Văn học là nghệ thuật của ngôn từ

29/09/2022

Văn học là nghệ thuật của ngôn từ

Nguyễn Thị Thùy Trinh

(lớp 12 A 2 năm học 2022-2023, THPT Vĩnh Viễn)

Ralph Waldo Emerson từng nhận định rằng: “Yêu cái đẹp là thưởng thức. Tạo ra cái đẹp là nghệ thuật.” Đúng thế cái đẹp là thứ mà con người muốn thưởng thức và chiếm hữu, còn lại việc tạo ra cái đẹp đó lại là thuộc về khung trời nghệ thuật. Nhà họa sĩ, người nghệ sĩ, nhà văn,…họ là những con người tạo nên nghệ thuật. Nếu một nhà họa sĩ đối với họ bức tranh họ vẽ là nghệ thuật, đối với người nhạc sĩ, âm nhạc là nghệ thuật thì đối với một nhà văn thì văn chương là nghệ thuật, là lẽ sống đời họ. Tố Hữu từng nói “Cuộc đời là nơi xuất bản, cũng là nơi đi tới của văn học”. Chính là vậy, văn học là bộ môn nghệ thuật, nội dung luôn là những thứ trong cuộc sống xã hội qua mọi thời đại. Nó nhằm phản ánh nhận thức, khám phá hiện thực đời sống xã hội và con người nhằm thỏa mãn cho con người những tình cảm thẩm mỹ vô cùng phong phú đa dạng đồng thời hướng con người đến với giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Điều; làm nên một tác phẩm, nghệ thuật là chất liệu. Đối với văn học thì chất liệu làm nên một tác phẩm chính là ngôn từ. Thế nên “Văn học là nghệ thuật của ngôn từ”.

Ban-dắc có nói: “Nhà văn phải là người thư kí trung thành với thời đại”. Không thể nào sai được họ chính là những con người gắn liền với từng thời đại và văn học của họ là thứ luôn sống qua mọi thời đại. Chính những ngôn từ trong văn học tạo nên những bài học đắc giá vì M.Gorki quan niệm rằng: “Văn học là nhân học” vậy văn học cũng là học cách làm người. Người tác giả đã lấy chất liệu ngôn từ để tái hiện hiện thực xã hội, đồng thời thể hiện đánh giá, cảm xúc nhà thơ trước cuộc sống.  

Đối với việc xã hội ngày càng không ngừng phát triển thì phạm vi của nghệ thuật ngôn từ ngày càng rộng thêm và lại còn đổi khác đi. Do vậy khi nói văn học là nghệ thuật ngôn từ”, ta chỉ nói đến một loại hình nghệ thuật đó tức là loại hình sử dụng ngôn từ để sáng tạo ra thế giới nghệ thuật, vì mục đích nghệ thuật. Từ đó ta thấy rằng ngôn từ trong văn học và ngôn từ sinh hoạt để giao tiếp nó có mặt trái với nhau. Đơn giản là vì khi giao tiếp là loại hình nghệ thuật đa dạng, để truyền tải thông tin lời nói, có thể dung ký hiệu, cách thức giao tiếp phi nghệ thuật,… Mục đích của ngôn từ trong đời sống hằng ngày chính là truyền đạt cho người khác, cốt cho làm sao cho đối phương hiểu rõ ý của mình truyền tải bằng mọi cách, kể cả dùng phi ngôn từ như: biểu hiện nét mặt, giọng điệu hay chỉ là cái vẫy tay hoặc một cái gật đầu… Còn đối với ngôn từ văn học là ngôn từ được lựa chọn, tổ chức thành văn bản cố định không thể thay đổi, sao cho một lần mà có thể giao tiếp với cái mốc thời gian là hai chữ mãi mãi.  

Đối với ngôn từ sinh hoạt các đặc trưng có thể có hoặc không cũng không quan trọng. Nhưng đối với ngôn từ văn học lại có những cái đặc trưng để cho nó mãi tồn tại với thời gian.  

Thứ nhất là tính hình tượng. Là những từ ngữ mang tính tượng hình. Tính tượng hình biểu hiện qua việc làm sống dậy những hiện thực trong tâm trí độc giả, tái hiện được các trạng thái, truyền được động tác hoặc cái sự vận động của con người, cảnh vật và toàn bộ thế giới rộng lớn mà tác phẩm nói đến. Một nhà văn viết ra từng câu chữ sâu sắc ấy không chỉ đẻ giải tỏa tâm sự, nổi niềm mà còn để thể hiện tư tưởng, tình cảm của giai cấp, tầng lớp của mình. Những con người đặt bút viết nên từng tác phẩm văn chương, thơ ca, ca dao ấy là những người đại diện cho giai cấp, thế hệ mình đang sống. Ví dụ như một bài ca dao về hoa sen:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Nội dung tư tưởng, tình cảm, cảm xúc về cái đẹp không phải được biểu hiện trực tiếp qua từ ngữ và câu văn thông thường mà qua các hình tượng cụ thể: “lá xanh”, “bông trắng”, “nhị vàng” dùng để gợi tả. Hơn nữa bao trùm lên tất cả là hình tượng sen nhu là một tín hiệu thẩm mỹ về một phẩm chất thanh cao, đẹp đẽ trong tự nhiên và cả trong xã hội loài người. Ngoài ra để tạo ra hình tượng ngôn ngữ, người cầm bút thường sử dụng rất nhiều phép tu từ để nâng tầm nghệ thuật như: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, nói quá,… Cụ thể là trong bài thơ “Viếng Lăng Bác” của tác giả Viễn Phương có các câu thơ như:

“Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

Sử dụng biện pháp ẩn dụ để cho thấy sự vĩ đại của Bác qua hình ảnh “mặt trời”. Bởi vì mặt trời dùng ánh sáng để ban sự sống cho muôn loài, còn Bác là ánh sáng chân lý để tâm hồn con người nở hoa, cho đồng bào thêm một sự hồi sinh về một tương lai tốt đẹp. Hoặc còn có câu:

“Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

Dùng biện pháp hoán dụ ở cụm “bảy mươi chin mùa xuân” thay vì Bác đã bảy mươi chín tuổi. Tạo ra cảm giác tránh đi sự mất mát đau thương phần nào đó và đó cũng chính là một sự tinh tế của tác giả Viễn Phương. Biện pháp hoán dụ ấy chỉ rằng cuộc đời Bác đẹp như những mùa xuân.

Trong văn học, sức mạnh của lời nói nằm ở tầm khái quát của chủ thể hình tượng, ở khả năng đại diện cho tư tưởng, tình cảm lương tâm của thời đại chứ không phải phụ thuộc vào địa vị xã hội của người chấp bút. Từ phương trời của một người mà thành phương trời của nhiều người, tác phẩm từ đó trường tồn mãi với thời gian.

          Thứ hai là tính tổ chức. Ngôn từ văn học đều mang tính tổ chức cao nhằm tạo nên hiệu quả nghệ thuật. Đây là điều làm cho ngôn từ văn học khác với các ngôn từ với mục đích khác nhau. Đặc trưng này chính là để tạo nên thứ tự, trình tự của ngôn từ văn học. Ngôn từ văn học từ khi xuất hiện bao giờ cũng có đầu đuôi rõ ràng, được sắp xếp theo trình tự lớp lang. Nếu trật tự bị thay đổi thì nội dung sẽ bị thay đổi hoàn toàn theo. Trong tính tổ chức này ngôn từ văn học trước hết buộc phải mang sự trong sáng và chính xác. Từ ngữ phải mang sự trong sáng vì ngôn từ văn học phải phù hợp với chuẩn mực của ngôn từ toàn dân, được đông đảo nhân dân hiểu và chấp nhận. Aristote có nhận định rằng: “Đức tính thứ nhất của lối hành văn là sự trong sáng”. Là thế đấy, sự trong sáng là điều bắt buộc trong văn học và đương nhiên chuyện xen kẻ ngôn ngữ nước ngoài một cách không hợp lý trong một tác phẩm là một điều sẽ phải hạn chế xảy ra. Nó làm mất hoàn toàn sự trong sáng của cả một tác phẩm và cái ngôn từ ấy không được chấp nhận. Về sự chính xác, ngôn từ văn học thể hiện ở dựng lên đúng cảnh, đúng người, đúng tình, đúng ý làm độc giả có thể cảm nhận hết những ý nghĩa sâu xa mà người viết muốn truyền tải đôi khi rất tinh tế và mong manh. Suy trong cùng ngôn từ văn học phải có tính hàm súc, cô đọng, nói được nhiều điều với số lượng ngôn từ ít nhất. “Ý tại ngôn ngoại” chính là ý nằm ngoài câu chữ, lời chất chứa ý rộng, giàu sức gợi hình, gợi cảm là đặc trưng của nghệ thuật ngôn từ. Nét sâu sắc trong bài thơ Xúc cảnh của Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện bi kịch nội tâm của một nhà Nho vốn dĩ tôn thờ vua, thế mà câu thơ: “Chúa xuân đâu hỡi có hay không”. Có hay không có là câu hỏi sâu xoáy lòng người.

Thứ ba là tính truyền cảm. Ngôn từ văn học mang yếu tố truyền cảm để gây cảm xúc ấn tượng mạnh cho người đọc có thể cảm nhận chung một nhịp đập cảm xúc với người viết. Hồ Xuân Hương bà đã chấp bút bài thơ “Bánh Trôi Nước”:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẵn giữ tấm lòng son”

Sử dụng hình ảnh bánh trôi để miêu tả vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ xưa. Dù có xinh đẹp tài hoa đi chăng nữa số phận trôi nổi không thể thay đổi được. Cụm từ “Thân em” khơi gợi một thoáng ngậm ngùi về thân phận người phụ nữ (Thân em như hạt mưa sa, thân em như dải lụa đào…). Xã hội phong kiến với quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con” ngồi đó và “Chế độ đa thê” người phụ nữ không hề có sự chọn lựa (Chém cha cái kiếp lấy chồng chung – Hồ Xuân Hương), phải nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ và dù chồng có năm thê bảy thiếp mà người phụ nữ có tổn thương đau khổ đi nữa cũng không có quyền bỏ chồng để tìm một hạnh phúc khác cho mình mà phải chịu kiếp chồng chung. Cuối cùng thì ngôn từ nói bằng thứ tiếng duy nhất: thứ tiếng của cảm xúc. Ngôn từ văn học mang tính biểu cảm ở nhiều cách khác nhau mà bày tỏ: gián tiếp, trực tiếp và chính là cảm xúc tiếng nói của nội tâm. Huy Cận trước trời chiều đã thốt lên:

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”

(Tràng giang)

Đó là nỗi đau thân phận con người bé nhỏ lạc loài giữa mênh mông đất trời, là cảm xúc chơi vơi, chấp chới.

          Đến cuối nó chính là tính “phi vật thể” của hình tượng văn học. Hình tượng văn học cũng chính là hình tượng văn học của ngôn từ. Chất liệu của các ngành nghệ thuật khác thì: âm nhạc, màu sắc, tiết tấu, diễn xuất thuộc dạng vật chất vì tai có thể nghe và mắt có thể thấy, đều có thể thưởng thức bằng cơ thể người. Nhưng đối với văn học nó lại khác vì dù có thể nghe hay nhìn vào trang sách nhưng một điều rằng đó không thể là nghe nhìn trực tiếp. Không một hình ảnh, âm thanh nào hiện lên một cách trực quan mà thay vào đó là ký hiệu con chữ rồi dùng sự tưởng tượng của mình để khắc họa hình ảnh, âm thanh hình thành trong đầu. Từ đó ta hiểu rằng sự tồn tại của văn học không phải chỉ dưới dạng vật thể tồn tại trực tiếp trong không gian và thời gian mà nó thuộc về logic tìm ẩn trong trí nhớ, sự tưởng tượng và tình cảm của người cảm thụ, khiến họ nhận biết về sự tồn tại của nó, ví dụ:

“Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.”

                       (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

“Đùng đùng gió dục mây vần

Một xe trong cõi hồng trần như bay.”

                   (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Hai câu thơ trên đều thuộc “Truyện Kiều” của tác giả Nguyễn Du nhưng ở đây cần dùng thị giác để tiếp nhận màu sắc hình khối của hiện thực và thính giác để tiếp nhận âm thanh cuộc sống.

          Cuối cùng rằng văn học là nhân sinh quan, nó là quan niệm sống, là cách nhìn về cuộc đời cũng chính là nghệ thuật của ngôn từ. Mực đi đôi với giấy trắng thì văn học và ngôn từ sẽ sánh đôi với cuộc đời. Những ngôn từ tồn tại trong hiện thực đời sống được chắt lọc, gọt dũa để trở thành hình tượng nghệ thuật.

Nguyễn Thị Thùy Trinh

  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...