Ước mơ mang màu sắc nhân đạo trong lòng của ngòi bút Nguyễn Du

16/10/2019

uoc-mo-mang-mau-sac-nhan-dao-trong-long-cua-ngoi-but-nguyen-du

“Nếu không có con mắt trông suốt sáu cõi và tấm lòng nghĩ thấu ngàn đời mới có cái bút lực ấy” (Mộng Liên Đường chủ nhân)

Tình người bao dung trong thơ cụ Tiên Điền.

Một đôi mắt buồn sâu thẳm luôn dõi bước thời gian theo quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Một tấm lòng u uẩn trãi rộng mãi nhìn theo số phận của con người. Đó chính là những yếu tố quan trọng nhất để cái tâm thấm đầy tình trào ra trên đầu ngọn bút của Tố Như, của Đoạn trường tân thanh nhuốm lệ.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình đại quyền quý, thế nhưng cuộc đời của Tố Như lại thấm đầy bụi, những vết bụi của chặng đường đầy gian lao, của những năm tháng lăn lộn, phiêu dạt hơn mười năm trên đất Bắc, quá đủ để nạp vào hồn những cái đồng cảm về khó khăn, khổ sở cũng như niềm ấp ủ sâu kín của những con người bất hạnh và song song đó là cái nhìn thẳng thắn về hiện thực xã hội đương thời - một xã hội với thế lực đồng tiền đã chà đạp lên quyền sống, ước mơ hạnh phúc của đời người. Người ta bảo Đoạn trường tân thanh là cuốn sách kề tay cho mọi từng lớp, địa vị xã hội quả không sai. Bởi bất kỳ dù tốt dù xấu, dù sang dù nghèo cũng đều phảng phất bắt gặp chính mình qua nhân vật nào đó trong Truyện Kiều. Và cả với Tố Như cũng thế, một chiếc gương hầu như soi ngược cuộc đời của ông vào trang sách, vào số phận và cuộc đời của nàng Kiều tuyệt thế giai nhân.

Trong xã hội phong kiến Việt Nam vốn dĩ bất bình đẳng, người phụ nữ luôn hiện lên với những gì bất hạnh, đau thương nhất. Họ hầu như không có sự lựa chọn cho bản thân, thậm chí cả một tiếng nói biện minh, một lời than oán chua xót. Họ chỉ biết cam chịu, dấu chặt nỗi đau khổ trong trái tim tan nát để rồi tự an ủi trong số phận, trong định mệnh nghiệt ngã. Nhưng trong đôi mắt Tố Như, hình ảnh người phụ nữ lại hiện ra với những gì mỹ miều nhất, cao đẹp nhất. Chính đôi mắt và tấm lòng nhân nghĩa ấy đã vẻ nên một nàng Kiều thật lộng lẫy:

Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Từng lời thơ vang lên, khắc sâu trong tâm trí người đọc với những gì đẹp nhất, đó là vẻ đẹp khuynh thành. Kiều đẹp quá, một vẻ đẹp thấm đầy sông đầy núi! Đôi mắt nàng hay phải chăng là đôi mắt của một mùa thu lắng đọng với những làn nước long lanh, với những chiếc lá vàng lãng phất và với cả nỗi buồn man mác mênh mang. Chỉ với ba tiếng thơ mà tất cả nỗi buồn của mùa thu đều đong đầy trong đôi mắt đa sầu đa cảm của một thiếu nữ nhà họ Vương - một thiếu nữ với sức xuân tươi thắm tràn trề. Dáng núi cao gầy, từng nét mảnh mai gọn đẹp, pha vào đó là cả bầu trời xuân tươi sáng, là cả sắc nắng lung linh, cả những đám mây trắng tinh bềnh bồng phiêu lãng, và cả làn hơi xuân đầy sức sống, tất cả như vẻ lên đôi chân mày đầy quyến rũ và hết mực yêu đời, yêu cuộc sống. Song vẻ đẹp của Kiều trong đôi mắt tình của Tố Như không chỉ dừng lại với sắc thiên nhiên hoà quyện mà vẻ đẹp ấy còn toả sáng với một tài năng hơn người hơn đời:

Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.

Thật đẹp quá! Một nàng Kiều đa cảm. Cầm kỳ thi hoạ tất cả như kết tinh trong lòng bàn tay tài hoa, từ ánh mắt đến bờ môi, từ lời văn đến tư dáng, từ nét vẻ đến tiếng đàn, đó là sự hội tụ của thiên nhiên, trí tuệ con người. Thuý Kiều đẹp là thế, tài là thế nhưng cái thuyết “Tài mệnh tương đố” vẫn đè nặng lên tư tưởng Tố Như, và chính nó đã hạ đôi mắt Tố Như nhìn xuống cái đáy sâu của sự tuyệt vọng:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trãi qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Đôi mắt với cái nhìn xa thẳm, thế nhưng với Kiều cái nhìn ấy lại gần đến thế. Cái nhìn hiện thực trong trái tim nhân đạo ấy đã cảm nhận nỗi chua chát ê chề của thuyết thiên mệnh áp đặt lên số phận con người bao bất công oan trái:

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Câu thơ ngắt nhip 4/4 chừng như không tạo sự nhịp nhàng mà như gãy khúc bẻ ngang cuộc đời Kiều. Những ngã đường gian nguy hiểm trở mà phía trước là bóng đen đang chờ đợi để vùi dâp thân phận người con gái tài hoa. Sợi dây xuyên suốt xích chặt cuộc đời nàng trong suốt mười lăm năm luân lạc mà mỗi mắc xích là những oan tình nghiệt ngã. Từng giọt nước mắt tuôn trào của nàng đều tưới lên trái tim thương tổn của Tố Như. Vâng ! Tố Như đau, nỗi đau trần thế trong niềm bất lực, trong niềm uất ức nghẹn ngào. Thi nhân lặng lẽ vô vọng nhìn theo bước Kiều ngại ngùng bước trên con đường “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”, đau đớn xót xa chia tay tình đầu chớm nở. Trong Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du đã thêu dệt nên một trang diễm tình giữa “Người quốc sắc, kẻ thiên tài”. Kim Trọng hiện ra trong dáng vẻ tài hoa, lịch lãm:

Hài văn lần bước dặm xanh,

Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”

Trên nền cỏ xuân xanh trãi ngút chân trời, một văn nhân tài tuấn đang thong thả bước trong phong thái hào hoa, lịch lãm của một con người:

Phong tư tài mạo tót vời

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.

Thế nhưng, chính xã hội đồng tiền thối nát đương thời ấy như một ngọn lửa vô tình, vô nhân đã bốc lên thiêu rụi những sợi rơm đầu tiên mà đôi chim uyên ương vừa chớm tình đặt xuống. Nó đốt cháy, huỷ diệt tất cả trừ thế lực đồng tiền ngự trị. Tố Như đã căm tức thốt lên: “Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong” và cái xã hội kim tiền ấy đã hiện ra với những gì vô nhân tàn ác nhất mà đầu tiên chính là viên quan phụ mẫu đã đưa bàn tay đầy bụi tiền thẳng sức đẩy đời Kiều vào vũng bùn ô nhục:

Tính bài lót đó luồn đây,

Có ba trăm lạng việc này mới xuôi.

Thật là cảnh cười ra nước mắt. Dẫu rằng lời nói trên không chính thức phát ra từ cửa miệng viên quan thanh liêm mà là mượn lời Chung Ông. Thế nhưng nếu quan không thường xuyên làm những việc này thì làm gì Chung Ông dám bài kế.  Nguyễn Du đã phơi bày hiện thực trớ trêu của cuộc đời oan nghiệt, ai đời người dân lương thiện bị oan thì trách nhiệm bậc phụ mẫu của dân phải giải oan chớ sao lại xem đây là cơ hội để vơ vét, bởi thế cho nên mấy chục năm sao cụ Tam nguyên Yên Đổ có viết:

Có tiền việc ấy mà xong nhỉ

Đời trước làm quan cũng thế a ?

Chủ chẳng ra hồn thì đừng trách bọn tôi tớ:

Một ngày lạ thói sai nha,

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

Cũng chính vì thế mà :

Đồ tế nhuyễn của riêng tây,

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.

Đôi mắt của Tố Như đã thẳng thắn nhìn vào hiện thực cuộc đời kia để lên án, tố cáo thế lực đồng tiền chà đạp lên mọi ước mơ hạnh phúc của con người. Mọi thế lực đen tối ấy kết chặt lại với nhau để dẩm nát quyền sống của con người, bởi thế mới có một vị quan trên ra giá và một Mã Giám Sinh ở dưới ra tiền. Sự xuất hiện của gã họ Mã kia cũng là một tất yếu trong xã hội:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,

Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.

Trơ trẽn và lố bịch, đó là những gì người đọc cảm nhận được qua bóng dáng tên buôn người đội lớp trí thức. Là môn sinh của cửa Khổng sân Trình hay một chức Giám sinh nào đó ? Không, hắn là hiện thân của phường buôn thịt bán người trong màn kịch vấn danh rẻ tiền mà những diễn viên lại diễn xuất quá tồi. Những cảnh thầy vay tớ mượn “Trước thầy sau tớ xôn xao” ấy đã toát lên bộ mặt ghê rợn, khinh tởm trong cảnh mua bán sống sượng bỉ ổi:

Cò kè bớt một thêm hai,

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.

Những con số lạnh lùng đã đưa Kiều đến lầu xanh nơi có mụ Tú Bà đáng tởm:

Nhác trông nhờn nhợt màu da,

Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao.

Từ láy “nhờn nhợt” đầy hình ảnh và sức biểu cảm. Tố Như đã thật tài tình khi lột tả sắc da của mụ đàn bà vô tính vô nhân ấy. Cái sắc da mai mái, nhờn nhợt như một thây ma trông ghê rợn ấy lại được phủ lên một tấm thân đẫy đà to lớn. Mụ ăn gì mà to béo thế nhỉ ? Phải chăng mụ đã ăn những gì nhơ nhuốc trên máu và nước mắt đau khổ của biết bao người dân lương thiện, chính vì thế mà Kiều phải cay đắng thốt lên:

Thân lươn bao quản lấm đầu,

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.

Quả là chua chát cho số phận con người đến thế còn gì hơn ? Tấm lòng trinh bạch còn không được quyền gìn giữ thì cuộc sống này còn ý nghĩa gì nữa ? Đôi mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời của tiên sinh sao cứ quặn thắt lòng người trong gió bụi của cõi đi về tăm tối kia cứ sâu xoáy lòng người đọc niềm thương cảm vô bờ. Đọc Truyện Kiều, người đọc cảm nhận đầy đủ một bức tranh hiện thực với đầy đủ mọi góc cạnh, mọi bộ mặt xã hội. Đã có quan phụ mẫu tham tiền, đã có Mã Giám Sinh. Tú Bà vô tính thì làm gì thiếu những tên Sở Khanh bất nhân, trân tráo:

Một chàng vừa trạc thanh xuân

Hình dong chải chuốt áo khăn dịu dàng.

Chính hắn đã huênh hoang “Ra tay tháo củi sổ lồng như chơi” ấy để lừa bịp một cô gái ngây thơ vào vũng lầy tăm tối. Đã có lầu xanh thì không thể vắng khách làng chơi. Nguyễn Du đã mang đến trong Truyện Kiều một khách làng chơi hào phóng:

Thúc Sinh quen thói bốc rời,

Trăm nghìn đổi lấy trận cười như không.

Say mê lôi cuốn trước sắc đẹp khuynh thành, con người trăng hoa ấy “càng quen thuộc nết càng dan díu tình”, Thúc đã tìm cách giải thoát Kiều khỏi bùn nhơ nơi hạ giới. Song nói đến cùng, mối tình Thúc Sinh – Thuý Kiều chỉ là mối tình vụng trộm của con người thừa tiền lắm của. Dẫu Thúc Sinh có dám van xin viên quan mặt sắt đen sì để tha cho nàng khỏi phép gia hình tàn khốc thì chàng cũng không thể đem hạnh phúc bên người phụ nữ quyền thế là Hoạn Thư để sắp xếp cho Kiều “sắn bìm chút phận con con”. Trong xã hội phong kiến, trong chế độ đa thê kia thì việc lập phòng nhì, phòng ba… là điều rất thường tình. Thế nhưng Thúc lại là người tình bạc nhược để Kiều phải rơi vào tay Hoạn Bà, Hoạn Thư, biến nàng thành con đòi đứa ở. Để rồi cuối cùng, tấm lòng ưu ái với Kiều cũng chỉ đủ để Thúc thốt lên:

Khéo mà cao chạy xa bay

Ai ân ta có ngần nầy mà thôi.

Chính đôi mắt trông thấu cả sáu cõi ấy mà cụ Tiên Điền đã nhận thức rất rõ bộ mặt bọn quan lại bất nhân. Nếu bọn quan lại trong vụ án thằng bán tơ xưng xuất đã đẩy Kiều phải bán mình chuộc cha thì viên quan mặt sắt đen sì trong vụ Thúc Ông khởi kiện Thuý Kiều lại bộc lộ tính tuỳ tiện của những người cầm cân nảy mực. Chính viên quan tài tử này đã lạnh lùng phán:

Một là cứ phép gia hình,

Một là lại cứ lầu xanh phó về.

Thì phải chăng pháp luật ấy chấp nhận sự tồn tại của lầu xanh bẩn thỉu, mặc nhiên công nhận cảnh người bóc lột người. Một cô gái lương thiện đang cố vùng vẫy để thoát khỏi bùn nhơ, cam phậm trong kiếp “sắn bìm”, thế mà luật pháp ấy lại toan đưa đẩy nàng vào lầu xanh lần nữa. Nhưng rồi chính nhờ tài làm thơ của nàng, Kiều được thoát khỏi phép gia hình và cũng chính viên quan ấy đã thốt lên:

“Tài này ,sắc ấy nghìn vàng chưa cân.”

Trong đời sống tâm linh người Trung Hoa cũng như người Việt Nam ta, nhân vật Bao Công “thiết diện vô tư” đã chiếm được cảm tình đặc biệt và còn là chỗ dựa vững chắc cho những thân phận bé bỏng đi tìm công lý giữa cuộc đời đầy bất công ngang trái kia, thế nhưng cái khuôn “mặt sắt đen sì” ấy lại xuất hiện trong Truyện Kiều của Tố Như lại khéo nực cười, bỉ ổi. Từ tên quan “Trông lên mặt sắt đen sì” đến viên Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình” thì rõ ràng Tố Như đã không tìm thấy ánh sáng công lý nơi bọn quan lại triều đình đương thời. Quả thật, một xã hội đầy bất nhân được tiên sinh phơi trần ra trong cái nhìn đầy khách quan. Mặc dù tiên sinh xuất thân từ tầng lớp quan trường khoa bảng. Chính con người lạnh lùng bỉ ổi vô nhân Hồ Tôn Hiến đã điêu ngoa, xảo quyệt, lật lọng ấy đã dùng kế chiêu an dụ hàng đánh vào tâm lý một cô gái ngây thơ trước thủ đoạn đê hèn để người anh hùng Từ công phải chết đứng giữa trận loạn quân. Và khi giọt nước mắt khóc chồng chưa kịp vơi đi hắn lại bày trò “thị yến dưới màn” để trăng hoa lả lơi với người thiếu phụ đau khổ cho đến lúc:

Nghĩ mình phương diện quốc gia ,

Quan trên nhắm xuống , người ta trông vào.

Hắn đã đem ép gã nàng ngay cho viên thổ quan để dòng sông Tiền Đường là mấm mồ người bạc mệnh.

Tố Như ơi! Người quả là có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời nên mới có thể viết lên những vần thơ đau khổ đến thế ! Cả một hiện thực xã hội đen tối xấu xa được phơi bày trên ba ngàn câu lục bát và kiệt tác Truyện Kiều là bản cáo trạng bằng thơ xuất phát từ trái tim biết cảm thông, san sẻ những mảng đời bất hạnh tăm tối của thân phận con người lương thiện bị vùi dập. Chính trái tim tình ấy, Tiên sinh đã để Từ Hải xuất hiện như một thiên thần vung lưỡi gươm công lý tiêu diệt bất công oan trái, để cứu vớt những số phận đau thương như Kiều. Nhưng đó cũng chỉ là ước mơ ước mơ mãi mãi không trở thành hiện thực. Cái chết đầy oan khốc của Từ là dấu chấm hết cho những khát vọng giải phóng con người trong đêm trường tăm tối.

Đoạn kết có hậu trong Truyện Kiều nói đến cùng cũng chỉ là ước mơ mang màu sắc nhân đạo trong lòng của ngòi bút thiên tài.

Sóng gió cuộc đời đã đi qua, yên bình ngự trị, cuộc sống mới hồi sinh để thân phận con người được giải thoát. Tố Như đã về nơi gió cát, song những vần thơ của ông còn trăn trở mãi nỗi đau đời, vẫn sâu xoáy trong lòng người đọc hôm nay và cả mai sau.

Hơn hai thế kỷ đã trôi qua…có lẽ ở phương trời xa thẳm nào đó, Tố Như vẫn lặng ngắm cuộc đời trong niềm yêu thương bất diệt…

Hơn hai thế kỷ đã trôi qua…

                                                                                   Lê Thị Hồng Quyên

(Cựu học sinh học sinh THCS Hoàng Hoa Thám, giỏi văn thành phố)

  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...