Gian truân của một kiếp người trong xã hội bất công oan trái

28/01/2021

NGUYỄN THỊ HỒNG LIÊN


“Trải qua một cuộc bể dâu

Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình”

Tố Hữu

Vâng! Nguyễn Du là nhà thơ của tình người tên tuổi của ông như gắn liền với “Truyện Kiều” – một kiệt tác của dòng văn học trung đại đã từng gây nên bao tranh luận sôi nổi và đồng thời là nguồn cảm xúc đến tận cùng của bao thế hệ người đọc. Bằng ngòi bút tài hoa, ông đã vạch trần một thực trạng xã hội đen tối và nỗi đau thân phận của con người bị áp bức, nhân phẩm bị chà đạp, bị trầm luân trong gió bụi cuộc đời. Có lẽ vì thế, nhà thơ Chế Lan Viên khi đọc Kiều cũng không khỏi chạnh lòng xót thương cho một kiếp tài hoa bạc mệnh và chính từ nỗi niềm cảm thông sâu sắc đó, Chế Lan Viên đã tìm thấy sự đồng cảm và liên tưởng:

“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc

Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên”

Tự trong sâu thẳm của trái tim nhân đạo, cao cả, Nguyễn Du đã cảm thông sâu sắc cho nỗi đau thân phận con người trong chế độ xã hội phong kiến đầy tàn ác, bất công, dưới thế lực của đồng tiền, nhân phẩm con người bị chà đạp. Chính vì vậy, Truyện Kiều là một bản cáo trạng bằng thơ, qua đó đã thể hiện trái tim quảng đại, bao dung của ông.

“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc”

Từ “chạnh thương’ ở đây là một cách nói rất mộc mạc, giản dị nhưng hàm ý sâu lắng, gợi cảm nó thể hiện sự rung cảm chân thành bắt nguồn từ trái tim nhân hậu bao dung, đồng thời Chế Lan Viên đã thể hiện tấm lòng trân quý mà cũng đầy xót thương cho một kiếp đời, một kiếp người đầy tài sắc, phẩm hạnh mà sao lắm nỗi gian truân. Rồi từ nỗi đau cho thân phận Thúy Kiều, nhà thơ đã liên tưởng đến dân tộc Việt Nam đầy gian khổ thử thách. Ở đây, Chế Lan Viên đã rất khéo léo không gọi là nàng Kiều hay Thúy Kiều mà dùng từ “cô Kiều“ để thể hiện một thái độ trân trọng sắc tài và phẩm hạnh của một nhân cách cao đẹp. Tuy nhiên, trong những từ ngữ tưởng chừng như bình dị ấy bằng nghệ thuật so sánh đầy sáng tạo càng thân mật Kiều bao nhiêu thì lại càng xót thương cho dân tộc bấy nhiêu đã tạo ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc – Cách so sánh tuy có chút khập khiễng nhưng vẫn tìm thấy nét tương đồng trong tâm tưởng, thể hiện một tình cảm sâu lắng và ý thức về dân tộc đó là đất nước Việt Nam là một dải giang san hùng vĩ, đẹp nên thơ, con người Việt Nam cũng lắm tài hoa, không chỉ vậy còn có lịch sử dân tộc là những chuỗi ngày đấu tranh không ngừng nghỉ đầy gian khổ, vất vả qua nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ rất độc đáo “đời dân tộc”, đồng thời cũng góp phần tạo tứ thơ sinh động

“Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên”

Đến đây, nhịp điệu câu thơ như trầm lắng trong nỗi xót xa, đau đớn. Chế Lan Viên đọc Kiều mà tưởng chừng như nghe từ trong quá khứ, theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc, những tiếng vọng đau thương bất chợt hiện về làm ngập tràn cả tâm tư nhà thơ. Chính vì thế, âm điệu câu thơ thốt lên đầy xót xa kết hợp cách ngắt nhịp 1/1/1 chậm rãi với những từ ngữ “sắc-tài-sao-mà-lại” như tiếng nấc nghẹn ngào từ cõi sâu thẳm trong tâm hồn nhà thơ đang rung lên những cung bậc đầy đau thương uất hận, đồng thời qua đó thể hiện tấm lòng yêu nước thiết tha. Ở đây, từ “sao” được ngắt nhịp đồng thời sau đó kết hợp với quan hệ từ “mà” như tạo sự tương phản đối lập giữa tài sắc và cuộc đời truân chuyên, giữa nhân phẩm cao đẹp với bất hạnh cuộc đời để phản ánh sự bất công của xã hội phong kiến, phản ánh giữa “tài mệnh tương đối”. Qua đó, hai câu thơ còn bộc lộ nỗi niềm yêu quý đất nước của tác giả một cách sâu sắc.

Với hai câu thơ trên, Chế Lan Viên đã gợi cho chúng ta sự cảm thông về một mảnh đời của Thúy Kiều – một cô gái sắc tài vẹn toàn đang sống trong cảnh “Êm đềm trướng rũ màn che”, bỗng dưng “đất bằng nổi sóng” khiến cô gái ấy phải trầm luân mười lăm năm trong kiếp đoạn trường, trong vũng lầy ô nhục của cuộc đời với biết bao đắng cay tủi nhục và với ngòi bút thiên tài, Nguyễn Du đã phác họa một bức chân dung có một không hai của Thúy Kiều:

“Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”

Đó là một sắc đẹp đang tràn đầy sức sống của tuổi xuân, một vẻ đẹp tuyệt sắc giai nhân, nghiêng nước nghiêng thành “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. 

Không những thế, Kiều còn rất tài hoa:

“Sắc đành đòi một, tài đành họa hai 

. . . Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”

Thậy vậy, nàng rất đa tài mà đặc biệt tài làm thơ của nàng thật tuyệt vời. Dù trong hoàn cảnh nào nét bút Kiều vẫn xuất thần và thuyết phục mọi người, Khi đi chơi tiết thanh minh, trước nấm mồ Đạm Tiên không ai nhang khói chăm nom, Thúy Kiều đã bất thần xuất bút đề thơ “Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần”. Ngay cả trong phép “gia hình” dã man, Thúy Kiều vẫn làm thơ và chinh phục được cả viên quan ‘mặt sắt đen xì” đã thốt lên: “Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân”.

Ngoài ra, tài đánh đàn của Kiều cũng rất độc đáo “Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương”. Và cũng chính tiếng đàn ấy đã làm si mê Kim Trọng, đau lòng Thúc Sinh, ngay cả tên quan tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến là một con người tráo trở, lật lọng vô lương tâm thế mà trước tiếng đàn Thúy Kiều cũng phải “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”.

Thế nhưng, đắng cay thay, sắc tài ấy mà cuộc đời sao cứ làm truân chuyên. Khi mộng đẹp của mối tình đầu vừa chớm nở đã vội tàn lụi, bão giông cuộc đời đã bất ngờ đổ ập đến khiến Kiều phải liều thân bán mình chuộc cha. Cũng chính vì trong xã hội phong kiến thối nát ấy, mãnh lực đồng tiền đã chà đạp lên nhân phẩm con người một cách tàn nhẫn, dã man, thế là Thúy Kiều trở thành một thứ hàng hóa không hơn không kém:

“Cò kè bớt một thêm hai

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”

Tuy Mã Giám Sinh đánh tiếng cưới Kiều về làm thứ thiếp nhưng kì thực hắn lại đưa nàng về Lâm Chuy sống trong kiếp lầu xanh với biết bao đắng cay tủi nhục. Bị Sở Khanh lừa lọc để “chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. 

Sau đó, một chút may mắn, một chút hạnh phúc đã đến với nàng nhưng cũng rất mong manh, được Thúc Sinh cứu vớt nhưng vì Thúc Sinh quá nhu nhược nên nàng bị Hoạn Thư bắt ghen, hành hạ đủ điều khiến nàng phải chạy trốn nương nhờ cửa Phật. Thế nhưng ngay cả cánh cửa từ bi đó cũng không che chở cho cuộc đời nàng mà đã vô tình để nàng rơi vào tay Bạc Bà – Bạc Hạnh khiến nàng phải trở lại lầu xanh lần thứ hai, phải sống trong vũng lầy ô nhục của cuộc đời.

Chính vì xót xa cũng một kiếp đời, một kiếp người mà sao lắm đắng cay tuổi nhục nên khi đến đây, Nguyễn Du như không nén được niềm uất ức:

“Chém cha cái số hoa đào

Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”

Và trong vũng lầy ô nhục của cuộc đời ấy, người anh hùng Từ Hải tài trí phi thường đã hiện ra như một thiên thần vung lưỡi gươm công lý tiêu diệt bất công, đã mở rộng cánh tay cứu vớt đưa Thúy Kiều từ một cô gái lầu xanh, ở tận đáy xã hội đường đường trở thành một mệnh phụ phu nhân. Thế nhưng, đáng buồn thay, cái hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi, Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến đã vô tình đẩy người anh hùng Từ Hải phải chết đứng giữa loạn quân. 

Thế là, ánh hào quang đang sáng rực rỡ bỗng vụt tắt đi đã làm cuộc đời Kiều bỗng tối sầm lại. Nàng không những mất đi Từ Hải mà còn bị Hồ Tôn Hiến làm nhục ngay sau khi giọt nước mắt khóc chồng chưa kịp vơi đi. Không chỉ vậy, Hồ Tôn Hiến còn bắt nàng phải “thị yến dưới màn” thế nhưng, đến sáng hôm sau hắn bỗng bàng hoàng “Nghĩ mình phương diện quốc gia” nên đã tàn nhẫn ép gả nàng ngay cho viên thổ quan. Đau khổ và tủi nhục, Thúy Kiều trầm mình xuống dòng Tiền Đường để chấm dứt cuộc đời truân chuyên.

“Một mình cay đắng trăm đường

Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi”

Và từ niềm cảm thông cho nỗi đau thân phận Thúy Kiều, nhà thơ Chế Lan Viên đã chạnh lòng nghĩ về dân tộc, đồng thời bày tỏ niềm tự hào về dân tộc ta cũng lắm tài hoa và tâm hồn người Việt Nam rất phong phú.

Ngay từ buổi đầu dựng nước đã hình thành những phong tục tập quán riêng biệt góp phần xây dựng một nền văn hiến lâu đời:

“Như nước Đại Việt ta từ trước 

   Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

   Núi sông bờ cõi đã chia

   Phong tục Bắc Nam cũng khác”

(Nguyễn Trãi)

Theo tháng năm, con người Việt Nam đã có trình độ nghệ thuật điêu khắc rất độc đáo và trống đồng Đông Sơn đã ra đời với những nét hoa văn rất tinh vi, tài hoa đồng thời qua đó thể hiện trình độ thẩm mỹ của người Việt Nam xưa.

Không chỉ vậy, với óc tưởng tượng phong phú độc đáo, nhân dân Việt Nam đã xây dựng được kho tàng văn học dân gian vô giá truyền thuyết, cổ tích . . . Qua đó đã thể hiện tâm hồn người Việt Nam rất nhân hậu trong sáng, giàu lòng yêu thương con người và rất trọng nhân nghĩa: 

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo”

(Nguyễn Trãi)

Tuy nhiên, khi đã nói những nét tài hoa của người Việt Nam là phải kể đến nghệ thuật quân sự độc đáo như: cuộc chiến tranh du kích của Triệu Quang Phục, hay những chiếc cọc gỗ trên sông Bạch Đằng đã lập nên chiến công oanh liệt của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo…; Rồi Lê Lợi mười năm nếm mật nằm gai kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh trên gò Đống Đa… Những chiến công đó được lập nên cũng là nhờ con người Việt Nam vốn bất khuất trung hậu và chịu đựng hi sinh gian khổ:

“Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao”

(Thanh Hải)

Thật vậy, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc gian truân 1000 năm nội thuộc phương Bắc, trong thời kì độc lập tự chủ vẫn luôn đứng trước nguy cơ xâm lược của Tống, Nguyên, Minh, Thanh, hết thực dân Pháp xâm lược rồi tới Mỹ, mảnh đất Việt Nam phải chịu biết bao đau thương, con người Việt Nam vẫn tuyệt vời:

“Có nơi đâu đẹp tuyệt vời

Như sông như núi như người Việt Nam”

Tuy lịch sử đầy truân chuyên ấy thế nhưng dân tộc ta luôn vượt qua để tồn tại và bền vững nền độc lập tự chủ:

“Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước”

(Thanh Hải)

Việt Nam ta nằm sát bờ Biển Đông, bên cạnh những thuận lợi, hàng năm phải chịu biết bao khó khăn do bão lũ. Tuy nhiên con người Việt Nam từ buổi đầu đã biết chinh phục thiên nhiên được thể hiện rất độc đáo ở truyền thuyết “Sơn tinh, Thủy tinh”… nhân dân ta đồng lòng đồng sức đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại và phát triển. Và nếu như trong quá khứ, trong xã hội phong kiến, nhân phẩm người phụ nữ, những cô Kiều bị chà đạp khiến cô Kiều phải trầm luân trong vũng lầy ô nhục của cuộc đời thì cuộc cách mạng tháng Tám đã xuất hiện như một cuộc tái sinh màu nhiệm đã giải phóng cuộc đời phụ nữ. 

Hai câu thơ của Chế Lan Viên thật giản dị mà hàm ý sâu sắc mang ý nghĩa to lớn đó là nó đã thể hiện tấm lòng, sự đồng cảm của nhà thơ và cũng như bao nhà thơ, nhà văn khác đối với Nguyễn Du với Thúy Kiều và đặc biệt hơn hết là đối với dân tộc. Đồng thời, nó đã giúp ta thấy được giá trị cuộc sống của xã hội ngày nay: 

“Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người, sống để yêu nhau”

(Tố Hữu)

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...