Trải qua một cuộc bể dâu...

10/12/2021

 “Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trong thấy mà đau đớn lòng.

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Trần Trâm Linh

Học sinh lớp 12A2 năm học 2021-2022, Trường THPT Vĩnh Viễn

Chắc có lẽ trong chúng ta ai cũng đã từng nghe qua hoặc đọc được vài câu trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Để có thể viết lên một tuyệt tác vượt mọi thời đại như vậy, Tố Như đã phải trải qua một cuộc đời đầy thăng trầm, biến động. Nguyễn Du tuy xuất thân từ một gia đình đại quyền quý, song những cuồng phong xã hội lúc bấy giờ đã vô tình khiến ông rơi vào vòng xoáy của gió bụi cuộc đời, phải sống trôi nổi, lưu lạc suốt mười hai năm. Để rồi sau những bãi bể nương dâu, thơ văn của ông mãi bừng sáng và đời đời nổi tiếng với tấm lòng nhân đạo và bức tranh hiện thực xã hội ấy đã được tái hiện dưới ngòi bút thiên tài:

“Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Bắt nguồn từ câu chữ Hán “Thương hải biến vi tang điền”, biển xanh hóa thành ruộng dâu, ngụ ý về sự biến chuyển to lớn trong cuộc đời và trong xã hội. Vạn sự vạn vật đều trải qua quá trình Thành-Trụ-Hoại-Diệt và Sinh-Lão-Bệnh-Tử được xem là quy luật cuộc đời. Một đời người rồi cũng sẽ trôi qua như cái chớp mắt, thật quá ư là ngắn ngủi. Phải chăng nhìn cuộc sống trôi qua quá đỗi nhanh chóng, nỗi khốn khổ của người dân cùng với sự loạn lạc, tàn khốc lúc bấy giờ đã chạm tới trái tim của thi nhân. Những việc hiện ra trước mắt lại khiến những trái tim nhân hậu đau đớn biết nhường nào. Ta nhìn thấy những nỗi thông sâu sắc trước những phận đời trong cơn ly loạn, trong nghịch cảnh, trong những bất công oan trái của xã hội chà đạp lên ước mơ hạnh phúc, lên khát vọng sống của con người. Nguyễn Dữ, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du và còn biết bao thi nhân đã cảm hoài trước cảnh bể dâu cuộc đời mà “đau đớn lòng”’ để ngòi bút cất lên phản ánh hiện thực xã hội bất nhân, đồng thời thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu với những cảnh bất bình của cái xã hội phong kiến để nêu cao quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc con người, ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nói: “Sự thực trên từng dòng, từng trang thấy cả cuộc đời của người cầm bút từ khi còn tấm bé được huy động. Toàn bộ cuộc đời anh đều in dấu trên trang sách”. Cuộc sống bao giờ cùng là mãnh đất màu mỡ để người nghệ sĩ nuôi dưỡng nên hồn thơ. Thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung bao giờ cũng đi ra từ cuộc đời lớn dần lên bằng tâm hồn và rồi cất cánh bay cao. Hiện thực cuộc sống và giá trị nhân đạo bao giờ cũng là phương tiện đưa một tác phẩm lên đến đỉnh cao nghệ thuật.

Đọc “Truyện kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, ta nhìn thấy sự đan xen pha trộn giữa yếu tố hiện thực và yếu tố hoang đường, kỳ ảo và đó được xem là nét đặc biệt của những câu chuyện trong tác phẩm. Lột bỏ chiếc áo kỳ ảo, bộ mặt cốt lõi của hiện thực sẽ được phơi bày, phủi đi lớp bụi thời gian một xã hội đương thời sẽ hiện ra ngay trước mắt. Cảnh binh lửa rối ren gây bao khổ đau cho nhân dân, gia đình ly tán, nhân tài bị tàn phá “phục dịch nhọc nhằn, anh nghỉ em đi, chồng về thì vợ đổi, ai nấy đều vai sưng, tay rách rất là khổ sở” (Chuyện Lý tướng quân). Vua nhiều dục vọng, quan hung tợn, tham lam, hiếu sắc thâm độc (Chuyện đối đáp của người tiều phu núi Na, chuyện nàng Túy Tiêu…). Không những thế Nguyễn Dữ còn lên tiếng phản ánh về số phần đầy bất hạnh, khổ đau của con người, đặc biệt là số phận người phụ nữ. trong hai mươi truyện thì có mười một truyện viết về người phụ nữ trong đó tám truyện người phụ nữ là nhân vật chính. Như Vũ Thị Thiết (Chuyện người con gái Nam Xương), Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ Khoái Châu)… Tất cả những người phụ nữ trong tác phẩm của Nguyễn Dữ đều rơi vào những bi kịch thê thảm. Nguyễn Dữ một nhà nhân đạo chủ nghĩa, ông phản ánh điều đó thông qua các hình tượng nhân vật của mình. Bức tranh hiện thực được vẽ nên, bao trùm lên tất cả những vấn đề là một mơ ước về một xã hội, công bằng, lý tưởng, khát vọng hạnh phúc của con người, của nhà văn nói riêng và nhân dân lao động nói chung.

Ta tiếp tục dừng tay trên ngòi bút của Đặng Trần Côn qua đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi cuả người chinh phụ” (Chinh Phụ ngâm), ở đây ta dễ dàng nhìn thấy tấm lòng đồng cảm, xót thương của tác giả dành cho nhân vật trữ tình

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen

Ngoài rèm thước chẳng mách tin

Trong rèm dường đã có đen biết chăng?”

(bản dịch Đoàn Thị Điểm)

Các cuộc chiến tranh giành quyền lực của các tập đoàn phong kiến đã gieo biết bao đau thương, tang tóc. Khát vọng về hạnh phúc là điều mà mọi người đều thiết tha ước vọng. Người chinh phụ trong tác phẩm phải chấp nhận cảnh xa chồng khi người chồng đi vào cuộc chiến tìm ấn phong hầu. Nỗi cô đơn, buồn tẻ tái lan rộng ra cả không gian và thời gian. Người phụ nữ ấy chỉ có một mong muốn nhỏ nhoi, chỉ muốn được sống êm đềm hạnh phúc bên người chồng thân thương nhưng cớ làm sao lại rơi vào cảnh “sinh ly tử biệt” đằng đẵng chờ đợi không biết đến ngày nào gặp lại. Đặng Trần Côn qua “Chinh phụ ngâm” đã cất lên tiếng nói thay mặt bao người và đặc biệt là những người phụ nữ có số phận như nàng. Qua đó, cảm thông sâu sắc trước tình cảnh éo le, trái tim nhân đạo của nhà thơ nhằm thể hiện khát vọng về một hạnh phúc gia đình. Phải chăng “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng máu nóng của mình cho nhân loại”. (Lev Tolstoy)

Nói đến đây ta không thể nào không nhắc đến tác phẩm “Cung oan ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều. Tác phẩm nói về tâm trạng, nỗi lòng và niềm đau của người cung nữ:

Trải vách quế gió vàng hiu hắt

Mãnh vũ y lạnh ngắt như đồng

Oán chi những khách tiêu phòng

Mà xui phận bạc nằm trong má đào

Nguyễn Gia Thiều xuất thân từ một gia đình đại quyền quý, cháu ngoại Chúa Trịnh. Điều đó đã khiến ông nhìn thấy rõ cuộc sống nơi kinh thành. Trong cung quế, người cung nữ sống thui thủi một mình đơn côi, buồn chán. Chế độ phi tần tàn ác đó đã tước đi quyền được sống, được hạnh phúc của bao thiếu nữ đẹp trong chốn cấm cung. Nguyễn Gia Thiều một nhà thơ có trái tim ấm áp, đã thấu hiểu nỗi lòng của người cung nữ, ông đã nhằm gián tiếp lên án chế độ phong kiến tàn ác về nỗi khát vọng một lần được yêu thương của người phụ nữ trong chốn hậu cung.

Nói về bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến sẽ là một thiếu sót to lớn nếu ta bỏ qua nhân vật Thúy Kiều (Truyện Kiều). Số phận của người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh bị xã hội vùi dập, chà đạp lên thân thể, danh dự và ngay cả nhân phẩm. Lúc bấy giờ, đồng tiền được xem là thứ vũ khí lợi hại nhất, nó ngự trên tất cả, điều đó đã thể hiện rõ khi gia đình Kiều bị mắc oan, buộc nàng phải bán mình chuộc cha, cứu em.

“Tính bài lót đó luồn đây

Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”

Đúng là “trải qua một cuộc bể dâu”, một gia đình trung lưu lương thiện trong phút chốc phải ra ly tán vì vì thằng bán tơ vu oan, rồi bọn quan lại, bọn sai nha thừa cơ vơ vét đã đẩy đưa Kiều trần luân trong gió bụi cuộc đời. Ba trăm lạng một số tiền không phải nhỏ với gia đình Kiều. Với tình yêu, lời thề chỉ mất đi kho biển cạn núi mòn (thệ hải minh sơn), nhưng chuyện làm con phải làm tròn chữ hiếu đền đáp công ơn sinh thành cuối cùng điều đó đã đẩy Kiều vào kế sách

Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha

Thật đau đớn và xót xa! Người ta ngang nhiên sử dụng đồng tiền như một thứ vũ khí dồn Kiều vào cái bẫy khốn cùng, khiến nàng như một món hàng dễ dàng mua bán. Cuộc trao đổi người diễn ra “cò kè bớt một thêm hai”, nhân phẩm con người bị chà đạp. Mã Giám sinh nghe lời Tú Bà đã cùng nhau dùng tiền “đi dạo lấy người, đem về rước khách kiếm lời mà ăn”. Ở “Truyện Kiều” ta nhìn thấy được bộ mặt tàn ác của xã hội phong kiến đối với người phụ nữ. Một người con gái tài sắc vẹn toàn, hiếu nghĩa đủ đường lại bị xem như một món hàng vô tri vô giác. Ma lực của đồng tiền quả thật là quá đáng sợ! Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Du tiếp tục miêu tả kiếp đời bi thảm của nàng. Tuy ngắn gọn nhưng khiến người đọc không thể nào ngừng suy nghĩ, xót xa cho thân phận má đào:

“Hết nạn nọ đến nạn kia

Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”

Cuộc đời Kiều phải chăng là một vòng luẩn quẩn của chuỗi ngày bất hạnh, khổ sở. Khi hai lần ở thanh lâu, hai lần phải làm con đòi đứa ở. Kiều làm kĩ nữ chốn lầu xanh hai lần, một lần ở Lâm Truy, một lần ở Châu Thai. Rồi lại làm con đòi đứa ở hai lần, một lần ở nhà Hoạn Thư, một lần ở nhà mẹ Hoạn Thư. Viết về Kiều dù cuộc đời lưu lạc đầy đắng cay, tủi nhục nhưng Nguyễn Du đã khéo léo không gợi cho người đọc về một nàng kĩ nữ đáng khinh miệt mà ở đây ta nhìn thấy một nàng Kiều vừa đáng thương lại vừa đáng quý. Tất cả những nét đẹp của người con gái ấy được tổng hòa dưới ngòi bút tài hoa Nguyễn Du. Chính tấm lòng bao la nhân hậu của tác giả, đã làm rung động biết bao con tim, đó là sự thành công của việc truyền tải thông điệp từ tâm hồn này đến tâm hồn khác, từ trái tim chạm tới trái tim. Quả không sai khi nói Nguyễn Du là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ.

Mười lăm năm lưu lạc đầy đắng cay, tủi nhục. Có lẽ Nguyễn Du là người thấu hiểu và đồng cảm nhiều nhất với số phận người con gái “hồng nhan bạc mệnh” để rồi viết lên câu thơ thấm đẫm cay đắng.

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Đau đớn và bạc mệnh là hình ảnh ta dễ dàng nhìn thấy trong thân phận người phụ nữ thời phong kiến. Nguyễn Du đã nhằm lên án một sự thật đau lòng. Đó là tiếng khóc nấc của phận nữ yếu mềm trong cái xã hội “trọng nam khinh nữ”. Truyện Kiều” đã đạt đến đỉnh cao của giá trị nhân đạo và cũng là bức tranh tái hiện cuộc sống lúc bấy giờ. Nhà phê bình văn học nổi tiếng ở thế kỉ XIX - Mộng Liên Đường chủ nhân đã từng nhận xét Nguyễn Du là người “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” quả không sai. Một Nguyễn Du với trái tim ấm áp, cảm thông sâu sắc trước những mảnh đời bất hạnh điều đó đã giúp ông tạo nên một tác phẩm bất tử với thời gian.

Văn học thực chất là cuộc đời, văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới văn học” (Tố Hữu). Thật vậy, một tác phẩm sẽ trở nên vô nghĩa nếu mất đi chất liệu hiện thực và nó cũng sẽ trở nên thiếu giá trị nếu mất đi tính nhân đạo. Văn học đưa ta qua từng cung bậc của cảm xúc, nó phản ảnh những góc khuất của đời sống để con người có nhìn toàn diện hơn về cuộc đời…

“Vạt áo của nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà cuộc đời rơi vãi

Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp lên trang”

(Chế Lan Viên)

Trải qua bao giông tố của thời gian, vẻ đẹp cuả văn học ngày càng phát triển và hoàn thiện. Song, sức mạnh của một tác phẩm thực thụ là những trang thơ, trang văn bắt nguồn từ gió bụi cuộc đời được tô điểm bằng chất màu trái tim trong tâm hồn người nghệ sĩ. Kết hợp những yếu tố trên sẽ cho ra một tuyệt tác vĩ đại khiến người đọc khi gấp trang sách lại nhưng vẫn mãi suy nghĩ về nó.

Trần Trâm Linh

Học sinh lớp 12A2 năm học 2021-2022, Trường THPT Vĩnh Viễn

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...