Phong trào Thơ mới

15/02/2022

Phong trào Thơ mới

Dương Gia Hân

(Lớp 12A2, năm học 2021-2022, Trường THPT Vĩnh Viễn)

Trong những năm đầu thập kỉ thứ ba của thế kỉ trước xuất hiện một dòng thơ ca thuộc khuynh hướng lãng mạn. Đó là Thơ mới, được coi như một cuộc cách mạng thơ ca trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc ở thế kỉ 20. Phong trào Thơ mới đã mở ra “Một thời đại thi ca” mở đầu cho sự phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại. Hoài Thanh - Hoài Chân từng nhận định rằng “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Như vậy, phong trào Thơ mới ra đời đã khơi nguồn cảm xúc và sáng tạo của các thi sĩ Việt Nam lúc bấy giờ.

Tư tưởng chủ đạo được các nhà thơ thể hiện chính là sự sáng tạo của thơ ca để thể hiện cái “tôi” đầy trữ tình, đề cao vai trò cá nhân trong khát vọng mưu cầu hạnh phúc. Ngoài ra, thể hiện tư tưởng yêu nước thầm kín, nỗi buồn thời thế trong niềm bất lực trước hiện thực xã hội. Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Thơ mới chính là sự xuất hiện của hai giai cấp tư sản và tiểu tư sản chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp, trào lưu lãng mạn phương Tây. Chính sự đối lập của hai giai cấp này đã hình thành nên những xung đột, nếu tầng lớp tiểu tư sản giàu tinh thần dân tộc và yêu nước thì tầng lớp tư sản lại yếu hèn, bị chèn ép bởi bọn để quốc nên sớm bị phá sản và phân hoá. Mặc dù các nhà thơ không tham gia chống Pháp và theo con đường cách mạng nhưng họ đã dùng sự sáng tạo, sự đồng cảm, và tài năng của mình để xây dựng một hệ thống văn chương mang tính hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Đến với giai đoạn 1932-1935 đây là giai đoạn diễn ra cuộc đấu tranh giữa thơ cũ và thơ mới. Sau bài khởi xướng của Phan Khôi, một loạt các nhà thơ như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông liên tiếp công kích thơ Đường luật, hô hào bỏ niêm, luật, đối, điển tích, sáo ngữ. Đã có người cho rằng Lưu Trọng Lư là chủ soái trong phong trào Thơ mới. Ông sinh ra giữa buổi giao thời, đổi thay chóng mặt của “Luồng gió lạ Tây Phương” thổi vào nước ta những năm đầu thế kỉ XX. Phong trào Thơ mới dù chỉ tồn tại khoảng 10 năm nhưng đã là một bước ngoặt đánh dấu sự thành công trong lịch sử thơ ca. Nói đến đây, Lưu Trọng Lư, người ta không thể nhắc đến “Tiếng thu”, vì ở đó chứa đựng biết bao tinh tuý và cả hồn thơ của ông, lời thơ tuôn ra êm dịu chảy dài như dòng suối mơ, lắng đọng, sâu sắc:

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô?

Câu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng lại khiến người đọc trăn trở bởi chính hình ảnh “ con nai vàng “ dường như con nai ấy chính là biểu tượng của những thanh niên trí thức mải mê đi tìm lí tưởng sống nhưng vẫn loay hoay, lạc lối, ngơ ngác chẳng biết giải thoát cho mình khỏi vòng vây luẩn quẩn ấy. Họ tựa như đang đi lạc, nhưng chẳng thể nào ngừng đi, nhưng đi trong một tâm trạng chơi vơi, rơi vào một thế giới chao đảo. Thế nên, lời thơ của Lưu Trọng Lư rất mơ màng nhưng đầy sâu đọng và mang bản chất nhân văn khiến người đọc phải chiêm nghiệm. Ở giai đoạn đầu Thế Lữ cũng là một trong những nhà thơ tiểu biểu của phong trào thơ mới với bài thơ “Tiếng sáo thiên thai”:

Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,

Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.

Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,

Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn...

Tiếng sáo trong thơ Thế lữ thật trữ tình êm dịu và đầy chất thơ chất lãng mạn. Trong khung cảnh ấy người thơ thả hồn vào thiên nhiên vào cảnh vật đang độ đẹp tuyệt vời. Đọc thơ ta thấy một sự đối nghịch trong tình cảnh tác giả muốn thoát khỏi thế giới trần thục nhưng sự thật khiến tác giả đau lòng khi mà không thể thoát được nó. Qua tiếng sáo ta thấy được dù tư tưởng thế lữ đang có nỗi buồn nhưng ông đã cố thoát khỏi nỗi buồn đó để được thanh thản. Đây cũng là nỗi buồn của những người thi nhân trong thời đại này. Họ phải sống trong cái xã hội có nhiều bon chen họ muốn thoát khỏi nhưng sự thực họ không thể làm được điều đó. Qua bài thơ, Thế Lữ đã bộc lộ được tài làm thơ tuyệt đỉnh của mình. Dù cảnh đẹp cảnh thơ mộng nhưng trong lòng ông luôn mang một nỗi buồn nhưng sâu trong tâm sự sâu trong cõi lòng ông đó chính là nỗi buồn về thời thế mà con nguồi muốn chạy trốn vào cõi xa xăm. Đến với Huy Thông, một trong những kiệt tác làm nên tên tuổi của ông phải nói đến bài “Tiếng địch sông Ô” với tính bi hung của nhân vật Hạng Võ:

Sở Bá Vương ngồi yên trên mình ngựa,

Giương mắt buồn say ngắm chân trời xa.

Trong sương thu nhẹ đượm ánh dương tà

Lời than bi phẫn của Hạng Vũ, lời giục giã của nàng Ngu Cơ là nhừng nét tâm trạng đầy máu và nước mắt của những con người thời loạn đã để lại cho chúng ta bao ấn tượng và cảm xúc. Vào giai đoạn 1936-1939 đây là giai đoạn thơ mới chiếm ưu thế tuyệt đối so với thơ cũ trên nhiều bình diện, nhất là về mặt thể loại. Giai đoạn này xuất hiện nhiều tên tuổi lớn như Xuân Diệu với tập “Thơ Thơ” 1938, trong đó tiêu biểu là bài “Vội Vàng”, với niềm khao khát yêu thiên nhiên yêu cái đẹp, tác giả đã khơi gợi cho người đọc về một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc và tình yêu mà ông gửi vào đó:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi…

Xuân Diệu đã mang đến ngọn gió rạo rực thiết tha, nồng cháy khao khát yêu thương đến cho thi ca. Nhiều câu nhiều bài chịu ảnh hưởng từ thi ca lãng mạn Pháp nhưng ông vẫn hoà hợp được với những nét đẹp truyền thống của Việt Nam. Vào cuối giai đoạn xuất hiện sự phân hoá và hình thành một số khuynh hướng sáng tác khác nhau. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này được giải thích bằng sự khẳng định cái “tôi”. Cái “tôi” mang màu sắc và hơi thở của cá nhân đậm nét đã mang đến những phong cách nghệ thuật khác nhau cả về thi pháp lẫn tư duy nghệ thuật. Và khi cái “tôi”  rút đến sợi tơ cuối cùng thì cũng là lúc các nhà thơ mới đã chọn cho mình một cách giải thoát riêng. Cùng thời với Xuân Diệu có thể kể đến mốt số tên tuổi lớn như Hàn Mặc Tử nổi bật với tác phẩm “Gái quê” (1936), Chế Lan Viên “Điêu Tàn” (1937) với phong cách kì dị của Chế Lan Viên ông đã sáng tác tập thơ đầu tay mang tên “Điêu tàn” ngay từ tựa đề ta đã thấy sự khẳng định mạnh mẽ của ông. Như nhận xét của Hoài Thanh - Hoài Chân: “ Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam nửa thế kỉ XX, nó đứng sừng sững như cái tháp Chàm, chắc chắn, lẻ loi và bí mật:

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh

Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!

Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh

Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!

(Chế Lan Viên – Những sợi tơ lòng)

“Điêu tàn” là giọng thơ ảo não, đau thương rên rỉ khóc than cho một dân tộc đã bị tiêu vong và nhà thơ gào thét một nỗi chán trường uất ức trước thực tại. Chính tác giả đã từng nhận định rằng “Vạt áo của triệu nhà thơ không bóc hết vàng mà đời rơi vãi. Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang“. Vì vậy mà lời thơ của ông cũng như các nhà thơ ở thời đại ấy cũng lấy từ chất liệu của cuộc sống, hiện thực để tạo nên những vần thơ. Chính những bất công của những kiếp lầm than đã là nguồn đề tài đắt giá cho các nhà thơ tạo ra không chỉ là nghệ thuật mà ở đó còn lại là giá trị nhân đạo sâu sắc. Ở mỗi giai đoạn thơ đều mang những nét đặc trưng riêng và có những đóng góp vào sự phát triển thơ ca nước nhà. Tuy vậy, nhưng nước ngoặt mở đường cho sự thành công của thơ ca Việt Nam chính là phong trào Thơ mới. Phong trào Thơ mới nổ ra đốt cháy mọi ràng buộc định luật của thơ cũ, thay vào đó nhà thơ tập trung chủ yếu vào thể hiện cái tôi cá nhân nhưng vẫn hoà chung với cộng đồng, đồng bào dân tộc, Tổ quốc với khát vọng được tự do như những chú chim, các tác giả trong phong trào Thơ mới đã không ngần ngại bày tỏ cái tôi của bản thân và đưa thơ nước nhà vào giai đoạn sôi nổi, rạo rực nhất. Không chỉ thể hiện cái tôi cá nhân mà các nhà thơ trong thời đại thơ mới lại vô cùng yêu nước, các bài thơ đậm tính dân tộc sâu sắc, thể hiện tấm lòng của những người con trước cảnh nước mất nhà tan. Tinh thần yêu nước được bày tỏ cụ thể qua câu thơ:

“Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà “

( Huy Cận – Tràng giang)

Quê hương đất nước thân thương đã trở thành cảm hứng trong nhiều bài thơ. Thơ mới luôn ấp ủ trong đó là những khao khát độc lập và tinh thần yêu nước thiết tha.

Mặc dù, phong trào Thơ mới chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Nhưng không thể phủ nhận những đóng góp và thành tựu to lớn mà các nhà thơ đã dày công gọt dũa, trau chuốt để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mang đầy màu sắc hiện thực và nhân đạo. Bởi lẽ Tố Hữu từng nói rằng “Mỗi khi không chịu được thì lại cần thấy làm thơ”, vì vậy khi tâm hồn của các nhà thơ khi chứng kiến và bị hiện thực dày vò tâm can họ đã không cầm lòng mà dùng thơ để lên tiếng cho nỗi lòng của tác giả cũng như người dân. Khép lại một phong trào Thơ mới thành công rực rỡ tuy ngắn nhưng lại đem đến cho nền văn học nước nhà nhiều thành công vĩ đại. Đó chính là sự bùng nổ của biện pháp nghệ thuật mới mà vẫn giữ được cái đẹp của tiếng việt.

  • (Có 37 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...