Từ “Ta muốn hồn trào trên đầu ngọn bút” đến “Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi…”, những quan niệm sáng tác thơ ca Việt Nam

26/11/2021

Từ “Ta muốn hồn trào trên đầu ngọn bút” đến “Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi…”, những quan niệm sáng tác thơ ca Việt Nam.

Phạm Trọng Long Vũ

(học sinh lớp 12A2, THPT Vĩnh Viễn, năm học 2021-2022)

“ Thơ ca, nếu không có người, tôi đã mồ côi ” (Raxun Gamzatop)

Thơ ca đã ra đời và song hành với nhân loại, như một phương tiện đắc lực và đầy xúc cảm, giúp con người bày tỏ nỗi niềm và đi sâu khám phá thế giới nội tâm sâu kín và bí ẩn. Trong bài thơ “Rướm máu”, Hàn Mặc Tử có viết:

“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta”.

Bên cạnh đó, Chế Lan Viên cũng chia sẻ:

“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi

Còn một nửa cho mùa thu làm lấy”

(Sổ tay thơ).

Hai quan niệm của hai nhà thơ đã bổ sung vào lý luận sáng tác những giá trị đích thực của thơ ca.

Hàn Mặc Tử là một trong những cây bút nổi bật của dòng thơ lãng mạn Việt Nam và là người tiêu biểu cho giới thanh niên trí thức đầu thế kỷ XX, sống hết mình, cháy hết mình với những gì mình yêu. Ông đã làm thơ bằng cuộc sống thực, đau đớn, bi thương, bệnh hoạn, khốn cùng. Mỗi lời thơ, mỗi câu từ của ông đều là máu, là xương thịt được xắt ra. Ông đã biến nỗi đau của đời mình thành khao khát được sống, được yêu, được sáng tạo đến vô cùng. Thơ Hàn Mặc Tử là máu thịt, là niềm đau thân xác để thôi thúc hồn thơ và là cảm nhận thực tại. Nỗi đau tận cùng và tình thơ mạnh mẽ đã tạo nên một Hàn Mặc Tử trong lòng người yêu thơ Việt Nam:

“Ta ném mình đi theo gió trăng

Lòng ta tản khắp bốn phương trời

Cửu trùng là chốn xa xôi lạ

Chim én làm sao bay đến nơi? “

(Hàn Mặc Tử - Ghen)

Đúng như nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét, đó là “một nguồn thơ rào rạt và lạnh lùng”.

Với Chế Lan Viên, con đường thơ của ông “ trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ” , thậm chí có một thời gian dài im lặng. Đó là những cảm xúc của dấu vết “Điêu tàn” (trước 1945), là niềm tin cuộc sống mới “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” và là chất liệu hiện thực xây hồn thơ. Phong cách thơ Chế Lan Viên rất rõ nét và độc đáo. Thơ ông là sức mạnh trí tuệ được biểu hiện trong khuynh hướng suy tưởng – triết lý. Chất suy dưỡng triết lý mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh và tài hoa. Khai thác triệt để các tương quan đối lập và nổi bật nhất là năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, độc đáo nhiều ý nghĩa biểu tượng :

“Tây bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc?

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.”

(Chế Lan Viên – Tiếng hát con tàu)

“Thơ ca là tri thức đầu tiên và cuối cùng – nó bất diệt như trái tim con người” (William Wordswarth). Thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, là tiếng nói của tình cảm con người và là sáng tạo đặc biệt của loài người. Nó là những sợi tơ rút ra từ cuộc sống và quay trở lại trang điểm cho cuộc sống bằng vẻ đẹp muôn màu của nó. Tố Hữu từng nói:”Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã thật tràn đầy”, khi những cảm xúc mãnh liệt đè nặng trái tim nhà thơ không thể nói thành lời, thì khi ấy thơ lại là nơi để giãi bày. Những vần thơ viết ra từ chính sự xúc động trong tâm hồn của nhà thơ trước cuộc đời là những vần thơ có giá trị hơn bao giờ hết.

Mỗi bài thơ là một định nghĩa về thơ. Mỗi người đọc tinh hoa là một con đường đến với thơ. “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi cảm” (Lưu Trọng Lưu). Thơ ca lại dùng ngôn từ để nói lên cảm xúc, bộc bạch nỗi lòng và gửi gắm những ước mơ, nguyện vọng. Thế nhưng, ngôn ngữ trong thơ lại có hạn, không cho phép người nghệ sĩ kể lể dài dòng hay phí phạm câu chữ mà họ phải mài giũa ngòi bút cho thật sắc, thật tinh để viết nên những ngôn ngữ cô đọng, hàm súc nhưng đa nghĩa, giàu tính biểu cảm và hình tượng. Lưu Trọng Lư cũng từng viết: “Thơ sở dĩ là thơ bởi vì nó súc tích, gọn gàng, lời ít mà ý nhiều”. Sáng tác thơ cũng như làm thí nghiệm hóa học, mỗi chữ viết ra không được thừa, cũng không được thiếu, khi ấy ta mới thu được hạt muối kết tinh của nghệ thuật. Hay nói như nhà thơ Nga Maiacopxki: “Quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca cũng giống như người lọc quặng radium, lọc lấy tinh chất, tìm ra trong những cái bộn bề của những tấn quặng từ đẹp, ánh sáng kim cương”. Ngôn ngữ là những tinh hoa quý giá nhất của một người làm thơ, đó là nơi họ nhắn nhủ những tâm tình, trao gửi bao ước mơ, hoài bão. Thế thì đó càng không thể là thứ câu chữ tầm thường, vặt vãnh được.

Không ai muốn đọc một tác phẩm mà ở đó, ta không tìm thấy sự đồng điệu và chia sẻ hay quá xa lạ, như Chế Lan Viên cũng cho rằng:”Đừng làm những câu thơ đi tìm kiếm sao Kim; Thứ vàng ấy loài người chưa biết đến”. Tài năng và tâm hồn nhà thơ là một yếu tố hết sức quan trọng nhưng công việc của nhà thơ không phải chỉ dừng ở đó, anh phải là người tìm kiếm “hạt thơ trên luống đất của những người dân cày”(Pauxtôpxki). Từ mảnh đất hiện thực và ấp ủ chúng trong trái tim mình, để lại cho đời những “đóa hoa thơ” thật đẹp. Những đóa hoa ấy sẽ trở lại tô điểm cho cuộc đời và cho loài người niềm an ủi, đồng cảm mãnh liệt nhất.

Thơ bao giờ cũng in đậm chữ “đời” trước hết. Cuộc đời không chỉ ban cho nhà thơ nguồn cảm hứng mà cuộc đời còn là nơi khai thác “chất quặng” nguồn từ để tạo nên thơ: “Vạt áo của nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà cuộc đời rơi vãi; Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang” (Chế Lan Viên). Thơ ca là hoa thơm của cuộc đời. Nếu chỉ được kiến tạo từ trí tưởng tượng và “cái tôi” nhỏ bé của người nghệ sĩ, thơ ca chỉ là những bông hoa làm bằng “vỏ bào” (Pauxtôpxki). Nhà thơ phải nhặt những hạt “bụi quí” trong cuộc đời mênh mông vô tận để làm nên những “bông hồng vàng” quí giá, đem lại niềm vui và cái đẹp cho tâm hồn người đọc thơ, hiểu thơ và yêu thơ, theo cách diễn đạt của Pauxtôpxki.

“Mỗi công dân đều có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn.”

(Lê Đat – Vân Chữ)

Cái vân chữ của một nhà thơ hay một nhà văn thứ thiệt mà Lê Đạt nhắc đến ở đây chính là phong cách tác giả, là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ qua tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân. Đồng thời cũng là để nhấn mạnh đó là yếu tố quan trọng để tạo nên một “người nghệ sĩ thứ thiệt”- một người nghệ sĩ chân chính, có tài năng và có tư chất, có phong cách nghệ thuật riêng biệt không thể trộn lẫn. Từ đó biết được muốn có bài thơ hay thì “mỗi lời thơ đều dính não cân ta” mà “muốn hồn trào ra đầu ngọn bút” là điều rất khó đạt được, viết lên một tác phẩm hay là điều không dễ dàng. Nhà thơ Xuân Diệu từng khẳng định quy luật của quá trình tinh lọc ngôn ngữ thơ:“Thơ phải súc tích, phải rắc lại như một thứ thuốc nấu nhiều lần. Những sự vật thường vẫn nhạt vẫn loãng, thi sĩ đem kết đọng lại, tụ lại làm nên những câu thơ đậm đà, tài liệu thì vẫn lấy trong đời thường, trong cuộc sống hàng ngày, trong những sự rung động của trái tim, của xương thịt nhưng khi đã đem vào thơ thì tài liệu biến đi và thành ngọc châu”. Thật vậy, sáng tạo ngôn ngữ thơ không phải một điều dễ dàng. Người nghệ sĩ phải xoay sở trên một vùng đất chật hẹp, vậy nên họ không thể lãng phí bất cứ từ ngữ nào để diễn tả những cảm xúc hời hạt, tủn mủn, thứ mà họ viết nên phải là ngôn ngữ được chắt lọc và kết tinh từ hàng vạn chất liệu ở đời.

Nhà văn Nga M.Gorki, trong một bức thư gửi nhà đạo diễn Xtanixlapxki có viết« Nghệ sĩ là con người biết khai thác những ấn tượng riêng – chủ quan của mình, tìm thấy trong những ấn tượng đó là cái giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có được hình thức riêng”. Những “ấn tượng riêng – chủ quan” của người nghệ sĩ chính là cách nhìn, cách cảm nhận cuộc sống mang tính khám phá và sáng tạo. Có lẽ một trong những cái khác biệt để tạo ra khoảng cách nghệ sĩ và người thường chính là chỗ đó. Không phải ai cầm bút cũng đều là nghệ sĩ. Các nhà văn, nhà thơ cũng vậy. Họ đều có thể viết được thơ, văn nhưng để làm được thơ văn đích thực, cần có sức sống và có chỗ đứng trong lòng người đọc thì không phải ai cũng làm được. Một nhà văn sáng tạo càng độc đáo, đặc sắc thì người đó càng thành công.

Sứ mệnh nhà văn là như một “người nghệ sĩ trung thành của thời đại » (Balzac), phải giúp cho người đọc hình dung những gì đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta tồn tại, nơi đó gây cho người đọc lòng trắc ẩn, tình yêu thương và ý thức phản khác lại cái xấu, tàn ác. Con người cần nhìn thấy những gì họ chưa bao giờ thấy, hiểu những gì chưa bao giờ biết, tất cả những câu trả lời mà độc giả muốn có mà tác giả mang lại đều phải xoay quanh chính cuộc sống hiện tại. Thế giới trong trang thơ mở ra đâu đó luôn tồn tại những hình ảnh gần gũi từ thế giới hiện thực mà ta đang sống, có điều nó mới mẻ và đặc biệt hơn. Chất thơ vốn có trong hiện thực, bởi nếu không có mùa thu đẹp đẽ của cuộc đời thì không có mùa thu của thi ca. Đối với “Sổ tay thơ” của Chế Lan Viên, bản thân hiện đã là “một nửa” của bài thơ – đó chính là vẻ đẹp “mùa thu” vốn có trong cuộc sống, và một nửa còn lại nằm trong chính tâm hồn người nghệ sĩ. Để cho “mùa thu làm lấy” nửa kia của hồn thơ là việc người nghệ sĩ cần có, đặt trang thơ vào cuộc sống và làm sao cho hơi thở cuộc đời tràn đầy trong từng câu chữ như “muốn hồn trào ra đầu ngọn bút” của Hàn Mặc Tử.  Nhắc đến thơ là nhắc đến món ăn tinh thần vô giá, độc đáo không thể thiếu trong sự tồn tại của con người. Thơ làm đẹp cho đời, nuôi dưỡng tâm hồn và bồi đắp tình yêu trong mỗi chúng ta. Không chỉ vậy, thơ còn mang một nét rất riêng, một giá trị vô cùng độc đáo mà chỉ có lời thơ, ý thơ mới toát ra được. Không còn lạ gì khi bàn về thơ, Xuân Diệu đã nhận định: “Thơ là hiện thực, là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. Đó chính là đặc trưng của thơ ca, phải luôn hướng về hiện thực và từ đó đi sâu vào thế giới nội tâm của con người.

Khi nói về thơ ca, Hoài Thanh khẳng định :”...Từ bao giờ đến bây giờ, từ Homero đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại” (Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh-Hoài Chân). Trong nền văn học Việt Nam từ bao đời nay, có không ít những thi nhân tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tác từ trong thiên nhiên cuộc sống, đó là những bức tranh đầy kì vĩ, lộng lẫy cho đến những gì gần gũi và bình dị nhất. Đó có thể là một mùa hè êm đềm tràn đầy sức sống của Nguyễn Trãi trong “Cảnh ngày hè”, một mùa xuân quá đỗi yên bình và đầy tâm trạng trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Hay đối với Nguyễn Khuyến, ông đã miêu tả nên một bức tranh thiên nhiên mùa thu mang đậm chất làng quê Việt Nam, rất giản dị nhưng đầy tính nhân văn sâu sắc. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh, qua lời nhận xét của mình, đã nói về mối quan hệ giữa con người với thơ ca và thơ ca phải đồng nhất với tâm hồn nhà thơ. Nếu thơ có nghệ thuật, thì nhà thơ mới thực sự là người biểu hiện cái đẹp trong cuộc sống để nâng tầm nhìn và làm phong phú thêm cho những tâm hồn đang sống. Thơ như con sông thời đại cứ vỗ hoài vào bờ, nhưng thơ làm con người đẹp hơn còn sóng nước làm bờ đá mòn bớt đi. Hai sự thật mâu thuẫn nhưng lại đồng nhất, thơ không bào mòn con người mà tăng trưởng con người hơn. Thơ thực sự là một "Người mẹ”, “quảng đại’’ - tức là ta nói về giá trị đích thực của thơ ca, bởi chỉ có thơ ca đích thực, là nghệ thuật thì mới “quảng đại”, bao dung, nhân từ đối với từng con người. Tiếng thơ làm người nghệ sĩ sống chân chính, “đời thi sĩ là thơ, như đời một nông dân là lúa” (Chế Lan Viên).

Dựa trên hai đoạn trích của Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên có thể nói, vai trò của thơ ca là làm sáng tỏ, phơi bày giá trị và thơ thật sự đã đem lại nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cao cả đến với cuộc đời con người. Bóc trần sự thực cuộc sống nhưng không vì thế mà thơ ca mất đi chất thi vị và lãng mạn. R.Gamzatop khẳng định:”Thiếu thơ ca không gì có thể trở thành chính nó”, nhà văn đã rất đúng đắn khi đưa ra lời nhận định đầy thuyết phục về vai trò của thơ ca đối với cuộc sống. Thơ ca ca ngợi cái đẹp, khám phá, phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn tồn tại ngay trong thế giới xung quanh ta, nhưng các nhà thơ không tô hồng cuộc sống mà họ bám rễ, đi sát vào hiện thực để phản ánh. Câu nói của nhà văn tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng lại vô cùng hài hòa, thống nhất với nhau. Gieo vào tâm trí người đọc những suy nghĩ sâu sắc để thơ ca thực sự là chính nó, là người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp và giúp ta nhận ra chính mình, chính xã hội mà ta đang sống. Cái đẹp trong văn học là “cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật” (Thạch Lam), từ chính ở hiện thực cuộc sống, nó phải đi qua một tâm hồn và trí tuệ, người làm thơ để cho người đọc một bài học “trông nhìn và thưởng thức”. Trước mắt là tâm hồn rộng mở của người làm thơ, cùng với đó là hơi thở thời đại mạnh mẽ vang dậy từ tác phẩm – đó là nghệ thuật đích thực.

Phạm Trọng Long Vũ

  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...