CẢM NHẬN VỀ TRUYỆN CHIẾC LƯỢC NGÀ – NGUYỄN QUANG SÁNG

16/03/2020

Viết về tình mẫu tử, đó là nguồn cảm hứng khai thác không hề vơi cạn của nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng. Đề cập đến tình phụ tử khách quan ai cũng công nhận đề tài ấy ít được đề cập đến. Nhưng không phải vì thế mà những tác phẩm viết về tình cha con lại phần nào tẻ nhạt, kém xúc động. Chúng ta đã từng xót trước đôi mắt “ầng ậng” nước và day dứt khi phải chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Để rồi đến với Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng người đọc khó có thể nào quên nỗi hối hận đến thắt lòng của ông Sáu khi đêm đêm nghĩ về con cũng như tình yêu cha sâu nặng của bé Thu. Chiếc lược ngà được viết năm 1966, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Truyện đã tập trung thể hiện tình cảm của cha con ông Sáu trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh, đã để lại nhiều xúc động trong lòng người đọc.

cam-nhan-ve-truyen-chiec-luoc-nga-nguyen-quang-sang

            Truyện được xây dựng bởi tình huống truyện độc đáo, hợp lý đầy kịch tính. Kể về cuộc trùng phùng đầy nước mắt của hai cha con anh Sáu. Anh Sáu đi kháng chiến, sau tám năm anh được nghỉ ba ngày phép để về thăm nhà. Bao nhớ thương, khao khát dồn nén mong nhớ gặp lại con, thèm được nghe con gọi tiếng ba nhưng thật trớ trêu, bé Thu không nhận cha vì vết sẹo trên gương mặt anh.  Đến khi Thu nhận cha cũng là lúc anh Sáu phải trở về đơn vị. Ở đơn vị anh nhớ con, thương con, hối hận vì lỡ đánh con, anh làm cho con chiếc lược ngà và gửi gắm biết bao tình yêu thương trong đó, anh đợi tới ngày thống nhất để trở về tặng cho con. Thế nhưng trong một trận càn, anh Sáu hi sinh, trước khi trút hơi thở anh chỉ kịp trao lại cho bác Ba người bạn thân của mình. 

Có thể nói Nguyễn Quang Sáng, đã thể hiện vô cùng xúc động tình cảm cha con của anh Sáu. Trước tiên ta đến với diễn biến tâm lý tình cảm thái độ và hành động của bé Thu. Anh Sáu xa nhà đi kháng chiến, mãi đến khi con gái lên tám tuổi ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Đáp lại sự vồ vập của người cha, bé Thu lại tỏ ra ngờ vực, lảng tránh. Nghe tiếng gọi "Thu! Con" của anh Sáu, bé hoảng hốt, mặt tái đi, vụt chạy rồi kêu thét lên: "Má! Má!". Trong ba ngày ngắn ngủi, anh sáu không dám đi xa, suốt ngày ở bên cạnh vỗ về con. Nhưng anh càng vỗ về, con bé càng đẩy ra. Anh mong được nghe tiếng "ba" của con bé nhưng nó chẳng bao giờ chịu gọi. Nghe mẹ nói gọi ba vào ăn cơm, nó chỉ nói trổng "Vô ăn cơm đi". Đến bữa cơm, khi anh Sáu gắp cho nó một cái trứng cá thật to, nó liền lấy đũa hất tung ra ngoài làm cơm văng tung toé cả mâm. Khi bị ba đánh nó bỏ về bên ngoại, cố ý khua dây xuồng kêu rổn rảng thật to. Những chi tiết được Nguyễn Quang Sáng miêu tả chân thật, tinh tế, hợp lý. Sự am hiểu tâm lý nhân vật đã khắc họa thành công nội tâm nhân vật bé Thu. Có thể nói, sự ương ngạnh đó của bé Thu suy cho cùng thì hoàn toàn không đáng trách. Thái độ của bé Thu vừa đáng giận vừa đáng thương. Bởi vì trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, bé còn quá nhỏ để có thể hiểu được những tình thế khắc nghiệt, éo le của đời sống và người lớn cũng không ai kịp chuẩn bị cho em đón nhận những khả năng bất thường nên bé không tin ông Sáu là cha mình chỉ vì trên mặt ông có thêm một vết sẹo, khác với hình ba mà nó được biết. Vết sẹo trên mặt anh Sáu đã làm trái tim bé Thu rướm máu. Phản ứng tâm lý của em là hoàn toàn tự nhiên. Nó còn chứng tỏ em là một cô bé có cá tính mạnh mẽ, tình cảm sâu sắc chân thật, em chỉ yêu ba khi tin chắc đó đúng là ba mình. Trong cái cứng đầu của em có ẩn chứa cả sự kiêu hãnh trẻ thơ về một tình yêu dành cho người cha khác – người trong tấm hình chụp chung với má em. Hậu quả của chiến tranh thật lâu dài, đau xót.

Nỗi đau xót, quặn thắt lòng người nhất có lẽ chính là phân cảnh bé Thu nhận ra anh Sáu là ba. Tình yêu dành cho ba trỗi dậy mãnh liệt vào cái giây phút bất ngờ nhất, giây phút anh Sáu trở về đơn vị. Trong buổi sáng cuối cùng trước phút ông Sáu lên đường, thái độ của bé Thu đột ngột thay đổi hoàn toàn. Bé cất tiếng gọi "Ba", tiếng kêu như tiếng xé, rồi "nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó", "nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má ba nó nữa", "hai tay nó xiết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run". Nguyên nhân: Trong đêm bỏ về nhà ngoại, Thu đã nghe bà ngoại giải thích về vết sẹo làm thay đổi gương mặt của ba nó. Sự nghi ngờ bấy lâu đã được giải tỏa và ở Thu nảy sinh một trạng thái như là sự ân hận, hối tiếc: "Nghe bà kể, nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn". Vì thế trong giờ phút chia tay với cha tình yêu và nỗi mong nhớ người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu nay bùng ra thật là mạnh mẽ và hối hả, cuống quýt, có xen lẫn cả sự hối hận. Tất cả cùng vỡ òa, tiếng “ba” được bật ra sau tám năm ròng rã, biền biệt ghì chặt trong câm nín vì bé Thu không có cơ hội để được gọi, giờ được giải phóng, nó ào ạt, tuôn trào như dòng nham thạch, bao nhiêu yêu thương, nhớ mong được gói trong tiếng “ba”. Chính vì thế khi tiếng “ba” được cất lên nó có sức mạnh tái tạo lại những đổ vỡ trong tâm hồn con người, nó có khả năng bóp nghẹt trái tim của con người.  

Quả thật, Thu là người có tình cảm thật sâu sắc, mạnh mẽ nhưng cũng rất dứt khoát, rạch ròi và là người có nét cá tính cứng cỏi. Sự kiên định ấy càng khẳng định tình yêu cha thật sâu nặng, mãnh liệt, không có gì lay chuyển được. Hình ảnh bé Thu ôm ghì lấy ba, hôn khắp cùng, hôn lên vết sẹo gớm ghiếc của anh Sáu, với lời nói nức nở của Thu: “ba, không cho ba đi nữa, ba ở nhà với con đi ba”, quả thật đã làm tan nát lòng người, người đọc ai cũng thổn thức, xót xa nghẹn ngào trước cảnh chia ly của hai cha con.

Nếu như bé Thu yêu cha mãnh liệt thì tấm lòng và tình cha của anh Sáu dành cho con là tình cảm thiêng liêng nhất, bền vững, sắc son nhất trong khói lửa chiến tranh. Tình yêu thương con của anh Sáu đã dệt lên bài ca bất tử của tình phụ tử. Tình cảm của anh Sáu với con được thể hiện tập trung và sâu sắc ở từng tình huống truyện. Trước tiên, ta không thể quên hình ảnh anh Sau nôn nao, mong chờ gặp con. Với lòng mong nhớ con, thuyền chưa cập bến anh đã vội nhảy lên bờ. Rồi khi anh thấy một cô bé trạc bảy, tám tuổi đang chơi bài chòi dưới gốc xoài. Với linh cảm của người cha anh biết chắc đó là con gái anh. Anh đã không ghìm nổi xúc động: “khom người, đưa tay chờ đón con”, giọng lắp bắp, run run “Ba đây con”. Nhưng thật trớ trêu và xót xa con gái anh sợ hãi, bỏ chạy, để lại anh với bao nỗi thất vọng: “anh đứng sững lại đó nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trong thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.” 

Tình thương con của anh Sáu còn được thể hiện sâu sắc qua nỗi khổ và niềm vui trong ba ngày về thăm nhà. Trong ba ngày về thăm nhà, suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con. Nhưng càng vỗ về con bé càng đẩy ra. Anh mong nghe được một tiếng “ba” của con bé, nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi lại còn nói trổng với anh. Anh đau khổ lắm, nhưng chỉ “nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười”, cười vì “khổ tâm đến nỗi không khóc được”. Anh không nản lòng trước sự cự tuyệt của con, anh kiên trì, quan tâm, chăm sóc con từng li từng tí. Trong bữa ăn, anh “gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó”. Bé Thu hất cái trứng, cơm văng tung tóe cả mâm. Đến nước này, “giận quá và không kịp suy nghĩ, anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên: - sao mày cứng đầu vậy quá hả?”. Hôm chia tay, anh nhìn thấy con đứng trong góc nhà, anh “muốn ôm con, hôn con” nhưng “sợ nó giãy lên lại bỏ chạy” nên “chỉ đứng nhìn nó” với “đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”. Cho nên khi bé Thu cất tiếng gọi ba, anh Sáu sững sờ, giây phút ấy dường như cả địa cầu cũng ngừng quay, trái tim anh thổn thức, niềm hạnh phúc vỡ òa, tan chảy trong anh, anh đã khóc, giọt nước mắt vui sướng và hạnh phúc vô bờ bến của một người cha lần đầu tiên được nghe đứa con duy nhất của mình gọi. Vậy là con anh đã nhận ra anh, anh hôn tóc con và hứa khi về sẽ tặng con chiếc lược.

       Tình yêu thương sâu nặng càng được thể hiện rõ nét khi anh Sáu ở trong rừng, tại khu căn cứ. Anh day dứt ân hận vì đã đánh con khi nóng giận. Lời dặn của bé Thu "Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!" đã thúc đẩy anh nghĩ đến việc làm một chiếc lược ngà dành cho con. Khi kiếm được khúc ngà, anh vui mừng sung sướng như trẻ con được quà. Anh dồn hết cả tâm trí công sức vào việc làm cây lược. Sau khi hoàn thành anh còn khắc lên cây lược dòng chữ "Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Chiếc lược ngà trở thành một vật quý giá thiêng liêng với anh Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm thương nhớ mong đợi của người cha với đứa con xa cách. Đau đớn thay, anh không có cơ hội trao tặng cho con gái mình. Anh bị trúng đạn trong trận càn của địch.  Vết thương quá nặng, biết mình sắp chết, anh chỉ còn kịp móc túi lấy cái lược trao cho bạn nhờ đưa lại cho con gái. 

             Tóm lại, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang sáng đã thể hiện một cách bình dị mà sâu sắc tình cua con sâu nặng giữa hai cho con anh Sáu. Một tình cha con thắm thiết đẹp đẽ. Nhưng cảm động hơn nữa, nó còn khiến ta nghĩ đến những đau thương, mất mát, éo le mà con người phải gánh chịu vì chiến tranh. Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của truyện là việc thành công trong việc xây dựng cốt truyện. Cốt truyện khá chặt chẽ, có những yếu tố bất ngờ nhưng hợp lý. Việc lựa chọn người kể chuyện thật khéo léo, thích hợp tăng thêm chất trữ tình và sức thuyết phục của truyện. Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện thành công vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam trong cảnh ngộ đau thương, mất mát.


ThS. Hồ Thị Giáng Thu

(Giáo viên THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú)

  • (Có 32 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...