Tinh thần nhân đạo nhân dân trong truyện Lục Vân Tiên

18/10/2019

Truyện Lục Vân Tiên mặc dù nêu lên đạo đức trung hiếu, tiết, nghĩa của đạo đức phong kiến nhưng đạo đức ấy thấm nhuần nhân đạo nhân dân

ĐÀO THỊ KIM NGÂN

(Cựu học sinh giỏi văn thành phố, cựu học sinh THCS Hoàng Hoa Thám, Tân Bình)

Một ánh sao Bắc Đẩu sáng ngời trên bầu trời đêm… “Một ngôi sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và, và càng nhìn thì càng thấy rõ…”. Vì sao Bắc Đẩu ấy chính là Nguyễn Đình Chiểu, một ngôi sao sáng chói trong văn nghệ của dân tộc. Ông đã để lại cho đời bao tác phẩm nhưng tác phẩm có giá trị tư tưởng lớn nhất là Lục Vân Tiên. Mặc dù trong tác phẩm có nêu lên đạo đức trung, hiếu, tiết nghĩa của đạo đức phong kiến nhưng vẫn thấm nhuần nhân đạo Nhân dân.

Theo quan niệm đạo Nho thời phong kiến thì vua phải là vua sáng, tôi thì phải là tôi hiền. Vua phải chăm lo đời sống của nhân dân, tôi thì phải phò đời giúp nước. Trong thời phong kiến xưa kia, người con trai phải thực hiện theo đúng cái khuôn khổ “tam cương, ngũ thường” từ lâu đã định sẵn. Trung, hiếu, tiết, nghĩa đó là những phẩm hạnh lý tưởng của con người. Ở xã hội cũ, người con trai luôn đề cao chữ trung:

“Có trung hiếu thời đứng trong trời đất

Không công danh thà nát với cỏ cây.”

                                        Nguyễn Công Trứ

Quan niệm xưa của nhân dân vốn đề cao trung quân ái quốc. Trung quân phải đặt lên hàng đầu: “Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”. Những con người có lý tưởng, nhân cách cao đẹp vẫn luôn “trung với nước, hiếu với dân”. Chữ “trung” luôn gắn liền với chữ “hiếu”. Chữ hiếu từ ngàn đời vẫn là tiêu chuẩn đầu tiên của nền tảng đạo đức, là truyền thống của dân tộc. Lòng hiếu thảo cũng là thước đo của lòng yêu nước. Và chữ hiếu đối với người xưa rất được trân trọng: “phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Vì vậy, bất cứ người con trai nào cũng phải có hai đức tính trên. Thật đúng như lời Lục Vân Tiên đã nói:

“Làm trai ơn nước, nợ nhà,

Thảo cha, ngay chúa mới là tài danh.”

Và người phụ nữ luôn là những bông hoa tỏa hương thơm tiết hạnh. Đã là phụ nữ, một người phụ nữ đàng hoàng, danh giá thì phải mang trong mình “công, dung, ngôn, hạnh” và phải làm trọn vẹn. Những phẩm hạnh ấy sẽ giúp người con gái trở thành vợ hiền, dâu thảo… Do đó tiết hạnh là phẩm chất hàng đầu mà người phụ nữ cần có. Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho, theo đạo quân thần, đề cao tư tưởng trung quân. Tất cả những lễ giáo phong kiến đã ăn nhập vào suy nghĩ, tâm hồn của ông. Vì vậy, trong tác phẩm để đời Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã nêu cao những đạo đức trung hiếu, tiết, nghĩa của đạo đức phong kiến:

“Trai thời trung hiếu làm đầu,

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.”

Như ta đã biết, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ vừa có tâm vừa có tài. Nhưng chủ yếu cái tài ấy lại phục vụ cho cái tâm của ông. Nguyễn Đình Chiểu vừa là người thầy về đạo lý, về trung hiếu và vừa là người được sinh trưởng, bảo bọc của chiếc nôi Nam Bộ. Ông sống giữa nhân dân và có lòng yêu dân tha thiết và ông đã nêu kết luận khái quát của người xưa về nhiệm vụ của nghệ thuật văn chương: “Văn dĩ tải đạo”. Văn là chiếc thuyền chở đạo, ca ngợi đạo đức của con người. Vì thế, trong truyện Lục Vân Tiên dù nêu cao đạo đức phong kiến nhưng đạo đức ấy lại thấm nhuần nhân đạo nhân dân. Tác phẩm để lại nhiều bài học đạo đức phong kiến về tình thầy trò, cha con, về nghĩa vua tôi, bạn bè… Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tạo ra một thế giới nhân vật “trung, hiếu, tiết, nghĩa” Lục Vân Tiên là đứa con hiếu thảo, là người hùng vì nghĩa:

“Tôi xin ra sức anh hào,

Cứu người cho khỏi lao đao buổi này.”

Trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, không hiện lên trước mắt người đọc như một Từ Hải “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”, cũng không như Kim Trọng “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” trong truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng qua việc làm, hành động vị nghĩa của Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã tạo được một ấn tượng đậm nét về chàng:

“Vân Tiên ghé lại bên đường,

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.

Kêu rằng bớ đảng hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”

tinh-than-nhan-dao-nhan-dan-trong-truyen-luc-van-tien

Trong lúc “giữa đường gặp cảnh bất bình”, Lục Vân Tiên đã không bàng quan, không để ngoài tai, ngoài mắt những điều trông thấy. Tấm lòng vì nghĩa quên mình đã chiến thắng cái ích kỉ, hèn nhát, chàng đã bất chấp nguy hiểm và biết rằng làm như vậy có thể trễ nải việc thi cử, lỡ mất đường công danh nhưng không hề suy nghĩ, đắn đo, Vân Tiên đã ra tay cứu giúp Kiều Nguyệt Nga. Hình ảnh Vân Tiên ngang tàng “tả đột hữu xông” giữa đám đầu trâu mặt ngựa như chính biểu hiện của chính nghĩa trừng trị cái ác, cái xấu.

Lý tưởng thẩm mỹ của Lục Vân Tiên không phải chỉ là người anh hùng cứu mỹ nhân mà là tinh thần phục vụ nhân dân. Chính bọn cướp đường đã vi phạm đạo lý, bức hiếp nhân dân nên Vân Tiên đã ra tay diệt ác trừ gian, vì thương dân mà trừng trị kẻ có tội. Đó là đạo lý sáng ngời, là tình yêu thương nhân dân, đặt nhân dân làm đối tượng phục vụ như Nguyễn Trãi cũng đã từng viết:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”

(Bình Ngô đại cáo)

Không chỉ có hành động nghĩa hiệp mà quan niệm sống của Vân Tiên thật đáng khâm phục: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” hay:

“Nhớ câu kiến ngãi bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”

Qua lời nói ấy đã thể hiện một lẽ sống cao thượng, làm việc nghĩa vô điều kiện. Làm việc nghĩa trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn nào mà không sợ thiệt thòi, nguy hại đến bản thân. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chàng từ chối cả hành động trả ơn lẫn thái độ biết ơn. Đó là quan niệm sống, lý tưởng cao cả. Ngoài ra, nó còn cho ta cái cảm cái tâm nhân ái, vừa khâm phục, trân trọng trước quan niệm sống trọng nghĩa của Vân Tiên.

Vân Tiên trung với vua nhưng việc đi đánh giặc lại là để trừ hại cho dân, rồi nhân việc đánh giặc cứu dân mà vạch mặt và trừ khử những tên sâu dân mọt nước:

“Làm trai trong cõi thế gian

Phò đời giúp nước, phơi gan anh hào.”

Bên cạnh Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đặt niềm tin ở nhân dân qua các hình tượng Ông Ngư, Ông Quán, Ông Tiều. Ngư Ông là một người lao động chất phác, giàu lòng nhân ái, quý trọng sinh mạng con người. Ông Ngư thấy Vân Tiên gặp nạn đã nhận nuôi chàng:

“Ngư rằng: ngươi ở cùng ta,

Hôm mai hẩm hút một nhà cho vui.”

Ngư Ông còn là người coi thường danh lợi, là người sống theo đạo lý cao đẹp, lấy câu “kinh luân đã sẵn” làm phương châm sống: “Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”. Ngư Ông cũng là một hình tượng tiêu biểu về tấm lòng nhân nghĩa. Đó là lối sống cao cả, đáng trân trọng mà Nguyễn Đình Chiểu đã nhấn mạnh qua lời nói của Vân Tiên và Ngư Ông rất trọng đạo nghĩa. Ông Ngư còn là người sống theo lối sống hiền triết, một người “kinh luân đã sẵn trong tay” nhưng lại không ra làm quan, nuôi chí sống ngoài vòng danh lợi. Ông tìm thấy niềm vui, thanh thản, hòa nhịp với thiên nhiên:

“Nghêu ngao nay chích mai đầm,

Một bầu trời đất vui thầm ai hay.”

Khác với ông Ngư vui thú với thiên nhiên đất trời vô tận, ông Quán lại lấy việc làm lợi hoặc làm hại dân mà bàn luận yêu ghét:

“Ghét đời Kiệt Tri mê dâm,

Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.

Ghét đời U lệ đa đoan,

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.”

Hớn Minh thì kể chuyện mình xử trí việc gặp giữa đường:

“Giàu sang ỷ thế dọc ngang,

Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì.

Tôi bèn nổi giận một khi,

Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò.”

Hớn Minh đã dám đứng lên chống cường quyền, đúng với nguyện vọng, mong mỏi của người dân. Chính vì “vì nghĩa quên mình” ấy mà Hớn Minh phải lao đao lận đận, phải lẫn trốn trong rừng sâu…

Vương Tử Trực một nho sinh, một người trong sạch, thẳng thắn chân tình, không quên đi tình nghĩa bạn bè với Vân Tiên mà khước từ lời mai mối với Võ Công con gái mình cho chàng.

Tất cả những nhân vật: Vân Tiên, ông Ngư, ông quán, Hớn Minh, Tử Trực đều là những người hào hiệp, vì chính nghĩa, không màng danh lợi.

Ngoài trung, và nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu cũng có lẽ quên đề cao chữ hiếu và tiết hạnh của người phụ nữ. Khi đến trường thi, vì nghe tin mẹ mất mà Vân Tiên bỏ thi về hộ tang mẹ, khóc đến nỗi mù cả hai mắt. Chỉ như vậy thôi cũng đủ cho ta cảm thấy được tấm lòng hiếu thảo, yêu thương mẹ to lớn đến thế nào của Vân Tiên.

Trong tác phẩm, Kiều Nguyệt Nga hiện lên là một cô gái danh giá, là một bông hoa tiết hạnh, thủy chung thật lộng lẫy, tỏa hương cho đời. Sau khi được Vân Tiên cứu, nàng đã xem Vân Tiên là một người chồng lý tưởng, là người mà nàng chịu ơn sâu sắc. Trong bao nhiêu năm tháng đợi chờ, nàng vẫn ôm ấp trong tim hình bóng của Vân Tiên mà từ chối lời cầu hôn của con trai quan Thái sư. Khi bị cống sang cho nước Ô Qua, nàng đã ôm tấm hình Vân Tiên mà nhảy xuống dòng sông tự tử. Nàng vẫn giữ trọn tiết hạnh, tấm lòng thủy chung để chờ đợi Vân Tiên. Sau những trắc trở gian nan, Nguyệt Nga đã tìm thấy hạnh phúc bên người mình yêu mến, mong đợi.

Nguyệt Nga được nhân dân coi là chuẩn mực, tuyệt đối của người phụ nữ Việt Nam. Đức tình nết na, hiền dịu, trong trắng, chung thủy, cư xử đúng với đạo lý ở đời của Nguyệt Nga chính là những truyền thống ở người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ miền Nam nói riêng. Hình tượng Kiều Nguyệt Nga vẫn luôn là tấm gương soi sáng nhất của người phụ nữ Việt Nam.

Hơn một trăm năm đã đi qua… Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu vẫn là một ngôi sao ngời sáng trong văn đàn nghệ thuật. Tác phẩm bất hủ Lục Vân Tiên vẫn được lớp lớp hàng triệu hàng triệu người đọc hoan nghênh, cổ vũ, và vẫn mãi là tác phẩm sáng ngời ánh sáng nhân nghĩa, đạo đức của nhân dân./.                             

  • (Có 3 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...