CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 9

14/05/2020

 Nước Việt Nam từ máu lửa

                                    Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

                                              ( Đất nước- Nguyễn Đình Thi ) 

              Thật kỳ vĩ và lãng mạn, hình ảnh đất nước Việt Nam rũ bùn vươn lên như một thiên thần! Một đất nước đã trải qua mấy ngàn năm gian nan, thử thách, vang dội những chiến công. Ơn ai đã tạc nên dáng hình đất nước? Nếu văn thơ trung đại còn khắc họa hình tượng những người anh hùng cưỡi voi ra trận, mình khoác áo bào, vai đeo kiếm sắc ít nhiều ước lệ - trong cuộc chiến tranh ngàn năm Bắc thuộc, thì chân dung người lính cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ lại rất bình dị, gần gũi, hiền lành mà không kém phần lãng mạn, hào hùng. Đến với các tác phẩm viết về người lính trong chương trình Ngữ văn lớp 9, chúng ta có thể bắt gặp những nét riêng chung của họ, để càng hiểu thêm về lý tưởng, tâm hồn, khí phách của thế hệ cha anh. 

              Những người con ưu tú ấy được sinh ra vào hai thời điểm lịch sử trọng đại, tình cảm yêu nước của họ đều thiết tha sâu nặng, nhưng hoàn cảnh xuất thân và mục tiêu chiến đấu của họ đã phục vụ cho từng nhiệm vụ lịch sử cụ thể, trọng đại mà Tổ Quốc trao cho. 

              Trong kháng chiến chống Pháp, họ là những chàng trai chân lấm tay bùn: 

                                    Quê  hương anh nước mặn đồng chua

                                    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

                                                  ( Đồng chí – Chính Hữu ) 

               Trang bị của họ hầu như không có gì: 

                                      Áo anh rách vai

                                     Quần tôi có vài mảnh vá

                                    Miệng cười buốt giá

                                    Chân không giày

                                                ( Đồng chí – Chính Hữu ) 

                Lý tưởng chiến đấu của họ thật thiêng liêng, cao cả, như những tráng sĩ Kinh Kha ra đi không hẹn ngày về: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!

                Nếu người lính Vệ quốc có chút gì hiền hậu, bình dị như hạt lúa củ khoai thì anh lính Giải phóng quân lại trưởng thành hơn trong kháng chiến chống Mỹ với khẩu hiệu Tất cả vì miền Nam thân yêu, người chiến sĩ Trường Sơn mang đậm dấu ấn chủ nghĩa anh hùng ca cách mạng. Những cảm giác họ trẻ trung hơn, được trang bị đầy đủ hơn và sức sống thì ngang tàng, mãnh liệt. Trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, người đọc vừa thích thú vừa yêu mến biết mấy những chàng trai không chỉ sẵn sàng chờ giặc tới mà còn có thể điều khiển những chiếc xe không kính lao đi trong mưa bom bão đạn, vững chãi và tự tin: 

                                 Ung dung buồng lái ta ngồi

                                 Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

                 Đó là những chàng trai có thể tìm ra cách xây dựng kiểu bếp ăn dã chiến  ngay dưới mũi súng rình rập của kẻ thù. Đó là những cô gái thanh niên xung phong mười chín, đôi mươi mới hôm nào còn cắp sách đến trường. Hãy đến với Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, với những cô gái thanh niên xung phong trên cao điểm rừng Trường Sơn, để cảm nhận khoảnh khắc cân não khi họ gỡ bom nổ chậm. Tất cả bọn họ như lớn mạnh hơn, thông minh, gan góc hơn theo đà trưởng thành của đất nước ! 

                  Lớp cha trước lớp con sau nhưng điểm chung giữa họ đều toát lên những phẩm chất cao quý của giống nòi Việt Nam. Trước hết là tình yêu thương, đoàn kết giữa những người đồng đội. Trong bài thơ Đồng chí, những người lính Vệ quốc quân sẻ chia nhau hơi ấm trong những đêm rét chung chăn, chăm sóc nhau khi sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi,tay nắm lấy bàn tay  để nghe ấm đôi bàn chân không giày. Trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, ta thấy sau mỗi chuyến trở về, người lính lái xe lại hướng ra mặt trận và phấp phỏng chờ đợi:

                               Những chiếc xe từ trong bom rơi      

                               Đã về đây họp thành tiểu đội

                  Hình ảnh lãng mạn, câu thơ như tiếng reo vui, bởi xe trở về nghĩa là đồng đội của họ bình yên trở về. Cái bắt bắt tay qua ô kính vỡ như truyền thêm sức mạnh cho nhau, cùng chia sẻ, cảm thông những gian nguy mà đồng đội của họ vừa vượt qua. Có lúc, họ cùng nghỉ ngơi, ăn uống, vui vẻ như một gia đình: Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy. 

                 Còn những cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi mới đáng yêu làm sao! Mỗi cô gái một cá tính khác nhau nhưng họ đối với nhau như chị em ruột thịt. Khi nhân vật chị Thao và Nho ra cao điểm thì ở trong hang Phương Định lo lắng, bồn chồn đến gắt gỏng khi trả lời điện thoại, kể cả người gọi là đại đội trưởng. Cảnh Phương Định và chị Thao chăm sóc Nho khi cô bị thương được kể thật nhẹ nhàng nhưng chân thật, cảm động. Chị Thao sợ máu nhưng quá lo cho Nho nên cứ luẩn quẩn bên ngoài lúng túng như chẳng biết làm gì mà lại rất cần được làm việc. Lời nói của chị có lẽ làm cho Nho buồn cười nhưng chắc bớt đau nhiều lắm: Thường thế, người ngoài cảm thấy đau hơn người bị thương mà. Vậy đó, ba chị em thương nhau, hiểu nhau đến mức: Không ai nói với ai, nhưng nhìn nhau, chúng tôi đọc thấy trong mắt nhau điều đó.   

                Vâng, không những đẹp ở lý tưởng chiến đấu cao cả, ở tình đồng đội keo sơn, họ còn tuyệt vời hơn ở lòng lạc quan dũng cảm phi thường. Hình ảnh người lính Vệ quốc quân áo rách vai quần vài mảnh vá nụ cười buốt giá giữa rừng già  khiến người đọc không khỏi rưng rưng xúc động! Vầng trăng treo lơ lửng đầu mũi súng là một thoáng mộng mơ, xao xuyến của người lính xa nhà giúp ta hiểu rằng chiến tranh khốc liệt và gian khổ đã không thể hủy hoại lòng yêu cuộc sống của họ, không thể làm tâm hồn họ xơ cứng.  

                 Anh lính lái xe trong thơ Phạm Tiến Duật hầu như hằng ngày đối diện với hiểm nguy, sự sống gần kề cái chết. Xe không kính bốn bề trống hoác, nhưng những chuyến xe vẫn ngày đêm ra trận. Khi chiếc xe vùn vụt lao nhanh xuyên đường với tốc độ chóng mặt, họ vẫn hào hứng cảm nhận con đường hun hút phía trước như chạy thẳng vào tim. Đôi mắt cay xè vì thiếu ngủ, rát bỏng vì bụi cát. Thế mà họ vẫn điềm nhiên hít thở, uống cạn những cảm giác thật say sưa, lãng mạn: 

                                    Thấy sao trời và đột ngột cánh chim 

                                     Như sa, như ùa vào buồng lái

                  Không thiếu những giây phút bên nhau thật vui nhộn, tếu táo: Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha. Đó phải là tiếng cười trong sáng, khỏe khoắn của tuổi trẻ, của lòng tự tin, lạc quan yêu đời. Với những nụ cười tinh nghịch, đáng yêu ấy, mấy ai có thể hình dung một hiện thực khốc liệt mà người chiến sĩ phải đối diện từng ngày, từng giờ: Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi. Những chiếc xe ngày đêm băng ra mặt trận, dưới hàng vạn tấn bom trút xuống núi rừng Trường Sơn khói lửa. 

                  Nhà văn Lê Minh Khuê có lối viết đầy nội tâm: Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ĩ xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ…  Vâng, đạn bom và chết chóc ! Nhưng vẫn có cảm giác đâu đó phảng phất hương thơm của hoa, vị ngọt mùa quả chín. Bởi một chút hồn nhiên của Phương Định: Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa ra lộn xộn mà ngớ ngẩn đến nỗi tôi cũng phải ngạc nhiên đôi khi bò ra mà cười một mình. Một chút điệu đà của Thao: Chị hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm. Một chút xinh xắn của Nho: nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng. Thế thôi, cũng đủ làm dịu đi không khí nóng bỏng, chết chóc của chiến trường.

                 Điều gì khiến cho những chàng trai quanh năm chỉ quen tay cày tay cuốc ấy đã hăng lên đường cầm súng chiến đấu? Điều gì khiến những chiếc xe không kính ngày đêm lao đi trong mưa bom bão đạn? Điều gì khiến những cô gái vốn yếu mềm có thể hiên ngang chạm vào cái chết vô hình từ những quả bom? Đó chính là lòng chung thủy với quê hương, với mảnh ruộng nhà mình, với vợ con của mình: 

                                     Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

                                     Gian nhà không mặc kệ gió lung la

                                                   ( Đồng chí – Chính Hữu ) 

                 Nhà phê bình Nguyễn Đức Quyền đã nhận xét: Ở ngoài mặt trận mà biết gió lay từng gốc cột ngôi nhà mình ở thì thật không còn từ ngữ nào để diễn tả hết tình cảm thiết tha của họ đối với gia đình mình. Thế đó, ai mà không mong muốn được sống yên vui, hạnh phúc trong mái ấm gia đình ? Nhưng vì nghĩa lớn, họ ra đi không tiếc đời mình, bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân yêu nhất. Cũng như vậy, ở ngoài mặt trận mà biết Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính chứng tỏ họ đang nhớ quê hương, nhớ người mình thương biết nhường nào! Mối giao cảm đậm đà sâu sắc ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính trên những chặng đường chiến đấu. 

                  Với nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, tình cảm đó lại là hồi ức về những ngày sống thanh bình, yên ả trong một căn gác giữa lòng Hà Nội, có người mẹ thương  yêu, khung cửa sổ, ánh đèn lấp lánh trên con đường ướt mưa, tiếng rao hàng, tiếng trẻ con đùa nghịch trên phố với những cú sút bóng ầm ĩ … 

                 Trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, tình yêu đó mang ý nghĩa sâu xa, khái quát hơn: Chỉ cần trong xe có một trái tim. Là lòng yêu thương đồng bào ruột thịt. 

                  Nhà văn Nga Ê-ren-bua đã viết: Tình yêu nước bắt đầu từ lòng yêu những gì bình thường nhất. Yêu cái cây trồng trước ngõ, yêu lối nhỏ đổ ra bờ sông, yêu con sống đổ về biển cả… Vâng, tình yêu của người lính cụ Hồ cũng bắt nguồn từ những gì mộc mạc, chân chất, gần gũi nhất. Yêu ngôi nhà, yêu mảnh vườn, gốc đa, giếng nước, yêu con người… Đó chính là tình yêu Tổ quốc!  

                  Tóm lại qua các ba tác phẩm Đồng chí của Chính Hữu, Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, các tác giả đã khắc họa sinh động chân dung hào hùng của người lính cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Dù có những nét riêng chung, những người lính cụ Hồ thật xứng đáng với niềm tin yêu, niềm tự hào của cả dân tộc. Trong số họ, người còn kẻ đã mất, có những người được ghi tên trên bia đá, có người còn nằm lại đâu đó nơi chiến trường… Nhưng chắc chắn Tổ Quốc, nhân dân đời đời ghi ơn họ, những người con đã dựng nên thành đồng Tổ Quốc. Cảm ơn những bà mẹ đã sinh ra những người con anh dũng! Cảm ơn những tượng đài liệt sĩ! Cảm ơn những nhà thơ đã sống đời lính, yêu đời lính và viết về đời lính, để lại cho chúng ta những áng văn thơ sống mãi cùng năm tháng! 

Đoàn Ngọc Phương

(GV THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình)

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...