Châm ngôn sống: “Tôi là chính tôi. Tôi mang sự khác biệt”

06/03/2023

Châm ngôn sống: “Tôi là chính tôi. Tôi mang sự khác biệt”

Nguyễn Thị Thùy Trinh

(Lớp 12A2, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2022-2023)

Con người chúng ta sinh ra đã khác nhau về ngoại hình, khuôn mặt, hoàn cảnh sống,… vì thế ai cũng chọn cho mình một cách sống riêng biệt để đích đến cuối cùng là sự thành công và hạnh phúc. Có lẽ vì như thế mà cũng phác họa riêng cho mình một châm ngôn sống. Với tôi cũng vậy, tôi cũng mang cho mình một châm ngôn sống của riêng tôi. Và châm ngôn sống của tôi rằng: “Tôi là chính tôi. Tôi mang sự khác biệt”. Có người đã hỏi tôi rằng vì sao đó là châm ngôn sống của tôi? Nó mang ý nghĩa gì?

Đầu tiên, châm ngôn sống là một tuyên bố về cách sống. Nhằm nói lên cách sống của mỗi con người. Đó có thể là những câu ngạn ngữ, tục ngữ,… để con người ta sống theo hướng thiện và nó cũng có thể là câu châm ngôn chính mình phác họa riêng để nói cho chính mình. Như tôi nói trên, châm ngôn sống của tôi rằng: “Tôi là chính tôi. Tôi mang sự khác biệt”.

Tôi muốn giải thích cho mọi người rằng: “Tôi là chính tôi” là gì? Nó đơn giản là tôi sống với ước mơ, đam mê, khát vọng, với những gì tôi có bằng lối sống riêng của mình, không phải là bản sao của bất kỳ ai hay không ai được ép buộc tôi vào khuôn khổ của họ. Họ có thể đưa ra ý kiến về tôi nhưng tôi sống thế nào, cuộc sống của tôi do chính bản thân tôi quyết định và thực hiện. Đương nhiên tôi không cần ai thay tôi hay ép buộc tôi phải sống theo họ mong muốn. Từ đó “tôi mang sự khác biệt”. Sự khác biệt ở đây là gì? Không phải là cách ăn uống,…mà chính là suy nghĩ và hành động cả nhận thức của tôi khác họ. Nói đơn giản hơn là cách tôi sống khác với những người khác. Tôi không để cuộc sống của mình bị đưa vào khuôn khổ mà sống cuộc sống riêng biệt của riêng tôi.

Vì sao tôi có châm ngôn sống như vậy? Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Vì tôi có đam mê, có ước mơ, có mục tiêu sống của chính mình. Tôi muốn chinh phục nó bởi cách thức chỉ mình tôi, không phải nghe theo quyết định của một ai. Sự riêng biệt cũng là điểm mạnh mà tôi dùng nó để có thể giành lấy giấc mơ của tôi. Cũng chẳng muốn mắc kẹt vào giấc mơ của người khác hay là bản sao được gọi với cái mác là con nhà người ta.

Tôi đã từng tự hỏi, tôi có cuộc sống này do cha mẹ ban tặng, vì sao phải sống theo người khác và làm cái bóng của họ? Tại sao không tự tỏa sáng để không phải là cái bóng của bất cứ ai? Sau bao nhiêu thứ tôi trải qua rồi mới có thể đúc kết nên câu châm ngôn cho chính mình “tôi là chính tôi. Tôi mang sự khác biệt”. Vì tôi cho rằng tôi sống là chính mình, tôi suy nghĩ và hành động khác tất cả không có gì là sai nếu tôi không trái với chuẩn mực đạo đức và xã hội. Tôi cũng sống như bao người khác chỉ là cách sống của tôi không giống họ nhưng tôi cũng là sống để giữ lấy mục tiêu của tôi mà thôi. Tôi không muốn làm cái bóng hay bản sao của người khác nên tôi mới tạo ra nét riêng của mình. Tôi không muốn nhận cái danh gọi là “con nhà người ta” của một số cha mẹ vì tôi đâu phải là họ. Tôi sẵn sàng tạo nên sự khác biệt để tôi được sống là chính tôi.

Có rất nhiều lần người khác vẽ ra con đường cố định cho tôi hoặc họ cười tôi vì tôi khác với suy nghĩ của họ. Tôi là người không giỏi bộ môn tiếng Anh nhưng tôi lại đam mê với một ngôn ngữ khác. Tôi từng nhận lại rất nhiều ý kiến nói với tôi rằng: “tiếng Việt, tiếng Anh học còn chưa xong lại đi học tiếng khác!” hay “phải học tiếng Anh mới có tương lai”. Tôi thấy họ thật lạ, dù tôi học một ngôn ngữ nào khác tôi vẫn chưa từng vứt bỏ tiếng mẹ đẻ của tôi kia mà. Họ có dám khẳng định với tôi rằng việc tôi học ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh tôi sẽ là con người thất bại? Đó là đam mê của tôi, họ là ai mà có quyền quyết định tôi có được như thế hay không? Họ cho rằng phải học tiếng Anh mới thành công trong tương lai. Nhưng họ lại không nghĩ rằng đó chỉ là thành công trong suy nghĩ của họ mà không phải thành công của tôi. Thành công thật sự của tôi là tôi thực hiện được những gì mình đã đặt ra chứ không phải mục tiêu mà họ suy nghĩ. Nếu tôi nghe theo họ thì đồng nghĩa tôi không còn là chính tôi nữa rồi.

Tôi cho rằng bản thân tôi không giỏi như con nhà người ta, tôi cũng không sống tốt như con nhà người ta thì làm thế nào mà tôi có thể đi theo cách họ sống được. Thế nên chính tôi sẽ sống với cách mà tôi cho là đúng. Tôi cũng nổ lực, tôi cũng kiên trì, tôi cũng quyết tâm sau vấp ngã, chỉ là những việc đó tôi làm theo cách của tôi để cuộc sống của tôi sau này sẽ không phải hối tiếc. Tôi có quan niệm rằng: cuộc sống do chính tôi làm chủ và quyết định nó, nên không ai có quyền ép tôi sống theo cách mà họ mong muốn. Tôi không phải tự ti vì tôi khác họ, vì tôi đi theo ước mơ của tôi, nhìn về phía trước và chạm đến mục tiêu của tôi, tôi chưa từng làm trái đạo lý của cuộc đời. Tôi không đánh đồng cuộc sống của mình vào cuộc sống của người khác vì đó không phải là cuộc sống thật sự của tôi, từ đó có thể khiến tôi bị vướng vào những điều không đáng có!

Bản thân tôi đã đưa ra câu châm ngôn “Tôi là chính tôi. Tôi mang sự khác biệt” cho mình, từ chính suy nghĩ và quan niệm sống của tôi. Đơn giản vì tôi hiểu được một điều rằng cuộc sống của tôi chính tôi mới có thể đưa tôi đến thành công của cuộc đời theo lối đi của riêng tôi tạo ra. Và tôi cũng nhận ra và hiểu rõ rằng “Thậm chí tôi không hoàn hảo thì tôi vẫn là “một phiên bản giới hạn” tôi là chính tôi, không một ai trên thế giới này có thể là tôi cả, vì vậy chẳng việc gì phải tự ti so sánh mình với người khác cả”. Đến cuối cùng tôi tin chắc hẳn một điều đó là khi chính các bạn có châm ngôn sống đúng đắn cho riêng mình thì các bạn cũng sẽ có một cuộc đời, sống một cách tốt nhất và đến cuối cùng bạn có thể thốt ra rằng “tôi đã sống một cuộc sống thật sự của chính tôi và ngay giây phút này tôi không mang sự nuối tiếc”.

Nguyễn Thị Thùy Trinh

  • (Có 10 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...