Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu – Tiếng vọng về một thời đau thương

15/12/2020

Nguyễn Thị Phương Minh

Nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định: “Văn học không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có”. Vâng! Đất nước với bao biến đổi, đã từng thời kỳ hưng thịnh nhất cũng như đã từng nếm trải sự suy vong, sụp đổ. Song dẫu bao biến động, văn học vẫn tồn tại để phản ánh hiện thực cuộc đời, thể hiện tâm sự nỗi niềm thi nhân. Thế kỉ XIX, thế kỉ đau buồn đã ghi nhớ mãi một nhà thơ sống trọn tình cho dân cho nước đó là cụ Đồ Chiểu, cái tên được nhân dân hết mực trìu mến dành cho ông. Tâm tình ấy đã được gửi gắm trong bài thơ “Chạy giặc” giàu cảm xúc đã khắc họa một hiện thực đầy đau thương của dân tộc với tấm lòng xót xa, buồn đau vô hạn của nhà thơ:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Một bàn cờ thế phút sa tay!

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất ổ đàn chim dáo dác bay.

Bến Nghé của tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng 

Nỡ để dân đen mắc nạn này?

Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh loạn lạc, tang thương khi Pháp bắn phát súng đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Để rồi một năm sau, Pháp chiếm Gia Định. Một giai đoạn đau thương anh dũng của đất nước bắt đầu và cũng là bắt đầu giai đoạn đau thương, anh dũng trong cuộc đời của cụ Đồ Chiểu. Tuy mù lòa, Nguyễn Đình Chiểu vẫn nghe rõ tiếng súng cướp nước của bọn quân giặc:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Một bàn cờ thế phút sa tay!”

Mở đầu bài thơ là âm thanh ghê rợn của tiếng súng giặc vang lên trong khi buổi chợ vừa tan. Đã từ lâu “chợ” là nét đẹp văn hoá dân tộc, “chợ” biểu hiện cuộc sống yên bình, sung túc của nhân dân. Ngữ “tan chợ” không diễn đạt không gian mà miêu tả khái niệm thời gian, đó chính là lúc mọi người quây quần bên mái ấm gia đình, bên mâm cơm nghi ngút khói sau một ngày làm lao động vất vả, cật lực. Thế nhưng, thương xót làm sao, không gian yên ả kia bị phá vỡ bởi tiếng súng Tây nổ vang rền. Cụm từ “vừa nghe” thật bất ngờ, diễn đạt một biến cố đột ngột, gieo rắc nỗi kinh hoàng trong lòng người dân đang yên ổn làm ăn. Nhà thơ đưa ra hai hình ảnh: “tan chợ” và “tiếng súng Tây” đối lập nhau, giữa lúc yên bình của buổi tan chợ và nỗi kinh hoàng của tiếng súng, tình thế ấy được Nguyễn Đình Chiểu ví như một bàn cờ thế đầy gây cấn mà trong bàn cờ ấy, người cầm quân chỉ cần đi sai một bước là sẽ thất bại ngay. Đau đớn làm sao khi mà thất bại ấy lại thuộc về phía ta để rồi những người dân chất phát, lương thiện phải điêu linh, cực nhọc trong cảnh tan tác. Âm điệu của câu thơ trầm lắng nghẹn ngào đọng lại trên dấu chấm cảm đầy xót xa, cay đắng: “phút sa tay!”. Câu thơ như tiếng thở dài, như nỗi lòng nghẹn uất của tác giả. Chính tiếng súng đột ngột của chúng đã đẩy cuộc sống thanh bình, đông đúc, nhộn nhịp của dân ta bỗng chốc tan biến vào quá khứ và mở ra trước mắt một cảnh tượng chạy giặc thật kinh hoàng, đau xót:

“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy

Mất ổ đàn chim dáo dác bay”

Hai câu thực của bài thơ là một bức tranh cụ thể, sinh động tái hiện lại tình cảnh tan tác, bi thương của nhân dân khi ấy. Ông nghe rất rõ “tiếng súng Tây”, hình dung rất đậm cảnh loạn lạc của quê nhà và nỗi đau xót xa của nhân dân mà tiêu biểu là hai hình ảnh “lũ trẻ lơ xơ chạy” và “bầy chim dáo dác bay”. Các từ láy “lơ xơ”, “dáo dác” vừa tượng hình vừa gợi cảm một dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Qua hai hình ảnh tinh tế đó, người đọc cảm nhận được tâm tư tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu đối với nhân dân với đất nước rất cụ thể và sâu sắc. Yêu nước thương dân là yêu tất cả những gì thuộc về đất nước, gắn bó với nhân dân. Tấm lòng ấy đáng kính trọng biết bao, một tấm lòng sáng vằng vặc tựa như sao Bắc Đẩu. Trong hố sâu của đôi mắt ấy, Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng định với nước nhà, với cha ông:

“Thà đui mà giữ đạo nhà

Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”

Nhà thơ đã mường tượng ra những sinh linh bé nhỏ, yếu ớt đang vui vầy bên mái ấm gia đình bỗng chốc trở nên hoảng loạn, lơ xơ chạy nhưng không biết đi đâu, về đâu trong bập bùng bão lửa, trong tiếng súng nổ inh ỏi. Nghệ thuật đảo ngữ trong cặp câu đã khắc họa sự hoảng loạn, ngơ ngác đồng thời làm tăng thêm niềm thương xót xa đến tê tái. Ẩn dấu trong câu chữ, trong hình ảnh đàn chim mất ổ, trong những âm thanh hỗn loạn còn là nghệ thuật ẩn dụ tinh tế, phải chăng đó là những cánh chim của buổi chiều đang ríu rít bay về tổ ấm cũng không được yên ổn, “dáo dác bay” hay chính là hình ảnh của mỗi gia đình đang quây quần đoàn tụ đã sớm phải rơi vào cảnh hoảng loạn, hãi hùng. Cụ Đồ Chiểu ơi! Người đọc cảm thương và trân trọng biết bao tấm lòng yêu nước thương dân sáng chói đến ngàn đời ấy của cụ. 

Quân giặc ngày càng hung hăng, xảo quyệt, triều đình nhà Nguyễn liên tiếp đầu hàng giặc gieo thêm bao đau thương, mất mát cho nhân dân. Đâu rồi những Bến Nghé, Đồng Nai, những vùng đất trù phú giờ chỉ còn là bọt nước, màu mây:

“Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”

Tuy hai địa danh trên chỉ là tên một bến nước, một dòng sông ở Gia Định nhưng đó cũng chính là những nét phác họa toàn cảnh quê hương ta khi quân Pháp đặt gót giày xâm lược. Cả một dải non sông, gấm vóc với những thương cảng, phố thị trù phú đang yên ổn trong phút chốc đã bị kẻ thù dã tâm tàn phá thành tro bụi. Cặp câu khắc họa thật rõ nét, nếu xét về bố cục của thơ Đường, thường thì gặp câu đề giới thiệu đề tài, cặp câu thực làm rõ đề tài, cặp câu luận bàn bạc mở rộng thì trong bài thơ này, cặp câu luận không bàn bạc mở rộng mà tiếp tục triển khai ý của hai câu đề để khắc họa sâu sắc những tang thương, mất mát mà nhân dân ta phải gánh chịu. Đau lòng biết bao, một vùng đất Bến Nghé xưa kia trong cuộc trường chinh của cha ông đi mở rộng bờ cõi về đất phương Nam đã phát triển giàu có như vậy mà nay bị quân giặc cướp nước vơ vét sạch, nhà cửa bị đốt phá, khói lửa dấy lên ngút trời, tất cả đều tan theo bọt nước tan nhanh chóng, không để lại dấu vết gì. Biết bao công sức của người dân một thời chắt chiu, lam lũ giờ đã trắng tay, Đồng Nai sầm uất xưa kia cũng bao trùm trong khói lửa. Câu thơ là một bức tranh cụ thể sinh động đầy gợi cảm về hình ảnh quê hương bị dày xéo, tàn phá, khắp nơi tan tác, đổ vỡ, khói lửa nghi ngút đầy trời. Các cụm từ “bọt nước”, “màu mây” là cách nói cô đọng mà giàu sức gợi tả, những màu tang thương, chết chóc bao trùm khắp nơi. Giặc Pháp hung tàn đã đốt sạch, cướp sạch cả một vùng trời quê hương chìm trong hoang tàn, đổ nát. Đọc những câu thơ gợi ta liên tưởng đến âm hưởng Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi khi tố cáo tội ác của giặc Minh:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”

Thái độ của nhà thơ là thái độ căm phẫn, nỗi xót đau thương hận lay động cả đất trời. Âm điệu câu thơ như nghẹn đắng, xót xa là tiếng vọng từ cõi sâu thẳm trong tâm hồn nhà thơ trào dâng lên niềm cảm xúc mãnh liệt.

Tinh thần yêu nước thương dân của cụ Đồ Chiểu chan chứa, thấm đượm trong từng câu thơ trên. Đứng trước nỗi đau khổ của dân, ông không thể ngăn mình cất lên kêu gọi:

“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng

            Nở để dân đen mắc nạn này?”

Hai câu kết của bài thơ cũng có thể là câu hỏi hay là lời oán trách, hỡi những nghĩa sĩ, những bậc anh hùng hào kiệt của dân tộc như Nguyễn Trãi đã từng nói:

“Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có”

(Bình Ngô đại cáo)

Hào kiệt nay ở đâu để cuộc sống người dân chìm trong bể khổ. Phải chăng một thời đại vắng bóng anh hùng? Không, mặc dù triều đình Nhà Nguyễn sai lầm nhưng tấm lòng yêu nước của nhân dân không bao giờ thay đổi. Nhân dân Nam bộ vẫn dựng cờ khởi nghĩa. Nguyễn Đình Chiểu đưa ta trở về với những trang lịch sử hào hùng của dân tộc để tự hào về truyền thống cha ông, của những Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung. Hồn thiêng sông núi 4000 năm vẫn vang vọng mãi những trang sử vẻ vang ấy. Cụm từ “rày đâu vắng” chính là thái độ chỉ trích triều Nguyễn bất tài, nhu nhược mà đã có lần Nguyễn Đình Chiểu kín đáo trách khéo nhà vua:

“Chừng nào Thánh đế ân soi thấu

Một trận mưa nhuần rửa núi sông”

(Xúc Cảnh)

Triều đình nhà Nguyễn đã thờ ơ, quay mặt lại trước nỗi thống khổ của dân đen trong cơn đại nạn. Câu thơ là một tiếng kêu thương đau xuất phát từ trái tim nồng nàn yêu nước, đứng về phía nhân dân đỏ rực ngọn lửa căm thù trước tội ác trời không thể dung, đất không thể tha của giặc. Nhà thơ không những đau xót vì cảnh quốc phế gia vong, nhân dân tan tác, đau thương, lơ xơ, dáo dác mà ông còn thất vọng và bất bình biết mấy trước tình cảnh quê hương ngập tràn bóng giặc mà quân triều đình thì bặt tăm khuất dạng, bỏ mặc nhân dân phải chịu cảnh thống khổ, điêu linh. Hai câu kết còn hàm chứa một nỗi mong chờ đến khắc khoải bóng dáng một “trang dẹp loạn” tài ba xuất chúng sẽ mau chóng ra tay cứu nước phò đời.

Muôn đời, lòng yêu nước thương dân vẫn mãi là tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua số phận bất hạnh để làm thơ, dạy học, làm thầy thuốc và tham gia chống Pháp. Những vần thơ của ông vẫn sáng mãi chân lý “Văn dĩ tải đạo”, dồn tất cả bút lực của mình để ca ngợi những cuộc khởi nghĩa của nhân dân chống Pháp như trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” với một chất giọng hùng hồn:

“Thà thác mà đặng câu địch khái, về với tổ phụ cũng vinh, hơn sống mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”.

Hơn 150 năm đã đi qua, song đọc lại những vần thơ của Nguyễn Đình Chiểu, người đọc không khỏi nghẹn đắng, xót xa về một hiện thực đau thương và trân trọng về một nhân cách lớn. Lời thơ giàu cảm xúc, ý thơ tinh tế, cô đọng đã khắc hoạ sâu đậm dấu ấn đau thương về một thời kỳ lịch sử dân tộc làm rung động lòng người bởi một tình yêu nước, thương dân của Nguyễn Đình Chiểu. Đúng như nhận định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Trên trời có những vì sao với ánh sáng khác thường nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn mới thấy và càng nhìn thì càng thấy sáng”. Vâng! Nguyễn Đình Chiểu và văn thơ của ông vẫn mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ của dân tộc.

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...