Sắc màu thu

20/12/2019

SẮC MÀU THU - LẮNG ĐỌNG NỖI NIỀM TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản.

 Bạch vân thiên tải không du du.”

(Thôi Hiệu – Hoàng hạc lâu)

Hạc vàng đã bay đi biền biệt tự bao giờ, bỏ lại lầu mơ để ngàn năm mây trắng vẫn cứ bồng bềnh trôi trong ngẩn ngơ nỗi niềm. Vâng! Một cánh “hạc độc” đã bay qua bầu trời buồn đau u uất rồi lặng lẽ hoá thân vào đám “mây côi” để trăm năm rồi còn lãng đãng, còn trầm lắng trong lòng người nỗi nhớ nhung da diết:

Đời loạn đi về như hạc độc

Tuổi già hình bóng tựa mây côi”.

Nguyễn Khuyến

Còn gì buồn hơn nỗi đau của người dân mất nước, nỗi đau của nhà Nho đi tìm lý tưởng tôn thờ mà tất cả mờ mịt trong trời loạn, trong khói lửa đau thương. Đạo quân thần trở thành trò hề giữa sân khấu lộ thiên, lòng son sắt kia của cụ Tam Nguyên vẫn cứ khắc khoải như “tiếng cuốc gọi hè” mà thương cho vận nước, cho nền Nho học chìm vào bóng tối điêu tàn. Nguyễn Khuyến, bậc đại Nho cuối cùng của thế kỷ XIX buồn đau u uất đã khép lại một thời đại thi ca, khép lại một dòng văn học trung đại Việt Nam sau một chặng đường dài 10 thế kỷ đầy thăng trầm, từ ánh hào quang rực rỡ của “Nam quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt) đến hào khí Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), qua vùng nhiễu nhương của Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), ghé nỗi đau đời của cụ Nguyễn Du “Địa địa xứ khứ giai Mịch La”, lên miền trung nghĩa của cụ Đồ Chiểu va đau buồn khép lại :

Khen ai khéo vẽ trò vui thế

Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu.

                 Nguyễn Khuyến

Văn học trung đại Việt Nam ra đời với hào khí của kỷ nguyên độc lập, tự chủ và kết thúc trong niềm đau của dân tộc mất nước.

Trong sách giáo khoa Ngữ văn bậc trung học đã dành sự trang trọng đối với Nguyễn Khuyến. Nhiều bài thơ được học chính thức, nhiều bài thơ được giới thiệu đọc thêm. Dẫu những bài thơ trên chưa phải đặc trưng cho toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông, hơn nữa chất trữ tình sâu lắng của bậc túc Nho được thể hiện một cách kín đáo trong “ý tại ngôn ngoại” nên việc tiếp cận tác phẩm của cụ cũng là cả một nghệ thuật, đôi khi không phải chỉ là những cảm nhận trực quan, khả năng liên tưởng mà còn cả khả năng suy tưởng sâu sắc qua từng từ ngữ, hình ảnh thơ để tìm trong đó cái “hữu thanh mà như vô thanh”, “động vang mà lại rất tĩnh”. Rồi trong cái bề mặt tưởng chừng tĩnh lặng kia lại nghe được những động vang sôi sục cứ cuồn cuộn chảy mãi trong lòng cụ để hiểu được tiếng thơ lắng đọng tiếng lòng xót xa, bất lực chảy mãi đến ngàn sau.

Thơ Nguyễn Khuyến là cả một công trình kiến trúc nghệ thuật ẩn giữa cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, là vẻ đẹp cô thiếu nữ không phấn son mà sao ánh mắt, nét mày, cử chỉ quê mùa chân chất ấy cứ rung động lòng người. Không tô vẽ, không cách điệu, ngôn ngữ thơ thật dung dị như cảnh làng quê yên ả của vùng chiêm trũng Hà Nam mà âm vang của từng câu chữ cứ quặn thắt, cứ sâu xoáy trong lòng người cả niềm đau trần thế, cả cơn nước lụt nhân tình, cả sắc màu thu trong hoài niệm và cả nỗi lòng đau đáu đến bất lực của kẽ sĩ thời mạt vận ôm nỗi đau đời mà hoá thân vào sắc màu thu đã chết tự bao giờ.

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin trình bày những suy nghĩ còn hạn chế của mình để góp phần hiểu thêm về màu sắc thu không trong thơ Nguyễn Khuyến để góp phần phục vụ cho việc dạy học cũng như là một cách bày tỏ nỗi lòng, thắp một nén hương gửi theo gió mây ngàn phiêu lãng tưởng niệm cánh “hạc độc” của thi ca Việt Nam.

Làm nên cái độc đáo, tạo ra cái đặc sắc có tính chất Nguyễn Khuyến thì phải kể đến những tác phẩm viết về nông thôn, phản ánh sinh động và chính xác cái nhìn hiện thực nông thôn Việt Nam đương thời của nhà thơ Hà Nam” (Thơ văn Nguyễn Khuyến – Hoàng Hữu Yên – NXB giáo dục 1984). Còn Xuân Diệu nhận định: “Ba bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến nhìn gộp chung lại là thành công tốt đẹp của quá trình dân tộc hoá nội dung mùa thu cho thật là thu Việt Nam, trên đất nước ta và dân tộc hoá hình thức lời thơ, câu thơ cho thật nôm, là Việt Nam”.

Vậy thì: Một điều không thể phủ nhận bộ ba “Thu điếu”, “Thu ẩm”, “Thu vịnh” là những bài thơ vào loại đẹp nhất và hay nhất trong thi ca cổ điển Việt Nam.

Tự bao giờ, mùa thu vẫn là nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân:

“Ngô đồng nhất lạc dịêp

Thiên hạ cộng tri thu.”

Văn học trung đại miêu tả mùa thu trong nghệ thuật ước lệ:

“Người lên ngựa, kẻ chia bào,

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.”

                                                  (Nguyễn Du – Truyện Kiều)

Cái “màu quan san” của Nguyễn Du sao buồn tê tái dẫu có sáng tạo song vẫn chưa thoát khỏi khuôn sáo ước lệ của văn học cổ. Ngay cả văn học hiện đại Bích Khê cũng chưa thoát khỏi xác ve của mùa thu cũ:

“Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.”

hay của Nguyễn Bính: “Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”. Nhà thơ cảm nhận trực tiếp cái sắc màu thời gian chuyển hoá từ xanh sang vàng, sự chuyển  đổi của quy luật tự nhiên như con tằm ăn lá dâu. Sắc thu riêng của Xuân Diệu lại rất mới:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.”

(Đây mùa thu tới)

Cái buồn của liễu rũ, ngàn giọt lệ nhỏ xuống đời vẫn không làm mất tiếng lòng ngân vang, reo vui, hân hoan chào đón mùa thu. Sắc màu vàng kia không còn là biểu trưng cho sự tàn úa, héo hắt mà là cả một công trình nghệ thuật của thời gian, của tạo hoá. Nguyễn Khuyến là con người của buổi giao mùa từ cổ trung đại sang cận hiện đại cho nên cách viết của ông có những âm ba của mùa thu văn học trung đại song có những nét rất mới, rất khác tạo nên tính cách riêng thật duyên dáng không nhầm lẫn vào đâu được. Ba mảng trời thu được kết nhau như kiểu bức tranh tứ bình: ngư, tiều, canh, mục hay tùng, cúc, trúc, mai. Có điều lạ là Nguyễn Khuyến chỉ bố trí 3 bức tranh Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm và đã tạo nên thế đứng rất riêng trong thi đàn.

Cả ba bài thơ được mở ra trong sắc màu xanh trong của bầu trời, của cuối làng quê bình dị:

“Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt”

(Thu điếu)

“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”

(Thu ẩm)

“Trời thu xanh ngắt mấy từng cao”

(Thu vịnh)

 Cùng một mùa thu, cũng một cụm từ “xanh ngắt” nhưng ba sắc màu thu như ba cung bậc khác nhau. Cái màu xanh ngắt vòi vọi của từng mảng mây trời chồng chất nhau mấy từng cao như nỗi buồn sâu thẳm, hun hút. Đặng Trần Côn cũng có viết :

Mạch thượng tang, mạch thượng tang

Thiếp ý quân tâm thùy đoạn tràng.”

(Chinh phụ ngâm khúc)

Ngàn dâu xanh, rồi lại ngàn dâu xanh cứ nối tiếp nhau trong cảnh xa cách muôn trùng để tình chàng ý thiếp như đứt từng khúc ruột.

Trong sâu lắng tâm hồn, trong nỗi cô đơn mênh mang của con người, trước vũ trụ Huy Cận có viết :

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”

(Tràng giang)

Nỗi buồn của Huy Cân là nỗi buồn của con người bé nhỏ trước vũ trụ bao la. Cái bất lực của con người trước thời thế. Thân phận bèo dạt của con người trong bến bờ vô định. Cái buồn của mặt đất mênh mông và cái buồn cao vút của bầu trời, không biết nỗi buồn nào hơn?

Trở lại “trời thu xanh ngắt mấy tầng cao“, ở miền Bắc vào thu khí trời se lạnh, bầu trời rất ít mây, chỉ hiện hữu khoảng không bao la đó là cái màu xanh ngắt và sâu thẳm như từng mảng xanh cứ đan chồng vào nhau. Bầu trời kia xa vời quá, hun hút quá như cõi sâu thẳm tấm lòng nhà thơ cho nỗi buồn chất chồng. Tính thẩm mỹ của văn chương thể hiện ở cái hồn của câu chữ. Không một chút mây, không một gì cả, chỉ có màu xanh nối tiếp chồng chất để kéo bầu trời xa, xa mặt đất, xa ngút ngàn đến chốn vô định. Để con người trở nên chơ vơ, trơ trọi, lạc loài chấp chới.

Cái xanh ngắt trong Thu ẩm là cái xanh đến tuyệt đối như cả một màu xanh trải đến vô tận, không một màu sắc khác. Cái xanh tinh khiết không pha lẫn lại càng tôn tạo nên cảnh cô tịch tẻ nhạt của bầu trời. Nguyễn Du, khi miêu tả tâm trạng cô đơn của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích cũng chọn sắc màu xanh xanh nhàn nhạt vô vị:“Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”. Những ngày tháng không tên ở lầu Ngưng Bích ấy, Thúy Kiều hết nhớ, thương, buồn, vô vọng, tuyệt vọng cứ lần lượt hiện ra nên sắc màu của mây trời và cây cỏ mặt đất cũng đã hòa nhập trong sắc màu “xanh xanh” hay chính con người buồn đến mức độ không thèm phân biệt sắc màu của mây trời và sắc xanh của cỏ cây. “Thiên địa đồng quy” trong cái buồn. Mùa thu trong đáy mắt đỏ hoe của ông già say rượu (Thu ẩm) đang tự hỏi, tự khám phá bên trong vô tình ai đã tạo nên sắc màu “xanh ngắt” ấy, cái sắc màu đã có từ thuở tạo thiên lập địa hay có từ lúc nhà thơ hiện hữu trần đời để mà chiêm nghiệm nỗi buồn đau đáu của thế kỷ nước mất nhà tan. Cái màu xanh kia bổng trở nên côi cút, sắc màu như chính nhà thơ bơ vơ trong cõi trần ai gió bụi để mà thương tiếc ngậm ngùi. Câu hỏi tu từ không cần một lời giải đáp. Mà giải đáp để làm gì kia chứ ? Một câu hỏi được ném vào hoang trống, ném vào cõi không bao la của vũ trụ mà tiếng vọng lại như đau xé lòng nhà thơ. “Ai?”, “Ai nhuộm?”. Có vội vàng quá chăng khi quy kết “Vì ai gây dựng cho nên nỗi này” (Chinh phụ ngâm). Có vội vàng chăng khi xem đó là nỗi đau thời thế trong niềm bất lực tộc cùng để rồi đôi mắt lão rưng rức không vầy vẫn cứ đỏ như hạt bụi vô hình nào đó rơi vào đáy mắt xót xa. Màu xanh được trải ra theo chiều rộng dàn trải mênh mông thấm vào hồn nhà thơ thành câu hỏi đắng cay!.

Đến với Thu điếu, vẫn giữa cái nền xanh đến tuyệt đối kia, một chút màu trắng rất nhẹ, rất mỏng và rất xốp “lơ lửng” trên bầu trời như tâm sự lửng lơ của nhà thơ. Mây không buồn trôi cứ như đứng lặng giữa bầu trời cô quạnh như “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang” của Xuân Diệu.

Nếu như hai bài thơ Thu vịnh, Thu ẩm, bầu trời xanh ngắt kia trở nên côi cút, thiếu vắng mây thì bài thơ Thu điếu có mây lại đến hững hờ, chừng như có mà như không. Lại một đám mây kia cũng sẽ tan loãng như tâm sự man mác của nhà thơ cứ dàn trải cùng cỏ cây dưới đất, con đường làng quạnh vắng buồn tênh. Một nỗi buồn không tên, không hình khối mà sao cứ sâu nặng lòng người. Cụ Tam Nguyên ơi! Uống rượu thu không thảnh thơi, câu cá thu lại không lãng quên nỗi đau đời, ngắm vịnh mùa thu lại cứ đọng vang tiếng lòng những âm ba của quá khứ để phải thẹn với lòng không học tập gương người xưa. Còn buồn kia tức là còn tấm lòng đối với nhân quần còn canh cánh nỗi đau đời trong  nét bút tài hoa ấy là còn nhân nghĩa ở đời. Cái đáng giận ở chỗ giữa thời tao loạn kia có những con người còn không biết nhục nỗi nhục mất nước, không biết đau nỗi đau nhà tan thì có còn xứng đáng đứng trong trời đất này chăng?

Từ sắc màu thu của trời, ta hãy trở lại đất để cảm nhận cái màu xanh của cây của cỏ của nước và của cả nỗi lòng nhà thơ. Sắc xanh của Thu điếu thật đẹp xanh trời, xanh cây cỏ, xanh sóng biếc, xanh con đường làng. Bài thơ là một bức tranh với gam màu xanh hài hòa. Trên bầu trời là màu xanh, khoảng giữa lãng đãng vài đám mây trắng như kéo bầu trời xuống thấp hơn, trong một làng quê vắng lặng bình dị của vùng chiêm trũng,  cuộc sống diễn ra trong âm thầm lặng lẽ có phần buồn thảm. “Ao thu lạnh lẽo” đến se lòng người. Cả một mùa thu lắng đọng trong chiếc ao bé nhỏ. Mặt ao xanh biếc, sắc màu xanh của nước kia hoà trong khí trời se lạnh. Thi thoảng một làn gió khẽ lay động “gợn tí” sóng lăn tăn rồi chìm khuất vào tĩnh lặng vốn có để cây cỏ cũng dàu dàu, để con đường làng với  hai hàng trúc đứng lặng hun hút quanh co không một bóng người qua lại. Chừng như sợi nắng thu cũng ngập ngừng không buồn kéo mình qua cỏ rối. Không:

“Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.”

 Nguyễn Du

Mà tất cả như bất động như không gian lặng ngắt của một nhà sư đang ngồi thiền, đang trầm mặc. Cái không gian của một con người đang muốn tìm lãng quên cõi hồng trần mà tìm đến thanh tịnh vô vi. Hay chính nhà thơ tìm quên, chạy trốn nỗi đau đời mà ngọn lửa lòng vẫn quặn thắt niềm đau mất nước để thi thoảng mặt nước khẽ chau đi như cái nhíu mày trầm tư rồi trở về thanh thản, rồi lại bị khuấy động bởi một chú cá quẫy đuôi đớp động, rồi chìm khuất giữa cái màu xanh của ao bèo. Một bọt nước trắng giữa làn sóng xanh, cạnh màu xanh bèo bọt rồi lại vỗ tan như một sự rung động mơ hồ tan biến. Tìm về cuộc sống bình dị, rũ áo từ quan nhưng Nguyễn Khuyến không phải Từ Thức “Lên non tìm động hoa vàng ngủ quên” mà ông vẫn thức, thức để cảm nhận hết niềm đau của một dân tộc mất nước để cảm thấy lạc loài cô đơn:

“Nước non man mác về đâu tá

Bè bạn lơ thơ sót mấy người.”

               (Nguyễn Khuyến - Cảm hứng)

Màu xanh bèo, màu xanh cỏ, màu xanh trúc, màu xanh nước, xanh trời giữa chập chùng màu xanh kia điểm xuyến một chiếc là vàng rơi rất nhẹ, như lá rụng trước sân chùa. Sắc vàng tàn úa của thời gian tạo nét hồn của bài thơ.

Nguyễn  Khuyến từ quan về ở ẩn nhưng lòng không có cái thanh thản yêu thiên nhiên tự tại của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.”

         Nguyễn Bỉnh Khiêm

Hay khi “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” Nguyễn Công Trứ để “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”. Cái tâm của Nguyễn Khuyến luôn xao động giữa bề mặt tĩnh lặng thì một chiếc lá vàng lặng lẽ lìa cành khẽ chao đảo đong đưa trong gió rồi cắm thẳng xuống mặt ao tạo tiếng vèo rồi thanh âm ấy cũng chìm khuất giữa hư vô. Trong bài thơ “Nhớ cảnh chùa Đọi”, Nguyễn Khuyến có viết :

“Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá

Sư cụ nằm chung với khói mây.”

Những cụm từ “ở lẫn”, “nằm chung”. nhập mà không nhập, hòa lẫn mà không hòa tan. Sư cụ nằm chung với khói mây phải chăng đó là sự “đồng sàng dị mộng”. Vậy thì sắc vàng của chiếc lá rơi với tiếng “vèo” để lay động tâm thức của bậc túc Nho, lay động lý tưởng “quân – thần”, “nhập thế hành đạo”. Thời thế đảo điên, nước mất nhà tan, cụ Tam Nguyên quay về hoá thân vào ông câu, câu cá mà cá “đâu đớp động”, hoá thân vào ông lão mới uống vài chén rượu thu đã say, ngắm sắc thu toan cất bút đề thơ vịnh mùa thu lại xấu hổ không dám viết, hoá thân vào lão nông thì “Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa”. Bi kịch đời người sao lại đớn đau đến thế. Quặn lòng Nguyễn Khuyến để cả trăng thu gục đầu ngậm ngùi.

Trên tầng xanh thẳm vòi vọi của trời thu, một cần trúc “lơ phơ”, “hắt hiu”. Màu xanh pha vàng của thân trúc cùng với vài chiếc lá xanh đã sắp nhuộm màu vàng tàn úa vẽ nên sắc màu thu cô quạnh. Vẫn mặt ao xanh nước biếc, lời thơ thật giản dị mà đằm thắm đã diễn tả đặc sắc vùng quê vắng lặng vào mùa thu muộn có bầu trời xanh không một vẩn mây, cao xanh vời vợi, với ao đầm trong veo long lanh ánh trăng mơ hồ huyền ảo như phủ sương giăng đầy ngàn cây cỏ nội. Không gian bài thơ khơi gợi sự liên tưởng đến hồn thơ Lý Bạch:

“Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương.”

           (Tĩnh Dạ Tứ)

Sắc trắng bàng bạc kia từ ánh trăng trên bầu trời cao như trong những làn sương mong manh rồi chút gió heo may nhẹ thoáng lay động cành trúc xao xác lòng người, sắc màu thu trong Thu vịnh tưởng như nồng ấm lên trong “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái”. Trên màu xanh của giậu nở hoa lại không khơi gợi sức sống mà còn tô đậm thêm vẻ u hoài, tàn úa “hoa năm ngoái”. Hoa không còn là hoa của năm nay nữa mà là hoa của quá khứ, hoa của một thời xa xăm nào đó vọng lại những sắc hương tàn úa. Cánh hoa của hoài niệm trong lòng xót xa. Nguyễn Du đã mượn cảnh: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” của Thôi Hộ mà diễn tả tấm lòng Kim Trọng khi trở lại vườn xưa mà Thúy Kiều đã xa khuất vào cõi trầm luân của gió bụi cuộc đời để chàng Kim phải: “Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi”. Đó là cái đau của kẻ tình si của tuổi vào yêu còn bồng bột. Còn cụ Tam Nguyên như nuốt nước mắt vào trong lòng “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe” mà ngắm sắc hoa xưa sau bao nhiêu năm lặn lội chốn quan trường mà buồn thương tủi nhục nơi thẳm tâm hồn để hoá thân vào “ông phổng đá”, “tiến sĩ giấy” mà trầm mặc mà lắng nghe tiếng lòng u uẩn, mà nghe cả tiêng ngỗng lạc đàn kêu giữa trời Nam: “Một tiếng trên không ngỗng nước nào?”. Trời hỡi! Ngỗng nước nào mà bay lạc vào giữa trời thu để cất tiếng kêu thống thiết? Nếu như tiếng cuốc gọi hè khắc khoải năm canh máu chảy là tiếng chiêu hồn nước thì tiếng ngỗng giữa đêm thu muộn là tiếng ngỗng lạc đàn vong quốc vong thân. Trần Mạnh Hảo khi đọc thơ Nguyễn Khuyến đã viết: “Phải chăng ngỗng ấy cũng là ngỗng từ năm ngoái, ngỗng của mình xưa mà không dám nhận, mà phải đau đớn than là “ngỗng nước nào?. Rằng người không còn giữ được nước thì bay về làm gì ngỗng ơi? Nhà thơ tủi hổ cả với ngỗng trên trời và hoa dưới đất, muốn làm con cá lặn khuất dưới ao bèo, ngại cả nỗi cắn câu” (Nguyễn Khuyến nằm chung với khói mây - Kiến thức ngày nay xuân 99). Trần Mạnh Hảo còn viết tiếp: “Nói theo kiểu Apollinaire, Nguyễn Khuyến chừng cũng cảm thấy hồn thu đã chết, đã bỏ đi đâu như hoa kia ngỗng nọ, chỉ còn thân xác thu trong veo, cô quạnh, vắng ngắt, bàng bạc như con ve mùa hè nằm chết trong mùa thu sau khi đã hát rỗng cả ruột gan” (sách đã dẫn trang 21). Vậy thì tiếng thu của Nguyễn Khuyến chỉ còn là sắc màu kỷ niệm pha màu hoài cổ như Bà Huyện Thanh Quan đã viết :

“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn cau mặt với tang thương.”

 (Thăng Long thành hoài cổ)

Sắc màu thu trong “tầng khói phủ” (Thu vịnh) khác với Thôi Hiệu trong Hoàng hạc lâu:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”

Thôi Hiệu xa quê, nhìn khói sóng trên sông mà nhớ quê, còn Nguyễn Khuyến sống giữa quê nhà mà như lạc loài. Quê đó là quê xưa, còn giờ đây mảnh hồn quê chỉ còn là xác thu dật dờ, là “hoa năm ngoái” là “ngỗng nước nào”, là con cá quẫy đuôi lặn khuất “dưới chân bèo”. Hàng giậu ở miền Bắc thường được trồng hoa dâm bụt, loại hoa nở không theo mùa, không cần chăm chút vẫn nở hoa. Vậy mà lại là “hoa năm ngoái”. Sao quặn thắt đến thế!

Trời thu trong “Thu ẩm” buồn trong mắt ông già say. Có lẽ trong cả ba bài thơ, Thu ẩm lại nhiều màu sắc vàng hơn cả. Màu vàng của “năm gian nhà cỏ” màu vàng của đom đóm lập lòe, màu vàng của "làn áo lóng lánh bóng trăng loe". Nhà hội họa tài hoa đã pha sắc màu cho bức tranh thật độc đáo. Màu xanh ngắt đến tuyệt đối kia phủ cả bầu trời cao rộng, dưới đất màu đen của đêm tối lập lòe những đốm vàng của đom đóm như những vì sao nhỏ chấm li ti ẩn hiện, mặt nước lóng lánh bóng trăng trong gió thu nhẹ êm như thể bóng trăng trên mặt nước không thể vỡ ra mà nó chỉ “loe” ra rồi lại trở về hình dáng cũ như một chút xao động của nỗi lòng cô tịch. Giữa chập chùng đêm sâu hiện ra màu vàng của căn lều cỏ, màu vàng nhạt úa khiêm tốn chiếm một góc nhỏ của bức tranh mà lại là điểm mạnh của hội họa. Thế nhưng một chút đỏ rất nhỏ lại là linh hồn của bài thơ là nét chấm phá vô cùng độc đáo, đó là ánh mắt ông lão say, không đang khóc thì đúng hơn. Say thế nào được khi mới chỉ “dăm ba chén” chưa đủ đưa lão vào cơn say mà chỉ đủ để khơi gợi nỗi buồn đau quặn thắt trong lòng. Sắc màu động pha với tĩnh, tĩnh hòa vào động. “Thấp le te”, “ngõ tối đêm sâu” là tĩnh thì “đóm lập lòe” là động, “màu khói nhạt” là tĩnh mà “phất phơ” lại là động, “lóng lánh bóng trăng loe” là động còn “xanh ngắt” lại là tĩnh, “vầy” là động từ, còn “không vầy” là bất động mà “đỏ hoe” lại là động. Màu thu kia sao mà day dứt nỗi lòng đến thế còn gì? Nét động trong thơ Nguyễn Khuyến không âm vang mạnh mẽ mà như từng đợt sóng ngầm như vết thương đã liền da thịt, thi thoảng lại nhói đau đến buốt rứt tê lòng. Sắc màu đỏ hoe trong đáy mắt lão nông rưng rức lệ, lão đang khóc cho tang thương cuộc đời. Nước mất thì nhà yên sao được! Nhà thơ mượn màu thu ở chốn làng quê bình dị tạo cảm hứng chủ đạo trong dòng thơ trữ tình mà nói lên lòng yêu nước sâu kín.

Suốt cuộc đời bình bị sống, dẫu xuất thân từ con nhà khoa bảng, cuộc đời đỗ đạt làm quan cao chức  trọng mà sao những tâm hồn thật trong sáng nhẹ nhàng. Không khoa trương, không chọn những cảnh sắc hùng vĩ nên thơ, cụ Tam Nguyên chọn màu thu ở làng quê yên vắng. Tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương làng xóm thấm vào máu thịt. Một chiếc ao bé nhỏ, một hàng giậu quen thuộc, một ngõ trúc vắng lặng, một căn lều cỏ. Tất cả tạo nên một trời thu rất Việt Nam, rất Nguyễn Khuyến mà không thể nhầm lẫn được. Sâu lắng trong tình yêu thiên nhiên, nông thôn ấy là tấm lòng yêu nước sâu kín mà người đọc thơ cụ Tam Nguyên phải vận dụng nhiều giác quan mới cảm nhận được. Đọc thơ tiên sinh phải chuyển từ nhận thức trực quan sang liên tưởng rồi suy tưởng trong logic văn chương mới thấy hết cái thần, cái “ý tại ngôn ngoại’ vô cùng độc đáo. Phải tinh tế mới nhận thấy một điều là cả ba con người trong ba bài thơ thu đều cùng chung một tâm sự, cùng một tâm trạng cô đơn bé nhỏ, cùng một tấm lòng yêu nước sâu kín nhưng bất lực trước thời thế, cùng đẳm thấm nỗi đau thân phận bé nhỏ của con người. Tình nước, tình nhà day dứt xót xa trong tấm lòng yêu nước bất lực càng thấm thía niềm đau. Không đủ cái dũng khí của Đặng Dung trong Thuật hoài:

“Quốc thù vị phục đầu tiên bạch

Kỷ độ long toàn đái nguyệt ma.”

Không như Không Lộ thiền sư lên đỉnh núi cao trơ trọi mà cất tiếng kêu lạnh cả bầu trời: “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”. Không âm vang, vẫn cứ bình lặng mà sâu lắng:

“Bút nghiên trầm tư ưng hữu lệ,

Sơn hà cử mục bất thăng sầu.”

 (Nguyễn Khuyến - Tiển môn đệ)

(Ngẫm nghĩ bút nghiên tràn nước mắt - Ngước nhìn sông núi khôn xiết buồn đau)

Những dòng lệ khóc cho nước mắt nhà tan đã rơi nhiều trong thơ Nguyễn Khuyến. Nhà thơ lặng lẽ hóa ông câu để lặng buồn trầm mặc giữa chiếc ao bé nhỏ, co ro cô độc trong con thuyền thúng. Phải vô cùng tinh tế, người câu ngồi giữa mặt ao bé nhỏ để nghe hương thu thấm dần. Cái thế “tựa gối ôm cần” như muốn chìm khuất trong sắc xanh của trời, nước, cây cỏ. Không mũ cao áo dài, không trịnh trọng kiểu cách ở chốn quan trường, con người như hoá đá vọng quốc như muốn gọi hồn thu của quá khứ về thương hồn thu hiện tại. Sắc màu thu sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu bóng dáng con người, mà sao con người lại cô độc đến thế kia! Hay người ngồi câu đang ngồi mặc niệm dưới cảnh thu. Hồn thơ của Nguyễn Khuyến bao giờ cũng toát lên lòng yêu nước sâu xa trong chất trữ tình sâu lắng yêu nước trong đau đớn tủi nhục, thậm chí có lúc tự chế giễu mình: “Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng” (Tự Trào). Khi người không còn giúp ích được gì cho nước trong buổi thực dân xâm lược thì thôi quay về giữ cái lòng thành:

“Thập tải bôn ba thử nhất đồ

Quy lai ngô hạnh đắc vi ngô.”

(Lời than lúc cuối xuân)

(Mười năm bôn ba trên một con đường  - nay trở về may mắn ta vẫn còn lại ta)

  Cái may mắn của nhà thơ là ta vẫn là ta. Song nhà thơ vẫn luôn buồn tủi “Cúi trông hổ đất ngữa lên thẹn trời” (Di Chúc). Nhà thơ làm quan mười mấy năm trời mà không cứu nước nỗi chỉ có tấm lòng xót xa bất lực nên lời trăn trối trước lúc lìa đời đã dặn con cháu:

“Đề vào mấy chữ trong bia

Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu.”

Nỗi đau kẻ sĩ  đến thế còn gì hơn! Thậm chí ngồi giữa cảnh thu, một chút cảm hứng vừa nhen lên, toan cất bút mà không dám viết vì: “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”. Còn hứng thú gì nữa giữa thời thế ấy, có gì để ca ngợi. Ông Đào Tiềm treo ấn từ quan về ở ẩn để tìm quên và quên hết còn tiếng lòng nhà thơ vẫn xao đọng, trăn trở dưới trời thu, ngồi câu cá thu, uống rượu thu, làm thơ thu mà khóc cho thu đã mất. Ngồi hưởng thu không một phút thư nhàn. Hồn thu đã mất tự bao giờ mà cơn gió heo mây vẫn cứ rưng rưng tìm về, se thắt lá vàng bay để cành trúc lơ phơ hiu hắt, để tiếng ngỗng lạc đàn cất tiếng gọi bi thương vọng đến lòng thi nhân niềm quặn thắt và cái ông già lụ khụ lầm lũi kia trong gian nhà cỏ thấp lè tè ấy đã rưng rưng mắt đỏ để bầu trời thu côi cút đổ lệ tang thương.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành

   (Trường THPT Vĩnh Viễn)

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...