Nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ

06/03/2023

"Nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ"

Mai Đình Hân      

(Lớp 12A2, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2022 - 2023)

Nguyễn Văn Thực từng viết: “Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên sách”. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu muộn, niềm vui luôn ẩn hiện đâu đó nỗi buồn, cái tốt hiện diện xen kẽ cái xấu, ánh sáng tồn tại bên cạnh bóng tối, niềm hạnh phúc đi đôi với sự bất hạnh. Nỗi đau của nhân loại xưa nay luôn là đề tài gặt hái được nhiều những cảm xúc chân thành được cụ thể hoá bằng ngôn từ qua ngòi bút của nghệ sĩ. Đi liền với nỗi đau đó chính là những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt của sự cùng cực, nỗi thống khổ, đau xót cho cuộc đời bất hạnh của nhân vật trong những tác phẩm văn học. Nhà văn Nam Cao từng nhận định: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Đối với Nam Cao ông cho rằng nghệ thuật không được xa rời thực tế, nghệ thuật phải là chất liệu từ cuộc sống, hiện thực xã hội. Có phải chăng vì thế mà Nam Cao là một nhà văn luôn đặt ngòi bút của mình để khắc hoạ lại những người nông dân nghèo khổ cùng với những mảnh đời cơ cực, những số phận hẩm hiu, éo le với một ân tình gắn bó sâu nặng và lòng yêu thương. Ông tỏ ra rất tin tưởng vào những giọt nước mắt, giọt nước mắt của sự thiên lương của con người. Ông lấy lời nhà văn, nhà thơ Pháp - Fracis Coppée làm đề từ cho truyện ngắn của mình: “Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ; và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ”. 

Lời của nhà văn Pháp cũng là chân lý nghệ thuật của Nam Cao: vấn đề không phải là người ta nhìn thấy cái gì, mà quan trọng là người ta nhìn thấy như thế nào, bằng cách nào; “đôi mắt” đúng đắn nhất - cách nhìn đời, nhìn người đúng đắn nhất - là dựa trên tình thương, dựa trên chủ nghĩa nhân đạo cao quý. 

Với quan niệm như thế, nhà văn Nam Cao đã để lại cho nền văn học Việt Nam những áng văn nóng hực của một nhân cách cao đẹp và một tài năng thiên phú. Giọt nước mắt có lúc biểu hiện cho sự vui sướng tột cùng, những cũng có lúc, đó là những giọt sầu lệ rơi, khóc cho sự đau đớn, trái ngang của cuộc đời. Suy cho cũng thì giọt nước mắt nào cũng là biểu hiện cảm xúc của một người đang dâng trào mạnh mẽ, được đẩy lên cao độ. 

Qua những trang văn của Nam Cao, dường như ta đều bắt gặp là những giọt sầu cay đắng, những giọt nước mắt chất chứa bao đau thương, xót xa của kiếp người. Chí Phèo sinh ra trong ngôi làng Vũ Đại. Không như những đứa trẻ khác lớn lên trong vòng tay ấm áp của bố mẹ, Chí bị bỏ rơi trong cái lô gạch cũ và hắn còn không biết bố mẹ là ai. Chí Phèo lớn lên như cây cỏ dại và cũng như đặc tính của cỏ dại, hắn hiền, “hiền như đất”. Phẩm chất lương thiện hiền hậu của Chí chẳng được bao lâu đã bị giông tố cuộc đời nổi lên, nhấn chìm hắn trong tận cùng của sự tha hoá. Hắn: “Trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết!”, đã thế lại còn có “cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế.              Trông gớm chết!”. Bản tính thiện lương của hắn đã bị giông tố cuộc đời bào mòn, giờ đây hắn như “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, hắn đã bán linh hồn của mình cho quỷ dữ. Và với một con quỷ, hắn làm gì có nước mắt. Thứ nước yếu đuối ấy làm sao có thể tuôn trào ra khỏi được một cõi lòng hoang lạnh, độc ác, bất nhân, bất nghĩa của hắn. Hắn đang ở tận cùng của xã hội, mọi người dân trong làng giờ đây xem hắn không bằng con chó, lời của hắn chửi chỉ có chó đáp lại, hắn ngày càng bị tha hoá và trượt dài trên sự bất nhân ấy. Tưởng chừng như những ngày còn lại của cuộc đời Chí sẽ mãi trở nên như vậy, cũng vì ông trời thương hắn, ông trời đã phái xuống một “thiên thần” xuất hiện trong cuộc đời của hắn. Đó chính là “thiên thần”, Thị Nở. Ai bảo thiên thần thì phải đẹp tuyệt trần, một kẻ xấu xí cũng có thể mang trong mình một trái tim thiên sứ. Thị Nở qua ngòi bút của Nam Cao được xem là nhân vật “ xấu ma chê quỷ hờn”: “Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi: có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở rạn ra”. Không chỉ có một ngoại hình chẳng mấy ưa nhìn Thị Nở lại còn có tính cách: dở hơi, thuộc típ người đần trong cổ tích, hành động hoàn toàn theo tiếng gọi của bản năng… Tính lại hay ngủ, bạ đâu ngủ đó: đang quét sân cũng lăn ra ngủ, đi gánh nước cũng ngủ. Ấy vậy mà đó chính là mẫu phụ nữ lí tưởng của Chí, Thị đến với Chí vụt nhẹ như cơn gió, như ngọn lửa thổi bừng lên rồi chợt tắt. Nếu là gió, Thị sẽ thổi bay đi hết những tàn tro của cuộc đời bám víu trên thân xác của Chí. Nếu là lửa, Thị sẽ đốt hết đi lớp quỷ dữ để trả lại thân xác con người lương thiện, “hiền như đất” của Chí đúng nghĩa là một con người. Chỉ với sự hiện diện ngắn ngủi của Thị nhưng đã làm nên những biến chuyển về nhân cách và cảm xúc bên trong con người của Chí. Sau nhiều ngày say triền miên, say bí tỉ trong những cuộc rượu chè. Khỉ tỉnh dậy, hắn được Thị Nở làm cho một bát cháo hành. Chí đã rất “ngạc nhiên”, vì đây là làn đầu tiên hắn được chăm sóc trong vòng tay của một người phụ nữ xa lạ. Có lẽ, bát cháo hành ấm nóng toả hương khói đã xoá tan đi những gì xấu xa nhất bên trong con người của Chí. Hắn ác! Ừ! Thì ác thật! Nhưng phảng phất đâu đó trong tâm hồn của con quỷ ấy vẫn còn đọng lại một chút tình người, một chút nhân tính. Khi con người ta trở nên sa đoạ thì mọi người thường nhìn họ bằng một con mắt khinh biệt, suy nghĩ tiêu cực để đẩy họ xuống đáy xã hội. Nhưng ở đây, với Chí, Thị đã “tóm gọn” hắn, làm cho hắn phải thay đổi một cách dễ dàng chỉ với một chút quan tâm và một tô cháo hành, có lẽ Thị biết những con người như vậy chính là những người thật sự rất cần được yêu thương và che chở. Thị đã đồng cảm, Thị đã thấu hiểu Chí nên Thị mới làm như vậy với Chí. Và ở đoạn này, giọt nước mắt đã được xuất hiện: “hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt”. Một thằng chỉ biết “rạch mặt ăn vạ” nhưng bây giờ lại “thấy mắt mình hình như ươn ướt”. Một vùng đất khô cằn, cằn cõi nhưng bỗng nhiên trời chợt xuất hiện một cơn mưa, đó chính là báo hiệu rằng vụ mùa sắp đến, là sự may mắn. Giọt nước mắt xuất phát từ trong cõi lòng đã bị cằn cõi, hoang vu tự bao giờ chính là giọt nước mắt của sự thiện lương, bản chất con người lương thiện trước kia của Chí đã dần quay trở lại, đó là giọt nước mắt hạnh phúc. Phải chăng bàn tay ân cần của Thị Nở đã đánh thức giọt nước mắt ấy, đánh thức cả trái tim hắn đã chằng chịt tội lỗi. Giọt nước mắt ấy là sứ giả của tình yêu, một tình yêu chân thành vừa chớm nở. Giọt nước mắt thật “người” biết bao! 

Lần đầu tiên hắn khóc chính là những giọt nước mắt tượng trưng cho tình yêu, niềm hạnh phúc. Nhưng đến với lần thứ hai, Chí cũng rơi lệ, mà đó là giọt lệ sầu, là sự đau thương mất mát, xót xa vì bị tình yêu chối bỏ và bị cự tuyệt quyền làm người cuối cùng đã dẫn đến một cái kết thật bị kịch cho Chí. Tưởng chừng như Thị và Chí sẽ có một tình yêu thật viên mãn, Chí sẽ trở lại với hình dáng của một tấm lòng nhân hậu. Nhưng không, cái tình yêu ấy đã không thoát ra khỏi định kiến của bà cô và cũng là định kiến của xã hội. Bà cô độc ác đã thay đổi tư tưởng của Thị, chính bà là nguyên nhân gây nên sự chia ly và kết quả dẫn đến chết người. Thị đến gặp Chí, không phải để bày tỏ tình yêu với Chí mà là đến để xỉa xói vào mặt Chí, rồi ngúng nguẩy bỏ đi. Lúc đầu, hắn tức, hắn hờn giận, hắn cầm một hong gạch vỡ toan đập đầu nhưng chợt nhớ: “Muốn đập đầu, phải uống thật say. Không có rượu, lấy gì làm máu cho nó chảy! Phải uống thêm chai nữa”. Rồi, hắn lại trở về với những ngày tháng say triền miên, có lẽ vậy. Nhưng không phải thế, thằng Chí càng uống, nó lại càng tỉnh. Hơi rượu xen lẫn với hơi cháo hành hắn thoang thoảng thấy. “Hắn ôm mặt khóc rưng rức”. Đây chính là những giọt sầu của niềm bất hạnh, cay đắng cuộc đời. Xót xa thay khi hình dung cảnh Chí ngồi ôm mặt khóc, ôm những vết xẹo trên khuôn mặt già nua, ôm quá khứ tội lỗi, xấu xa mà bật khóc như một đứa trẻ. Những giọt sầu ấy là những giọt thánh bởi sự “thiện” mà nó gieo vào hồn Chí. Đâu ai biết được rằng đó chính là những giọt nước mắt cuối cùng của đời Chí bởi vì chỉ một chút ít nữa thôi Chí sẽ kết thúc cuộc đời bất hạnh này. Rồi hắn vác dao đến nhà Bá Kiến - kẻ đã làm Chí trở nên thành con quỷ dữ, cự tuyệt quyền làm người của Chí, Chí xông vào chém túi bụi lên người Bá Kiến rồi tự kết liễu cuộc đời mình. 

Hoà chung dòng nước mắt đầy cay đắng của Chí, ta phải kể đến nhân vật Hộ trong Đời thừa. Hộ là một tri thức nghèo. Với vốn viết lách có được cũng chỉ đủ cho một cuộc sống eo hẹp. Nghèo của cải vật chất nhưng giàu tình cảm, Hộ có một tâm hồn trong sạch, thanh cao đúng chất một nhà nghệ sĩ. Hộ mang trong mình khát vọng văn chương mang đến một cái gì đó thật mới mẻ, nó sẽ vượt qua tất cả “mọi bờ cõi giới hạn”. Anh ấp ủ giấc mộng “đoạt giải Nobel”, nhưng rồi dường như giấc mộng ấy từng ngày rạn vỡ khi Hộ dang rộng vòng tay đón lấy Từ - người đàn bà đã lỡ đò. Rồi cơm áo gạo tiền đã đẩy Hộ vào bị kịch vỡ mộng văn chương. Hộ phải kiếm tiền để nuôi một đàn con, nuôi một đàn con mà “đứa này chưa kịp lớn lên, đứa khác đã vội chui ra”. Vì tiền mà Hộ bất chấp tất cả để viết, nhưng Hộ lại viết trong sự “cẩu thả”, để rồi người ta quên ngay sau khi đọc”. Hộ đã khóc, những giọt lệ cay đắng vì bất lực trước một thứ “văn chương bằng phẳng nhợt nhạt và quá ư dễ dãi”. Còn gì đau đớn hơn khi một kẻ có ý thức về văn chương, lại biết dựng xây một giấc mộng đẹp nhưng rốt cuộc chẳng làm nên trò trống gì.  

Nhưng bị kịch tình thương trong anh mới là vấn đề phải bàn. Một kẻ luôn lấy tình thương là nguyên tắc ứng xử cao đẹp nhất giữa người lại là kẻ đã vi phạm vào nguyên tắc sống ấy. Hộ mượn rượu để say quên bi kịch văn chương nhưng vì rượu anh lại rơi vào bi kịch tình thương. Con người với một bản chất nghệ sĩ, một tâm hồn thiên lương đã bị sóng gió cuộc đời làm anh trở nên thay đổi. Hộ vũ phu, đánh đuổi vợ con mỗi lần say. Cho đến một buổi sáng tĩnh dậy sau cơn say dài, Hộ với tay chạm phải ấm nước mà Từ để sẵn trên bàn. Đó là sự quan tâm hết sức giản dị, mộc mạc của Từ. Anh nhìn Từ và thấy thương Từ vô hạn, Hộ đến bên chiếc võng Từ nằm, lần đầu anh được nhìn Từ kĩ như thế, Từ thật xanh xao, yếu đuối cần được anh che chở. Và Hộ khóc. Giọt nước mắt đầy những ân hận muộn màng nhưng vẫn đáng trân trọng biết bao. Anh khóc cho những sai lầm của quá khứ, khóc cho hiện tại, và khóc cho một tương lai. Nước mắt ấy là nỗi đau của một người đã nhận ra được những bi kịch của mình. Cho nên giọt nước mắt ấy thật thiêng liêng và cảm động. Hộ nói trong tiếng nấc: “Anh…anh chỉ là một thằng khốn nạn!”. Nam Cao viết như thế nhưng chắc rằng ông không nghĩ như thế, bởi chẳng có một thằng khốn nào biết rơi nước mắt vì người phụ nữ hắn yêu. 

Qua hai tác phẩm “Chí Phèo” và “Đời thừa”, nhà văn Nam Cao đã lột tả xuất sắc được ý nghĩa của những giọt nước mắt, đó đều là những giọt nước mắt hoàn lương, là khoảng khắc họ nhìn vào lương tâm của mình để gột rửa tâm hồn, đón chữ “người” trở lại. Họ đều khóc trong đau đớn nhưng trong nỗi đau ấy có cả sự thức tỉnh. Với Chí Phèo, đó là Thị Nở, là sự lương thiện. Với Hộ đó là Từ, là con cái. Nhưng trên hết, giọt nước mắt nào cũng đầy hơi ấm, đầy sức ám ảnh người đọc. 

Giọt nước mắt không chỉ đơn thuần là thứ nước mắt tinh khiết tràn ra từ sự dâng trào cảm xúc. Nó còn tượng trưng cho một mảng đời, một mảng lòng, một mảng hồn tràn ra rồi ý thức, bật ra không kiềm chế. Nó thật nóng tình người và đậm tình đời biết bao. “Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư” - Trịnh Công Sơn.

Mai Đình Hân

  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...