Thơ ca - Nghệ thuật của ngôn từ, là ánh sáng lung linh

05/12/2023

Thơ ca - Nghệ thuật của ngôn từ, là ánh sáng lung linh

Trần Thị Như Quỳnh, Trường THPT Vĩnh Viễn

Như bông cúc nhỏ sinh ra để luôn tự hát về vùng đất mênh mông nắng gió. Như ánh mặt trời sinh ra sinh ra để thiêu đốt cái lạnh vĩnh cửu của mùa đông. Văn học sinh ra để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị dồn nén đến bước đường cùng, những con người tuyệt vọng, bị cái ác hay số phận đen dủi đẩy đến cuối chân tường. Người nghệ sĩ cầm bút như những đóm lửa phát sáng giữa màn đêm u tối, tạo ra cho thế giới vô vàn những ấm áp, hướng ta đến những điều tốt đẹp trong cái xấu xa, hướng về cái chân – thiện – mỹ trong cái xã hội xô bồ khác nghiệt, cho ra những ánh sáng, những chân lý khác nhau để đưa tinh thần người đọc về những điều tốt đẹp. Vì lẽ đó, phải chăng nhà phê bình Đặng Tiến đã từng quan niệm rằng: “Thơ hay như ngọc quý, mỗi lúc lung linh một tia sáng khác nhau” và để đưa những vệt đen trên trang giấy trắng trở nên tinh túy hơn, trở thành đỉnh cao và bọc lộ được chất riêng của nhà văn thì nghệ thuật chính là cốt lõi, vậy nên nhà thơ Xuân Diệu cũng nhận định rằng: “Thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ”

Cuộc sống cho thơ hay thơ cho cuộc sống? Cuộc sống thiếu thơ sẽ trở nên vô cùng nhàm chán, vô nghĩa, thơ thiếu cuộc sống thơ sẽ lụi tàn. Vậy nên hai thứ ấy như đang hòa quyện vào nhau, tạo cho nhau sự bù trừ để cùng tồn tại, cùng phát triển. Hiện thực đời sống là thi liệu sáng tác cho văn chương còn văn chương phản ánh hiện thực cuộc sống con người, hướng con người đến cái chân – thiện – mỹ, đem lại cảm xúc và trái tim của người đọc sự tích cực, tình bác ái trong cuộc sống xô bồ. Thơ cất lên từ biển đời và bay cao hơn nhờ nguồn gió nghệ thuật. Nhà thơ tài năng phải là người thợ lặn lành nghề lặn sâu vào dưới đáy đại dương không chỉ đi tìm những mảnh san hô tầm thường, mà để khơi tìm những hạt ngọc ẩn dấu bên trong bề sâu của con người, khơi gợi và khám phá những điều tươi đẹp và nhận định mới mẻ đến bạn đọc. Vậy nên ta nói văn học giống như ánh sáng, thứ ánh sáng có thể xuyên thấu mọi thứ, thứ ánh sáng ấy có thể giúp con người bước vào cái lều ẩm thấp, đi vào ngỏ nhỏ tù túng để kéo người ta ra khỏi bóng tối u ám, lạnh lẽo, đốt lên cho lòng người sự ấm áp, tình yêu thương.

Homeros – cha đẻ của thi ca Hy Lạp cổ đại đã từng quan niệm: “Một mũi tên và một ngòi bút có thể đâm xuyên qua trái tim của con người”. Mũi tên làm tim ta rỉ máu, còn ngòi bút để tim ta rộng mở. Mỗi tác phẩm sinh ra như đang mang trên mình những triết lý, ý nghĩa về nhân sinh, cuộc sống hay về một thực trạng nào đó, sẽ có vô vàn các tác phẩm được sinh ra trong cùng một thời đại nhưng sẽ có được bao nhiêu tác phẩm vẫn mãi luôn đọng lại và in sâu trong lòng mỗi độc giả? Sẽ có bao nhiêu áng văn có thể đương đầu được với khói bụi trần gian? ”. Chỉ khi người nghệ sĩ hòa mình vào hiện thực với những tình cảm chân thành như thế, tác phẩm của anh mới thực sự chạm đến trái tim độc giả. Rung cảm trước những kiếp người lầm than chính là phẩm chất quan trọng làm nên cái tài của người nghệ sĩ. Mọi xúc cảm đối với người cầm bút viết nên trang đều khác lạ so với người bình thường. Bất kể là yêu, ghét, buồn, vui, hận thù hay thương cảm đều đến độ mãnh liệt. Bất kể viết về cái gì, nhà văn cũng thâm nhập vào đối tượng với một con tim nóng hổi, với một tấm lòng rộng mở, biết ngạc nhiên dù là một vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống. Một khi tấm lòng nhà văn đã thờ ơ, nguội lạnh, tâm hồn khép kín trước cuộc sống thì khi ấy tài năng nghệ thuật cũng biến mất.Nghệ thuật sinh ra để vì con người, nghệ thuật vị nhân sinh, vậy nên, tác phẩm nghệ thuật nào cũng cần thể hiện sự đồng cảm với nỗi đau của con người.

Nhà phê bình Charles Dubos từng nói rằng: “Văn học đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng”, một thứ ánh sáng không chỉ đơn thuần tinh khiết giống như mặt trăng, cũng không phải chói lọi và rực rỡ như mặt trời mà nó là thứ ánh sáng vô hình từ trái tim những người nghệ sĩ trên trang giấy, từ những cảm xúc chân thật có trong từng giọt nước mắt của người cầm bút. Những” kẻ dạo chơi trên trang giấy”, họ nhìn đời, cảm đời rồi ghi đời. Họ khắc họa từng giọt mĩ miều rồi đưa vào trong trang thơ, trang văn mà cái thứ đẹp ấy bao gồm cả xù xì và hoa lệ, họ phải vui cái vui của bao người, phải đau khổ trước những bi thương của bao số phận, sung sướng với sự thăng hoa của cái đẹp và giận dữ trước những bất công oan trái. Và muốn một tác phẩm trở thành đỉnh cao, muốn thôi thúc những cảm xúc mãnh liệt ấy đến cao trào thì nhà văn phải bọc lộ được tài năng và nghệ thuật trong chất riêng của mình vì “Nghệ thuật tạo vẻ đẹp co những dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên” ( Đặng Tiến) .

Thơ có thể ví như cánh diều, cuộc đời tạo cho cánh diều là hình hài sắc vóc, còn nghệ thuật là làn gió nâng cánh diều bay bổng trên bầu trời cao rộng, nâng cảm xúc đến mức thăng hoa. Ta yêu tập thơ “ Độc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du đâu phải vì tiếc thương cho một đóa hoa “hồng nhan bạc mệnh” với số kiếp làm vợ lẻ của cánh hoa Tiểu Thanh, người Việt Nam yêu bài thơ còn vì những “ngôn từ gấm hoa” bởi sức biểu cảm vì âm hưởng ca dao dịu dàng man mác trong thể thơ thất ngôn bát cú có từ xa xưa của dân tộc và cả vì giá trị đạo đức, vì lòng yêu thương con người xuất phát từ cõi lòng của đại thi hào Nguyễn Du:

“ Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)

Việc sử dụng câu hỏi tu từ cho thấy sự băn khoăn và mong đợi của Nguyễn Du về việc liệu người đời sau có còn đồng cảm và thương xót cho số phận của mình? Ba trăm năm là con số tượng trưng cho một khoảng thời gian rất dài, ông muốn bày tỏ là giờ đây, một mình ta khóc thương nàng, coi nỗi oan của nàng như của ta. Vậy sau này liệu có còn ai mang nỗi oan của nàng như ta mà nhỏ lệ khóc ta chăng? Nguyễn Du đã hóa thân vào nhân vật Tiểu Thanh, mang theo cảm xúc của nàng ấy để thể hiện tâm trạng cô đơn của chính mình vì chưa tìm thấy người đồng cảm trong hiện tại nên đành gửi hi vọng da diết ấy vào hậu thế, mong hậu thế không chỉ khóc cho riêng Tố Như, mà còn khóc cho bao kiếp tài hoa tài tử khác. Nhà thơ đã cảm nhận được giữa mình và Tiểu Thanh có những nét đồng bệnh tương liên. Tiểu Thanh mất đi, sau ba trăm năm có Nguyễn Du thương xót cho số phận nàng. Vậy liệu sau khi qua ba trăm năm Tố Như chết, có ai nhớ tới ông mà khóc thương chăng? Câu thơ nói lên tiếng khóc dầy thương cảm, xót xa cho nhân vật Tiểu Thanh và cũng chính là nỗi xót xa cho chính mình, thương mình bơ vơ, cô độc, một mình ôm mối hận của kẻ tài hoa bạc mệnh giữa cõi đời. Mở đầu bài thơ là thương người, kết thúc bài thơ là thương thân. Tứ thơ không có gì lạc điệu bởi đến đây, Tiểu Thanh và Nguyễn Du đã hòa làm một – một số kiếp tài hoa mà đau thương trong muôn vàn số kiếp tài hoa đau thương trong xã hội phong kiến cũ.

Hay tác giả Nam Cao dã từng viết trong “ Giăng sáng” như sau: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nhận định ấy đã cho ta những suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Cuộc sống giống như một nghiên mực mà nhà văn phải chấm bút vào đấy, tức là nhà văn phải xuất phát từ hiện thực, nếu văn chương không xuất phát từ hiện thực thì chỉ là “ánh trăng lừa dối” mà thôi. Thử hỏi nếu đại thi hào Nguyễn Du, không đau đớn, không trào “nước mắt” trước phận đàn bà trong xã hội phong kiến bất công thì làm sao lại có những trang Truyện Kiều lừng lẫy? Tất cả là vì “văn chương ấyđược viết nên từ huyết lệ” (Lâm Ngữ Đường)

Nghệ thuật chân chính phải là kết tinh của tình yêu lẫn cái đẹp, là sự kết hợp giữa tâm hồn lẫn thể xác. Cái đẹp chân chính là vừa tinh tế vừa gần gũi, là sáng suốt, là thuần túy. Nghệ thuật ngôn từ không phải là những quy định cứng nhắc về sang hèn, mà nghệ thuật ngôn từ quan trọng ở tính chân thật. Phạm Văn Đồng đã nhận định rằng: “Văn học, nghệ thuật là công cụ để hiểu biết, để khám phá, để sáng tạo thực tại xã hội.” Còn gì đẹp hơn khi nhà văn viết về cuộc sống để ngợi ca con người. Văn chương là tâm hồn và cũng là cuộc sống. Hai thứ ấy dường như hòa quyện và quấn quýt vào nhau. Cuộc sống là chất liệu của văn chương còn văn chương thì làm đẹp lòng người. Nhưng để lòng người càng thêm yêu thêm đẹp thì văn chương trước hết cũng phải đẹp, phải hay. Nghĩa là nó phải yêu thương đích thực và là sản phẩm của những con người biết yêu thương. Một tác phẩm hay chưa chắc sẽ trở nên bất hủ nhưng tác phẩm với những tình cảm cao đẹp thì chắc chắn là tác phẩm có thể đương đầu với khói bụi của nhân gian. Tâm hồn con người vốn là viên ngọc thô sơ chưa được mài giũa tỉ mẫn nhưng nhờ những tư tưởng lớn mà nhà văn đem lại qua trang viết chan chứa tình cảm, hồn người sẽ khai phá và rộng mở hơn việc được chữa lành thông qua sự đồng cảm, thấu hiểu giữa người với

Thơ hay mãi mãi là nghệ thuật của ngôn từ, là ánh sáng lung linh soi rọi tâm hồn người đọc những cảm xúc thẩm mỹ cao đẹp.

Trần Thị Như Quỳnh

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...