THIÊN NHIÊN VÀ SUY NGẪM VỀ CUỘC SỐNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN LỚP 9

09/07/2020

         Ralph Waldo Emerson, nhà viết tiểu luận, nhà thơ, triết gia người Mỹ, đã viết: Trái đất giống như đứa trẻ biết làm thơ. Trái đất mỉm cười trong những nụ hoa. Và nếu bạn nhìn đủ sâu, bạn sẽ thấy âm nhạc... Điều gì khiến cho Trái Đất được ca tụng như bài thơ, như nụ cười, như âm nhạc - xinh đẹp và đáng yêu đến như vậy. Chính là ở vẻ đẹp của thiên nhiên.            

Trong chương trình ngữ văn 9, chủ đề thiên nhiên chiếm dung lượng khá đa dạng và phong phú, có thể tổng hợp các tác phẩm mang chủ đề thiên nhiên bao gồm các văn bản sau đây: Các trích đoạn Cảnh ngày xuân, Kiều ở lầu Ngưng Bích rút từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải và Sang thu của Hữu Thỉnh…            

         Vâng, thiên nhiên tự thân nó đã là một bài thơ. Nhưng qua lăng kính của các nhà văn, nhà thơ, thiên nhiên không chỉ xinh đẹp lung linh mà còn có thể có nhiều tầng ý nghĩa. Các tác giả không dừng lại ở việc phác họa một bức tranh về thiên nhiên mà còn gửi gắm trong đó một tình yêu, một khát khao, một suy gẫm, một triết lý nhân sinh. Vậy, với chủ đề thiên nhiên, chúng ta có thể khái quát một số nội dung cơ bản sau đây:       

- Vẻ đẹp thiên nhiên được phác họa thành những bức tranh lung linh, sống động bằng những nghệ thuật ngôn từ đặc sắc.       

- Qua những bức tranh thiên nhiên, các nhà văn nhà thơ còn gửi gắm những suy ngẫm và triết lý nhân sinh sâu sắc. 

         Nội dung thứ nhất: Vẻ đẹp thiên nhiên được các nhà văn, nhà thơ phác họa thành những bức tranh lung linh, sống động.           

Đến với Truyện Kiều của Nguyễn Du: Giá trị của Truyện Kiều không chỉ là chiều sâu của nội dung mà còn là đỉnh cao về mặt nghệ thuật. Trong đó, là nghệ thuật tả cảnh. Trong đoạn trích Cảnh ngày xuân, chúng ta bắt gặp một bức tranh thiên nhiên tươi sáng xinh đẹp trong một ngày hội xuân: 

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

         Ngày xuân, tiết trời đã sang tháng ba nhưng bầu trời vẫn trong trẻo với ánh thiều quang ấm áp và chim én rộn ràng bay lượn trên bầu trời bao la. Câu thơ phảng phất phong vị thành ngữ - ca dao (Thời gian thấm thoát thoi đưa). Hai chữ thoi đưa  diễn tả cánh én như con thoi, hai chữ đưa thoi vút qua vut lại, chao liệng trên bầu trời xuân, vừa giàu sức gợi hình gợi tả vừa gợi cảm giác luyến tiếc, mùa xuân đang trôi nhanh. Tuy vậy, cảnh vật vẫn tràn đầy sức sống:                         

Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

         Nguyễn Du đã vận dụng sáng tạo cách chấm phá của cổ thi Trung Hoa (Phương thảo liên thiên bích, lê chi sổ điểm hoa) để vẽ nên vẻ đẹp thanh xuân trong trắng của thiên nhiên hoa cỏ. Những cánh đồng cỏ non bao la khoáng đạt xanh rợn chân trời, đâu đó những cành lê điểm xuyết một vài bông hoa trắng nõn nhẹ nhàng thanh khiết như sức sống trào dâng. Đoạn thơ tái hiện trước mắt chúng ta không khí rạo rực niềm vui và tràn đầy sắc xuân và khát vọng mùa xuân.                

         Đặc biệt trong văn thơ trung đại, bút pháp tả cảnh ngụ tình được vận dụng khá đặc sắc tinh tế. Thơ Nguyễn Du cũng không ngoại lệ. Ta bắt gặp những câu thơ chất chứa tâm trạng, tâm hồn:                             

Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Bước lần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

         Vẫn cái thanh tao, mát dịu của mùa xuân nhưng thời gian thay đổi. Cuộc vui nào cũng tàn, không khí vui tươi, rộn ràng của hội xuân rồi cũng khép lại. Các từ láy tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao nho nhỏ… rất nhẹ nhàng, gợi cảm. Mặt trời từ từ ngả về tây, nắng nhạt nhòa hơn. Mọi chuyển động đều nhẹ nhàng. Bước chân người thơ thẩn như lưu luyến gì. Nhịp cầu nhỏ bắc ngang con suối nhỏ, dòng nước như không buồn trôi, cứ nào nào uốn quanh chân cầu. Cảnh chiểu tà đầy dự cảm đã khép lại cuộc du xuân nhưng lại là mở đầu cho cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Thúy Kiều và Đạm Tiên, cô gái hồng nhan bạc phận và cuộc hội của mối tình đầu Thúy Kiều - Kim Trọng.                 

         Bức tranh Kiều ở lầu Ngưng Bích cũng được coi là một trong những đoạn thơ hay nhất về nghệ thuật tả cảnh ngụ tình:                              

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.

         Cảnh thiên nhiên nơi đây không phải không đẹp, có non xa, có cát vàng, bụi hồng đấy chứ! Nhưng sao Bốn bề bát ngát xa trông mênh mông, hoang vắng đến lặng người, không một nét thân mật để an ủi nàng, làm ấm lòng nàng. Nhịp thơ 3/3/2 xen ngang phá vỡ sự êm ả hài hòa của điệu thơ lục bát, hình ảnh vừa đối lập: xa, gần, nọ, kia; vừa hỗn độn: ở chung. Phải chăng vì tâm hồn nàng đang ngổn ngang rối bời như tơ vò trăm mối, Kiều có lòng dạ nào để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên. Một chuỗi bi kịch vừa ập xuống đời nàng, mối tình đầu tan vỡ, bị Mã Giám Sinh lừa đảo, nàng tự vẫn không thành… Tất cả diễn ra đột ngột quá, dồn dập quá, chừng như nàng chưa kịp cảm nhận hết tấn trò đời dâu bể. Đến khi về lầu Ngưng Bích với nỗi bẽ bàng, với ngày tháng vô vị, một mình đối diện với chính mình, nàng mới có dịp gặm nhấm nỗi buồn. Như Nguyễn Du từng nói:  Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?                  

Nếu bức tranh mùa xuân của Nguyễn Du ít nhiều mang tính ước lệ thì mùa xuân trong thơ Thanh Hải có một màu sắc riêng độc đáo của thi ca hiện đại.            

Mọc giữa dòng sông xanh                             

Một bông hoa tím biếc                             

Ơi con chim chiền chiện                             

Hót chi mà vang trời.                 

         Không phải sắc vàng lộng lẫy của hoa mai phương Nam hay sắc hồng kiêu sa của hoa đào xứ Bắc. Mà là bông hoa tím mọc giữa dòng sông xanh. Rất có thể là hoa lục bình dịu dàng, thuần khiết; cũng có thể là hoa muống nước nhỏ bé đơn sơ. Đất nước ta không thiếu những loài hoa mọc trên nước, bồng bềnh trên nước. Nhưng vượt lên tất cả vẫn là bông hoa tím biếc mang ý nghĩa tượng trưng hơn là tả thực. Bông hoa tím biếc đó chẳng phải là sắc màu đặc trưng của xứ Huế mộng mơ ? Cách phối màu hài hòa, phông nền là màu xanh của dòng sông hiền hòa, gợi lên bao khát khao hi vọng, màu tím đậm đà thủy chung kết hợp với từ biếc ánh lên vẻ long lanh nồng ấm. Động từ mọc đặt đầu câu, diễn tả sức sống đang trào dâng, bông hoa của mùa xuân, bông hoa của cuộc sống đang vươn lên đẹp đẽ! Đâu đó rộn rã tiếng chim. Nếu mùa xuân trong thơ trung đại thường có cánh chim én bay ngang trời thì trong thơ Thanh Hải, ông đã đưa loài chim thân thuộc của quê mình chắp cánh trong thơ. Hình ảnh con chim chiền chiện gợi lên một mùa gặt hái thanh bình. Cánh chim chiền chiện vừa chao liệng trên bầu trời bao la vừa vút cao tiếng hót thật hiền lành, đáng yêu. Đó phải là khúc ca náo nức làm xao động đất trời, xao động tâm hồn nhà thơ: Ơi con chim chiền chiện / hót chi mà vang trời. Một giọng trách yêu sao mà dịu ngọt, rất thân thương, rất Huế! Đoạn thơ mở ra một không gian mênh mông, dịu dàng khi đất trời vào xuân của Huế đẹp, Huế thơ!              

         Mùa thu vẫn là đề tài bất tận của thơ ca. Với Hữu Thỉnh, vẻ đẹp của mùa thu không hẳn là không khí giao mùa từ hạ sang thu mà còn là sự chuyển biến tâm hồn. Bài thơ Sang thu là bức tranh trong trẻo nên thơ với nhiều hình ảnh gợi cảm về thời khắc chuyển mùa hạ - thu ở vùng quê dân dã nồng ấm. Khác với những bài thơ xưa viết về mùa thu, tín hiệu chuyển mùa trong thơ Hữu Thỉnh vừa quen vừa lạ:                                   

Bỗng nhận ra hương ổi                                  

Phả vào trong gió se          

         Hương ổi là một phát hiện bất ngờ. Rất quen thuộc vì đó là hương vị thơm ngon của một thứ quả bình dị, dân dã trong vườn. Mà rất lạ, bởi biết bao nhà thơ đã chiếm trọn trái tim người đọc với những hình ảnh khó quên là những chiếc lá mùa thu làm nên tên tuổi của họ. Nguyễn Khuyến với Ngõ trúc quanh co, trời xanh ngắt, gió hắt hiu… và Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo. Xuân Diệu với rặng liễu đìu hiu… và hàng cây Với áo mơ phai dệt lá vàng. Lưu Trọng Lư với Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô… Tất cả làm cho mùa thu trở nên yêu kiều, man mác buồn, ít nhiều mang tính ước lệ. Chỉ đến Hữu Thỉnh, tín hiệu mùa thu mới là mùi hương ổi mới mẻ, dân dã, độc đáo. Mùi hương ấy nhẹ nhàng, tự nhiên mà như vô tình hay cố ý phả vào trong gió se, ngọn gió giao mùa rất đặc trưng của mùa thu miền Bắc, đánh thức giác quan lơ đãng của người thơ:                                        

Sương chùng chình qua ngõ   

                         Hình như thu đã về               

         Bằng biện pháp nhân hóa, khiến làn sương như có tình ý, như cô gái thẹn thùng qua ngõ, cứ e ấp, ngập ngừng chùng chình nửa muốn đến, nửa như chờ đợi ai. Hương ổi, làn gió, làn sương, tất cả đều rất thực mà cũng rất mơ hồ, như bóng dáng nàng thu còn hư ảo, thấp thoáng đâu đây: Hình như thu đã về!                

         Đặc biệt, từ Bỗng ở đầu khổ thơ đã nói hộ nhà thơ tâm trạng ngỡ ngàng, xao xuyến trước không khí chuyển mùa đột ngột mà khẽ khàng, êm ái của thiên nhiên đất trời miền Bắc.                

Cũng với cảm hứng thiên nhiên rộng lớn, bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là một bức tranh hùng vĩ về biển khơi. Mặt trời trên biển như một người khổng lồ, tràn đầy sức mạnh:                                  

Mặt trời xuống biển như hòn lửa     

   Sóng đã cài then đêm sập cửa             

         Không phải mặt trời lặn mà là mặt trời xuống biển, kết hợp với biện pháp so sánh tạo nên hình ảnh sinh động, khỏe khoắn. Mặt trời khổng lồ đỏ rực, sau một ngày lao động nóng bức, xuống biển, thả những tia sáng loang loáng, lặn ngụp vào đại dương mênh mông. Rồi bóng đêm ập xuống. Câu thơ sau là một liên tưởng độc đáo: Vũ trụ như một tòa nhà vĩ đại với đêm là cửa, sóng là then. Con sóng, bóng đêm ấy lại được nhân hóa như con người đang cài then, sập cửa. Hai câu thơ diễn tả cái thời khắc chấm dứt mọi hoạt động của thiên nhiên vũ trụ. Quả là một bức tranh vô biên, huyền bí đầy thách thức.            

Với Huy Cận, biển không chỉ là biểu tượng của sức mạnh vĩnh hằng mà còn là vẻ đẹp dồi dào, phong phú, không kém phần lãng mạn:                                      

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé                                   

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng                                   

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe                                   

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long            

         Hàng loạt tên các loài cá được kể ra liên tiếp như những tiếng reo vui của những ngư dân. Mỗi loài cá là một vẻ đẹp riêng tạo nên những gam màu lấp lánh đen hồng, vàng chóe đầy sức sống. Từ quẫy như có sức mạnh làm xao động mặt nước, như có thể thấy những đàn cá đang tung tăng bơi lội. Ý thơ càng trở nên bay bổng với một sức tưởng tượng tinh tế: Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long. Câu thơ đầy ngẫu hứng. Những con sóng nhấp nhô, phập phồng đều đặn như hơi thở từ lồng ngực khổng lồ của biển. Hòa trong hơi thở đó có cả trăng sao lấp lánh. Tưởng như không phải gió tạo nên các đợt sóng mà chính là tinh tú trên bầu trời tuôn rơi trên mặt nước, nhảy múa, tạo thành những đợt sóng đầy sao. Câu thơ tuyệt đẹp, chính là điểm nhấn của bức tranh tráng lệ ấy. Không thể phủ nhận được, Huy Cận là đỉnh cao của bút pháp lãng mạn và cảm hứng vũ trụ, với những hình ảnh vừa thực vừa ảo, lung linh đến say người.             

Một văn hào nào đó đã có một câu nói rất hay về mối tương quan giữa con người và thiên nhiên, rằng: Con người chỉ là một cây sậy yếu ớt trong thiên nhiên, nhưng đó là một cây sậy biết suy nghĩ. Đúng vậy, phác họa những bức tranh thiên nhiên, các tác giả không chỉ tái hiện vẻ đẹp vốn có của đất trời mà còn thể hiện tình yêu quê hương đất nước thiết tha, gửi gắm những suy tư và triết lý nhân sinh sâu sắc. Đây chính là điểm gặp gỡ thứ hai của các tác phẩm về đề tài thiên nhiên trong chương trình Ngữ Văn lớp 9.              

         Vâng, phải có tình cảm gắn bó máu thịt với cuộc sống, với con người, với quê hương xứ sở, các tác giả mới vẽ nên được nhưng bức tranh thiên nhiên sống động, mới khám phá được hết vẻ đẹp tinh tế của núi non, của dòng sông, của sóng biển, cỏ cây hoa lá… và cả làn không khí, ngọn gió, hương thơm, thanh âm quen thuộc trên quê hương đất nước mình.               

         Qua Truyện Kiều nói chung và những đoạn trích tả cảnh thiên nhiên trong tác phẩm của Nguyễn Du nói riêng, người đọc có thể cảm nhận được những giá trị nhân văn sâu sắc. Những bức tranh thiên nhiên trong Truyện Kiều còn chuyên chở những niềm vui, khát vọng, những nỗi bơ vơ, khổ đau, những dự cảm riêng kín trong tâm hồn nhân vật. Cũng là sự đồng cảm mãnh liệt của nhà thơ đối với nhân vật của mình. Từ đó, người đọc có thể rút ra những chiêm nghiệm thấm thía về nỗi đau thân phận con người.               

         Với Đoàn thuyền đánh cá, vẻ đẹp của biển được khắc họa sinh động qua hành trình lao động hào hứng và say mê. Huy Cận đã thể hiện niềm lạc quan, lãng mạn, niềm tin yêu thiết tha với cuộc sống mới, con người mới:                              

Mặt trời đội biển nhô màu mới                           

  Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi                

         Hình ảnh mắt cá huy hoàng làm liên tưởng đến muôn mặt trời nhỏ đang tỏa sáng niềm vui của những con người vừa chinh phục thiên nhiên, đem về những thành quả đẹp đẽ cho đời.                 

         Trong  bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, từ cảm nhận về mùa xuân của thiên nhiên đất trời, mùa xuân của quê hương xứ Huế, nhà thơ bỗng muốn hóa thân thành con chim hót, một cành hoa, một nốt trầm xao xuyến. Vì vậy, mùa xuân của thiên nhiên đã trở thành mùa xuân của lý tưởng, mùa xuân của lòng người, mùa xuân của niềm vui. Thanh Hải đã nâng tâm hồn chúng ta đến với Tổ quốc, đến với quan niệm sống cao đẹp: Sống là cống hiến!              

Riêng Hữu Thỉnh trong bài thơ Sang thu, từ những cảm xúc tinh tế về thiên nhiên, nhà thơ đã gửi gắm vào bức tranh thu một ẩn dụ, một triết lý sâu xa:                             

Sấm cũng bớt bất ngờ                            

Trên hàng cây đứng tuổi             

         Thật vậy, hàng cây đứng tuổi cũng là hình ảnh của lứa tuổi trung niên, những người đã bước vào mùa thu của đời người. Đời người sẽ là nhân chứng nhìn những mùa thu đi qua. Và khi con người đã từng trải thì cũng vững vàng bình tĩnh hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời.              

         Qua phân tích trên, ta thấy thiên nhiên trong chương trình Ngữ Văn 9 là một đề tài phong phú, đa dạng. Mỗi tác giả đều có những nét đặc sắc nghệ thuật tài hoa. Mỗi tác phẩm đều có sức cuốn hút và truyền tải được những thông điệp giàu tính nhân văn. Chiêm ngưỡng những bức tranh thơ, để bồi đắp, hoàn thiện tâm hồn. Để càng yêu thêm Tổ quốc mình, đồng bào mình. Để góp phần làm cho quê hương đất nước thêm tươi đẹp, văn minh, giàu mạnh.        

                                                                Đoàn Ngọc Phương 

  • (Có 27 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...