Phân tích câu nói "Nếu ví tác phẩm văn học như một hạt ngọc tròn trặn.."

13/01/2021

Nếu ví tác phẩm văn học như một hạt ngọc tròn trặn, ánh ngời thì cái tạo nên nó là hạt cát - hiện thực cuộc sống - và nước mặt hạt trai - công phu của người nghệ sĩ

Nguyễn Thị Mai Hương (12A1 trường THPT Vĩnh Viễn)

Nếu như, các bạn từng nghe kể về câu chuyện nguồn gốc của viên ngọc trai lấp lánh hẳn bạn sẽ thấy thật thú vị khi biết được quá trình hình thành của một viên ngọc quý. Cũng giống như văn chương, nếu bạn đam mê các tác phẩm văn học bạn sẽ nhận thấy rằng để có thể tạo nên một tuyệt tác hoàn mỹ, đem đến cho người đọc những trải nghiệm, những cung bậc cảm xúc, sự liên tưởng độc đáo, thú vị thì không thể nào thiếu đi ngòi bút người nghệ sĩ, sự công phu, chọn lọc, lấy ý tưởng từ hiện thực đưa vào tác phẩm và mất rất nhiều thời gian để có được một tác phẩm hay, truyền tải thông điệp của tác giả, của cuộc sống đến tất cả mọi người.

Phân tích câu nói

Bạn có biết rằng con sò vốn chỉ là một sinh vật tầm thường, sống dưới đáy biển khơi. Mỗi khi có hát cát chui vào bên trong vỏ của nó, nó đều cảm thấy đau đớn, khó chịu giống như đang có một con dao sắc bén đâm rạch từng nhát trên cơ thể nó vậy. Nhưng nó lại chẳng có cách nào để đuổi hạt cát kia đi, chỉ biết cố gắng chịu đau. Lâu dần, bên trong cơ thể ấy, tiết ra một chất nhầy, bao bọc lấy hạt cát. Dần dần, các hạt cát sạn đã gây đau đớn cho nó, được bao bọc bởi lớp chất ngọc dày, chất ngọc ấy càng dày thì viên ngọc ngọc càng trở nên to hơn, con sò bên trong cũng dần bé lại nhường chỗ cho viên ngọc kia. Đó là nguồn gốc của viên ngọc trai được rất nhiều người ưa thích. Con sò ấy đã bằng sức mình, chịu đau đớn biến hạt cát nhỏ bé thành một viên ngọc trai bóng bẩy, lấp lánh, tuyệt đẹp giữa lòng đại dương, trở thành thứ quý giá mà ai cũng muốn sở hữu.

        Văn học cũng vậy, nếu như không có sự tài hoa, uyên bác, cái nhìn tinh tế cùng sự am hiểu về nhiều lĩnh vực của cuộc sống của người nghệ sĩ thì khó lòng có được một tác phẩm động lòng người. Ta nói văn học lấy chất liệu từ cuộc sống xung quanh ta, từ những cảm xúc của bản thân và tác phẩm văn học ra đời là nhờ sự mài dũa đầy công phu của người nghệ sĩ, người viết trải qua một khoảng thời gian dài để có được tuyệt tác của bản thân gửi tới các độc giả. Như việc con sò bình thường trải qua bao đau đớn, khó chịu để tự tạo nên tác phẩm có giá trị cho riêng mình là hạt ngọc, và viên ngọc trai có được là từ một hạt cát tầm thường, rồi nhờ ''nước mắt'' của sò luyện hóa thành một viên ngọc quý giữa lòng đại dương. ''Chi tiết là hạt bụi vàng của tác phẩm'' Pauxtopxki

         Tác phẩm ”Người lái đò sông Đà”' của nhà văn Nguyễn Tuân, là tác phẩm hay, độc đáo. Tác phẩm ấy vừa thể hiện được cái độc lạ của phong cách Nguyễn Tuân, cũng vừa cho ta thấy nét đẹp tiềm tàng, ẩn sâu trong mây trời Tây Bắc. Hình ảnh con sông Đà chưa từng được nhà văn nào khai phá hết, nay lại được thể hiện một cách chân thực, sinh động trong trang văn của Nguyễn Tuân. Con sông ấy hiện lên với hai tính cách hoàn toàn trái ngược như một người con gái đang làm duyên làm dáng, ở thượng nguồn, con sống mang tính cách hung bạo, dữ dằn, sẵn sàng nhấn chìm tất cả con thuyền nào đi qua nó, không chỉ vậy, dưới đáy sông, trên mặt sông đều là những hòn đá ngỗ ngược, chúng bày thạch trận để thử thách con thuyền đi ngang qua. Về gần hạ lưu, thì con sông bỗng chốc lại trở nên dịu dàng, thơ mộng, trữ tình. Nhà văn chọn điểm nhìn từ trên cao xuống và liên tưởng con sông chảy dài và mượt như ''tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở như hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân''. Bên cạnh hình tượng con sông với hai tích cách, Nguyễn Tuân còn khai thác sâu thêm về những con người ở vùng Tây Bắc đặc biệt là hình tượng của ông lái đò.  Tất cả những nét đặc trưng ấy của sông Đà đều được Nguyễn Tuân tận mắt chứng kiến, cảm nhận và trải nghiệm kết hợp cùng sự am hiểu về nhiều lĩnh vực như quân sự, võ thuật, điện ảnh rồi hợp nhất nó lại, trải qua những lần chọn lọc từ ngữ, hình ảnh, đúc kết lại rồi biến nó thành một hình tượng tuyệt phẩm cho tác phẩm của ông. Và để có một tác phẩm hay như vậy thì Nguyễn Tuân đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian, đến tận nơi để trải nghiệm, để tận mắt chứng kiến sự hùng vĩ của con sông Đà và cũng là một phần để thỏa mãn thú phiêu lãng của bản thân. Đến miền Tây Bắc ông không chỉ tìm cho mình được ý tưởng mà còn tìm được '' chất vàng mười '' của thiên nhiên, của con người Tây Bắc. Như vậy, ta thấy được rằng, chính những cảnh vật xung quanh cuộc sống của ta, tuy nó chỉ là đơn thuần, là tạo hóa của tự nhiên nhưng nhìn ở nhiều khía cạnh, cảm nhận bằng trái tim, sự liên tưởng, người nghệ sĩ đã có thể biến nó thành một kiệt tác. Mỗi tác phẩm văn học đều hiện lên trong đó là cuộc sống. Nhà văn lấy hiện thực cuộc sống làm chất liệu cho tác phẩm của mình, lấy ngôn từ cuộc sống làm thành ngôn từ văn chương hết sức hoa mỹ. 

         ''Cuối cùng văn chương cũng chính là nghề mộc. Anh đều làm việc với hiện thực, một vật liệu cũng cứng như gỗ.'' - Gabriel Garcia Marquez. Người thợ mộc nhìn khúc gỗ bằng ánh mắt người thợ mộc, biến nó từ một khúc gỗ thô sơ, sần sùi, cứng cáp thành một món đồ đẹp đẽ trong mắt khán giả. Hay trong “Cổ học tinh hoa”, câu chuyện về một người thợ ngọc ra cửa hàng đá mua một hòn đá về rồi đập nó lại có thể nhìn thấy một viên ngọc sáng chói trong đó, còn người chủ tiệm đá dù có đập trăm viên đá cũng chẳng thấy viên ngọc nào. Câu chuyện gợi cho ta nhiều suy nghĩ. Đó đều là bởi họ cách nhìn, điểm nhìn của nhà nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống để tìm được giá trị tích cực của nó. Phải rèn luyện đôi mắt tinh tường của người thợ ngọc để tìm được chất “ngọc trong đá”. Câu chuyện còn chỉ cho chúng ta hiểu được về giá trị tốt đẹp ẩn sâu trong mỗi tâm hồn mà còn luyện cho ta đôi mắt quan sát cuộc sống, nhìn thấy được trong giữa cát bụi cuộc đời vẫn có chất ngọc, chất vàng ròng, chất cao đẹp trong tâm hồn con người. Giống như hát cát khi chui vào vỏ sò, nó đâu biết được sẽ có ngày, nó từ những hạt cát nhỏ xíu, li ti lại có thể trở thành một viên ngọc quý giá, đẹp đẽ nhất. Có thể nói, trong cuộc sống của con người, ranh giới giữa ''rồng - phượng'' và ''rắn - rết'' thật quá là mong manh, mấy ai đủ can đảm, ý chí để có thể giữ tâm tịnh, hướng thiện để không trở thành những ''rắn, rết'', bị xã hội xa lánh, cô lập. Văn học không chỉ là một tác phẩm trên những trang sách, mà nó còn là thước phim về cuộc sống. Mỗi tác phẩm văn học đều mang đậm những giá trị nhân văn, triết lí nhân đạo, chứa đựng những giá trị nhận thức cao đẹp, mỗi câu chuyện đều rèn luyện cho ta cách nhìn về một con người. Trong tác phẩm ''Chí Phèo'', Thị Nở không hề bị vẻ ngoài của anh Chí làm cho kinh sợ bởi những vết sẹo dài, in hằn trên khuôn mặt. Khi những người trong làng đều xa lánh Chí Phèo, cho rằng anh là một ''con quỷ của làng Vũ Đại'', thì Thị Nở lại nhìn ra được bản tính lương thiện đã bị vùi dập bấy lâu trong con người Chí Phèo, và cũng chính nhờ bát cháo hành của Thị đã đánh thức khao khát làm người lương thiện của anh Chí.

        Câu chuyện '' Vợ chồng A Phủ '' của Tô Hoài cũng như vậy, đây là một câu chuyện mà các nhân vật trong chuyện ít nhiều tồn tại trong cuộc đời. Nếu như nhà văn không tiếp cận, tìm hiểu, khám phá về các nhân vật, biết được câu chuyện của họ thì liệu tác phẩm ấy có thể ra đời được hay không. Trong truyện, nhân vật Mị là một người con gái hiền lành, xinh đẹp, vì gia đình nợ nần mà bị bắt làm con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, từ ấy mà cuộc đời Mị chỉ là một màu đen, tăm tối, mù mịt. Mị bị đối xử không bằng con trâu, con ngựa. Mùa xuân năm ấy, là ngày Tết đến, Mị rất muốn đi chơi, Mị cảm thấy phấn khởi, Mị muốn đi chơi ''Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách.'' Nhưng nào rồi ông trời đâu cho Mị được toại nguyện. Đúng lúc này, A Sử bắt gặp Mị liền nói '' Mày muốn đi chơi hả ''. Rồi hắn đem Mị trói lại vào cột, chỉ khi nào hắn đi chơi về mới được thả ra. Lần thứ nhất, cuộc trỗi dậy trong lòng Mị đã thất bại, nó giống như một viên than bé nhỏ vẫn đang bị đè nén chưa bùng lên. Còn A Phủ vì đánh con quan mà phải đi ở nợ cho nhà thống lí, chịu bao trận đòn roi nhưng không kêu than một lời. Năm đó rừng động, muông thú đều chạy, lúc A Phủ không để ý đã để hổ bắt mất một con bò của thống lí Pá Tra. Nghe được tin này, thống lí tức giận đem A Phủ trói vào cột bỏ đói giữa thời tiết lạnh giá, rét đến cắt da thịt, và khi nào bọn A Sử bắn được hổ đem về thì lão mới thả A Phủ ra. Chính trong đêm A Phủ bị trói ấy, ban đầu Mị không để tâm, vô cảm, chỉ thức dậy để đi sưởi ấm rồi lại quay về phòng ngủ vì lạnh. Đến một lúc sau, Mị bất chợt lé mắt trông sang nhìn thấy '' Một dòng nước mắt lấp lánh '' lăn trên má A Phủ, Mị liền nghĩ đến việc cởi trói cho A Phủ, nhưng vì bị cái bóng ma thần quyền quấn lấy, Mị cứ đắn đo suy nghĩ mãi, chạp hồi mới chạy đến cắt dây trói rồi kêu A Phủ chạy ngay đi, Mị cũng chạy theo. Đây chính là cuộc trỗi dậy lần thứ hai của Mị, ngọn lửa trong Mị đã bùng lên thật mãnh liệt, không còn chỉ là ngọn lửa nhen nhóm, bé nhỏ ban đầu nữa. Hai người trở thành vợ chồng, tham gia cách mạng. Hành động của Mị lúc này vừa là hành động tự phát mà cũng vừa là hành động tự giác. Qua câu chuyện ấy để ta thấy được rằng, chính cuộc sống của bà con vùng cao đã giúp nhà văn nhìn thấu được, gặp được nhân vật Mị đời thực để có thể viết lên một câu chuyện phản ánh những hủ tục đã khiến con người ta bị cầm tù, mất đi tự do trong tâm hồn, đời sống. Cũng chính trong câu chuyện ấy, ta lại thấy thêm được cái tài hoa, uyên bác của Tô Hoài, cùng cái nhìn tinh tế, sự công phu và tâm huyết của ông khi đặt hết tâm tư, tình cảm vào tác phẩm nhất là tình cảm ông dành cho nhân vật Mị: thương xót, thấu hiểu, tin tưởng rằng họ có thể tìm được một cuộc sống mới khi rời khỏi cái địa ngục tàn khốc, bước ra khỏi bóng mà cường quyền - bố con nhà thống lí và bóng ma thần quyền - phong tục tập quán. Hay hình ảnh ánh sáng chói rọi của chiếc đèn tàu hỏa vụt băng qua bến trước sự hào hứng và mong đợi của người dân thôn làng mỗi khi đêm xuống trong tác phẩm ''Hai đứa trẻ'' của nhà văn Thạch Lam. Ánh sáng ấy không chỉ đơn thuần là ánh đèn của con tàu về đêm, mà đó giống như là ánh sáng của hy vọng vào một ngày mới sẽ tốt đẹp hơn người dân làng, đặc biệt là đối với hai chị em đó là món quà, là sức sống của niềm hy vọng.   

         Văn chương đem đến cho ta rất nhiều khía cạnh của cuộc sống, mỗi khía cạnh đều có những nét đẹp riêng và chúng đều nằm sâu trong những '' hạt sạn'' của cuộc sống. Cuộc sống là một thế giới hỗn loạn, chứa cả ngọc trai và những hạt cát, '' hạt cát '' khiến ta thấy đau đớn, khó chịu như con sò khi bị cát chui vào vỏ, còn ''ngọc trai '' lại khiến ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, yêu đời như món quà mà con sò dành cho biển cả. Chúng ta đều biết, cuộc sống thì tràn ngập là ''cát'' mấy khi có ''ngọc'', để có được ''ngọc trai''- sự vui vẻ, hạnh phúc - cho riêng mình thì ta phải biết thay đổi '' hạt cát'' từ cái nhìn đến suy nghĩ và hành động. Văn học không chỉ là dùng mỗi tài năng để viết, mà cần có cả đôi mắt. Đôi mắt là thứ quan trọng để nhà văn nhìn nhận mọi thứ theo cách khách quan và chủ quan. Raxun Gamzatop cũng từng nói lên rằng: ''Đừng cho tôi đề tài, hãy cho tôi đôi mắt''. Đó cũng là lý tưởng của văn chương. Thật chẳng lấy làm lạ khi mỗi tác phẩm ta đọc lên, đều hiện hữu trong đó có hình ảnh của cuộc sống như '' Vợ nhặt '' của Kim Lân, '' Tắt đèn'' của Ngô Tất Tố hay ''Lão Hạc'' của Nam Cao. Tất cả đều được lấy chất liệu từ hiện thực để làm nguyên liệu cho một tác phẩm, và từ cách nhà văn nhìn nhận, cảm nhận để đặt ngòi bút viết lên tác phẩm tuyệt vời, hiện thực cuộc sống sẽ lại hiện ra trước mắt ta vừa là để ta nhìn nhận nó theo cách khác cũng vừa là để ta thêm yêu quý, trân trọng cuộc sống. Muốn có được một tác phẩm hay thì điều cần nhất chính là chất liệu và công phu người nghệ sĩ. Nhà văn lấy cảm hứng từ cuộc sống để viết lên câu chuyện.

        Thường nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là nơi không thể che giấu đi cảm xúc, chính điều ấy đã là một điều hay để các nhà văn có được những tác phẩm chân thành, chứa đựng biết bao cảm xúc, không chỉ là văn xuôi mà ngay cả thơ ca cũng vậy. Mọi tác phẩm đều bao hàm rất nhiều cảm xúc của tác giả. Như Xuân Diệu, ông viết những bài thơ mang vẻ đẹp của một tình yêu mãnh liệt, dạt dào trong tâm hồn. Gửi đến người đọc ngọn giá rạo rực, thiết tha, nồng cháy, khao khát yêu thương

''Tôi muốn tắt nắng đi

  Cho màu đừng nhạt bớt

  Tôi muốn buộc gió lại

  Cho hương đừng bay đi''

                      (Vội vàng) Xuân Diệu

Ta có thơ người chiến sĩ viết về Người trong bài ''Đêm nay Bác không ngủ'' của Minh Huệ 

"Rồi Bác đi dém chăn

Từng người từng người một

Sợ cháu mình giật thột

Bác nhón chân nhẹ nhàng.''

Chính nhờ có đôi mắt quan sát, mà nhà thơ đã cho thấy được tình yêu thương cao cả Bác dành cho những người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến đầy gian lao, vất vả.

        Thơ ca hay văn xuôi thì đều không thể thiếu đi đôi mắt và tâm hồn của một người nghệ sĩ. Đôi mắt để nhìn và cảm nhận, tâm hồn để chứa đựng cảm xúc. Từ đó, để có thể viết lên những tác phẩm động lòng người. Và cũng sẽ không trở thành tác phẩm văn học nếu không có tài năng sử dụng ngôn ngữ điêu luyện. Mà tài năng đó phải qua sự tôi luyện không ngừng của văn nghệ sĩ.

        Như vậy, ta thấy được hiện thực cuộc sống cũng là thứ ảnh hưởng ít nhiều đến văn chương, đến tâm hồn người nghệ sĩ. Từ hiện thực cuộc sống, nhà văn viết lên cảm xúc của bản thân, đưa vào đó là những tư tưởng cao đẹp, những giá trị nhân văn, nhân đạo, đưa thông điệp của cuộc sống đến mọi người.

        ''Ý nghĩa tối thượng mà tất các các câu chuyện gợi tới có hai mặt: sự tiếp diễn của cuộc sống và sự không thể cưỡng lại của cái chết. ''- Italo Calvino. 


  • (Có 6 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...