TÌNH CẢM GIA ĐÌNH QUA MỘT SỐ TÁC PHẨMTRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 9

27/05/2020

              Nói về ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng gia đình, một nhà văn đã viết: Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và là nơi tình yêu không bao giờ kết thúc. Thật ngọt ngào và ấm áp nếu chúng ta có một mái ấm, một nơi nương náu bình yên như thế để trở về mỗi khi mệt mỏi. 

              Bài học Ngữ Văn hôm nay chúng ta cùng ôn lại một số bài học trong chương trình ngữ văn lớp 9 để cảm nhận được những tình cảm, cảm xúc thiêng liêng, sâu nặng đó. Cụ thể là tình cảm của bà đối với cháu, của cha mẹ đối với con cái qua các tác phẩm: Bếp lửa của Bằng Việt, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, Nói với con của Y Phương. Trong đó, các nhà văn, nhà thơ đã trang trải tâm hồn mình với những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng đều có điểm chung là làm nổi bật lên sức mạnh kỳ diệu của tình cảm gia đình. Điều làm nên giá trị nhân văn sâu sắc của các tác phẩm là ở chỗ những tình cảm thiêng liêng ấy luôn giao hòa, kết nối với con người, với cuộc sống, với xóm làng, quê hương, đất nước. Hay nói cách khác, gia đình chính là chiếc nôi êm bồi đắp thể chất, tâm hồn mỗi người và còn là nền tảng, là khởi đầu của tình yêu con người, tình yêu quê hương, đất nước.

              Vâng, gia đình chính là chiếc nôi êm bồi đắp thể chất và tâm hồn mỗi người. Rồi chúng ta ai cũng lớn lên, có thể đi nhiều nơi, biết nhiều thứ, nhưng sẽ chẳng nơi đâu lưu giữ nhiều kỷ niệm và tình yêu thương bằng bóng dáng ngôi nhà thân thương với những người thân yêu trong gia đình mình. Trong bài thơ Bếp lửa, hình ảnh người bà luôn gắn với hình ảnh bếp lửa. Bếp lửa là tình bà ấm nóng. Bếp lửa gắn với những khó khăn, gian khổ của đời bà. Trong tuổi thơ của cháu, hơi hướng thân thuộc và hình ảnh bà hằng ngày cặm cụi bên bếp lửa đã khắc sâu trong tâm trí : Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói. Đó là những năm tháng gieo neo, nghèo đói. Bà già yếu, mong manh như bếp lửa chờn vờn sương sớm, tấm lòng bà chan chứa, ấm áp như ngọn lửa ấp iu, nồng đượm. Bên bếp lửa bà lặng lẽ thức khuya dậy sớm, chăm sóc, thương yêu con cháu. Khi bố mẹ đi công tác xa, bà nuôi cháu trong cảnh neo đơn, hiu quạnh, Những năm tháng ấy, bà vừa là bà, vừa là mẹ, vừa là cha: 

                                 Cháu ở cùng bà bà bảo cháu nghe

                                 Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học 

                Bà cháu quấn quýt bên nhau. Cháu được chăm chút, nâng niu trong tình yêu thương của bà. Dù thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ cha, nhưng tình yêu thương của bà đã bù đắp tất cả.  

               Trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, ta thấy người mẹ nuôi con xiết bao vất vả, nhọc nhằn: 

                                    Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

                                    Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

                                    Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

                 Nhưng mẹ vẫn hạnh phúc vô bờ vì mẹ rất yêu con. Con là mặt trời, là niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm tự hào lớn lao, cháy bỏng của mẹ:

                                     Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

                                     Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng

               Lời ru của mẹ cất lên từ trái tim: Lưng đưa nôi và tim hát thành lời. Mẹ mong con ngủ ngoan, ngủ say và mơ những giấc mơ đẹp.

              Tình mẹ trong bài thơ Con cò cũng thiết tha, sâu nặng. Lời ru ngọt ngào, âu yếm, nhịp nhàng như cánh cò bay: 

                                      Con còn bế trên tay

                                      Con chưa biết con cò

                                      Nhưng trong lời mẹ hát

                                      Có cánh cò đang bay

              Lời mẹ ru như rót vào tâm hồn bé, cho bé giấc ngủ trong sáng, nhẹ nhõm, bình yên. Lời ru ấy cứ thấm dần vào tâm hồn con, trở thành bầu sữa tinh thần thanh khiết. Nghe tiếng ru ấm êm quen thuộc của mẹ, em bé nào chẳng cảm thấy được che chở, vỗ về. Lớn lên, khi vui buồn, thành công hay thất bại, con vẫn yên lòng vì con biết cuộc đời con luôn có mẹ: 

                                        Con dù lớn vẫn là con của mẹ

                                        Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con 

               Tình yêu ấy vượt qua mọi khoảng cách không gian, thời gian và trở thành một quy luật: Mẹ là thiêng liêng, mẹ là duy nhất, không gì thay thế được! 

               Vâng, tình yêu thắm thiết của người mẹ thật dễ dàng cảm nhận được. Nhưng khi lớn lên, chúng ta mới thấu hiểu được tình cha. Truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng và bài thơ Nói với con của Y Phương đã khắc họa hình ảnh hai người cha với hai bối cảnh khác nhau, hai tâm tình khác nhau nhưng nổi bật lên vẫn là tấm lòng yêu con vô bờ bến. 

      Trong truyện ngắn của Nguyễn Quang sáng, ta bắt gặp nỗi xao xuyến, đau khổ lẫn niềm an ủi, mãn nguyện, dù có muộn, của người cha gặp được lại đứa con yêu sau tám năm xa cách. Hãy hình dung tâm trạng của người cha ấy, lúc anh ra đi, con gái đầu lòng của anh mới một tuổi, chắc chỏm tóc còn non tơ, đôi má còn thơm mùi sữa, còn ẵm trên tay. Và trong tâm trí của anh, chỉ với tấm ảnh nhỏ của con,  anh khó mà tưởng tượng nổi con gái mình lúc tám tuổi trông nó sẽ ra sao. Chắc chắn anh hồi hộp lắm, vui sướng, hân hoan không tài nào giấu được. Đến nỗi người bạn đường của anh, nhân vật anh Ba, đã cảm nhận rõ cái tình của người cha cứ nôn nao trong người anh. Đến nỗi anh Ba có thể nhìn thấu tâm tư, ý nghĩ của đồng đội: Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh. Thật vậy, chỉ cần nhìn thấy một đứa bé độ bảy tám tuổi đang chơi nhà chòi trước sân nhà, đoán biết là con, như trái tim anh mách bảo, anh Sáu đã không thể chờ thuyền cập bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, khiến tôi (anh Ba) chới với. Hình ảnh anh Sáu với vẻ mặt xúc động, giọng lặp bặp run run như bóp chặt trái tim người đọc. Tiếc là vết sẹo trên mặt anh đã khiến bé Thu không nhận ra cha, không cảm nhận được nỗi nhớ thương chất chứa trong lòng cha. 

  Nguyễn Quang Sáng đã diễn tả thật sâu sắc, tinh tế từng cung bậc cảm xúc trĩu nặng trong tâm can người cha bị con mình từ chối: Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy. Anh chờ đợi bé Thu gọi một tiếng ba nhưng nó chẳng bao giờ chịu gọi, anh Sáu chỉ còn biết vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi. Đến bữa cơm, anh gắp cho con miếng ngon nhất mà nó cũng hất văng ra. Đến ngày lên đường, anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Những chi tiết rất thật, rất xót xa đến nghẹn lòng, dù tác giả không thể diễn tả hết được tâm trạng của người đàn ông, người lính, người cha đau khổ mà không thể khóc. Có một tản văn tựa đề Ngày của cha, tác giả Nhật Minh dường như cũng từng cảm nhận được điều đó, và cũng chỉ hiểu chứ không thể diễn tả được: Tôi chưa bao giờ thấy cha khóc, nhưng tôi hiểu cái cảm giác buồn mà không thể khóc…

    Cuối cùng, tiếng gọi ba và dòng nước mắt thương yêu của con gái, dù muộn màng, vào ngày anh lên đường, hẳn làm anh ấm lòng. Trong những ngày ở rừng sâu, nỗi ân hận, day dứt trong lòng là việc anh lỡ tay đánh con. Anh dồn hết tâm trí vào việc làm một chiếc lược ngà dành tặng cho con gái. Khi cây lược hoàn thành thì anh Sáu bỗng hi sinh. Còn nỗi đau nào khắc nghiệt, éo le hơn? Vâng, chiến tranh gieo đau thương, mất mát và chết chóc là điều không tránh khỏi, nhưng những tình cảm thiêng liêng của con người, mà ở đây là tình cha con, sẽ không bao giờ mất.

                Nếu Chiếc lược ngà là câu chuyện cảm động về tình cha, thì trong bài thơ Nói với con, Y Phương cũng có cách diễn đạt đầy xúc động của riêng mình. Bằng những lời thơ chậm rãi, sâu lắng, người cha nhắc nhở con về cội nguồn sinh dưỡng của đời mình. Cha gợi lên cho con một ký ức mà có thể con không biết, không nghĩ tới. Đó là hình ảnh của chính con lúc còn chập chững tập đi, bi bô tập nói: 

                   Chân phải bước tới cha 

                   Chân trái bước tới mẹ

                   Một bước chạm tiếng nói

                   Hai bước tới tiếng cười

 Mỗi bước đi của con, cha mẹ vui mừng, vây quanh cổ vũ bằng tiếng nói, tiếng cười. Thỉnh thoảng con vịn tay cha, bám lấy mẹ, con không sợ té ngã. Nhắc lại những kỷ niệm cụ thể ấy, cha muốn nói với con một điều lớn hơn: Con lớn lên bằng  tình yêu thương, nâng niu, vỗ về, mong đợi của cha mẹ. Không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc mãi mãi nuôi dưỡng tâm hồn con, là yếu tố đầu tiên hình thành nhân cách, tâm hồn con.    

  Con được lớn lên trên quê hương xinh đẹp, nghĩa tình: 

                  Người đồng mình yêu lắm con ơi

                   Đan lờ cài nan hoa 

                   Vách nhà ken câu hát

                   Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng

     Quê hương không chỉ nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn con bằng vẻ đẹp của rừng, của hoa, của tài nguyên phong phú mà còn là nét đẹp của những câu hát nồng nàn, khỏe khoắn của đại ngàn. Bằng những sản vật đầy bản sắc văn hóa của bản làng. Bằng những tấm lòng nhân hậu, kiên cường, chịu thương chịu khó của người đồng mình 

     Bên cạnh ý nghĩa như một sợi dây tình cảm thiêng liêng gắn kết những người ruột thịt, là chiếc nôi êm cho con cháu chào đời và lớn lên, gia đình còn là nền tảng, là khởi đầu của tình yêu con người, tình yêu quê hương, đất nước. Trong bài thơ Bếp lửa, những năm chiến tranh ròng rã, người bà lặng lẽ hi sinh, chia sẻ với chiến trường. Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi, không một giọt nước mắt bà giấu nỗi đau thương để luyện cho cahus một tình cảm cao hơn : 

                                 Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh

                                 Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

                                 Cứ bảo nhà vẫn được bình yên    

                 Bà dạy cháu biết sống yêu thương, dù giàu sang hay nghèo khó đừng quên những ngày khoai sắn ngọt bùi. Bà dạy cháu tình làng nghĩa xóm, chia sẻ buồn vui Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui. Như ngọn lửa, tấm lòng của bà, đức hi sinh tần tảo của bà đã truyền cho cháu ý chí và nghị lực phi thường. Tình yêu thương của bà đã nhóm lên bao ước mơ, khát vọng của tuổi thơ. Cháu thật diễm phúc vì có một người bà như thế. 

                 Trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, người mẹ địu con khi làm rẫy, khi giã gạo, khi ra chiến trường… Mẹ gửi trọn tình yêu thương và ước mong vào giấc mơ của con:

                                    Con mơ cho mẹ, hạt gạo trắng ngần

                                     Mai sau con lớn vung chày lún sân

                                     …

                                     Con mơ cho mẹ được thấy bác Hồ

               Đến đây, mẹ là hình tượng tiêu biểu cho hình ảnh người mẹ cứu nước. Vẻ đẹp của người mẹ Tà Ôi là sự thống nhất tuyệt vời giữa tình cảm, hành động và mơ ước của người mẹ yêu con, yêu đất nước. 

              Trong bài thơ Con cò, những làn điệu trầm bổng, êm ái của lời mẹ ru đã trở thành máu thịt nuôi dưỡng tâm hồn con:

                                    Lớn lên, lớn lên, lớn lên …

                                    Con làm gì ? 

                                    Con làm thi sĩ 

                                    Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

                                    Trước hiên nhà 

                                    Và trong hơi mát câu văn

             Cánh cò sống mãi trong tâm thức của con, lời ru của mẹ đã nâng bổng ước mơ, quạt mát tâm hồn và văn thơ của con. Cho con góp phần làm đẹp cuộc đời.   

                Cũng với tấm lòng rộng mở với quê hương, đất nước, thơ Y Phương là gửi gắm niềm tự hào của người cha về những phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của quê hương: 

                                 Người đồng mình yêu lắm con ơi

                                 Cao đo nỗi buồn

                                 Xa nuôi chí lớn

                Không chỉ mạnh mẽ, giàu ý chí, người đồng mình còn có lối sống nhân nghĩa, thủy chung. Người cha muốn dạy con dù cuộc sống có gập ghềnh, nghèo đói cũng đừng bao giờ chê bôi hay phản bội bản làng: 

                                Sống trong thung không chê thung nghèo đói

                                Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

             Người cha còn truyền cho con ý thức và niềm tự hào về giá trị và bản sắc 

văn hóa của quê hương mình, dân tộc mình:  

                                 Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

                                 Còn quê hương thì làm phong tục

              Người đồng mình có cuộc sống lao động cần cù không dựa vào ai và luôn trân trọng, yêu quý bản làng, quê hương mình. Cuối cùng, cha dặn dò con: 

                                       Con ơi tuy thô sơ da thịt

                                       Lên đường

                                       Không bao giờ nhỏ bé được

                                       Nghe con.

              Vâng, những truyền thống tốt đẹp, những phẩm chất tốt đẹp ấy là niềm tự hào chân chính, là tấm gương cho con soi rọi mình, là hành trang cho con vào đời. Truyền cho con những tâm huyết ấy, cha mong muốn điều gì ở con? Không bao giờ được nhỏ bé nghe con ! Nhỏ bé ở đây không phải là nhỏ bé về vóc dáng, hình thể mà cha muốn nói đến tầm vóc của nhân cách, tâm hồn. Con hãy sống mạnh mẽ, trong sáng, vững vàng như cha ông đã sống. Có như vậy, khi lên đường bước vào cuộc sống con mới xứng đáng là con của cha mẹ, của đại ngàn thân thương.       

     Như vậy, qua những phân tích trên, ta thấy tình yêu thương và niềm kỳ vọng của những người bà, người mẹ, người cha đối với con cháu được truyền tải trong các tác phẩm văn học lớp 9 thật bình thường, giản dị mà vô cùng nhân bản, cao quý, sâu sắc. Chỉ ước mong con cháu mình nên người tử tế, biết sống xứng đáng với tổ tiên, dân tộc, quê hương.                  

Quả thật, tình cảm gia đình là ngọn lửa ấm, là lời ru ngọt ngào êm ái, là những bài học ân tình sâu sắc, là tất cả những gì thân thiết với tuổi thơ, với cả đời người. Những tình cảm đó đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. Mỗi tác phẩm là một vẻ đẹp riêng nhưng đều hướng đến giá trị đích thực của cuộc sống, nhắc nhở chúng ta gia đình là thiêng liêng, cao quý. Để yêu thương, biết ơn, trân trọng và vun đắp thêm hạnh phúc gia đình mình. Những tình cảm đó cần được gìn giữ, phát huy và góp phần làm đẹp hơn nhịp sống chung của quê hương, đất nước.                  

Với bài học hôm nay, cùng với những chủ đề khác, hi vọng có thể giúp các em ôn tập, tổng hợp lại các kiến thức đã học thành những mảng nội dung cơ bản trong chương trình Ngữ văn 9, để các em vận dụng hợp lý trong làm bài thi học kỳ và thi tuyển sinh 10 sắp tới. 

Đoàn Ngọc Phương

(GV THCS Ngô Quyền, Tân Bình)

  • (Có 65 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...