Tôi Lớn Lên Cùng Sách

11/12/2019

toi-lon-len-cung-sach

            Sách là một kho tàng vô giá đối với con người. Với tôi cũng thế. Tôi yêu sách từ khi tôi còn là một cô bé học ở trường mầm non Hương Sen. Tôi đến với sách qua những cuốn truyện tranh mà cha đọc cho tôi nghe mỗi đêm trước khi ngủ. Nhưng có những khi cha mệt nên không đọc cho tôi nghe được. Tôi ấm ức và nghĩ: “Giá như mình biết đọc thì mình sẽ không cần phải chờ cha hằng đêm nữa.” Với suy nghĩ đó, một cô bé năm tuổi như tôi liền xin mẹ cho đi học chữ. Đầu tiên tôi học thuộc hai mươi bốn chữ cái rồi học ghép vần.

            Từ khi biết chữ tôi bắt đầu mày mò đọc sách. Những cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc đó là truyện tranh Bu Bu. Bu Bu là một loại truyện tranh giáo dục dành cho trẻ mầm non như tôi. Không biết tự bao giờ mà đêm nào tôi cũng phải tự đọc một cuốn Bu Bu thì tôi mới chịu đi ngủ. Có khi thì là “Bu Bu về quê”, hay “Bu Bu đi chợ tết” lại có khi là “Bu Bu thương em”… Tôi mãi mê đọc, chữ nào không thể đánh vần thì tôi hỏi cha mẹ. Bu Bu đã cuốn lấy tôi bởi Bu Bu không chỉ là những quyển truyện tranh với các hình ảnh nhiều màu sắc mà nó còn ít chữ và chữ to, dễ đọc nữa chứ. Mỗi câu chuyện của Bu Bu là một bài học cho tôi. Ngày qua ngày, không chỉ Bu Bu mà tôi còn đọc được cả truyện Thần Đồng Đất Việt. Đôi khi còn là những mẫu truyện về Bác Hồ…

            Đến khi bước chân vào ngôi trường Tiểu học Đông Ba, thế giới sách mà tôi khao khát lại ở ngay thư viện của trường. Ôi cả một thế giới sách đầy sắc màu đang hiện ra trước mắt tôi. Và thế là giờ ra chơi nào tôi cũng vào thư viện để nghiền ngẫm và thậm chí gặm nhấm từng quyển sách hay quyển truyện mà tôi yêu thích. Đến năm lớp ba, tôi bắt đầu đọc những quyển sách về văn học Việt Nam và những quyển truyện ngắn, truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, Hà Đình Ân…. Cũng từ đó niềm đam mê với môn văn của tôi bắt đầu trỗi dậy. Vì là sách mượn nên tôi phải đem theo cuốn sổ tay để viết lại những câu văn hay, mới mẻ để làm tư liệu cho môn tập làm văn.

            Việc đọc sách đã theo tôi đến tận bây giờ. Nhưng thời gian đọc sách của tôi đã bị thu hẹp từ khi vào học lớp 6. Vì bận học nhiều nên tôi đã lên kế hoạch đọc sách cho hợp lí để ngày nào cũng có thể đọc sách mà không ảnh hưởng đến việc học. Nghĩ là làm, tôi bắt đầu thực hiện. Những ngày đi học, từ trường về, tôi tranh thủ thư giãn cùng những quyển truyện hình như Đôrêamon, Thần đồng đất Việt, Conan thám tử lừng danh… từ mười lăm đến hai mươi phút. Sau đó tôi đi tắm rửa, phụ giúp cha mẹ làm việc nhà, chuẩn bị cơm tối. Ăn cơm xong tôi bắt đầu với những tác phẩm văn học muôn màu muôn vẻ trong khoảng thời gian từ ba mươi phút đến một tiếng, rồi tôi mới bắt đầu học bài cho hôm sau. Trước khi đi ngủ, tôi đọc vài trang sách mỏng để thư giãn và kích thích cho mắt có cảm giác buồn ngủ rồi tôi mới đi ngủ. Những ngày nghỉ, tôi tranh thủ đọc nhiều hơn để có thêm thật nhiều kiến thức chuẩn bị cho một tuần học bổ ích. Đôi khi tôi mê đọc sách đến tận gần một giờ sáng. Thấy đèn chưa tắt, mẹ kiểm tra liền la tôi và dọa sẽ không cho đọc sách trong một tuần. Thiếu vật dụng gì chứ thiếu sách là tôi không thể chịu nổi bèn nghe lời mẹ dẹp sách đi ngủ.

            Tôi đã đọc rất nhiều sách hay và những tác phẩm văn học nổi tiếng dành cho thiếu nhi như “Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi”, “Búp sen xanh”, “Những cuộc phiêu lưu của Ỉn Hồng”, “Dế Mèn phiêu lưu kí”... Tôi học được rất nhiều điều thú vị từ những quyển sách này. Đặc biệt là với môn văn, môn học mà tôi yêu thích. Những chỗ nào hay, tôi sẽ đánh dấu lại bằng cách dùng tờ giấy đánh dấu trang sách dán vào, có khi tôi dùng bút chì hoặc bút dạ làm dấu những đoạn văn hay. Đó là những đoạn văn hay tả người, đôi khi là tả cảnh, còn tả cả động thực vật nữa chứ. Từ đó, tôi xem sách là niềm đam mê của mình. Sách cũng như bạn, như thầy cô. Sách đưa tôi đến với biết bao nhiêu điều kì thú. Mỗi quyển sách lại là một chuyến phiêu lưu mới và mở ra thêm những kiến thức mới. Bên cạnh những tác phẩm văn học Việt Nam những quyển sách nuôi dưỡng tâm hồn như “Gieo hạt từ tâm”, “Hạt giống tâm hồn khi bạn mất niềm tin”, “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ”… đã lôi cuốn tôi khám phá say sưa. Tôi còn có một quyển sách rất hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đó là cuốn “Đường xưa mây trắng” có những 721 trang. Do sách quá nhiều trang nên tôi chỉ mới đọc được một phần. Trong năm nay, tôi sẽ cố gắng đọc hết cuốn sách ấy. Ngoài ra, tôi còn đọc thêm những quyển truyện song ngữ “The Growing Mushroom”, “My Own Picture”… Nhờ đó mà vốn từ tiếng Anh của tôi ngày càng được nhân rộng thêm. Từ đầu năm học đến giờ tôi đã đọc được tập cuối cùng của “Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi”; hơn 20 quyển truyện tranh Đôraêmon, Shin-cậu bé bút chì, Thần đồng đất Việt, Conan thám tử lừng danh, Êđixơn; báo Khăn quàng đỏ vào thứ ba hàng tuần. Khoảng thời gian còn lại trong năm học tôi sẽ đọc thêm một số tác phẩm văn học Việt Nam như: Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Tôi là Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh để đào sâu thêm về phần từ ngữ lẫn ngữ pháp. Văn học nước ngoài với cuốn Những mẫu chuyện cổ tích về mẹ của Sergey Sedov - một nhà văn Nga. Một vài cuốn truyện tranh ngộ nghĩnh để thư giãn khi học tập căng thẳng. Và sẽ đọc hết phần còn lại của “Đường xưa mây trắng”. Đặc biệt tôi sẽ đọc xong cuốn “500 dữ kiện khoa học về động vật ăn thịt” mà cha vừa tặng cho tôi nhân ngày sinh nhật vừa qua. Và tôi sẽ không quên đánh dấu những đoạn văn, câu thơ hay trong sách bằng bút dạ, bút chì, giấy đánh dấu sách.

            Ngoài ra, tôi còn nghĩ ra cách để lan rộng tinh thần yêu sách, đưa lớp tôi đến gần hơn với sách qua tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Trong tiết này, tôi sẽ xin giáo viên chủ nhiệm từ mười lăm đến hai mươi phút để mời một bạn lên giới thiệu với lớp về quyển sách mà bạn ấy tâm đắc nhất để các bạn có thể tìm mua hoặc đọc. Nếu bạn giới thiệu hay và cuốn hút thì tôi sẽ xin cô tặng bạn ấy một phần quà nho nhỏ. Tôi tin đó sẽ là một cách để đưa các bạn đến gần với sách và hiểu được những lợi ích mà sách mang đến cho chúng ta.

            Sách quả là những người bạn không thể thiếu trong cuộc sống xã hội ngày nay. Vì thế chúng ta cần phải tuyên truyền văn hóa đọc và nhắc nhở nhau chăm đọc sách để đất nước ta luôn có những công dân tốt xây dựng cho đất nước ngày càng tươi đẹp hơn, giàu mạnh hơn các bạn nhé!

 Lê Nguyên Ân

(Giải Khuyến Khích cấp Thành Phố cuộc thi “Lớn lên cùng sách” Lần 1)

  • (Có 44 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...