“Viếng lăng Bác” - Viễn Phương

13/03/2020

Lòng tôn kính vô bờ đến vị lãnh tụ vĩ đại dân tộc

Có một vầng dương thao thức cả cuộc đời vẫn canh cánh, trăn trở bên mình hai chữ “đất nước”, có cái chết đã hóa thành bất tử trong sâu thẳm mỗi con tim. Bác Hồ đã ra đi vào cõi vĩnh hằng trong nỗi niềm tiếc thương da diết của dân tộc, trong cơn mưa sụt sùi dầm dề chảy, trong dòng nước mắt nối nhau lăn tròn của cuộc đời. Để rồi, với tất cả lòng thành kính vô bờ, niềm thương nhớ lai láng khôn nguôi, Viễn Phương đã cho ra đời bài thơ “Viếng lăng Bác” như kính cẩn dâng lên Bác cả một trái tim miền Nam đong đầy nỗi thổn thức, nhớ mong dạt dào.

vieng-lang-bac-vien-phuong

Vào thăm lăng Bác, Viễn Phương nhẹ nhàng bộc bạch:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác,

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát,

Oi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam,

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.”

Những vần thơ bình dị, thiết tha đều đặn, từ tốn vang lên như chất chứa cả một niềm mong mỏi, chân thành của đứa con vòng tay thành kính trước những gì cao cả, thiêng liêng nhất:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”

Cặp từ xưng hô con – Bác đong đầy cả một tình cảm nồng nàn, thắm thiết nhưng gần gũi, mộc mạc, da diết. Người lãnh tụ vĩ đại ấy là người cha già muôn vàn kính yêu của hai mươi năm lăm triệu đứa con dân tộc Việt Nam. Không có khoảng cách vời vợi xa xôi. Tất cả chỉ là tình cảm ruột thịt thân thương, đầy trìu mến. Nhịp thơ nhẹ nhàng, chậm rãi như tâm trạng bồi hồi, xao xuyến đang dần kéo đầy trong tâm hồn Viễn Phương. Nhà thơ đi mà mang theo cả trái tim miền Nam đang từng ngày mong mỏi, thiết tha hương về Bác Hồ. Đến gần lăng Bác, thấy thấp thoáng hàng tre đĩnh đạc, uy nghiêm trong làn sương trắng vấn vương vây quanh, một niềm cảm xúc trỗi dậy mãnh liệt trong lòng Viễn Phương tựa như khúc nhạc đang gảy lên những nốt thánh thót, rạo rực, náo nức. Trong niềm vui lớn lao, sự bồi hồi đang dào dạt và đến, nhà thơ xúc động ngắm nhìn màu xanh xanh ẩn hiện sau làn sương sớm, để rồi cuối cùng nghẹn ngào thốt lên:

“Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam”

Trong niềm xúc động đến run rẩy, bần thần trái tim, Viễn Phương ngắm nghía cái màu xanh ấy để chợt thấm thía dáng dấp hiên ngang, bất khuất, thách thức cả “bão táp mưa sa”, cái tư thế quật cường mạnh mẽ, cái tư thế ghi sâu trong những trang sử chói lọi, hùng tráng, tựa như một thần thoại oanh liệt. Trái tim nhà thơ thì thầm, thổn thức. Hàng tre Việt Nam. Ôi! Tre Việt Nam. Lũy tre làng gắn chặt, gần gũi với tâm hồn trong trẻo, chất phác, hiền hòa của người Việt. Lũy tre làng rì rào đung đưa ru bé thơ trên nôi nồng say vào giấc ngủ ngân nga những ước mơ kẽo cọt tiếng võng, tiếng gió xào xạc, cả tiếng tre ríu ran. Lũy tre xanh hiền hòa cho bóng râm lau khô những giọt mồ hôi long lanh đọng trên vầng trán bác nông dân giữa trưa hè nóng bỏng. Lũy tre treo vầng trăng trên trời cao lũy tre ấp ủ cả một hồn quê mặn mà, thắm thiết. Tre có từ lâu rồi, xưa lắm, cả khi Thánh Gióng oai phong lẫm liệt dùng tre xanh thúc ngựa diệt giặc Ân tàn bạo, đến khi ngọn tre sắt nhọn lại cùng nhân dân bất khuất đánh đuổi quân xâm lược. Tre ngày xa xăm và tre của hôm nay, ngọn tre nâng niu giữ gìn hồn phách tinh anh của dân tộc. Bằng biện pháp ẩn dụ, hàng tre Việt Nam ấy có phải chăng là những con người gan dạ, anh hùng trên mảnh đất Lạc Hồng dấu yêu: “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây…” (Trịnh Công Sơn). Trong từng khoảnh khắc lịch sử hào hùng, vẫn có những con người chẳng bao giờ biết khuất phục, vẫn có những trái tim ngoan cường xông lên. Màu xanh của tre ấy, màu xanh của mùa xuân bất tử, của sức sống mơn mởn hay chính là cái màu kiên trung, bất diệt, cái màu sự sống trường tồn của dân tộc, mặc cho bão táp mưa sa vẫn kiêu hãnh vượt lên bát ngát.

Từ những hàng tre thẳng hàng canh giấc ngủ cho Bác, ngày ngày nơi lăng Bác, ánh mặt trời vẫn soi sáng:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

Theo vòng quay tuần hoàn của tạo hóa, ngày ngày có một mặt trời đi qua trên lăng, chợt ngỡ ngàng cúi mình chiêm ngưỡng những ánh sáng chói lọi, rực rỡ, đỏ một màu chứa chan tình thương của một mặt trời bình yên, thanh thản trong lăng kia tỏa ra. Với nghệ thuật liên tưởng, ẩn dụ đặc sắc, Viễn Phương đã khéo léo ví Bác như một mặt trời rạng rỡ, đỏ rực. Một ngày qua, ông được chiêm ngưỡng hai ánh mặt trời tỏa sáng ngời ngời, rực rỡ cả một không gian nhuộm thắm sắc đỏ, chứa chan dòng chảy thành kính vô tận của hàng vạn con người: Mặt trời vũ trụ – Mặt trời chân lí. Mặt trời của vũ trụ ngày ngày chiếu sáng, sưởi ấm cho thế gian, để hoa nở rộ, để trái cây ngọt ngào chín cành, để người người hớn hở làm việc, để chim trỗi lên những khúc nhạc tươi vui. Thế nhưng luồng ánh sáng rực rỡ vĩnh viễn của vũ trụ cũng im lặng thao thức trước một mặt trời của chân lý cao cả – Bác Hồ. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Bác xuất hiện như vầng dương dần nhô lên giữa rặng núi xa xăm, xua tan đi bóng đêm mù mịt tăm tối bao trùm, quét sạch hơi đông lạnh lẽo, đớn đau, bẻ gãy đi mọi cùm gông, xiềng xích. Để rồi, dưới hơi ấm của chân lý bừng chói rực rỡ, những đời nô lệ câm lặng lại ngào ngạt nở hoa để mỗi kiếp người lại hăm hở, sung sướng được trọn vẹn làm người. Trái tim Bác như vẫn luôn rất đỏ một tình yêu mênh mông, vô tận. Và dòng sữa ngọt ngào, ấm áp một tình thương nồng nàn, cháy bỏng từ con tim vĩ đại ấy chảy ra ôm ấp bao phủ cả núi đồi, rừng cây, lại ươm mầm, ấp ủ từng góc lúa, lại vun xới, hồi sinh từng kiếp người. Theo ánh sáng giục giã, thôi thúc đuốc sống chân lí ở phía trước, cả dân tộc dưới sự dìu dắt của Bác đã tiến lên, chống lại kẻ thù hùng mạnh, tàn bạo. Và trong đớn đau, một sức mạnh mãnh liệt, dữ dội đã được Bác thắp lên trong mỗi trái tim quặn thắt của người dân lầm than, cơ cực. Bóng hình Bác lồng lộng được chắp cánh bát ngát bay lên, vĩ đại đã che chở, dẫn dắt cho cả dân tộc vượt qua tăm tối đêm trường để đến với một nền tự do huy hoàng, rạng rỡ:

“Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông cả kiếp người !”

(Tố Hữu)

Bác cống hiến trọn vẹn cho dân tộc cả trái tim nồng nàn tình thương dạt dào của mình. Tình thương ấy, cứ chảy mênh mông vô tận, mang nặng những hạt phù sa ngọt ngào tận tụy, thầm lặng vun đắp, bồi bãi bến bờ. Đẹp làm sao hình ảnh vĩ đại của con người chỉ biết lấy niềm vui của người khác làm hạnh phúc của riêng mình. Nếu như mặt trời kia là nguồn ánh sáng của vũ trụ bao la thì Bác Hồ chính là mặt trời vĩnh viễn soi sáng trong tâm tưởng mỗi con người.

Bằng cảm xúc chân thành, Viễn Phương đã dâng lên Bác cả một tình cảm thiêng liêng cao quý. Điệp từ “Ngày ngày” được nhắc đi nhắc lại như khắc sâu một quy luật “Ngày ngày” trên lăng Bác một mặt trời vẫn đều đặn đi qua theo cỗ máy vận hành tự nhiên. Và: “Ngày ngày” những dòng người đến với Bác trong niềm thương nhớ khôn nguôi Bác vẫn sống mãi trong tâm tưởng mỗi trái tim, không gì có thể xóa mờ, che lấp được. Nhà thơ Viễn Phương đã liên tưởng dòng người trầm lặng là những vòng hoa thương nhớ vô tận để dâng lên Bác. Những cánh hoa được kết lại từ nỗi thương nhớ khôn nguôi thấm đẫm trái tim, trí óc. Con tim Bác mênh mông ôm trọn mọi linh hồn. Và Bác đã đưa ánh sáng chân lý vượt qua mọi cái chết để soi rọi từng tâm hồn từ đỉnh núi cheo leo đến đồng bằng bao la. Và dưới nguồn ánh sáng diệu kỳ của Bác, cuộc đời lại tưng bừng nở hoa kết trái. Vâng! Bác chính là mùa xuân về với dân tộc. Và bây giờ, những cánh hoa ấy đã kết lại thành những tràng hoa thơm ngát, lung linh dâng tặng Người. Nghệ thuật hoán dụ: “Bảy mươi chín mùa xuân” thể hiện lòng tôn kính của mình với Bác Hồ, không chỉ của riêng tác giả mà còn là của tất cả của chúng ta: Bác sống bảy mươi chín tuổi. Bảy mươi chín năm mùa xuân về trên từng lá cây, ngọn cỏ, náo nức reo vui trong lòng mỗi em thơ, cụ già. Bảy mươi chín năm, Bác canh cánh trăn trở một nỗi niềm thao thức cao cả, một nỗi niềm vì đất nước, nhân dân. Nay Bác đã ra đi, yên giấc thanh thản trong một không gian bình yên, êm ả, hiền hòa vây quanh:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”

Ánh sáng ấy được Viễn Phương miêu tả như một vầng trăng dịu dàng, nên thơ. Cả một không gian lung linh, nhuộm đầy ánh trăng đằm thắm, ngân nga, vừa mơ màng, vừa hiện thực. Chung quanh Bác được soi sáng bởi hai nguồn sáng vĩnh hằng của vũ trụ: ánh mặt trời đi qua trên lăng và ánh mặt trăng lấp lánh trong lăng. Cả hai luồng ánh sáng diệu kỳ ấy như đang lặng lẽ canh giấc Bác ngủ. Đặc biệt là vầng trăng bát ngát ngoài kia. Vầng trăng vằng vặc sáng như vần thơ mênh mông của Bác. Vầng trăng tri kỷ theo Bác cả một quãng đời nồng nàn tình thương yêu. Giờ đây vầng trăng ấy đang hội nhập vào giấc ngủ vĩnh hằng của Bác, nhè nhẹ tả nên những ánh sáng dịu dàng, ngân đầy không gian. Giọng thơ đang nhẹ nhàng, êm ái bỗng chuyển đổi đột ngột:

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Hai câu thơ đối lập nhau: “Vẫn biết” - “Mà sao”. Viễn Phương dẫu biết rằng Bác ra đi nhưng sự nghiệp vẫn sống mãi trong lòng mỗi người. Dẫu biết rằng quy luật sinh tử nghiệt ngã có ai tránh khỏi. Dẫu biết rằng Bác đã hóa thân vào sông núi, đất nước, bất tử với thời gian, như bầu trời xanh trong trẻo trên cao, ngày ngày vẫn đi theo, soi sáng cả thế gian bao la, mênh mông hay chính tình thương của Bác trải dài bất tận, vẫn bát ngát, xanh trong một màu vĩnh hằng. Dẫu biết thế nhưng từ trong sâu thẳm con tim của Viễn Phương vẫn quặn lên những nỗi đau vô tận. Cả một dòng cảm xúc quấn chặt lấy trái tim đang bồi hồi, thổn thức của nhà thơ, để những tiếng nấc nghẹn ngào thấm đẫm tâm hồn khi nhận ra hiện thực đau buồn: Bác đã ra đi. Không! Bác vẫn sống, sống mãi, sống cùng hồn thiêng sông núi, sống trong mỗi con tim mà lòng nhà thơ vẫn đau, vẫn “nhói” mỗi khi chợt nghĩ.

Đứng trước lăng Bác trong niềm cảm xúc vô bờ, chạnh nghĩ đến khi nay mai về lại miền Nam, tác giả không kìm được nỗi niềm thương nhớ:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt”

Những cảm xúc quyến luyến dâng lên dào dạt, kéo giăng giăng trong tim, để rồi thành những giọt nước mắt chân thành rơm rớm, đong đầy khóe mắt. Tác giả muốn mãi mãi ở đây để canh giấc Bác ngủ:

“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

Âm hưởng bài thơ được nhấn mạnh qua điệp từ: “muốn”. Nhà thơ muốn là con chim để góp phần vào không gian những tiếng hát lảnh lót. Nhà thơ muốn hóa thành đóa hoa để điểm tô nơi đây thêm lung linh sắc màu. Rồi trong niểm cảm xúc dào dạt Viễn Phương muốn trở thành cây tre “trung hiếu” nghiêm trang thẳng hàng đứng quanh lăng Bác. Đầu bài thơ lẫn kết thúc đều là hình ảnh cây tre như lời tâm niệm thiết tha ấp ủ trong trái tim Viễn Phương: tự nguyện đi theo con đường chân lý của Bác, một lòng mãi mãi dành trọn vẹn chữ “trung hiếu” với Đảng, với dân, với Bác Hồ. Đoạn thơ chứa chan niềm cảm xúc, như là lời diết da chân thành bộc lộ lòng thành kính của tác giả.

Nỗi lòng thương nhớ của nhà thơ cũng chính là nỗi lòng của mỗi người dân Việt Nam luôn hướng về vị cha già kính yêu của dân tộc – Bác Hồ.

Lâm Nữ Liên Minh

(Cựu hs THCS Quang Trung, Hs giỏi văn thành phố)

  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...