Hướng tiếp cận nữ quyền luận trong phê bình văn học

17/10/2019

Vận dụng hướng tiếp cận nữ quyền luận qua phân tích thơ ca của một số cây bút nữ trong chương trình ngữ văn THCS

A. ĐẶT VẤN ĐỀ:      

Tiếng thơ - chính là tiếng lòng của người cầm bút. Trong thơ ca của các tác giả là nữ, vẻ đẹp nữ tính đựơc thăng hoa và sáng tạo một cách mãnh liệt và vô cùng đôc đáo. Tuy nhiên nhiều thế kỷ, vẻ đẹp nữ tính đó thường không được thừa nhận. Theo Hoàng Phong Tuấn – Khoa Ngữ Văn ĐHSP TP. HCM , thì tiếng nói của nữ giới bị áp chế, đè nén và bị bưng bít, bị chối bỏ một cách vô lý.  Gần đây, người ta mới nhận ra sai lầm đó và đã xuất hiện những công trình nghiên cứu, bàn luận về Hướng tiếp cận nữ quyền luận trong phê bình văn học. Năm 2016, Sở GD và ĐT cũng đã tổ chức buổi học chuyên đề Các hướng tiếp cận phê bình – đọc hiểu văn bản văn học nhằm bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên Ngữ Văn THCS, trong đó hướng tiếp cận phê bình nữ quyền luận là môt nội dung rất hay và ít nhiều thách thức. Nhưng đáng tiếc đến nay chưa thực sự được quan tâm.

              Dựa vào những kinh nghiệm và kiến thức tiếp thu từ lớp bồi dưỡng chuyên môn, trong phạm vi bài viết này, tôi mạo muội đưa ra một vài ý kiến riêng, xoay quanh đề tài Hướng tiếp cận nữ quyền luận qua phân tích thơ ca của một số cây bút nữ trong chương trình Ngữ Văn 7

B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN:

Như đã giới thiệu, Hướng tiếp cận nữ quyền luận trong phê bình văn học là một đề tài trong chuyên đề Các hướng tiếp cận phê bình – đọc hiểu văn bản văn học do Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM tổ chức từ vài năm học trước. Trước hết, nội dung của Hướng tiếp cận nữ quyền luận trong phê bình văn học có những đặc điểm và chức năng gì?                   

Theo tài liệu do báo cáo viên Hoàng Phong Tuấn cung cấp , đây là một cách thức bàn luận và định giá văn học và văn hoá có cảm hứng từ sự phát triển của tư tưởng nữ quyền luận hiện đại những năm 1970. Theo đó , hướng tiếp cận này xem xét lại hình ảnh người nữ , vai trò của họ trong sáng tác và phê bình văn học. Cụ thể là khai thác các nhân vật nữ được hư cấu trong một xã hội phụ quyền theo cái nhìn của nữ giới, với tư cách họ là người viết, là chủ thể, là nhân vật trữ tình.

Với chức năng trên , hướng tiếp cận phê bình nữ quyền luận chủ yếu làm rõ 2 quan điểm sau đây:                     

- Tách khỏi những sai lầm của các nhà văn nam giới: Người ta nhận ra rằng trước nay phần lớn hình ảnh người nữ trong các phẩm được các tác giả nam giới là viết theo cái nhìn của nam giới, theo ý thức hệ nam quyền. Trong khi các tác giả nữ được gợi cảm hứng từ “những  bà cố của họ , hơn là các tác giả nam.”

- Hướng đến nhiệm vụ của những tác giả nữ: Tính cách của người nữ trong tác phẩm của tác giả nữ là những mẫu hình được sáng tạo từ những kinh nghiệm nữ giới, từ sự tự ý thức của nữ giới. Nó phá vỡ những khuôn mẫu hình ảnh người nữ được cấu tạo theo ý thức nam quyền. Nó phản ánh sự giận dữ hay thất vọng của người nữ chống lại tính gia trưởng, chống lại kì thị nữ giới vô cớ.

II. CƠ SỞ THỰC TẾ:

           Khi đã quán triệt nội dung, đặc điểm  của hướng tiếp cận phê bình nữ quyền luận và nhìn lại cách tiếp cận tạm gọi là “truyền thống”  qua một số tác phẩm thơ ca của các tác giả nữ, thì quả đúng như vậy, chúng ta thường phân tích tác phẩm theo cái nhìn một chiều, tuy có sự cảm thông nhưng thiếu sự thấu hiểu, có sự trân trọng nhưng chưa thực sự thấy được tính cách của người phụ nữ cũng như sự tự ý thức đáng khâm phục của họ.

           Đây là vấn đề không khó nhưng cũng không dễ, một khi mỗi người có những cảm nhận, cách lý giải, phân tích khác nhau. Ở đây, tôi chỉ xin trình bày những kinh nghiệm học hỏi từ sách vở, từ đồng nghiệp và những cảm nhận của riêng mình về một nôi dung quan trong trong việc khai thác văn bản theo định hướng tiếp cận phê bình nữ quyền luận qua ba tác phẩm của tác giả nữ (hoặc được coi là của tác giả nữ) trong chương trình Ngữ văn THCS.

         1. Bài thứ nhất, bài ca dao Đứng bên ni đồng

          Bài ca dao này chính thức giảng dạy trong sách giáo khoa, được xếp vào chùm ca dao ca ngợi tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người. Dạy văn bản này tôi thường bám sát hướng dẫn trong sách giáo viên, nhưng đôi khi tôi cũng hơi băn khoăn: Đó là lời của một chàng trai hay một cô gái? E rằng hơi võ đoán, hơi thiếu tế nhị nếu hai tiếng thân em được thốt lên từ một chàng trai trước một cô gái mà anh ta thực lòng ca ngợi. Còn nếu đây là lời của cô gái thì hai tiếng thân em hàm chứa ít nhiều nữ tính và gợi lên nghĩa thân phận hơn là hình thể. Cô gái trong câu thơ - hình như cô đang nghỉ tay chống cuốc giữa đồng, cô dõi mắt nhìn mãi, nhìn mãi khắp cánh đồng bạt ngàn kia. Chao ôi, bốn bề bát ngát, có lẽ đứng ở chỗ nào cũng không thấy điểm dừng: Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng thấy mênh mông bát ngát, đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông. Những câu thơ kéo dài mà gợi nhiều hơn tả. Không biết cô đang mỉm cười với tâm hồn sảng khoái của người làm chủ thiên nhiên  (nghĩa bóng) hay cô đang thở dài trước cái mênh mông, bất tận của cuộc đời cần lao? Chẳng phải ông bà ta ngày xưa vất vả quanh năm, có vui chăng là những lúc hội hè hay vào mùa thu hoạch, có lẽ ít ai thảnh thơi khi lúa mới trổ đòng. Vì còn bao nhiêu việc phải làm, nào chăm bón, diệt cỏ, trừ sâu… Thử hỏi trước cái lớn rộng vô biên của thiên nhiên (mà chắc gì cô là người chủ thực sự của cánh đồng bao la đó - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) làm sao cô gái bé nhỏ không khỏi chạnh lòng nghĩ tới thân phận mình. Cô còn rất trẻ, cô ý thức được vẻ đẹp tự nhiên trong sáng của mình: Thân em như chẽn lúa đòng đòng. Trẻ trung, xinh đẹp. Nhưng nét đẹp đó có gì rất mong manh, vô định. Câu thơ cuối hàm chứa tâm sự gì của người con gái đó ? Từ phất phơ vừa diễn tả nét mong manh, mềm yếu đó, vừa làm cho câu thơ thấp thoáng nỗi niềm. Phải chăng còn khá nhiều câu ca dao khác cũng có cấu trúc và nội dung rất gần với câu ca dao trên: Thân em như hạt mưa sa … Thân em như tấm lụa đào … Thân em như trái bần trôi … Thân em như quả cau khô …Như bao cô gái thanh xuân, hẳn cô đang mơ về một tương lai đầy nắng đẹp, một ban mai hồng tươi nồng ấm. Nhưng dường như trong lòng cô có chút gì băn khoăn, lo lắng:

huong-tiep-can-nu-quyen-luan-trong-phe-binh-van-hoc

“Thân em như chẽn lúa đòng đòng,

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.”

               Vâng, trong xã hội xưa, có lẽ người phụ nữ nào, dù nhỏ nhoi như hạt mưa sa, đài các như tấm lụa đào, nghèo hèn như trái bần trôi, khắc khổ như miếng cau khô, trẻ trung như chẽn lúa đòng đòng… những cảnh đời khác nhau, nhưng họ đều có những lúc thở dài, phập phồng cho số phận của mình như vậy. Theo khuynh hướng đó, phải chăng bài ca dao trên có thể xếp vào chùm ca dao than thân?

          2. Bài thứ hai: Bài ca dao Thân em như trái bần trôi…. Cô gái ví mình như trái bần, mà ngay cái tên của nó đã gợi lên sự bần hàn, nghèo túng. Trái bần thường mọc ở vùng nước lợ, vị trái bần chua và chát cũng góp phần gợi lên hoàn cảnh không mấy tươi sáng của cô. Thế mà trái bần nhỏ bé khốn khổ đó còn phải lênh đênh chống chọi với gió dập sóng dồi. Cô gái nghèo luôn cảm nhận những nỗi buồn, những tai ương, bất trắc mà cô sẽ phải đón nhận bởi những quan niệm khắt khe, độc ác của xã hội phong kiến về nữ giới. Lời thơ cay đắng, thái độ cam chịu, nhưng đã có phần phê phán cái xã hội tàn nhẫn đã vùi dập cuộc đời người phụ nữ. Tuy vậy, lời thở than của cô gái cũng chính là một cách tự khẳng định mình. Bởi vì người đọc không chỉ cảm thương thân phận cô gái truân truyên chìm nổi mà còn nhận ra nội tâm “trái bần” kia quả là bền bỉ, nhẫn nại, can trường giữa dòng đời khắc nghiệt.

           3. Bài thứ ba: Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương. Dường như còn có những định kiến và nhầm lẫn khi phân tích thơ Hồ Xuân Hương. Một là về phong cách thơ Hồ Xuân Hương. Ai cũng biết thơ bà phóng khoáng, mãnh liệt và táo bạo. Nhưng ít ai nghĩ rằng thơ Hồ Xuân Hương còn là vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính đến bất ngờ. Hai là định hướng tiếp cận văn bản, tôi thấy đôi khi một số bạn trẻ lại khai thác hơi sa đà về hình ảnh thơ (nội dung miêu tả) mà thiếu sự cảm nhận, thấu hiểu tâm sự của tác giả thông qua hình tượng thơ ấy (giá trị biểu cảm). Trong khi phương thức biểu đạt của thơ chính là phương thức biểu cảm.

III. MỘT SỐ Ý KIẾN ĐỀ XUẤT: 

             Để vận dụng hướng tiếp cận nữ quyền luận qua phân tích thơ ca của một số cây bút nữ trong chương trình ngữ văn THCS, tôi thử đưa ra một số ý kiến đề xuất như sau:          

1.  Có thể kết hợp ba bài trên thành một chủ đề về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến.         

2. Tiết học giới thiệu chủ đề cần giúp học sinh hiểu được số phận thiệt thòi của người phụ nữ trong xã hội xưa với những lề thói khắc nghiệt: tư tưởng gia trưởng nam quyền, chồng chúa vợ tôi, trọng nam khinh nữ…        

3. Một vài điểm cần lưu ý khi khai thác nội dung bài học:

3.1. Bài ca dao: Đứng bên ni đồng… Học sinh có quyền cảm nhận khác nhau, nhưng cần giúp các em nhận ra giá trị khác của bài ca dao, nếu đánh giá theo khuynh hướng nhân vật trữ tình là nữ.            

- Có thể đưa ra câu hỏi: Theo em, bài thơ là lời của ai ?           

- Từ đó đặt ra vấn đề thảo luận: Nếu hiểu bài ca dao là lời của chàng trai hay lời của một cô gái thì sắc thái ý nghĩa của bài ca dao có gì khác nhau ?            

3.2. Bài Thân em như trái bần trôi…: Tâm trạng, cảm xúc của nhân vật nữ đã bộc lộ khá rõ trong câu ca dao này. Chỉ cần khơi gợi cho HS cách cảm nhận đa dạng hơn, không chỉ dừng lại ở sự đồng cảm mà còn là sự trân trọng, khâm phục.

3.3. Bài Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, có thể lưu ý những điểm sau:

- Tiểu sử Hồ Xuân Hương:           

+ Lai lịch: Một số thông tin chưa rõ ràng, năm sinh, năm mất của nữ sĩ (mà cũng như hầu hết các nữ sĩ của văn học trung đại) chỉ là hai dấu hỏi dau đáu lòng người, cho thấy một thực tế bất công đối với một nhà thơ nữ tài hoa. Nó chứng tỏ bà không được coi trọng, không được quan tâm như những tác giả nam giới cùng thời.

         + Giáo viên cần bổ sung thêm về cuộc đời nữ sĩ: Duyên phận lận đận, hai lần lấy chồng đều làm vợ lẽ. Có lẽ vì thế bà rất thấu hiểu nỗi khổ của người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Nhưng qua thơ Hồ Xuân Hương, ta thấy bà không cam tâm, không chấp nhận những nghịch lý đó.        

+Tài hoa của Hồ Xuân Hương: Cách chọn đề tài trong thơ Hồ Xuân Hương rất riêng biệt. Thường là những hình ảnh bình dị, mộc mạc, gần gũi, dân dã như cái quạt, quả mít, con ốc nhồi, cái bánh trôi… để gửi gắm những suy nghĩ, cảm xúc. Ngôn ngữ trong thơ bà thường phảng phất phong vị ca dao, vận dụng thành ngữ, tục ngữ (Bánh trôi nước, Vịnh cai quạt giấy, Khóc ông tổng Cóc, Khóc ông phủ Vĩnh Tường…) nhưng nội dung, ý tứ thì tinh tế, nhân văn, sâu sắc. Tóm lại, thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói của một người phụ nữ thông minh, nổi loạn, kiêu hãnh, phóng khoáng và đầy cá tính.

          - Khai thác bài thơ:

          + Như sách giáo khoa và sách giáo viên nhấn mạnh, giá trị thật của bài thơ không nằm ở tầng nghĩa thứ nhất mà ở tầng nghĩa thứ hai. Vì vậy, nên tránh sa vào việc khai thác quá nhiều về nghĩa tả thực của bài thơ, cần giúp HS hiểu rằng hình ảnh cái bánh trôi chỉ là cái cớ để nhà thơ chuyển tải cảm xúc của mình.           

+ Nữ tính và sự tự khẳng định mình trong bài thơ thể hiện qua hai yếu tố: cụm từ thân em và giọng thơ đầy kiêu hãnh tự hào.           

+ Qua biện pháp nhân hóa, chiếc bánh trôi tự xưng là “em” khiến cho lời cái bánh trôi giống như lời một người phụ nữ tự giới thiệu mình. Tác giả không nói thân tôi, mà là thân em. Tôi ở đây nghe hơi nghiêm trang, khô khan, trong khi từ em nghe khiêm tốn, dịu dàng, dễ mến, đầy nữ tính. Cả câu thơ là Thân em vừa trắng lại vừa tròn. Trắng là nói đến làn da, tròn là vóc dáng. Vậy Thân ở đây chỉ có thể là hình thể chứ không thể là thân phận. Cho nên hai câu đầu không nhuốm ưu tư buồn rầu cay đắng như chúng ta thường phân tích.            

+ Giọng thơ: Giọng thơ có chút ngậm ngùi, oán trách (Bảy nổi ba chìm, mặc dầu tay kẻ nặn…) nhưng âm điệu chung lại là niềm tự hào. Nếu bài thơ chỉ ngậm ngùi, oán trách thì thật không phù hợp với phong cách vốn mạnh mẽ, thông minh, phóng khoáng, đầy cá tính của HXH. Nếu 2 câu thơ đầu là niềm tự hào về vẻ đẹp tự nhiên trong sáng thì ở 2 câu cuối là niềm tự hào về phẩm chất tâm hồn ngời sáng.

             4. Tiết học kết thúc chủ đề có thể cho học sinh thảo luận: Qua thơ ca viết về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến, em thấy tâm sự và khát vọng của người phụ nữ xưa có chính đáng hay không ? Vì sao ?

C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ:

             Tóm lại, Hướng tiếp cận nữ quyền luận trong phê bình văn học không phải là vấn đề mới lạ nhưng cũng thật sự chưa được phổ biến rộng rãi. Cùng với nhịp sống hiện đại, bên cạnh quan niệm đổi mới tư duy và đổi mới cách nhìn nhận vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại GV chúng ta cần có cả đổi mới tư duy về cách tiếp cận nữ quyền trong phê bình văn học. Trên đây, chỉ là một vài ý kiến cá nhân, mong được sự đóng góp của các thấy cô và các bạn.

Đoàn Ngọc Phương

(Giáo viên THCS Ngô Quyền, Tân Bình)

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...