõi nhạc. Thơ và nhạc là hai yếu tố tạo nên bức tranh Tây Bắc nên thơ, mĩ lệ. Hình ảnh thơ có cái dữ dội của dòng nước lũ nhưng có cái mềm mại tình tứ của những cảnh hoa đong đưa - cái hoa mỏng manh tình tứ, cảm xúc bên dòng nước lũ mạnh mẽ. Trong cái dữ dội lại có cái êm ả mềm mại đậm chất lãng mạn, hào hoa. Cảnh và người hòa quyện đồng điệu, tình tứ đến mê say trong cái nhìn lãng mạn của Quang Dũng. Trên nền cảnh ấy nổi bật bóng dáng con người hiện lên đầy chất bi hùng, mang hơi hướng của những người li khách trong Tống biệt hành của Thâm Tâm: “Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ / Chí lớn không về bàn tay không…”. Cái thực của khí trời Tây Bắc, cái mộng của không khí bảng lảng sương khói hiện lên như một miền cổ tích. Nét bút phác thảo của Quang Dũng thật là tài hoa. Chỉ một vài nét chấm phá vậy mà cái hồn của cảnh vật và con người hiện lên thật sinh động đầy sức cuốn hút. Thuở ấy, núi rừng Tây Bắc vô cùng hoang vu, là chốn rừng thiêng liêng nước độc, nhưng Quang Dũng với tâm hồn lạc quan và yêu đời của một khách chinh phu thời đại mới đã cảm nhận và phát hiện bao vẻ đẹp thơ mộng, xinh tươi của cảnh sắc thiên nhiên và con người Tây Bắc. Ai nói rằng Tây Bắc là xứ rừng thiêng nước độc xin hãy một lần để cho tâm hồn mình lắng lại để chất thơ Tây Bắc ngấm vào hồn. Thiên nhiên dường như cũng là một nhân vật tràn đầy nghị lực, thấm đượm tình người. Hồn thơ tinh tế nhạy cảm của thi sĩ đã bắt rất nhạy từ một làn sương chiều mỏng manh, từ một dáng hoa lau phất phơ, đơn sơ cho đến một bông hoa đang động đưa để thổi hồn mình vào đó, để lại trong ta một nỗi niềm vương vấn bước chân.

Với việc vận dụng khéo léo bút pháp tương phản trong việc thể hiện hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống và chất thơ từ chính cuộc sống đó, kết hợp tính chất bi tráng của hình tượng người lính và nhịp điệu trữ tình và bi tráng của tác phẩm, Quang Dũng đã vẽ nên bức tranh chiều sương Châu Mộc và hội đuốc hoa như một bức tranh sơn mài rực rỡ của một danh họa mang sắc màu cổ điển và lãng mạn kết hợp hài hòa với tính thời đại và hiện đại trong máu lửa chiến tranh. Thì đoạn thơ sau lại đẹp như bức tranh thủy mặc thâm trầm, lắng đọng mà trong đó hình ảnh con người trên chiếc thuyền độc mộc là nét chấm phá độc đáo vừa khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, bí ẩn nhưng cũng toát lên vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình, quyến rũ, làm say lòng người. Và trên cái nền thiên nhiên ấy vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến: những khó khăn, thử thách không ngăn được bước chân người lính vốn là những chàng trai Hà Thành hào hoa, tinh tế; những nét bi thương "không mọc tóc", "mồ viễn xứ" không ngăn nổi tâm hồn thăng hoa, lạc quan, yêu đời… Âm hưởng thơ biến chuyển linh hoạt. Hai khổ thơ với hai sắc thái riêng biệt: đoạn một giọng thơ vui tươi, tràn đầy niềm hân hoan, toát lên cái chất trẻ, chất lính thì qua đoạn hai giọng thơ trở nên trầm lắng, trầm mặc mang hơi hướng của thời kì Thơ Mới, như đưa chúng ta trở về với những dòng thơ lãng mạn thời tiền chiến trước đó. Cảm xúc thay đổi vui đó rồi lại buồn đó… Cái chất lãng tử, hào hoa là ở chỗ đó. 

Voltaire từng nói: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Thật vậy, thơ ca muôn đời nay luôn là tiếng lòng của người nghệ sĩ, là “cây đàn muôn điệu của tâm hồn” (Hoài Thanh). Thơ ca là cầu nối giữa trái tim đến với trái tim, kết nối chân trời của một người đến chân trời của triệu người. Bài thơ "Tây Tiến” của Quang Dũng cũng đã thực sự trở thành tiếng nói tri âm của độc giả, khiến cho chúng ta cùng thả hồn say đắm về một thời không thể nào quên./.

Thạc sĩ Nguyễn Huyền Nga (Trường THPT Vĩnh Viễn)

  • (Có 4 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...