Nghệ thuật tạo nên vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên

27/02/2023

“Nghệ thuật tạo nên vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên” (Đặng Tiến)

Lê Huỳnh Cẩm Ly

(Lớp 12 A2 năm học 2022 – 2023, Trường THPT Vĩnh Viễn)

Ẩn sâu trong mỗi con người là sự tồn tại của đa dạng cảm xúc, là sự xuất hiện của niềm vui, nỗi buồn, sự lạc quan hay những suy nghĩ tiêu cực, đó đều là những trạng thái được hình thành từ những tác nhân bên ngoài gây nên. Các tác giả tài ba đã vận dụng tối đa sự hiểu biết và nhạy cảm của bản thân để có thể đồng cảm, chia sẻ được hết những số phận, sự đau khổ cùng những tủi hờn mà con người phải trải qua và từ đó dưới ngòi bút của mình, tác giả đã tô điểm và làm rõ những khía cạnh về cuộc sống, số phận con người trong xã hội mà người đọc chưa biết đến. Với suy nghĩ của mình Đặng Tiến từng viết “Nghệ thuật tạo nên vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”. Có thể thấy, nỗi đau nhân loại hay những điều bất hạnh là đề tài sáng tác vô tận, mà mỗi tác giả phải luôn làm mới mình, làm mới góc nhìn của bản thân để có thể tìm thấy những cảm hứng sáng tác, chủ đề mới được tồn tại trong cuộc sống.

Trong văn chương, hình ảnh “giọt nước mắt” mang đến một tầng ý nghĩa và cảm xúc khác nhau mà qua lời văn của tác giả, người đọc sẽ có cảm nhận và tấm lòng thấu hiểu về cuộc đời của nhân vật. Chính vì  “ văn học là nhân học “ nên lấy con người làm trung tâm, là góc rễ để khai thác và phát triển toàn diện. Và để có thể xây dựng nên một hình tượng nhân vật trong văn học mà được đọc giả đón nhận thì trải qua rất nhiều yếu tố như: ngoại hình, ngôn ngữ và nội tâm. Và khi tiếp xúc với các tác phẩm, yếu tố có thể giữ chân và nuôi dưỡng được tâm hồn người đọc là nội tâm của nhân vật. Những lời văn, câu chữ miêu tả tâm trạng, diễn biến tâm lí sâu sắc của nhân vật và tác giả xuyên suốt tác phẩm chính là điểm nhấn và là nét độc đáo mà bất kì nhà văn nào cũng sử dụng để tái hiện lên thế giới tâm lí của con người, lẫn trong cả hiện thực và tác phẩm văn học.

Trong quá trình xây dựng và giữ mãi niềm sáng tạo trong văn chương của dân tộc, không ít các nhà văn, nhà thơ đã liên kết người đọc với nhân vật và với cả chính tác giả để hòa làm một, cùng sống cùng thăng trầm theo từng nhịp cảm xúc của các nhân vật trong tác phẩm. Để có thể thấy rằng học văn để hiểu sâu hơn về tâm hồn và lí tưởng của con người.

Khi cảm xúc bị tác động, con người khi đau khổ đạt đến ngưỡng của giới hạn, giọt nước mắt như “giọt nước tràn ly”, phản ánh những tủi hờn mà con người phải gánh chịu. Nhưng không phải giọt nước mắt nào lăn xuống cũng là giọt lệ sầu, mà đó có thể là niềm vui, sự khích lệ và là niềm hi vọng con người về một tương lai có thể làm chủ được cuộc đời mình.

Còn nhớ trong tác phẩm “ Vợ chồng A Phủ”, nững giọt nước mắt của Mị và A Phủ đã dấy lên trong lòng người đọc biết bao nhiêu cảm xúc. Khoảnh khắc Mị dùng đến lá ngón để chấm dứt mạng sống của mình, nhưng nghĩ đến cha, đến món nợ của gia đình, Mị lại không đành lòng chết, Mị bật khóc, tiếng khóc ấy là nỗi tủi thân, bất lực, tiếng khóc xen lẫn tình yêu thương và lòng hiếu thảo của Mị đối với cha của mình. Mị vẫn sống tiếp nhưng cuộc sống của Mị chỉ là sự tồn tại trên thế gian này thôi, Mị chẳng còn tha thiết hay đặt niềm tin vào bất cứ điều gì trên thế gian này nữa rồi, cứ thế ngày qua ngày, cuộc đời Mị cứ thế trôi qua trong niềm vô vọng và bất lực. Cuộc sống của Mị nào thiếu những lần lặng lẽ khóc thầm như thế. Trong đêm tình mùa xuân, Mị lại lần nữa rơi lệ, đó là tiếng khóc uất ức, xót xa cho thân phận của mình, phải chịu cảnh trói đứng khi mọi người đều đi chơi xuân. Chính những giọt nước mắt ngày ấy là tiền đề cho hành động cởi trói cho A Phủ sau này.

Bên cạnh việc miêu tả tâm trạng và thế giới tâm hồn của Mị thì nhà văn Tô Hoài cũng dùng nghệ thuật làm rõ tâm lí của nhân vật A Phủ. Và chi tiết “ngọn lửa sáng lên” đã giúp Mị thấy rõ gương mặt của A Phủ, thấy rõ “giọt nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã làm xám đen lại”. Chính sức mạnh của dòng nước mắt ấy đã làm thức tỉnh tâm hồn Mị bao lâu nay, Mị đã dứt khoát cắt dây trói, giải cứu cho A Phủ và cho chính cuộc đời của Mị. Giọt nước mắt ấy không chỉ thể hiện nỗi tuyệt vọng trong đêm tối và còn ẩn chứa trong đấy là cả một sức mạnh tiềm tàng, khao khát được tự do tung bay của nhân vật, hằng mong có thể tiềm thấy ánh sáng lí tưởng cuộc đời minh.

Trái ngược với giọt nước của A Phủ, giọt nước của Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) ở đoạn cuối tác phẩm lại mang đến một tâm trạng buồn tột cùng, cùng với sự tiếc thương cho một số phận con người. Không ai trên đời có thể ngăn cản được giọt nước mắt của chính mình, đến cả con quỷ của làng Vũ Đại cũng thế.  Lần đầu Chí khóc là khi chào đời, lần tiếp theo là bát cháo hành dã khiến Chí Phèo có một chút xúc động khi lần đầu có người quan tâm, chăm sóc hắn. Một bàn tay đã dang ra, cứu rỗi cuộc đời nghiện ngập của hắn. Chí Phèo trong một khoảng khắc đã vô cùng hạnh phúc và mong mỏi được làm một con người bình thường. Nhưng rồi, chính Thị Nở - người đàn bà cho hắn con đường đến với ánh sáng, đã nhẫn tâm bỏ rơi hắn, khiến hắn lần nữa lạc vào con đường tăm tối không lối thoát. Chí Phèo đã khóc, Chí khóc trong nỗi tuyệt vọng, uất ức, bất lực vì bị cự tuyệt quyền làm người. Giọt nước mắt lúc này của Chí là giọt nước mắt của sự thức tỉnh nhưng cuối cùng lại rơi vào hoàn cảnh bế tắc không đường lui.

Qua hình ảnh dòng nước mắt của các nhân vật Mị, A Phú, Chí Phèo ta có thể thấy, ở mỗi hoàn cảnh, con người sẽ có những cảm xúc khác nhau, và mang đến những giá trị riêng, chứa đựng những tâm sự của con người. Từng nhân vật, từng câu chuyện bạn đọc sẽ thấy  “vẻ đẹp” độc đáo của dòng nước mắt đi từ đau khổ, tủi thân, tuyệt vọng đến những giọt nước mắt mang đậm tình cảm chân thành và cả những giọt nước mắt của sự hi vọng, niềm tin vào cuộc sống.

Những “ dòng nước mắt” hay “ nổi thống khổ” đều là đại diện cho nỗi khổ tâm, sự đau đớn, xót xa trước những bi kịch cuộc đời. Và nghệ thuật đã biến “những nổi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”. Văn học đã lấy những gì bi thảm nhất để đổi lấy sức mạnh, đưa con người vượt qua mọi nỗi đau của nhân gian. “Một người nghệ sĩ chân chính là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” – Sê khốp. Sử dụng chất liệu của nhân thế, lấy con người làm chủ thể , mà đồng cảm với tất thảy số phận cuộc đời họ. Và dùng văn học, ngôn từ để thấu hiểu, khích lệ, truyền cảm hứng cho con người.

Nhà văn Kim Lân cũng đã dùng ngôn từ của mình để miêu tả dòng nước mắt của các nhân vật. Trong truyện ngắn “ Vợ nhặt” của mình, ông đã nắm bắt được tâm lí của nhân vật, xây dựng thành công hình tượng nhân vật và phản ánh đúng thực trạng đói nghèo của nước ta trong nạn đói năm 1945.  Trong cảnh Thi ra mắt bà cụ Tứ, bà đã suy nghĩ và khóc rất nhiều. Dường như những giọt nước mắt ấy, bà đã không làm chủ được nữa rồi. Bà khóc cho số phận cơ cực, về cuộc đời đói rách của bản thân. Bà khóc trong nỗi lo lắng về tương lai và hạnh phúc của con mình. Và bà còn xót thương cho một người phụ nữ xa lạ mà nay đã trở thành con dâu của bà. Những giọt nước mắt rơi xuống cũng chính là nỗi lòng của bà lão, vì thương và hiểu được nổi khổ tâm nên bà đồng cảm cho số kiếp giữa người phụ nữ với người phụ nữ. Nhưng ẩn chứa trong nỗi lo lắng ấy, bà vẫn hi vọng, bà mong rằng con trai và gia đình của nó sau này sẽ hạnh phúc, cuộc sống của con cháu sẽ đủ đầy vì bà tin rằng: “chẳng ai giàu ba, ai khó ba đời”. Chi tiết “giọt nước mắt” ban đầu của bà lão là giọt nước mắt khổ tâm của một người mẹ, dần về sau, những giọt nước mắt ấy còn thể hiện được những mong ước, niềm hi vọng của bà cụ Tứ về tương lai phía trước, hướng đến sự sống và một hạnh phúc trọn vẹn.

Nhà văn đã khéo léo “biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”, biến những sự thật khô khan, khốc liệt trở nên sinh động, đưa những bi thảm trong khuất tối ra ánh sáng. Văn học đã đưa cuộc sống, hiện thực đến một tầm cao mới, khoác lên cho “dòng nước mắt” và “nỗi thống khổ” một hình dạng mới, làm thay đổi những định nghĩa trước đây. Qua văn học, ta sẽ thấy thêm những vẻ đẹp của “giọt nước mắt” và diện mạo mới của “nỗi thống khổ”. Nhà văn, nhà thơ sẽ lấy những nỗi khổ cùng cực và nhào nặng chúng, biến chúng thành “ tiếng hát vô tận” đem đến nguồn sức mạnh mới, truyền cảm hứng cho con người.

Sẽ không một ai quá tài giỏi, để có thể che giấu đi những cảm xúc chân thực của chính mình. Đặc biệt là những dòng nước mắt mà tác giả xây dựng, đó là “chi tiết vàng”, thôi thúc thế giới nội tâm của người đọc và đưa người đọc đến gần hơn với cuộc đời của nhân vật.

Lê Huỳnh Cẩm Ly

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...