Sông Lấp – Trong nỗi nhớ khôn nguôi

05/12/2020

Nguyễn Hồng Y

Trần Tế Xương không chỉ là một nhà thơ trào phúng đặc sắc của văn học Việt Nam mà còn là một nhà thơ trữ tình sâu lắng. Cảm hoài trước nỗi đau thời thế, tâm hồn nhà thơ như trỗi dậy một nỗi u hoài và tiếc nuối khôn nguôi. Những tâm sự sâu lắng ấy được chất chứa qua bài thơ Sông lấp:

“Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.”

Bài thơ chỉ vỏn vẹn có bốn câu thơ lục bát nhưng ta nghe như trong lời thơ, câu chữ ấy thấm đượm cả một nỗi niềm sâu lắng.

Dòng sông luôn gắn liền với hình ảnh quê hương. Có những dòng sông nhẹ nhàng êm ái xuôi nguồn:

“Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre”

(Tế Hanh)

Hay đến với dòng sông Vàm Cỏ Đông của Hoài Vũ cũng cất bút:

“Và dòng sông trong mát quanh năm”

Còn đối với Trần Tế Xương, ông đã viết về dòng sông Vị Hoàng quê mình với một niềm tiếc nuối khôn nguôi về một dòng sông đã bị phù sa bồi đắp thành “đồng”. Vần thơ lục bát cứ nhẹ nhàng êm ái nhưng giọng điệu câu thơ thì xót xa da diết thương cảm của Tú Xương như tiếng nấc nghẹn ngào bởi tấm lòng yêu mến, xót xa. Tiếng lòng ấy như có lúc lắng dịu lại để những ngôn từ được thốt lên là một lời trò chuyện, kể lể của tác giả:

“Sông kia rày đã nên đồng”

Từ ngữ không cầu kì, hoa mỹ mà hết sức bình dị, tự nhiên tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc đối với người đọc, làm cho người đọc có thể nghe được những dòng nước của con sông Vị Hoàng xuôi theo nguồn, êm ả trôi nhưng sau một cuộc bể dâu thì tất cả đã thay đổi. Dòng nước ngày nào nay đã trôi về đâu? Bây giờ dòng sông nay đã trở thành “đồng”. Từ “rày” tạo âm điệu câu thơ trầm lắng trong nghẹn uất nỗi đau đời. Con nước ngày nào cũng tan biến đi sau lớp phù sa đã chôn vùi quá khứ, chôn đi kỉ niệm tuổi thơ của tác giả ở con sông Vị Hoàng này. Có lẽ khi chứng kiến thực tại bể dâu này, lòng nhà thơ như quặn thắt lại như đứt từng khúc ruột. Đời có nhiều chuyện đáng buồn hơn nhưng tại sao Trần Tế Xương lại đau lòng xót xa đến thế ? Hay là vì những biến đổi, những chuyển dời của dòng sông xưa nay là chỗ:

“Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai”

Nhịp thơ dằn xé hơn, day dứt hơn và lời thơ cũng nghẹn đắng hơn. Những thay đổi quá vội vàng, đến nỗi những cảnh tượng ấy diễn ra sôi động, hỗn loạn, nhanh hơn và cũng có phần giả dối, như Thế Lữ đã viết:

“Những cảnh sửa sang tầm thường giả dối”

Quả thật vậy, Trần Tế Xương đều chán ngấy cái cuộc sống bận bịu, bon chen của cái xã hội này. Dòng sông nay đã còn đâu, chỗ thì làm nhà cửa, chỗ thì trồng ngô khoai. Điệp từ “chỗ” như tô thêm cảnh nhố nhăng của cuộc đời. Câu thơ tám tiếng như bị chẻ đôi trong nhịp thơ 4/4 ngậm ngùi như tiếng lòng tác giả luôn dâng trào một nỗi xót xa, nuối tiếc. Dòng sông quê hương ngày nào, dòng nước trong mát còn chảy hiền hòa soi bóng những hàng cây chung quanh bây giờ không còn chút dấu vết cũ. Trần Tế Xương đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa tả thực và trữ tình làm cho ý thơ trở nên sâu lắng, xót xa về sự đổi thay của một cuộc bể dâu. Dòng sông đó đã trở thành “đồng” và trên những vùng đất đó lố nhố những ngôi nhà, ruộng lúa nương khoai. Hay chăng đó là sự nhố nhăng của thực trạng xã hội đương thời. 

Nhìn cảnh cuộc sống quê hương ông biến đổi với những cảnh tượng nhố nhăng khiến lòng ông xót xa biết bao. Không còn một bến nước, con đò, trước mặt ông nơi mà ông gọi là quê hương đó sao bây giờ nó xa lạ quá. Những vần thơ trữ tình của ông thắm đượm nỗi buồn thời thế và tấm lòng nồng nàn yêu nước. Cũng cùng tâm trạng với Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến đã viết trong bài Thu Vịnh

“Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái

Một tiếng trên không ngỗng nước nào.”

Nguyễn Khuyến hay Trần Tế Xương đều có một tâm trạng giống nhau, họ đều yêu nước nồng nàn nhưng đều bất lực trước hiện thực đất nước. Họ khác nào những con ngỗng kia, những con ngỗng lạc lối không biết đi đâu về đâu, những con ngỗng của nước Việt đang lạc giữa một khu đô thị, phồn hoa nhưng giả dối, xấu xa. Nhưng giậu hoa vẫn là của năm ngoái, những tiếng ngỗng kêu xé lòng, tất cả đều là những niềm hoài cổ tiếc nuối:

“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.”

Với những dòng thơ giản dị mà chất chứa đầy cảm xúc. Tâm sự của tác giả thấm dần vào tâm hồn, vào suy nghĩ của mỗi chúng ta. Dường như quanh đây bao trùm một không khí tĩnh lặng của một đêm khuya, im phăng phắc đến lạ kỳ, đến nỗi tiếng ếch ngoài đồng nhỏ thôi, văng vẳng thôi mà nghe như gần sát bên tai. Câu thơ giàu sức biểu cảm, hết sức xúc động tạo cho chúng ta một cảm xúc u buồn tĩnh lặng. Âm thanh của câu thơ không ồn ào náo nhiệt mà nó trầm lặng suy tư. Tiếng ếch quen thuộc với người nông thôn làm cho nhà thơ nao nao xúc động. Tiếng ếch kêu sao mà não nùng quá, chua xót quá. Từ “vẳng” tạo cho chúng ta một cảm giác vừa thực tại vừa ảo. Phải chăng đó cũng chính là tâm lí của nhà thơ, cũng vừa thực vừa ảo. Trong cái đêm khuya tĩnh lặng ấy chính là dịp để Trần Tế Xương suy nghĩ về cuộc đời, suy nghĩ về bản thân mà tiếng kêu của chú ếch bé nhỏ khác nào tiếng lòng của nhà thơ. Câu thơ mang một giá trị biểu cảm tinh tế đó là một tiếng lòng, một mối u hoài một niềm hoài cổ của nhà thơ, như Vũ Đình Liên cũng đã từng viết 

“Lòng ta là những hàng thành quách cũ

Tự nghìn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa”

Hay với Bà Huyện Thanh Quan:

“Ngàn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”

Để quên đi cái thực tại thối nát này nhà thơ lại mơ “tưởng” nơi quá khứ xa xưa:

“Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”

Nhà thơ đã “giật mình” trở lại với thực tại cay đắng xót xa, cái thực tại mà ông muốn vứt bỏ, muốn trốn tránh nhưng ông không thể nào trốn tránh được. Tuy “giật mình” trở lại với hiện thực như dường như Trần Tế Xương còn đang muốn níu kéo lại dòng suy nghĩ ấy. Dẫu đã “giật mình” tỉnh giấc như Trần Tế Xương “còn tưởng ai đó gọi đò”. Ôi ! câu sao mà đau xót quá. Nhà thơ hết sức khéo léo khi dùng từ “tưởng”, tại sao nhà thơ không dùng chữ “nhớ” mà lại là “tưởng”. Từ “nhớ” không thể hiện được nỗi niềm tâm sự của ông. “Nhớ” thì còn có khả năng, còn cơ hội để được nghe lại tiếng gọi đò xưa nhưng còn từ “tưởng” là nỗi nhớ trong vô vọng. “Tiếng gọi đò” thân quen xưa, giờ chỉ còn tìm trong ký ức, trong giấc mơ chập chờn. “Tiếng gọi đò” là một sự trăn trở, day dứt trong lòng nhà thơ. Trong khung cảnh ấy, một con người “giật mình” tỉnh giấc vì một sự nhầm lẫn mơ hồ giữa thực và mộng. “Tiếng ai” mỗi đêm gọi đò sang sông bây giờ nào còn đâu, thay vào đó là tiếng ếch bên ngoài đồng xa vọng lại mà khi giữa cơn mê trong giấc ngủ, tác giả lại ngỡ là tiếng gọi đò quen thuộc trước kia. Những hình ảnh về con đò, của dòng sông quê kỉ niệm những hình ảnh đó sao có thể phai mờ được trong những mảnh hồn quê của ông.

Bài thơ với những từ ngữ bình dị, tự nhiên, ngôn ngữ cô đọng ý hàm súc là tiếng kêu thương đầy tâm trạng của tác giả, một nỗi niềm u hoài, niềm hoài cổ khôn nguôi. Bằng bài thơ Sông lấp, Trần Tế Xương đã vẽ lên bức tranh sông lấp để nó mãi mãi tồn tại, mãi chảy cho đến mai sau.
  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...