Hình tượng “Đất Nước” trong văn học Việt Nam 1945 - 1975

14/11/2019

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bay giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc...”

Nguyễn Khoa Điềm

hinh-tuong-dat-nuoc-trong-van-hoc-viet-nam-1945-1975

Tự bao giờ, hình tượng thiêng liêng của Tổ quốc vẫn là mạch cảm xúc chủ đạo, là đề tài bất tận của thơ ca. Đặc biệt, văn học sau Cách mạng tháng Tám kế thừa và phát huy cao độ bản sắc dân tộc, là bản giao hưởng tuyệt vời khúc tình ca Tổ quốc Việt Nam.

Trong suốt chặng đường dài ngót trăm năm Pháp thuộc với biết bao đắng cay tủi nhục thì Cách mạng tháng Tám là cuộc tái sinh mầu nhiệm mang lại ánh sáng chan hòa trên đất nước hồi sinh. Hình tượng Tổ quốc trở nên rực rỡ hào hùng như từng cơn gió lộng tạo nguồn sinh khí để những trang viết nở hoa:

Chặng đường lịch sử của đất nước với bốn nghìn năm trường tồn, lúc suy vong, lúc hưng thịnh với bao thử thách. Thời gian đằng đẵng ấy, Nhân dân ta từ thế hệ này qua thế hệ khác đã đem xương máu và mồ hôi, lòng yêu nước và tinh thần quả cảm để xây dựng và bào vệ đất nước. Qua rồi thời nô lệ đau thương, Đất Mẹ hồi sinh trong sắc cờ đỏ sao vàng. Sức sống mới trào dâng, là tâm hồn con người hân hoan cảm nhận giá trị của không khí độc lập tự do, là niềm hân hoan vô bờ của đàn con thân yêu với bầu nhiệt huyết sẵn sàng lấy máu mình tô thắm ngọn cờ Việt Nam.

Xa rồi mùa thu xưa nhuốm buồn trong hoài niệm của Nguyễn Khuyến hay tả tơi, mênh mông, xa vắng của Bích Khê “Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”, không còn “những phố dài xao xác hơi may” (Nguyễn Đình Thi), Cách mạng đã tạo nên một sắc trời thu mới, độc đáo. Trời thu xanh trong biêng biếc như một nàng thiếu nữ yêu kiều thướt tha trong màu áo mới tinh khôi; núi đồi, bờ tre phấp phới; ruộng đồng thơm mùa lúa chín, những âm thanh rộn rã niềm vui. Những kiếp đời nô lệ tăm tối đứng lên làm chủ bản thân, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ cuộc đời:

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm ngát

Những ngã đường bát ngát

Những dòng sông chở nặng phù sa.”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Con người dang rộng tầm tay để đón nhận không gian mênh mông, mở rộng tầm mắt để cảm nhận sắc xanh của mây trời, của núi rừng, và xanh cả những ước mơ, sắc vàng của cánh đồng trong mùa thu hoạch ngan ngát hương lúa chín, sắc đỏ của phù sa miệt mài chảy mãi khôn thôi. Đã từ lâu, vẻ đẹp quê hương gắn liền với hình ảnh giếng nước gốc đa, những dòng sông hiền hòa bốn mùa in mảng mây trời, cánh cánh cò trắng bay qua đồng chiều. Thế nhưng, nét đặc sắc riêng của đất nước là không khí độc lập tự do đã thấm trong từng trong hơi thở, con người cảm nhận bằng tâm thế của người làm chủ cuộc đời mình nên màu trời cũng khác, hương vị cảm nhận cũng khác. Cuộc đời rộng mở với “những ngã đường bát ngát” để mọi người hoà nhịp cuộc sống mới và tận hưởng tất cả vẻ đẹp thiêng liêng đó, muốn ôm trọn vào lòng bằng tình yêu thiết tha.

Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, Không khí yên bình bị phá vỡ bởi bom đạn kẻ thù. Đất Mẹ nhuốm màu chinh chiến, bức tranh quê đầy hình tượng bi thương:

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều.”

ất nước - Nguyễn Đình Thi)

Câu thơ sao nghe nghẹn đắng, quặn thắt lòng người. Cụm từ “đâm nát” cứ sâu xoáy trong lòng về tội ác của chiến tranh xâm lược. Bao nhiêu rồi và còn bao nhiêu nữa? Những gì chúng ta biết liệu có phải là tất cả những gì họ đã phải đánh đổi cho hòa bình hôm nay hay chưa?

Âm vang tiếng gọi Tổ quốc thiết tha mà dữ dội. Đó là mệnh lệnh thôi thúc, là tiếng khèn xung trận để mọi người từ khắp mọi miền đất nước lên đường “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Họ sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình cho núi sông:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Bi thương mà anh dũng, “những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng – Hồn phất phơ mười phương cờ đỏ thắm” (Ngày về - Chính Hữu) đi vào cuộc chiến sinh tử với kẻ thù, đem tuổi xuân nguyện dâng cho núi sông. Biết bao người ra đi không trở lại. Đất Mẹ buồn thương đổ lệ.

Lòng người, lòng đất chan hòa quyện thấm vào nhau trong tình quê thiết tha. Nhà văn Kim Lân vốn am tường đời sống nông thôn đã thể hiện thành công nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng”. Tình yêu làng cứ như ngọn lửa âm ỉ cháy trong trái tim lão nông chân chất. Nét mới của ngôi làng là không còn tiếng mõ đêm trường, tiếng trống thúc giục thứ thuế thân nghiệt ngã, không còn những mảnh đời bất hạnh tăm tối trong kiếp đời nô lệ cam chịu. Ngôi làng của ông Hai đã thay da đổi thịt. Đó là ngôi làng kháng chiến với những ngày khởi nghĩa rồn rập mọi người cùng tham gia.

Chiến tranh khốc liệt tàn phá trên mảnh đất quê hương. Hàng vạn tấn bom trút xuống dãy đất thân yêu này nhằm huỷ diệt sự sống. Nhưng những người con của đất Mẹ vẫn không lùi bước, sức sống mãnh liệt của dân tộc vẫn dâng trào.

“Ruông nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”

(Đồng chí - Chính Hữu)

Như những dòng sông xuôi nguồn ra biển lớn, tình yêu quê hương được nâng cao thành tình yêu Tổ quốc thiết tha và đó chính là sức mạnh làm nên chiến thắng:

“Ôi Đất nước 4000 năm đi đâu ta cụng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta.”

(Đất nước-Nguyễn Khoa Điềm)

Tư tưởng đất nước là của nhân dân được thể hiện rất rõ, nhờ có nhân dân-bằng tình yêu và nỗi đau, bằng sự dũng cảm và kiên trì, bằng sự thủy chung và khao khát, họ đã làm nên Đất Nước muôn đời. Nguyễn Đình Thi điểm tô vẻ đẹp quê hương những nét mềm mại, yêu kiều, quyến rũ:

“Việt Nam đất nước ta ơi,

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.

Cánh cò bay lả dập dờn,

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.

(Quê hương Việt Nam)

Nhẹ nhàng mà thiết tha sâu lắng, những cánh đồng thẳng cánh cò bay yên ả quen thuộc của làng quê Việt Nam, đất nước của những trang huyền thoại, của nắng và hoa của những con người thủy chung son sắt. Lời thơ là khúc ca dao, là lời ru của mẹ êm ái ngọt ngào đi vào lòng người.

Từ hoang tàn đổ nát của đất nước, những con người hiền hòa, nhân hậu, cần cù bắt tay vào xây dựng. Khí thế lao động xã hội chủ nghĩa thổi vào hồn thơ Huy Cận, khơi gợi mạch cảm xúc lãng mạn tưởng chừng bị lãng quên ấy lại trào dâng trên đầu ngọn bút. Trong cảm hứng về vũ trụ, về con người mới, cuộc sống mới, bài thơ Đoàn thuyền đánh cá ra đời ca ngợi sự giàu đẹp của biển trời Tổ quốc:

“Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

(Huy Cận)

Nhịp điệu cuộc sống mới ngất ngây niềm lạc quan yêu đời. Một cuộc sống ấm no, hạnh phúc vẫy tay chào đợi mọi người. Sức lao động được giải phóng, những mảnh đất hoang hóa chờ bàn tay con người khai phá. Có lẽ chưa bao giờ trong văn học, khí thế xây dựng Tổ quốc lại hừng hực đến thế. Xã hội chủ nghĩa đã mang đến cho con người ý thức lao động làm chủ cuộc đời với tinh thần làm chủ tập thể. Chế Lan Viên theo “Tiếng hát con tàu” lên với Tây Bắc bạt ngàn như đi “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”, “từ chân trời của một người đến chân trời của mọi người” để cảm nhận:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.”

Hạnh phúc của mình và mọi người chan hòa nhau trong tình nhân ái để từ đó xây dựng đất nước. Miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa, miền Nam bước vào cuộc chiến đấu chống Mỹ. Dòng sông Bến Hải chở đôi bờ thương nhớ chia đôi đất Mẹ. Những trái tim cùng hướng về miền Nam thân yêu, đồng bào ruột thịt:

“Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thòng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

(Bài thơ tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật)

Chiến tranh ác liệt in dấu rõ ràng trên chiếc xe, nhưng chiếc xe ấy vẫn chạy vì Miền Nam ruột thịt. Miền Nam vẫy gọi, cả nước lên đường dưới ngọn cờ của Đảng tiên phong, thực hiện ước nguyện của Bác, của cả dân tộc: “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” (Hồ Chí Minh). Khí thế cả nước cùng ra trận lộng gió bốn phương. Những chàng trai cô gái lên đường phơi phới bước chân.

Tình yêu đất nước, ý thức dân tộc là máu thịt, là cuộc đời họ, bất kỳ một tầng lớp nào, nông dân hay tri thức, chỉ cần nghe tiếng đau thương của quê hương, họ sẽ bỏ lại tất cả, kể ca ruộng nương, xóm làng. Hay như ở Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã tạo nên bản anh hùng ca mang đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn về cuộc chiến của nhân dân Tây nguyên kỳ diệu. Hàng vạn cây xà nu dưới tầm đại bác của giặc không cây nào không bị thương nhưng: “cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời“. Đó là khí thế của lớp này ngã xuống, lớp khác đứng lên bám đất bám làng giữ gìn từng tấc đất của cha ông.

Khát vọng thống nhất đất nước, Bắc Nam liền một cõi như lời Bác dạy “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy vẫn không bao giờ thay đổi” đã thành hiện thực. Đại thắng mùa xuân 1975 là kết tinh của một chặng đường dài gian khổ mà kiêu hùng của bản trường ca tuyệt vời của dân tộc:

Hùng vĩ thay, toàn thân đất nước

Tựa Trường Sơn vươn tới Trường Sa

Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước

Đỏ bình minh trên mặt sóng khơi xa.”

(Vui thế hôm nay - Tố Hữu, tháng 8/1975)

Bốn mươi lăm năm, một chặng đường, hình tượng Tổ quốc vẫn đẹp mãi trong lòng mọi người bản tình ca: Tổ quốc mến yêu.

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.”

(Mùa xuân nho nhỏ -Thanh Hải)

Trịnh Tâm Anh

(Sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sài Gòn)

  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...