Ánh Trăng – Nguyễn Duy

03/05/2020

  Trăng đi vào thơ ca tự bao giờ chẳng biết. Trăng đem đến nguồn cảm hứng bất tận cho những vần thơ lãng mạn, tràn đầy ánh sáng. Ánh trăng có thể là khuôn mặt người yêu, là bạn tri âm, là nỗi nhớ niềm thương… Nhưng ít ai viết về trăng như Nguyễn Duy: Trăng chìm khuất dưới ánh đèn neon sáng trưng lộng lẫy và là nỗi ăn năn vô bờ của con người thời hiện đại.  

 Bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ, được kể theo trình tự thời gian. Nhân vật trữ tình có lẽ là một người lính đã trải qua một thời đạn bom. Giọng kể trầm mặc, từ tốn. Mạch cảm xúc tưởng như trôi chảy rất bình lặng, êm ả:  

                  Hồi nhỏ sống với đồng

                  với sông rồi với bể

                  hồi chiến tranh ở rừng

                  vầng trăng thành tri kỷ

Khổ thơ đưa người đọc trở về miền quá khứ của người lính. Hàng loạt hình ảnh được liệt kê: đồng, sông, bể, rừng… những nơi anh từng sống với nó. Những quãng thời gian anh từng trải: Hồi nhỏ, hồi chiến tranh. Lời thơ chỉ gợi chứ không tả, nhưng vẫn có thể hình dung cuộc đời của người lính ấy chắc nhiều biến cố, gian nan. Tuổi thơ của anh từng gắn bó với cánh đồng, với dòng sông quê. Trước và trong thời chiến tranh, những vùng quê  nghèo làm gì có đèn điện. Nên trăng là món quà vô giá của thiên nhiên. Những đêm trăng làng quê chan hòa ánh sáng và gió mát. Trẻ con được nô đùa trước ngõ, bà nằm võng hát ngâm nga, hay các bác láng giềng cùng ngồi uống trà, trò chuyện trong sân… Thơ ca dân gian còn ghi lại những đêm trăng hội hè, những đêm trăng tát nước đầu đình… thật là hồn hậu, đáng yêu!   

                            với sông rồi với bể

             Vẫn biết sông, bể là nơi người ta phải vật lộn với sóng gió để mưu sinh, nhưng cũng là nơi có những đêm trăng mát mẻ thanh bình. Trăng rơi trên sông, hào tan vào sóng biển quả là bức tranh tuyệt mỹ. Hẳn tuổi trẻ của anh đã từng đi nhiều nơi, cũng vất vả bôn ba nhưng những vầng trăng ấy đã làm dịu mát tuổi thơ anh, chiếu sáng bao kỷ niệm. 

           Lớn lên anh trở thành chiến sĩ. Hồi chiến tranh ở rừng, xa nhà, sống giữa núi rừng, hằng ngày đối diện với gian nan, thiếu thốn và hi sinh, mất mát. Chính ánh trăng đã sưởi ấm tâm hồn anh. Câu thơ gợi nhớ vầng trăng trong thơ Chính Hữu: những đêm rét chung chăn, nhưng cơn sốt giữa rừng già, những câu chuyện tâm tình của hai người lính, những đêm trăng trên đường hành quân … Không có gì lạ khi Nguyễn Duy bộc bạch: vầng trăng là người bạn tri kỷ của anh! 

            Khổ thơ đầu ghi lại những chặng đời dù không ít khó khăn, gian khổ nhưng êm đềm, tươi tắn biết bao!  Tiếp đó là suy tư. Anh thấy, anh nghĩ, thời gian nan đó trăng và người đến với nhau chân thật, mặn nồng: 

                       Trần trụi với thiên nhiên

                        hồn nhiên như cây cỏ

              Những tình từ trần trụi, hồn nhiên vừa miêu tả cái mộc mạc, nguyên sơ của thiên nhiên vừa cho thấy cuộc sống bình dị, vô tư, hồn hậu của con người đồng quê, sông, bể, núi rừng.  Ký ức ấy rất thiêng liêng đến nỗi anh tin rằng: 

                       ngỡ không bao giờ quên

                       cái vầng trăng tình nghĩa

                 Vầng trăng ở đây mang ý nghĩa biểu tượng. Trăng là quá khứ tròn đầy, là sông, là đồng, là bể, là rừng. Là người thân, là anh em, bạn bè, đồng đội, nhân dân. Là những con người, những mảnh đất anh từng sống, từng yêu thương, gắn bó, từng đồng cam cộng khổ. Tình cảm chân thành, mãnh liệt của anh với vầng trăng ấy là có thật. Bởi khi tâm hồn được nuôi dưỡng trong gian khổ ân nghĩa thì tấm lòng cũng thiết tha rộng mở. Nhưng biết lòng người có bền vững, sắt son khi hoàn cảnh đổi thay? Câu trả lời thật đau xót: 

                         Từ hồi về thành phố

                          quen ánh điện cửa gương

                          vầng trăng đi qua ngõ

                          như người dưng qua đường

                Hình ảnh ánh điện, cửa gương vừa đối lập với vầng trăng vừa mang ý nghĩa hoán dụ, diễn tả những tiện nghi, vật chất sang trọng, lộng lẫy, khác xa với cuộc sống trần trụi, hồn nhiên năm xưa. Trăng từng là người bạn tri kỷ của anh, giờ đây như người dưng qua ngõ. Trăng vẫn hiện diện trên bầu trời nhưng chẳng gợi lên cảm xúc gì đặc biệt. Hóa ra cuộc sống nơi thành phố hiện đại lắm ánh điện, cửa gương, người ta chẳng mấy lúc cần và cũng ít khi chú ý đến ánh trăng. Ký ức về trăng cũng dần phai nhạt. 

               Thì cuộc đời đổi thay, dâu bể. Câu chuyện cũng chẳng có gì đáng nói nếu không có một sự cố tình cờ làm giật mình, thảng thốt: 

                          Thình lình đèn điện tắt

                           phòng  buyn-đinh tối om

                           vội bật tung cửa sổ

                         đột ngột vầng trăng tròn

              Những từ ngữ chỉ trạng thái thình lình, vội, đột ngột làm cho câu chuyện được đẩy lên cao trào, gây ấn tượng mạnh với hai tình huống bất ngờ và đối lập. Bất ngờ căn phòng mất điện tối om và cũng bất ngờ - vầng trăng hiện ra vằng vặc trên nền trời khoáng đạt. Ánh trăng chiếu sáng không gian, soi rọi lại quá khứ: 

                         Ngửa lên mặt nhìn mặt

                         có cái gì rưng rưng

                          như là sông là bể

                          như là sông là rừng

                Trăng và người như đôi bạn cũ gặp lại nhau, thật gần, nhưng như một cuộc đối mặt: Ngửa lên mặt nhìn mặt. Những giây phút đầu tiên thật cảm động: có cái gì rưng rưng. Quá khứ năm xưa với những đồng, những sông, những bể, những rừng… ùa về, đánh thức những kỷ niệm đẹp đã lãng quên. Cùng lúc đó là sự im lặng bao trùm. Một người độ lượng, bao dung: 

                            Trăng cứ tròn vành vạnh

                 Nhưng nghiêm khắc : 

                              ánh trăng im phăng phắc 

                  Một người bối rối ăn năn : 

                                đủ cho ta giật mình. 

             Hình ảnh ánh trăng được lặp lại hai lần trong khổ thơ, mang ý nghĩa biểu tượng sâu xa. Trăng không chỉ là người bạn hay người dưng mà lần này vầng trăng tròn vành vạnh còn là quá khứ tròn đầy nguyên vẹn, và cứ  là, mãi là vẻ đẹp thiên nhiên bình dị, vĩnh hằng. Con người có thể lãng quên quá khứ, nhưng thiên nhiên và nhân nghĩa, thủy chung thì bất diệt.  

             Trong khi cái giật mình của con người là biểu thị sự thức tỉnh, ăn năn. Thật vậy, không có tòa án nào xét xử sự phản bội trong tình bạn, tình nghĩa, chỉ có tòa án lương tâm đòi hỏi người lính phải sống như thế nào để có thể thanh thản khi đối diện với quá khứ. Trong quá khứ ấy có nhân dân, có bạn bè đồng đội, có gian lao, hi sinh mất mát nhưng mọi người đến với nhau bằng tình nghĩa mặn nồng. 

              Khổ thơ cuối đã khép lại bài thơ bằng sự im lặng đầy day dứt và suy tưởng, gợi lên một triết lý sâu sắc về một thái độ sống: Con người không thể sống thiếu quá khứ, không thể không biết mình đã tựa vào quá khứ để có tương lai !  

             Có thể nói, Ánh Trăng của Nguyễn Duy không chỉ là câu chuyện riêng của nhà thơ, chuyện của một người, mà có ý nghĩa với cả một thế hệ - thế hệ những người lính đã trải qua những năm tháng chiến tranh, từng gắn bó với thiên nhiên, được che chở đùm bọc trong tình nghĩa của nhân dân. Hơn thế nữa, bài thơ còn có ý nghĩa với nhiều thời, nhiều người. Vâng, có được cuộc sống hôm nay, xin đừng vội quên quá khứ, quên những người đã khuất, quên đạo lý ngàn đời của cha ông: Uống nước nhớ nguồn.  

Đoàn Ngọc Phương

(Giáo viên THCS Ngô Quyền)

  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...