Phẩm chất của những nhà nghệ sĩ đích thực

14/03/2022

Phẩm chất của những nhà nghệ sĩ đích thực

Trần Trâm Linh - 12A2 - Trường THPT Vĩnh Viễn

Nhà văn Nga Leonit Leonop từng khẳng định: “Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và khám phá nội dung”. Mỗi sáng tác nghệ thuật đều là một phát hiện sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ. Văn chương tồn tại mang sứ mệnh giúp nhân loại tìm ra những tia sáng chói ngời ẩn mình nơi ngõ ngách của cõi trần gian. Phải chăng cũng vì thế mà mỗi tác phẩm văn học chân chính phải luôn bộc lộ được những hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, phải lưu lại trong tâm trí độc giả những ấn tượng khó quên. Bàn về vấn đề này này đã có ý kiến cho rằng: “Nhìn thấy cái khác thường trong cái bình thường và trong cái khác thường nhìn thấy cái bình thường - đó là phẩm chất của những nhà nghệ sĩ đích thực".  

Đi sâu vào ý kiến trên, “cái bình thường” mà ta nhìn thấy có lẽ là những thứ quen thuộc nhất, gần gũi nhất. Đó là cái giản dị vốn có mà trước giờ ta vẫn thường hay mặc định nó là như thế. “cái khác thường” chắc hẳn là những thứ đặc biệt hơn, nó mới lạ, nổi trội hơn so với bất cứ những thứ khác. Người nghệ sĩ là người có khả năng phát hiện ra những nét độc đáo ấy. Biến những thứ mới mẻ trở nên quen thuộc và biến những cái bình thường, giản dị trở nên đặc sắc, nổi bật. Tác phẩm văn học không phản ánh những điều mông lung xa vời mà thật chất nó chính là hình dung của cuộc sống muôn hình vạn trạng.Văn chương bao giờ cũng chứa đựng bóng hình của đời sống, bóng hình của con người. Nằm ẩn mình trong những ngõ ngách, văn chương cho ta cách nhìn mới mẻ, khác biệt mà trước giờ ta chưa từng nhìn thấy. Blienxki có câu: “Nội dung và hình thức gắn bó với nhau như tâm hồn và thể xác”. Điều ấy, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có “con mắt nhìn thấy sáu cõi” để tìm ra những thứ đặc biệt bị lớp bụi cuộc sống che lấp đi. Mối quan hệ giữa văn học và hiện thực bao giờ cũng có sợi dây nối liền không thể tách rời. Chỉ nói về cái tốt thì văn chương chỉ mới cho con người thấy được một nửa sự thật. Cho nên văn chương được phép nói về cái xấu và có quyền lên án những cái xấu ấy.  

Đến với những trang văn của Ngô Tất Tố - một nhà văn chuyên viết về đề tài người nông dân, “Tắt đèn” một trong những tác phẩm tiêu biểu và thành công nhất của ông. Tác phẩm đã phơi bày bộ mặt tàn ác của chế độ thực dân phong kiến, đồng thời thể hiện sự sâu sắc nỗi thống khổ cũng như sức mạnh phản kháng tiềm tàng của người nông dân. Để rồi khi khép trang sách lại, ta không thể nào quên hình ảnh nhân vật chị Dậu đầy sức ám ảnh. Dậu – một nhân vật được xem là điển hình cho người phụ nữ Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Giữa đám sâu bọ hại dân bán nước, nhân vật chị Dậu hiện lên đầy đáng thương và khốn khổ. Chị đã phải bán khoai, bán chó, bán luôn đứa con gái lớn để nộp sưu thuế cho chồng và nộp luôn cho người em trai đã chết. Chị Dậu trong tác phẩm được miêu tả là một người phụ nữ rất mực diu dàng, yêu chồng, thương con. Nhưng có lẽ do bị áp bức bóc lột, trải qua bao cay đắng, tủi nhục, đổ biết bao mồ hôi nước mắt để nộp sưu thuế mà chỉ phải gắn gượng chịu đựng. Ban đầu, chị luôn nhẫn nhục bọn đầu trâu mặt ngựa ấy thì đến một lúc “con giun xéo lắm cũng quằn”, sức chịu đựng có giới hạn. Chị vùng lên phản kháng một cách mạnh mẽ. Có lẽ sức sống ấy xuất phát từ chính tình yêu thương chồng. Chị đã chuyển từ đấu lí sang đấu lực. Hình ảnh “người đàn bà lực điền” thẳng tay trừng trị mấy tên lính đã cho thấy điều đó. Hành động ấy chính là xuất phát từ tình yêu thương chồng, từ việc cai lệ và người nhà lí trưởng cứ một mực đòi trói chồng chị đi. Nỗi căm phẫn dồn nén thành sự phản kháng đến bất ngờ. Hơn nữa, với sự hung hăng của bọn cai lệ thì chị không thể dùng cách nhún nhường nhẫn nại mà cầu xin được. Cách duy nhất chị có thể làm đó là vùng lên đấu tranh với chúng. Có lẽ “cái phi thường” nhất ở đây chính là sức mạnh tiềm tàng mạnh mẽ bên trong chị Dậu. Khi con người bị dồn đến bước đường cùng sẽ sẵn sàng vùng lên bất cứ lúc nào. Hành động của chị là hành động đại diện cho toàn thể tầng lớp người nông dân bấy giờ muốn phản kháng, muốn đấu tranh đòi lại công bằng từ phía bọn phong kiến tàn ác. Ngô Tất Tố đã thể hiện giá trị nhân văn tốt đẹp, đó là sự phản kháng của người nông dân bị áp bức, cùng khao khát công bằng. Đó chính là thông điệp tức nước vỡ bờ mà đoạn trích muốn thể hiện. Nó được xem là một phát hiện đẹp đẽ nhất mà tác giả đem đến cho bạn đọc.  

Đã có rất nhiều nhà văn viết về chủ đề người nông dân Việt Nam nhưng có lẽ sẽ không có tác phẩm nào có sức lay động mãnh liệt, chạm tới trái tim độc giả nhiều như tác phẩm “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao. Thời đại mà Nam Cao sống được xem là một thời kì xã hội trở nên loạn lạc, đời sống nhân dân rơi vào cảnh khốn cùng. Dường như, ông đã cảm nhận được nổi thống khổ ấy, về những con người hiền lành bị xã hội vùi dập, về nỗi đau đớn, tủi nhục mà những con người ấy phải trải qua. Và chính nhân vật lão Hạc là minh chứng cho những kiếp người khốn khổ ấy. Giữa cuộc đời đầy tăm tối của lão nổi bật lên hình ảnh về một con người mang nhiều phẩm chất tốt đẹp. Chắc có lẽ, trong cuộc đời lão, không có gì quan trọng bằng con trai. Khi không lo được cho con cưới vợ, lão đã vô cùng áy náy và đau khổ. Vì tình yêu quá lớn dành cho con, lão chấp nhận sống đơn độc lúc tuổi già sức yếu. Vì thương con, lão thà chịu đựng cái đói mà nhất quyết không bán đi mảnh vườn làm của cho con. Ngoài con trai, lão còn dành cả tấm lòng yêu thương ấy cho con chó Vàng kỉ vật duy nhất con để lại trước lúc đi xa. Dù cuộc sống có đói nghèo nhưng lão cũng không vì thế mà tha hóa nhân phẩm. Mặc cho lời ngỏ ý giúp đỡ từ ông Giáo, lão vẫn kiên quyết từ chối. Lão đau đớn bán đi con chó Vàng rồi đến nhà Binh Tứ xin một ít bả chó để tự vẫn. Cho đến cuối đời thì tình yêu của lão với con trai mãi không thay đổi. Hiếm có người cha nào như lão, dù ở trong hoàn cảnh khốn cùng vẫn luôn làm tròn bổn phận của người cha. Dẫu có đớn đau, gian khổ, dẫu đó là cái chết đầy bi thảm thì tình yêu ấy vẫn không bao giờ thay đổi. Sự phi thường ở đây có lẽ là tình yêu thương con vô bờ bến, đức hi sinh cao cả và nhân cách đẹp đẽ của lão Hạc. Nam Cao dường như đã phát hiện được vẻ đẹp nhân phẩm ẩn sâu bên trong người cha già tội nghiệp. Đó là phẩm chất đáng quý của người nông dân trong xã hội xưa. Mặc dù sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng không vì thế mà nhân cách bị tha hóa.

“Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời.” (Trích trong Nhất ký của Nguyễn Văn Thạc). Văn chương cho ta nhìn thấy cái trước giờ ta chưa từng thấy, hiểu được những điều ta chưa bao giờ hiểu. Nếu nhà văn nhìn đời bằng một con mắt hời hợt, vô cảm thì tác phẩm ấy cũng trở nên nông cạn và thiếu giá trị. Bởi thế, văn chương là những thứ nhỏ bé thích chơi trò chơi trốn tìm, ép người nghệ sĩ tìm kiếm. Văn chương là thế đấy, nó sẽ thật sự có giá trị khi nói về con người về những điều tiềm ẩn.  

Muốn biết chiến tranh đáng sợ như thế nào hãy hỏi những người chiến sĩ trở về nơi lửa đạn. Muốn biết đồng tiền có giá trị ra sao hãy hỏi những người ngày đêm vất vả kiếm ra nó. Và muốn hỏi làm phụ nữ có thật sự sung sướng hay không thì xin hãy nhìn vào đức hi sinh của họ dành cho gia đình mình. Đại diện cho hình ảnh người phụ nữ ấy là hình ảnh người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Trước hết, có thể kể đến chi tiết tấm ảnh nghệ thuật được nhiếp ảnh gia Phùng chụp ở bãi biển năm nào dần trở nên nổi tiếng. Nó được những nhà sành nghệ thuật đánh giá cao nhưng có lẽ người hiểu được ý nghĩa của bức tranh ấy chỉ có mỗi Phùng. Đằng sau kiệt tác nghệ thuật ấy lại là những góc khuất tăm tối của cuộc đời. Hiện thực cuộc sống được phơi bày qua cuộc đời đầy lam lũ và khó khăn của người đàn bà hàng chài. Người phụ nữ ấy hiện lên với vẻ ngoài xấu xí, thô kệch, nhà nghèo, con lại đông mà thuyền thì bé. Cuộc sống đã có phần khốn khổ nhưng hôn nhân cũng chẳng mấy tốt đẹp hơn. Cũng vì nghèo mà người chồng trở thành một con người bạo lực, hắn giải tỏa bức xúc lên chính người vợ của mình. Dù bị chồng thẳng tay đánh đập và cuộc sống có phần khó khăn nhưng người đàn bà hàng chài ấy lại nhất quyết không chịu rời xa lão chồng vũ phu của mình. Tại sao lại như vậy? Chắc chỉ có chị là người hiểu rõ nhất.Chị hiểu rằng trên thuyền cần một người đàn ông, luôn cảm thông cho chồng mà đổ dồn mọi tội lỗi lên người mình Nguyễn Minh Châu đã phát hiện ra nét đẹp phi thường ẩn sâu người đàn bà xấu xí, thô kệch kia là hình ảnh một người phụ nữ với tấm lòng bao dung, nhân hậu, sẵn sàng hi sinh cho chồng, cho con. Nhân vật này cũng chính là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam chúng ta với bao phẩm chất đáng trân trọng. Tác giả dường như đã vẽ lên một bức chân dung khiến cho người đọc không ngừng suy ngẫm, phải trăn trở về cuộc sống của rất nhiều người xung quanh.

“Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng” khi đọc một tác phẩm văn học ta cần nhìn nó qua nhiều góc độ để thấy được những nét đẹp mà người nghệ sĩ đã cất công xây dựng nên. Như trò chơi trốn tìm người phát hiện ra “người đi trốn” chính là người chiến thắng.  

Qua những tác phẩm trên, ta nhìn thấy, mỗi tác giả đều mang trong mình những câu chuyện riêng biệt, không ai giống ai. Đó là kết quả của hành trình tìm kiếm cái phi thường đang ẩn nấp. Một tác phẩm thực thụ là một tác phẩm đẹp đẽ về hình thức và sâu sắc về mặt nội dung. Hãy coi sáng tạo văn chương là một thú vui cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Khám phá nó ở nhiều góc độ để có thể thấy được những nét đẹp đang ẩn mình.

Trần Trâm Linh
(
Trường THPT Vĩnh Viễn)

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...