Cái chết và thông điệp về sự sống trong văn học

05/02/2021

Du Hàn Thiên (trường THPT Vĩnh Viễn)

Văn học gắn liền với cuộc sống, phản ánh hiện thực mà con người là trung tâm của hiện thực đó. Vì vậy, trong mỗi tác phẩm, con người luôn là tâm điểm của văn chương. Tác phẩm văn học lớn nào cũng thể hiện được hết mối quan hoài đang thường trực của tác giả về số phận của con người, là nơi để cất chứa bao nỗi niềm tâm sự thầm kín của nhà văn.

Cuộc sống là muôn hình vạn trạng, có lúc êm ả xuôi nguồn, có lúc đặt con người vào những tình cảnh khốn khổ, khắc nghiệt, éo le, đầy rẫy bi kịch khiến họ lúc nào cũng phải lựa chọn trước cái sống và chết. Khi bị cự tuyệt quyền làm người, Chí Phèo như đã đến đường cùng của sự tuyệt vọng, anh Chí liền rút dao đâm chết Bá Kiến rồi cũng tự kết liễu cuộc đời của chính mình. Khi biết mình phải làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra, Mị đã muốn tìm đến lá ngón để tự tử. Hay khi bị chết nhầm, được Đế Thích cho sống lại trong hình hài của một người khác, Trương Ba đã hai lần khước từ sự sống. Đó là những cái chết đầy oan trái của nhân vật, nhưng qua đó tác giả cũng gửi gắm đến chúng ta những thông điệp vô cùng ý nghĩ và sâu sắc, tích cực về cuộc sống con người.

Thoạt nhìn và chỉ đọc lướt qua, ta sẽ thấy những cái chết ấy là biểu thị cho một thái độ tiêu cực, nhưng hãy nghĩ kĩ mà xem, việc các nhân vật tìm đến cái chết cho họ cũng chỉ bởi vì sự bế tắc của cuộc sống đã đi đến cùng cực, sự bất lực trước hoàn cảnh éo le của bản thân. Những cái chết ấy, là những cái chết của tuyệt vọng, của một khao khát muốn thoát khỏi hiện thực đầy bi kịch, thể hiện khát vọng về cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến các độc giả qua cái chết của các nhân vật chính là con người phải được sống thật ý nghĩa, sống mà không chỉ để tồn tại, sống đúng với bản thân và tích cực. Đó là những gì mà tác giả gửi gắm đến chúng ta như một lời khuyên chân thành mà cũng là sự cảm thông dành cho các nhân vật.

Trước hết, ta phải nhắc tới câu chuyện về bi kịch cuộc đời của hai người phụ nữ vừa có nhan sắc lại có tấm lòng thủy chung nhưng cuộc đời lại đưa đẩy họ tới bước đường cùng của tuyệt vọng. Trong ''Chuyện người con gái Nam Xương'' của Nguyễn Dữ, hình ảnh Vũ Nương tắm rửa sạch sẽ, đi đến sông Hoàng Giang rồi gieo mình xuống dòng sông tự vẫn đã để lại trong lòng người đọc biết bao thương xót cho số phận người phụ nữ chung thủy với chồng, hiếu thuận với mẹ. Chỉ bởi thói gia trưởng nam quyền, Trương Sinh vẫn một mực đổ oan cho Vũ Nương. Nàng vì biết không thể giải thích để giải oan cho bản thân, nên đã tìm đến dòng sông để chứng minh cho sự trong sạch, chung thủy của mình: "Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ''. Lấy cái chết đổi lấy thanh danh, sự trong sạch của một nhân cách cao đẹp mà không tìm được hạnh phúc trong cõi đời. Cái chết nó như con đường cuối cùng của sự bế tắc mà nhân vật tìm được để giải thoát cho chính mình. Hay trong ''Truyện Kiều'' Nguyễn Du có viết: 

''Một mình cay đắng trăm đường,

Thôi thì nát ngọc, tan vàng, thì thôi.”

Hai câu thơ ấy, chính là hình ảnh Kiều tự gieo mình xuống dòng sông Tiền Đường sau những đau khổ, tủi nhục nàng đã chịu suốt mười lăm năm luân lạc. Vì quá đau đớn, thương xót chính bản thân mình, nàng không còn con đường nào để đi nữa, chỉ có thể tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân mình cũng là để gột rửa đi những bi thương của số phận lênh đênh. Nguyễn Du không chỉ bày tỏ sự cảm thông, xót xa cho số phận Kiều mà còn là tố cáo bọn quan lại, thế lực đồng tiền chà đạp lên quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. 

''Thôi thì một thác cho rồi

Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông''

                                         (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Trong hai tác phẩm ấy, cả hai tác giả đều thể hiện tấm lòng nhân hậu của mình một cách sâu sắc, chân thành, mỗi câu chữ giống như người viết đang hòa mình vào cuộc sống của nhân vật, cảm nhận được từng nỗi đau mà nhân vật phải chịu đựng để rồi từ ấy mà cảm thông, thương xót trước số phận bi thương của người phụ nữ xưa. Cái chết của Vũ Nương, Thúy Kiều… mang giá trị tố cáo hiện thực bất công oan trái, cũng là khát vọng về sự sống, về hạnh phúc con người. 

Trong văn học hiện đại, Nam Cao đã xây dựng nhân vật Chí Phèo, một cuộc đời bị đánh cắp, một tấn bi kịch ngay từ khi mới lọt lòng đã bị vứt bỏ ở lò gạch bỏ hoang, được người làng chuyền tay nhau mà nuôi dưỡng. Những cảnh đời trớ trêu, nào để cho Chí có một cuộc sống yên bình, làm một người nông dân bình thường, lương thiện. Cuộc sống của Chí bắt đầu bị đảo lộn, khi Chí làm tá điền cho nhà Bá Kiến, chỉ vì một cơn ghen của Bá Kiến đã đẩy Chí vào vòng xoay bi kịch của đời người, biến Chí từ một người lương thiện thành ''con quỷ của làng Vũ Đại'', bị người đời xa lánh, nhân cách mục nát, ngày ngày chỉ biết làm bạn với chai rượu, say rồi lại chửi, rồi vạch mặt ăn vạ. Đến một ngày, khi Chí gặp được Thị Nở - người đã thổi vào tâm hồn trí một ánh sáng, thức tỉnh được bản chất lương thiện, kéo Chí thoát ra khỏi bóng tối của quỷ dữ vây hãm lấy anh. Khao khát được trở lại thế giới yên bình, hóa mình vào cuộc sống thiện lương của Chí cũng không được chấp nhận. Chí tìm đến cái chết nhằm thoát khỏi những đau đớn tột cùng của một phận người:  ''Không được ! Ai cho tao lương thiện ? Làm thế nào cho mất đi những vết mảnh chai trên mặt này ? Tao không thể làm người lương thiện nữa. Biết không ! Chỉ có một cách...biết không !... Chỉ còn một cách là... cái này ! Biết không !...''. Nhà văn Nam Cao bằng lối viết hiện thực, đã diễn tả lại cảnh nghèo khổ của người nông dân trong xã hội cũ, bị áp bức bóc lột, bị bần cùng hóa, lưu manh hóa, đồng thời cũng tố cáo bộ mặt giả tạo, ác nhân của bọn địa chủ phong kiến.         

Trong ''Vợ chồng A Phủ'' của nhà văn Tô Hoài, khi biết bản thân phải làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí, Mị không chịu được, muốn tìm đến cái chết để giải thoát bản thân, kháng cự lại hoàn cảnh. Nhưng vì thương cha đã già yếu, Mị chỉ đành lầm lũi sống một cuộc đời khốn cùng, eo le. Cô gái trẻ trung, yêu đời, giàu sức sống ngày nào, không chấp nhận việc sống mòn mỏi, như con trâu, con ngựa, con rùa lùi lũi trong xó cửa, trong thân phận con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Giữa lựa chọn sống mà bị đày đọa, áp bức, cùng cực, một cuộc sống tăm tối, mờ mịt và cái chết: ''Mị ném nắm lá ngón xuống đất, nắm lá ngón Mị đã tìm hái trong rừng, Mị vẫn giấu trong áo. Thế là Mị không đành lòng chết'' và Mị cũng chẳng còn tư tưởng đến việc ăn lá ngón tự tử nữa''. Suy cho cùng, hành động của Mị là hành động của một trái tim tha thiết với cuộc sống - một cuộc sống đúng nghĩa, một cuộc sống tự do với tình yêu, hạnh phúc. Bởi, cha con nhà thống lí không chỉ cướp đi tự do của Mị, mà còn đoạt đi tình yêu, hạnh phúc, tuổi thanh xuân của nàng. Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, nhà văn thể hiện tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với người dân lao động miền núi trước cách mạng, thể hiện sự trân trọng và ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của người lao động, đồng thời cũng tỏ thái độ tố cáo, lên án, phơi bày bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị miền núi. 

Hay việc Trương Ba khước từ sự sống trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, chỉ là vì hắn không thể sống trong hình hài người khác và không chấp nhận cảnh sống không được là mình một cách trọn vẹn, phải sống ghép, sống nhờ thân xác mới dẫn đến một tấn bi kịch trớ trêu với bao phiền phức, bị tha hóa, làm người thân đau khổ, xa lánh. Trước sự sắp đặt của Đế Thích, dù có cho ông sống lại trong thân xác của một người khác đề đền bù sai lầm của mình, nhưng Trương Ba vẫn tỉnh táo, nhận thức sâu sắc về sự sống, ông đã khước từ một cách khẩn thiết và dứt khoát trước lời đề nghị của Đế Thích ''Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết'' và câu nói của Trương Ba giống như một câu khẳng định chắc nịch của bản thân trước Đế Thích về cuộc sống mà ông muốn "Tôi muốn được là tôi toàn vẹn''. Cuộc đối thoại giữa xác hàng thịt và hồn Trương Ba là cuộc đấu tranh giữa thể xác và linh hồn cùng tồn tại trong một con người. Thể xác và linh hồn có quan hệ hữu cơ với nhau, cả hai gắn bó với nhau để cùng sống, cùng tồn tại. Và bi kịch được đẩy tới cao trào khi hồn Trương Ba bị chính người thân của mình, đặc biệt là người vợ mà ông rất mực yêu thương từ chối con người ông. Lúc này, Trương Ba dường như cảm nhận được sự cô độc, trống rỗng khi bị những người mình thương yêu khước từ. Tác giả đã để Hồn Trương Ba còn lại trơ trọi một mình với nỗi đau khổ, tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, một mình với những lời độc thoại đầy chua chát nhưng cũng đầy quyết liệt: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ… Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Có thật không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”. 

Cuộc độc thoại ấy đã dẫn đến hành động châm hương gọi Đế Thích vô cùng dứt khoát của Trương Ba. Đây không chỉ là cuộc độc thoại của một tâm hồn bị tổn thương mà đó còn là một sự đấu tranh dữ dội giữa sống và chết. Nhưng cuối cùng, Trương Ba dứt khoát chọn cái chết cho mình để giải thoát bản thân khỏi thân xác xa lạ này. Thông qua hình ảnh hồn Trương Ba và thể xác anh hàng thịt, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm đến người đọc một tư tưởng đầy tính nhân văn, triết lí cuộc sống đó là con người phải biết đấu tranh với nghịch cảnh, đấu tranh với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao cả. 

William Shakespeare trong vở kịch Hamlet đã từng viết “to be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại). Sông không chỉ là tồn tại, mà sống phải đầy đủ ý nghĩa của cuộc sống. Việc tìm đến cái chết của các nhân vật là cách giải quyết tình thế không thể khác được. Cái chết không có nghĩa là nhân vật đã từ bỏ đi cuộc sống của mình, mà chính là biểu hiện của sự thiết tha với một cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn, trọn vẹn, hạnh phúc. Chính vì mong muốn được sống cho ra sống mà các nhân vật không chấp nhận đánh mất mình chỉ để duy trì sự sống bản thân. Họ muốn có được một cuộc sống đúng nghĩa chứ không phải chỉ đơn thuần là để tồn tại trên thế giới này.

            Qua số phận và hoàn cảnh của các nhân vật, các nhà văn, nhà thơ đã thể hiện nỗi day dứt sâu sắc về số phận con người, lên án dữ dội chính hoàn cảnh sống đã đầy ải họ đến bước đường cùng, bóp nghẹt họ, không cho họ một lối đi nào khác ngoài cái chết, sự đau thương. Và đó cũng như một lời ước nguyện về một cuộc đời tốt đẹp hơn để người ta có thể sống trọn vẹn về cả hai phương diện, linh hồn và thể xác. Khi đó họ sẽ sống được một cuộc sống riêng với mọi sự tốt đẹp, sống là không chỉ để tồn tại trên cõi đời, mà là tồn tại theo như ý muốn của bản thân, với tất cả niềm vui, hạnh phúc thuộc về mình. 

Được sống làm người là rất quý giá song được sống đúng là mình, sống trọn vẹn giá trị mà mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hoà giữa thể xác và tâm hồn. Đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta thông qua những tác phẩm mang đầy những giá trị tư tưởng, bài học quý giá về cuộc sống và con người.

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...