Con cò – Tình cảm mẹ con thắm đượm và ý nghĩa lời ru trong cuộc sống con người

05/03/2020

Tình cảm gia đình là gì? Đó là tình cảm của những thành viên, thế hệ trong gia đình luôn hi sinh, nuôi dưỡng, chở che, đùm bọc với nhau; đó là vẻ đẹp muôn thuở được các nhà văn, nhà thơ khám phá và thể hiện vừa có nét gần gũi vừa khác biệt. Đặc biệt hơn khi tình cảm gia đình lại được hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước. Nó tạo nên cái hồn thơ đầy lãng mạn và nhiệt huyết, kết hợp giữa thực tại và ảo mộng khiến độc giả mỗi khi đọc đều không thể nào quên. Điều này được thể hiện rõ qua tác phẩm “Con cò” – bài thơ ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa lời ru đối với cuộc sống con người của Chế Lan Viên. Một nhà thơ tên tuổi hàng đầu của nền thơ ca Việt Nam thế kỉ XX.

con-co-tinh-cam-me-con-tham-duom-va-y-nghia-loi-ru-trong-cuoc-song-con-nguoi

Bài thơ “Con cò” được Chế Lan Viên sáng tác năm 1962, in trong tập thơ “Hoa ngày thường – Chim báo bão”. Toàn bộ bài thơ được viết theo thể thơ tự do thể hiện tâm hồn phóng khoáng của tác giả. Các câu thơ liên kết chặt chẽ với bố cục mạch lạc, rõ ràng với hình ảnh con cò trắng – một hình ảnh gần gũi với bao thế hệ người Việt Nam. Đó là con cò xuất hiện qua những lời ru ngọt ngào thuở còn nằm trong nôi. Từ đó nó dõi theo con người trong suốt cuộc đời và trở thành biểu tượng cho tình mẹ bao la. Qua đó, tác giả thể hiện những suy gẫm của mình về lời ru tha thiết của mẹ với cuộc đời mỗi người.

Mở đầu bài thơ, hình ảnh cò hiện ra với vẻ nhịp nhàng, thong thả phù hợp với cuộc sống yên ả của ngày xưa qua lời ru của mẹ từ thuở còn trong nôi:

“Con còn bế trên tay

Con chưa biết con cò

Nhưng trong lời mẹ hát

Có cánh cò đang bay.”

Từ khi còn bế trên tay, chưa nhận thức điều gì xung quanh, mẹ đã mang đến cho con hình ảnh cánh cò trắng đang tự do bay lượn. Trong nhận thức đầu đời của con, tình cảm nồng nàn đầy yêu thương của mẹ đã được ấp ủ và gửi gắm qua những lời hát ru nhẹ nhàng sâu lắng. Trẻ con đón nhận bằng trực giác tình yêu và sự che chở bao dung của mẹ. Vậy mẹ đã hát ru những gì?

“Con cò bay la

Con cò bay lả

Con cò cổng phủ

Con cò Đồng Đăng...

....

Con cò ăn đêm

Con cò xa tổ.

Cò gặp cành mềm,

Cò sợ xáo măng...

Chỉ vài câu thơ đơn giản, cách vận dụng điệp từ nhuần nhuyễn, nhà thơ đã gợi cho chúng ta những hình ảnh quen thuộc: cánh cò, cổng phủ, Đồng Đăng... của làng quê Việt Nam thanh bình, yên ả. Không chỉ thế, ông còn gợi lên thân phận vất vả của người phụ nữ xưa lam lũ, vất vả đêm ngày gồng gánh nuôi chồng, chăm con. Từ đó, ông ngầm khẳng định hình ảnh cò chính là hình ảnh mẹ, người đã hy sinh cả tuổi xuân, hy sinh cả cuộc đời vì con. 

Con cò trong thơ Chế Lan Viên là thế. Đó là hình ảnh cò đầy mới mẻ, nó không quạnh quẽ như con cò trong ca dao

“Con cò đi đón cơn mưa

Tối tăm mù mịt ai đưa cò về.”

Hay Trần Tế Xương khi viết về người vợ tần tảo, chịu thương chịu khó cũng mượn hình ảnh con cò:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”

(Thương vợ)

Con cò của Chế Lan Viên có gì đó mạnh mẽ, dù phải cô đơn, lủi thủi đi kiếm ăn một mình. Thế nhưng, khi về đến nhà, cò mẹ vẫn có con bên cạnh. 

“Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,

Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ”

Cò vất vả là thế, đơn côi đi kiếm ăn cả ngày. Nhưng con thì có mẹ, được sống trong sự chở che và tình yêu thương vô bờ bến của mẹ. Con chơi rồi con lại ngủ, con không cần sợ hãi điều gì vì luôn có mẹ kề bên. Hai hình ảnh tương phản: “Cò – cô đơn”, “con – có mẹ” đã cho thấy được có mẹ hạnh phúc, sung sướng đến nhường nào. Mẹ luôn là chỗ dựa đáng tin cậy để con tìm về. Mẹ là lá chắn che chở suốt cuộc đời con.

“Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ!

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!

Trong lời ru của mẹ đã thấm hơi xuân.

Con chưa biết con cò, con vạc.

Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,

Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.”

Với nhịp thơ 2/2/2/2 đều đặn, câu thơ: “Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ!” giống như tiếng vỗ về mang âm điệu ngọt ngào mẹ dành cho con giúp con mau chóng vào giấc ngủ say. Với cách sử dụng ẩn dụ khéo léo qua “Cành có mềm, mẹ sẵn tay nâng”, “lời ru của mẹ đã thấm hơi xuân”... đã cho thấy được tình yêu thương dạt dào của mẹ. Mẹ là thế - người phụ nữ tảo tần vĩ đại, luôn dành tất cả ước mơ, lẽ sống của mình cho con mà không toan tính, so đo.  Đoạn thơ khép lại bằng hình ảnh “Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân” Trong giấc ngủ say nồng ấy, con cảm nhận được hình ảnh “con cò, con vạc”, cảm nhận được tình cảm thiết tha mẹ dành cho con qua dòng sữa mát lành. 

Ở đoạn thơ thứ nhất, hình ảnh cò xuất hiện trong giấc mơ, trong lời ru ầu ơ thiết tha của mẹ. Đoạn hai, cánh cò đã trở thành người bạn đồng hành trong cuộc đời của mỗi con người. 

“Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên

Cho cò trắng đến làm quen

Cò đứng ở quanh nôi

Rồi cò vào trong tổ

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi

Mai khôn lớn, con theo cò đi học

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân

Lớn lên, lớn lên, lớn lên...

Con làm gì?

Con làm thi sĩ

Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà

Và trong hơi mát câu văn...”

Với biện pháp nhân hoá, hình tượng cò đã trở thành người bạn đồng hành với con người, với đứa con bé bỏng của mẹ. Thông qua lời ru của mẹ, cò trở thành người bạn đồng hành của trẻ thơ, của con người trên mỗi chặng đường đời. Khi con còn bé “Cò đứng ở quanh nôi”, khi con ngủ thì “cò cũng ngủ”, thậm chí cánh của cò “hai đứa đắp chung đôi”. Cò như người bạn thân thiết, luôn đồng hành cùng con trong mọi việc. Hình ảnh của cò cũng chính là hình ảnh của mẹ, luôn bên con chăm sóc, vỗ về và trưởng thành cùng con. Để rồi khi con khôn lớn, cò lại theo con đi học, cò lại cùng con chinh phục con đường tri thức đầy gập ghềnh, trắc trở. Dù con làm gì? Đi đâu? Cò vẫn bay hoài không nghỉ để đồng hành cùng con, che chở con trong “hơi mát câu văn”, trong sự vỗ về đầy êm dịu của đôi cánh mềm mại.

Đoạn thơ cuối cùng là sự khám phá về tình mẹ yêu con tha thiết luôn mong muốn dìu dắt con suốt cả cuộc đời. Lúc này, tấm lòng người mẹ hiện lên thật rộng lớn, lời ru trầm xuống, đầy sự xúc động xen lẫn thiết tha.

“Dù ở gần con,

Dù ở xa con,

Lên rừng xuống bể,

Cò sẽ tìm con,

Cò mãi yêu con.”

Điệp cấu trúc kết hợp nghệ thuật đối lập “gần – xa” làm nổi bật hoàn cảnh khác nhau của người mẹ. Dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa, mẹ vẫn sẽ mãi đi tìm con, dành cho con hết tình yêu thương của mẹ. Những khó khăn thử thách của mẹ khi tìm con thể hiện rất rõ qua thành ngữ “lên rừng xuống bể”. Phó từ “sẽ”, “mãi” khẳng định tình yêu mẹ dành cho con là bất diệt, không bao giờ phai nhạt. Tình yêu mẹ dành cho con trong câu hát, lời ru, nguồn sữa ngọt ngào - vẻ đẹp của “Đấng sinh thành” mà một đời gắn bó suốt đời vì con : “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con” và tình cảm đó được đứa con cảm nhận theo sự lớn khôn trong nhận thức …

Hình ảnh con cò trong tác phẩm cùng tên của nhà thơ Chế Lan Viên thể hiện tình yêu thương của sự chăm sóc, ân cần dạy dỗ, tấm lòng vị tha, đức hy sinh một đời vì con của những người cha, người mẹ. Cách bày tỏ cảm xúc, thể hiện rất gần gũi, chân thành mà mộc mạc, có khi trở triết lí sâu sắc...Tất cả thể hiện rõ ràng tình cảm gia đình sâu sắc mà bình dị, ấm áp. Qua hình ảnh cò, tác giả đã khắc hoạ được tình mẫu tử thiêng liêng, gắn bó mà sâu sắc, mang đậm tính triết lí về tình cảm tha thiết sâu nặng mẹ dành cho con. Đồng thời, tác giả cũng ngầm khẳng định, hình ảnh cò cùng chính là hình ảnh tượng trưng cho nét đẹp dân gian Việt Nam, luôn sống mãi trong tâm hồn mỗi người con đất Việt. 

Tình cảm gia đình là một trong những thứ tình cảm thiêng liêng và quý giá của mỗi con người, mỗi nhà thơ bằng sự khám phá và thể hiện của mình đã đem đến cho văn học những tác phẩm giàu giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục và lay thức tình cảm tốt đẹp của con người. Vẻ đẹp của tình cảm gia đình là những nét vẽ góp phần hoàn thiện bức chân dung gia đình của mỗi con người dưới ngòi bút của Chế Lan Viên. Tình cảm ấy lại được hoà quyện thống nhất, gắn bó chặt chẽ với tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là một mạch nguồn tình cảm được lưu chuyển qua dòng chảy truyền thống của thơ ca dân tộc nhưng luôn có những khám phá, phát hiện và cách thể hiện theo những nét riêng, một đặc trưng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật của Chế Lan Viên.

Nguyễn Thuỷ Tiên

Giáo viên trường Quốc Tế Á Châu.

  • (Có 1 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...