"Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim" (Đuy - Be – lay), là hành trình "Đi từ trái tim để đến với trái tim"

15/02/2023

“Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim" (Đuy - Be – lay), là hành trình "Đi từ trái tim để đến với trái tim" (Ple – Kha - Nốp)

Lâm Hải Đăng Khoa

(Lớp 12 A2, năm học 2022 – 2023, Trường THPT Vĩnh Viễn)

Thơ ca là quá trình con người chuyển biến những tâm tư tình cảm của mình vào trong từng nét chữ. Khi thơ ca chính là hiện thực, mà cũng từ hiện thực đời sống con người ta mới có những rung cảm trước trăm ngàn thế sự của cuộc đời, thì khi đó, những tác phẩm văn chương sẽ là những trang kí đầy xúc cảm mà nhà thi sĩ tỏ bày dưới ngòi bút của chính mình. Giống như nhận định của Đuy - Be - lay về thơ ca: "Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim". Thật không ngoa với nhận định trên của Đuy – Be - lay khi thơ ca, văn học chính là cuộc sống. Mà đã là cuộc sống thì nó song hành với trái tim con người và những xúc cảm của mỗi cá nhân. Vì lẽ thế, nên thơ ca mới chính là nơi mà biết bao thi nhân mượn nét chữ, góp lên trang viết mà gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình.

Thơ là kết quả của những trái tim giàu cảm xúc, nó mang trong mình tính chất trữ tình đầy lãng mạn. Mà qua ngòi bút nhà thơ, nhà thi sĩ đã biến nó trở thành một nhà thư ký trung thành tuyệt vời, để nó tỉ mỉ ghi chép lại những tâm tình của nhà văn, hoá phép nâng những tâm tình đó biến nó trở nên có giá trị và lan tỏa những giá trị ấy đến khắp mọi ngõ ngách của thế gian. Nên ta mới có thể thấy được, mối quan hệ giữa người đọc, tác giả và tác phẩm muốn bền chặt và khăng khít, con đường ngắn nhất chính là: "Đi từ trái tim để đến với trái tim" (Ple-Kha-Nốp). Nên trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân đã có một nhận định rất sâu sắc khi nói về thơ ca: "Mỗi bài thơ là cánh cửa cho tôi đi vào một tâm hồn... Cho nên đọc thơ hay tôi triền miên trong đó. Tôi ngâm đi ngâm lại hoài, cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người."

Mỗi nhà thơ, trước sự rung cảm với cuộc sống đã mượn rất nhiều hình ảnh khác nhau để tỏ bày những tâm tư của mình. Và thơ văn chính là người thư ký trung thành cẩn thận ghi chép lại những tâm tư ấy, biến hoá nét chữ trên trang giấy vàng nâu ấy trở nên có hồn, tình cảm hơn. Những yếu tố đó đã kiến tạo nên các tác phẩm văn chương kiệt xuất mang lại giá trị nhân văn và nhân bản qua sức đồng cảm mãnh liệt của con người. Dù cho hồn thơ của mỗi thi sĩ là những rung động khác nhau, đối tượng cũng chẳng giống nhau, nhưng cùng chung một đích đến là hướng bạn đọc đến những giá trị duy mĩ, làm đẹp con người và tất thảy tất cả những giá trị cao đẹp ấy đều được khởi nguồn từ một trái tim đầy xúc cảm. Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng đã từng mượn "Sóng" để bộc bạch, giải toả tình cảm của người phụ nữ trẻ đang yêu qua trang viết:

"Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ."

(Sóng - Xuân Quỳnh)

Có lẽ khi đứng trước trăm ngàn con sóng kia, nữ thi sĩ đã bắt đầu có những rung cảm, đầy suy tư, khao khát về một tình yêu nồng nhiệt cho một thời tuổi trẻ. Cái tôi trữ tình của Xuân Quỳnh hoà vào sóng thành một, để mượn hình tượng sóng để tỏ bày tình cảm của mình, một trái tim đang yêu, đang hồi lên từng nhịp.

Dù thể hiện những khao khát đầy tính cá nhân ấy, nhưng qua bài thơ "Sóng", qua hình tượng con sóng biển ồ ạt, dịu êm kia, Xuân Quỳnh đã thành công khi biến thế giới chủ quan của mình sang thế giới khách quan, hướng con người ta đến cái chung, cái đồng cảm của bạn đọc dưới ngòi bút tài hoa của mình. Những trái tim ấy của bạn đọc sẽ còn thổn thức mãi trước những áng văn thơ về tình yêu của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.

Không chỉ là những rung cảm từ trái tim của những con người đang yêu, mà còn là trái tim của một lòng yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên, yêu con người qua bốn câu thơ của vị Hồ Chủ Tịch:

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng."

(Chiều tối - Hồ Chí Minh)

Những xúc cảm từ một trái tim yêu con người, yêu quê hương đất nước trước khung cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ, con người Việt Nam lao động cần cù, đã khiến cho người đọc ngày càng được tiếp thêm ngọn lửa yêu thương quê hương Tổ quốc mình được rực cháy hơn nữa. Khi Bác đã mượn văn thơ để làm thú vui trên đường chuyển lao của mình. Có thể thấy, thơ ca đồng hành và là người bạn xuyên suốt trong quá trình tìm tòi, khám phá, và chinh phục cuộc sống của mỗi chúng ta, nên Bác đã mượn thơ, ý tại ngôn ngoại, mà lại khiến biết bao trái tim đắm say trước những vần thơ của mình.

Thơ không chỉ là những ghi chép đơn điệu như cổ máy in đánh chữ, mà còn là một thư ký trung thành giàu tình cảm, thông minh, khi đồng hành xuyên suốt quá trình từ khi nền văn học được đặt lên những viên gạch đầu tiên. Nên thơ mang trong nó một bề dày lịch sử, ghi chép lại những cột mốc, sự kiện nổi bật. Từ đó người "thư ký" mới chuyển hoá nó, kết hợp với nhịp đập của thi nhân mà tạo thành những giá trị tốt đẹp, mạnh mẽ và quãng đại.

Trần Tế Xương qua thi phẩm "Sông lấp". Đứng trước cảnh nhà tan cửa mất của đất nước trước giặc ngoại xâm. Trần Tế Xương đã ngậm ngùi, chua xót trước hình ảnh thế sự để tâm sự nỗi niềm tràn lên đầu ngọn bút, ghi lại những biến thiên của cuộc đời:

"Sông kia rầy đã lên đồng

Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngôi khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò."

(Sông lấp - Trần Tế Xương)

Có lẽ trái tim của tác giả đang vụn vỡ ra khi chứng kiến giặc Pháp lần lượt thôn tính nước ta. Nỗi đau thân phận của người dân mất thành tiếng vọng, thành mối u hoài về quá khứ , làm trái tim ông thổn thức trong tang thương dâu bể cuộc đời. Với những tình cảm đó, "Sông lấp" đã chạm đến trái tim bạn đọc về lòng yêu quê hương, yêu con người nơi đó, xót xa và căm phẫn trước cái tàn ác của quân thù địch. Bài thơ đã phơi bày về nỗi đau mất nước và những cảnh nhố nhăng, lố bịch của xã hội đương thời để qua đó trải lòng trước thế sự, giáo dục thầm kín tình yêu quê hương đất nước.

Qua đó có thể thấy, hành trình đồng hành của thơ ca đối với con người là vô tận. Nói như Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam: ‘… thơ vẫn mãi là sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa những buồn vui của loài người cà nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế…”.

Nhưng những sự ghi chép và sự đồng cảm mãnh liệt của nó vẫn mãi để lại dấu ấn sâu sắc và giá trị trong lòng người đọc. Mỗi bài thơ, mỗi hồn thơ đều có riêng cho mình một đối tượng của nó nhưng vô hình chung, những tình cảm ấy sẽ rung cảm cảm xúc của loài người. Đi từ trái tim đến trái tim, hướng con người đến những giá trị duy mĩ và từ sự đồng hành đó, con người có thể dễ dàng cảm thông, thấu hiểu cho những số phận, cuộc sống của nhau. Để cùng xây dựng một xã hội mang đầy những giá trị tốt đẹp. Các tác phẩm văn chương được bắt nguồn từ trái tim sẽ là một dòng chảy xuyên suốt, vô hình đến với hàng vạn trái tim và sẽ không kết thúc ở đích đến cuối cùng. Những giá trị rung cảm thật sự từ một trái tim sẽ nằm ngoại sự băng hoại của thời gian và sống mãi trong lòng người đọc. Như nhà văn Ai-ma-tốp đã từng nói: "Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối."

Lâm Hải Đăng Khoa

  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...