BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO - BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP CỦA NƯỚC ĐẠI VIỆT

11/05/2020

I. VÀI NÉT VỀ BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO

1. Sơ lược tác giả 

Nguyễn Trãi (1380 – 1442), hiệu là Ức Trai, quê gốc làng Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), nhưng sinh ra ở Thăng Long trong dinh ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, về sau dời về sống ở làng Ngọc Ổi, xã Nhị Khê, tỉnh Hà Đông. Ông là con trai của Nguyễn Phi Khanh (trước đây có tên là Nguyễn Ứng Long), vốn là học trò nghèo thi đỗ thái học sinh và bà Trần Thị Thái - con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, dòng dõi quý tộc nhà Trần. Năm 1400, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh, làm quan cho nhà Hồ. Nhưng chẳng bao lâu sau (1407) quân Minh sang đánh nước Đại Ngu. Nhà Hồ thua trận, cha con Hồ Quý Ly cùng các triều thần bị bắt sang Trung Quốc, trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo để lật đổ ách đô hộ của nhà Minh, trở thành quân sư đắc lực của Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ sau này) trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn bản trả lời quân Minh cho Lê Lợi. 

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, phong ông tước Quan Phục hầu và cho theo họ Lê của vua. Nguyễn Trãi là vị anh hùng toàn đức, toàn tài, hết mình phục vụ và giúp đỡ nhà Lê từ khi Lê Lợi khởi nghiệp ở Lam Sơn đến khi triều đình thịnh vượng nhưng cũng là người chịu nỗi oan thảm khốc hiếm có trong lịch sử: tru di cả ba họ. 

2. Hoàn cảnh ra đời Bình Ngô đại cáo

Cuối năm 1427, Vương Thông, tổng chỉ huy quân đội nhà Minh ở Đại Việt, đã phải mở cửa thành Ðông Quan đầu hàng, sau khi 15 vạn viện binh bị đánh bại. Cuộc kháng chiến 10 năm đã kết thúc vẻ vang. Ngày 17 tháng chạp năm Đinh Mùi (khoảng đầu năm 1428), thừa lệnh vua Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi công bố Bình Ngô đại cáo nhằm tổng kết quá trình kháng chiến và tuyên cáo thành lập vương triều nhà Lê.  

Bài cáo là một áng thiên cổ hùng văn, đánh dấu mốc son chói lọi, phản ánh quá trình kháng chiến 10 năm đầy đau thương mà oanh liệt đánh đuổi giặc Ngô xăm lược, giành độc lập tự chủ. Bình Ngô đại cáo được xem như bản tuyên ngôn độc lập dân tộc. 

3. Về thể loại cáo

Cáo là thể văn nghị luận cổ, thường được vua chúa hặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương chính trị trọng đại hay công bố kết quả một sự nghiệp để mọi người cùng biết. Cáo phần nhiều viết bằng thể văn biền ngẫu, số câu chữ không hạn chế, văn phong mang tính chính luận nên trang trọng, sắc bén, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục. 

Bình Ngô đại cáo là một văn bản chính luận, những trang lịch sử sống động đồng thời cũng được xem là tác phẩm văn chương đặc sắc của dòng văn học trung đại. Về tựa bài cáo cũng có vài ý kiến khác nhau trong việc giải thích từ Ngô trong Bình Ngô đại cáo. Tuy nhiên tựu trung ở 3 ý sau đây: 

- Ngô: Một cách gọi theo thói quen của người Việt Nam thời đó để chỉ chung người Trung Quốc. 

- Ngô: tên vùng đất xuất thân của Chu Nguyên Chương (tức Minh Thành tổ). 

- Ngô: Một cách gọi của nhân dân để chỉ những tên giặc gian ác, tàn bạo.

4. Kết cấu của Bình Ngô đại cáo 

Bài cáo tuân thủ đúng kết cấu của các tác phẩm Thang cáo (được chép trong chương Thương Thư của sách Kinh Thư) và Vũ cáo hay đại cáo Vũ Thành (được chép trong chương Chu Thư của sách Kinh Thư). Bài cáo có kết cấu 4 phần:

- Nêu lập trường chính nghĩa

- Tố cáo tội ác của giặc

- Quá trình cuộc kháng chiến

- Tuyên bố thắng lợi.

5. Ý nghĩa Bình Ngô đại cáo

Bài cáo có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa yếu tố chính luận sắc bén, yếu tố lịch sử sinh động, yếu tố văn chương truyền cảm, cảm hứng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm là cảm hứng anh hùng ca hào hùng sôi nổi, mãnh liệt phản ánh hào khí của cuộc kháng chiến đau thương mà anh dũng để giành thắng lợi đồng thời cũng là một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc. Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn học, không chỉ lưu giữ những sự kiện lịch sử mà còn lưu truyền lòng yêu nước tự hào dân tộc đến các thế hệ người Việt Nam.

II. BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO – BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP CỦA NƯỚC ĐẠI VIỆT

Không phải quốc gia, dân tộc nào sau khi giành được độc lập, tự chủ cũng có được một bản Tuyên ngôn độc lập. Đối với dân tộc Việt Nam, lịch sử dân tộc đã ghi lại những áng văn lập quốc vĩ đại, những văn kiện có giá trị chính trị, tư tưởng, văn hóa ngoại giao được xem như những bản tuyên ngôn độc lập đánh dấu trình độ chính trị xã hội của dân tộc Việt Nam. Có thể kể bài thơ thần được đọc trong đền Trương Hống, Trương Hát giữa đêm khuya trên chiến luỹ sông Như Nguyệt với những vần thơ hào sảng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” đã khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc rồi đến Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn hùng hồn đanh thép “Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường để đãi yến nguỵ sứ mà không biết căm…” cũng đã khẳng định đến quốc gia, quốc thể. Đến với Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, tinh thần của bản tuyên ngôn độc lập càng thể hiện rõ ràng để khẳng định một triều đại mới được hình thành, vương triều nhà Lê và Bình Ngô đại cáo trở thành một áng văn lập quốc vĩ đại, là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn về nhiều lĩnh vực: chính trị, lịch sử, văn học. 

1. Luận đề chính nghĩa: 

Mở đầu Bình ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết:

Đại thiên hành hóa hoàng thượng nhược viết:
Cái văn:
Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân,
Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo.

Trần Nho Thìn trong Bình Ngô đại cáo dưới ánh sáng của loại hình học văn hoá trung đại đã viết: “Một trong những đặc điểm cơ bản có tính bao trùm, chi phối mọi phương diện của văn hóa phương Ðông thời cổ, trung đại là việc xem xét con người và thế giới trong mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời, là việc vũ trụ hóa thế giới con người, xem xét Thiên đạo (đạo Trời) và Nhân đạo (đạo Người) như một thể thống nhất”. Trong bài cáo, hai chữ nhân nghĩa là nền tảng của tác phẩm. Nguyễn Trãi giương cao ngọn cờ nhân nghĩa làm tiêu chí cuộc kháng chiến. Nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cũng bắt nguồn từ nhân nghĩa của Nho giáo Trung Quốc. Thế nhưng nhân nghĩa của Nho giáo là bảo vệ cương thường trong trật tự phong kiến để thực hiện Thiên đạo thì Nguyễn Trãi đã đưa nhân nghĩa về với Nhân đạo, lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ. Việc nhân nghĩa cốt để cuộc sống yên ổn của nhân dân. Đây chính là tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại. Vì yêu thương nhân dân mà trừng trị kẻ có tội. Ngọn cờ nhân nghĩa vừa Nhân đạo, vừa Thiên đạo. Đó chính là  mang lại an lành cho nhân dân là hợp ý trời, thuận lòng dân. Dân trong tác phẩm là những người thuộc tầng lớp thấp nhất nhưng lại chiếm đa số trong xã hội nông nghiệp thời đó. Ðó là những dân đen, con đỏ, thương sinh, phu phen, manh lệ nhưng lại là những người có vai trò lịch sử quan trọng, góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. 

Nhân nghĩa là mối quan hệ giữa con người với con người được xây dựng trên cơ sở của tình thương yêu và đạo lý làm người. "Nhân nghĩa" với Nguyễn Trãi là "an dân" và "khử bạo". Có xuất xứ từ một quan niệm của Nho gia, song đến Việt Nam, Nguyễn Trãi đã biến nó thành một khái niệm đậm tính dân tộc và trở thành tư tưởng lớn của thời đại. 

Những quan niệm của Nguyễn Trãi trong bài cáo về nhân nghĩa đều xuất phát từ chính thực tiễn kế thừa phát triển của truyền thống yêu nước, phù hợp với đạo đức truyền thống và hoàn cảnh lịch sử đương thời. Những quan niệm này, so với trước, đã có nhiều biến đổi, phát triển do sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử. Ngọn cờ nhân nghĩa hướng tới nhân dân Đại Việt, tới mọi từng lớp cùng khổ, nô lệ dưới xiềng xích ngoại bang để trở thành đại nghĩa. Lê Lợi vốn không thuộc tôn thất nhà Trần mà chỉ là hào kiệt vùng Lam Sơn dấy nghĩa. Không thuộc tầng lớp trí thức, Nho sĩ đương thời, làm sao để thu phục nhân tâm để thực hiện “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Chính việc sáng suốt nêu ngọn cờ nhân nghĩa, lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ đã tập hợp được tứ phương manh lệ về với Lam Sơn và để tăng tính thuyết phục, tạo sức mạnh cho cuộc kháng chiến thành công. Phải lui về gần 2 thế kỷ trước đó để thấy trong Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn viết: “Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn…” thì mới thấy hết được tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Nguyễn Trãi là điểm son trong lịch sử tư tưởng chính trị của dân tộc. 

Từ ý thức dân tộc, Nguyễn Trãi khẳng định: 

Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang.
Sơn xuyên chi phong vực ký thù,
Nam bắc chi phong tục diệc dị.
Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương.
Tuy cường nhược thì hữu bất đồng,
Nhi hào kiệt thế vị thường phạp.

Đó là sự khẳng định độc lập tự chủ, núi sông bờ cõi, phong tục tập quán, đời sống văn hoá của cộng đồng người Việt định cư trên mảnh đất này. Nguyễn Trãi nêu ra hàng loạt những chân lý khách quan về sự tồn tại độc lập của một lãnh thổ, một quốc gia, một đất nước được xây dựng lên từ lịch sử dân tộc có một nền văn hoá lâu đời. Tất cả tồn tại từ buổi đầu dựng nước, từ núi sông vốn đã phân định rạch ròi đến phong tục Bắc Nam cũng khác. Rõ ràng ta có đủ chủ quyền đất nước bởi từ cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán đến nền văn hoá, rồi lịch sử. Nếu như phương Bắc có vương triều riêng biệt, thì phương Nam cũng có triều đại riêng trong thế vững vàng “đế nhất phương”. Đây cũng là việc khẳng định việc hoàn chỉnh khái niệm về quốc gia, về dân tộc. Và lịch sử đã ghi nhận những minh chứng hùng hồn, đầy sức thuyết phục cho nguyên lí nhân nghĩa, cho sức mạnh dân tộc bằng những chiến công bảo vệ Tổ quốc khiến các thế lực xâm lược phải chịu sự thất bại: 

Cố Lưu Cung tham công dĩ thủ bại,
Nhi Triệu Tiết hiếu đại dĩ xúc vong.
Toa Đô ký cầm ư Hàm Tử quan,
Ô Mã hựu ế ư Bạch Đằng hải.
Kê chư vãng cổ,
Quyết hữu minh trưng.

2. Tố cáo tội ác tày trời của giặc, lòng căm thù lũ giặc sâu sắc, tình thương vô hạn đối với nhân dân. 

Bình Ngô đại cáo là một bản cáo trạng đanh thép, hùng hồn vạch trần tội ác của giặc đồng thời thể hiện lòng được viết lên từ một lòng căm thù sục sôi:

Khoảnh nhân Hồ chính chi phiền hà,
Trí sử nhân tâm chi oán bạn.
Cuồng Minh tứ khích, nhân dĩ độc ngã dân;
Nguỵ đảng hoài gian, cánh dĩ mãi ngã quốc.

Chính sự phiền hà của nhà Hồ đã đi ngược đạo lý dân tộc, đi ngược nhân nghĩa nhân dân. Nguyễn Trãi một lần nữa cũng khẳng định sức mạnh nhân dân là yếu tố làm nên giá trị lịch sử. Nhà Hồ gây sự phiền hà cho nhân dân để lòng người oán hận tất sẽ chuốc lấy thất bại. Điều này cũng nhìn thấy sự tiến bộ trong tư tưởng nhà Nho phong kiến, Nguyễn Trãi vốn xuất thân từ quan trường nhà Hồ nhưng đã nhận định đúng đắn sức mạnh nhân nghĩa của nhân dân và yên dân là ngọn cờ chính nghĩa. Lợi dụng việc Hồ Quý Li cướp ngôi nhà Trần, giặc Minh đã "thừa cơ gây họa". Núp dưới bóng cờ "phù Trần diệt Hồ", để thực hiện mưu đồ xăm lăng, gieo đau thương tang tóc cho dân tộc: 

Hân thương sinh ư ngược diệm,
Hãm xích tử ư họa khanh.

… Bại nghĩa thương nhân, càn khôn ky hồ dục tức;
Trọng khoa hậu liễm, sơn trạch mỹ hữu kiết di.
… Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô,
Khánh Nam Sơn chi trúc bất túc dĩ thư kỳ ác.

Đó là tội ác trời không dung, đất không tha, thì việc khởi nghĩa Lam Sơn là hợp Thiên đạoNhân đạo. Ý trời lòng dân cùng hòa hợp:

Thần dân chi sở cộng phẫn,
Thiên địa chi sở bất dung.

Sức mạnh thuyết phục của bản cáo trạng không chỉ vạch trần tội ác man rợ của kẻ thù, những nỗi cơ cực của nhân dân còn thể hiện sự căm thù sâu sắc của Nguyễn Trãi đối với kẻ thù. Chính điều đó đã chinh phục nhân tâm, tạo niềm tin, sức mạnh cho cuộc kháng chiến.

3. Quá trình cuộc kháng chiến đau thương nhưng hào hùng và oanh liệt 

Bình Ngô đại cáo đã tái hiện hình tượng người anh hùng Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu gian khó:

Dư:
Phấn tích Lam Sơn,
Thê thân hoang dã.
Niệm thế thù khởi khả cộng đái,
Thệ nghịch tặc nan dữ câu sinh.

Khởi nghiệp nơi hoang dã, lại không thuộc hàng tôn thất thường bị xem là bá đạo dưới mắt xã hội phong kiến. Nhưng trước tội ác kẻ thù gây đau khổ cho nhân dân thì không thể nhắm mắt làm ngơ, nên dựng cờ khởi nghĩa là tất yếu, là nhân nghĩa, là đạo lý. Bài cáo đã thể hiện quá trình thu phục nhân tâm, chiêu mộ hiền tài đầy gian khó. Hình tượng thủ lĩnh Lam Sơn, được khái quát với những phẩm chất tiêu biểu nhất của con người yêu nước ở thế kỷ XV. Đó là con người xuất thân bình thường, có tấm lòng căm thù giặc sâu sắc, luôn có tinh thần vượt khó, kiên trì, biết tập hợp, đoàn kết toàn dân, có chiến lược, chiến thuật tài tình, và đặc biệt phải biết giương cao ngọn cờ nhân nghĩa. Và chính Lê Lợi chính là hình ảnh tiêu biểu, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cứu quốc. Chính từ trong gian khó ấy, nghĩa quân phải tự lực cánh sinh, đoàn kết gắn bó trên dưới một lòng:

Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập;
Đầu giao hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm.
Dĩ nhược chế cường, hoặc công nhân chi bất bị;
Dĩ quả địch chúng, thường thiết phục dĩ xuất kỳ.

Người chủ tướng Lam Sơn vừa vĩ đại lại vừa rất đời thường, gần gũi, tàng ẩn đằng sau sự miêu tả là một triết lý nhân sinh sâu sắc: đó là niềm tin ở sức mạnh nhân dân và chính nhân dân làm nên sự nghiệp, mỗi người dân đều có thể hoá những anh hùng. Tấm lòng cứu nước trở thành lời giục gọi thì đội quân "mạnh lệ chi đồ" mà "phụ tử chi binh" đã gắng chí khắc phục gian nan để đến được những thắng lợi cuối cùng. Có lẽ trong việc dùng binh xưa, Lê Lợi là người nhìn ra sớm nhất và cũng đồng thời đánh giá cao nhất vai trò, sức mạnh của tứ phương manh lệ. Bình Ngô đại cáo là bản hùng ca về khí thế quyết chiến, quyết thắng của đội quân nhân nghĩa: 

Tốt năng:
Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn,
Dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo.

Đại nghĩa, chí nhân là tiêu chí kháng chiến để tiêu diệt hung tàn, cường bạo. và khi nhân nghĩa thu phục được nhân tâm cùng với chiến lược chiến thuật hợp lý đã tạo nên chiến công vang lừng:

Bồ Đằng chi đình khu điện xế,
Trà Lân chi trúc phá khôi phi.
… Trần Trí, Sơn Thọ văn phong nhi sỉ phách,
Lý An, Phương Chính giả tức dĩ thâu sinh.
…Ninh Kiều chi huyết thành xuyên, lưu tinh vạn lý;
Tốt Động chi thi tích dã, di xú thiên niên.

Trong Bình Ngô đại cáo, không tìm thấy những anh hùng cá nhân (đặc trưng trong văn chương trung đại), bài cáo tập trung làm sáng rõ vai trò của một tập thể anh hùng, những người mà trước kia văn học bác học chưa quan tâm đi sâu, khai thác. Tuy nhiên, đối với tướng giặc, tác giả lại miêu tả đầy đủ, cụ thể từng gương mặt, họ tên, chức tước và tư thế kẻ chiến bại: 

Đinh vị cửu nguyệt Liễu Thăng toại dẫn binh do Khâu Ôn nhi tiến,
Bản niên thập nguyệt Mộc Thạnh hựu phân đồ tự Vân Nam nhi lai.
Nhị thập ngũ nhật Bảo Định bá Lương Minh trận hãm nhi táng khu,
Nhị thập bát nhật Thượng thư Lý Khánh kế cùng nhi vẫn thủ.

Chiến công nối tiếp chiến công, Tác phẩm còn là những trang sử sống động, hào hùng về chiến công của nghĩa binh trong thế trận chiến thắng như chẻ tre:

Kỳ Vân Nam binh vị ngã quân sở ách ư Lê Hoa, tự đỗng nghi hư hạt nhi tiên dĩ phá phủ;
Kỳ Mộc Thạnh chúng văn Liễu Thăng đại bại ư Cần Trạm, toại lận tạ bôn hội nhi cận đắc thoát thân.
Lãnh Câu chi huyết chử phiêu, giang thủy vị chi ô yết;
Đan Xá chi thi sơn tích, dã thảo vị chi ân hồng.

Đại nghĩa đã thắng hung tàn, chí nhân thắng cường bạo là tất yếu. Bình Ngô đại cáo đã ghi lại những trang sử hào hùng, những chiến công chói lọi của nghĩa quân Lam Sơn với khí thế:

Ẩm tượng nhi hà thủy càn,
Ma đao nhi sơn thạch khuyết.
Nhất cổ nhi kình khô ngạc đoạn,
Tái cổ nhi điểu tán quân kinh.

Song hơn thế nữa là chiến thắng của lòng nhân ái, của nhân nghĩa dân tộc. Quan điểm "dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo" của Nguyễn Trãi chính được biểu hiện ở đây. Hành động nhân ái của ta càng tô thêm cái chính nghĩa và lòng nhân đạo sáng ngời của dân tộc Việt.

Tặc thủ thành cầm, bỉ ký trạo ngạ hổ khất liên chi vĩ;
Thần võ bất sát, dư diệc thể thượng đế hiếu sinh chi tâm.
Tham tướng Phương Chính, Nội quan Mã Kỳ, tiên cấp hạm ngũ bách dư sưu, ký độ hải nhi do thả hồn phi phách tán;
Tổng binh Vương Thông, Tham chính Mã Anh, hựu cấp mã sổ thiên dư thất, dĩ hoàn quốc nhi ích tự cổ lật tâm kinh.
Bỉ ký uý tử tham sinh, nhi tu hảo hữu thành;
Dư dĩ toàn quân vi thượng, nhi dục dân chi đắc tức.

Hiếu sinh là đặc trưng văn hoá dân tộc Việt Nam, là vẻ đẹp truyền thống, là tấm lòng quảng đại bao dung của người Việt. Lòng nhân nghĩa, đức hiếu sinh cũng là việc thực hiện Thiên đạo, Nhân đạo. Chính điều đó đã thu phục nhân tâm, làm tôn vinh ý nghĩa cuộc kháng chiến cũng như đề cao đạo lý người Việt Nam. Một vấn đề khác càng tăng tính thuyết phục ở chỗ tinh thần yêu chuộng hòa bình, biết quý trọng sinh mạng, sức lực của nhân dân “toàn quân vi thượng”, “dân chi đắc tức”. Đó là chính nghĩa, là tư tưởng tiến bộ thời đại, là tầm nhìn chiến lược của “Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân”. Và có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử trung đại Việt Nam vai trò nhân dân được đề cao hơn bao giờ hết.

Xuyên suốt quá trình kháng chiến, từ buổi đầu gian khó đến những chiến công vang dội và kết thúc trong thắng lợi vẻ vang, Bình Ngô đại cáo phản ánh trung thực hào khí thời đại, tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc, tinh thần nhân đạo bao dung, tinh thần yêu chuộng hoà bình của dân tộc là những điểm son rạng rỡ cũng đồng thời là tuyên cáo một gía trị chân lý sức mạnh nhân nghĩa nhân dân là sức mạnh làm nên lịch sử.

4. Tuyên cáo độc lập 

Kết thúc bài cáo, Nguyễn Trãi trịnh trọng, thay mặt Lê Lợi tuyên bố với nhân dân cả nước thắng lợi cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc: 

Xã tắc dĩ chi điện an,
Sơn xuyên dĩ chi cải quán.
Càn khôn ký bĩ nhi phục thái,
Nhật nguyệt ký hối nhi phục minh.
Vu dĩ khai vạn thế thái bình chi cơ,
Vu dĩ tuyết thiên cổ vô cùng chi sỉ.
Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tương âm hựu, nhi trí nhiên dã.
Ô hô!
Nhất nhung đại định, ngật thành vô cạnh chi công;
Tứ hải vĩnh thanh, đản bố duy tân chi cáo.
Bá cáo hà nhĩ,
Hàm sử văn tri.

Đây là những lời tuyên cáo độc lập mạnh mẽ hùng hồn và khẳng khái để khẳng định sự bền vững, trường tồn của dân tộc đồng thời cũng là lời kêu gọi đổi mới để xây dựng đất nước. Từ những quy luật tất yếu của tự nhiên, Nguyễn Trãi khái quát thành những điều tất yếu trong xã hội. Sau những năm tăm tối trong kiếp đời nô lệ đau thương, dân tộc Việt Nam vượt qua bão lửa chiến tranh để đến với ánh sáng độc lập tự chủ, xây dựng nền thái bình vững chắc. Đất nước thanh bình, tương lai vững vàng và tươi sáng:  “Tứ hải vĩnh thanh, đản bố duy tân chi cáo”.

Nhân đạoThiên đạo là hai phạm trù tư tưởng tồn tại trong thời trung đại. Đạo trời chi phối vào đời sống xã hội, vào tâm linh con người trung đại để trở thành đạo nghĩa ở đời. Nam quốc sơn hà làm nên sức mạnh chiến thắng quân Tống xâm lược được đọc trong ngôi đền thần với lời lẽ ghi nhận sự tồn tại độc lập chủ quyền nước Nam đã được định sẵn ở “thiên thư”. Điều đó cũng phù hợp với tâm linh con người nông nghiệp lúa nước luôn đề cao vai trò của siêu nhiên. Có thể Lý Thường Kiệt đã khai thác yếu tố này để kích thích tinh thần tướng sĩ làm nên chiến công vang dội trên phòng tuyến Như Nguyệt. Đến với Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi lại một lần nữa khẳng định: “Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tương âm hựu, nhi trí nhiên dã”, nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy. Điều đó cũng hợp quy luật tâm lý xã hội đương thời, mặt khác Nguyễn Trãi cũng thể hiện lòng tri ân tổ tiên, đề cao truyền thống yêu nước, tôn kính tổ tiên, đồng thời cũng khơi gợi công đức của các bậc tiền nhân trong khai phá và bảo vệ Tổ quốc. Trong bài cáo không hề đề cao yếu tố thần kì, siêu hình mà nêu cao sức mạnh tổng hợp vật chất và tinh thần của quân dân thời khởi nghĩa Lam Sơn, là sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân trong khuôn khổ thời khởi nghĩa Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Lê Lợi và bộ tổng tham mưu, trong đó có nhà thao lược xuất sắc Nguyễn Trãi.

Bình Ngô đại cáo là một áng thiên cổ hùng văn kết hợp hài hòa cái tinh tuý cá nhân và thời đại được thể hiện qua ngọn bút thiên tài của Nguyễn Trãi, trở thành sản phẩm tinh thần đẹp nhất của thời đại, là bản anh hùng ca, là tiếng vọng của ngàn xưa cho đến ngàn sau. Giáo sư Vũ Khiêu đã gọi “Đại cáo bình Ngô chính là bản tuyên ngôn về lẽ sống của chúng ta”. (Vũ Khiêu, Trên đường tìm hiểu sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi, NXB Văn học, 1980)

Bể học là vô tận, rất mong được sự chỉ giáo của quý thầy cô cùng các bạn. Xin chân thành cảm ơn.

                                                              Nguyễn Văn Thành 

Tư liệu tham khảo :

-Vũ Khiêu, Trên đường tìm hiểu sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi, NXB Văn học, 1980;

Trần Nho Thìn, Bình Ngô đại cáo dưới ánh sáng của loại hình học văn hoá trung đại

- Đọc hiểu Ngữ văn 10, NXB GD, 2006

- Nguồn Google.com

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...