Những giá trị văn chương

28/10/2023

Những giá trị văn chương

Châu Huệ Trân

Lớp 12a1, Trường THPT Vĩnh Viễn, năm học 2023-2024

Nhà văn Maksim Gorky đã từng nói: “Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng vươn tới chân lý”. Quả thật vậy, nhà văn hiện thực kiệt xuất ấy đã quá đỗi tài tình qua lời nhận định trên. Bởi lẽ văn học là bộ môn nghệ thuật còn văn chương là cách mà người nghệ sĩ dùng ngòi viết để bộc lộ nỗi lòng mình thông qua trang giấy trắng. Đó là sự quan sát, ghi nhận và đúc kết từ những mầm xanh của cuộc sống. Văn học giúp con người ta có được một góc nhìn sâu rộng tựa khối pha lê đa diện lấp lánh, hiểu được thói đời từ đó giúp ta vươn rộng đôi vai, hướng tới những chân lý cao đẹp và góp phần tạo nên những giá trị thiết thực cho cuộc sống.

“Đối với con người, sự thật đôi khi nghiệt ngã, nhưng bao giờ cũng dũng cảm củng cố trong lòng người đọc niềm tin ở tương lai. Tôi mong muốn những tác phẩm của tôi sẽ làm con người tốt hơn, thức tỉnh tình yêu đối với con người và khát vọng tích cực đấu tranh cho lý tưởng nhân đạo và tiến bộ của loài người” (Solokhov). Thật vậy, văn học tựa như chiếc chìa khóa vàng sẵn sàng mở rộng cánh cửa bí ẩn đưa con người ta đến với những thảo nguyên xanh bất tận. Cho ta thấy được thế giới ngoài kia còn rộng lớn và sâu sắc đến nhường nào thông qua lăng kính của những người nghệ sĩ với tâm hồn thiết tha, nồng hậu. Nhờ vậy mà góp phần nâng cao những giá trị nhận thức quý báu còn ẩn giấu sâu bên trong mỗi người.

Văn học đôi khi chính là bức tranh phản ánh hiện thực toàn cảnh xã hội nhưng một điều quan trọng ta cần nhớ rằng đây chẳng phải là một bức ảnh sao chép hời hợt và nông cạn. Nhà văn phải chắt lọc và ân cần quan sát cuộc sống quanh mình, mượn những hình tượng, tính cách hay chỉ đơn thuần là những con vật, đồ vật quanh ta mà viết nên nỗi lòng thầm kín mà nguời vun vén bấy lâu.

Trong kho tàng văn học hiện thực nước nhà cũng ghi nhận biết bao tên tuổi và tác phẩm trong mảng văn học nghệ thuật quý giá. Ta không thể không nhắc đến cái tên Vũ Trọng Phụng cùng tiểu thuyết trào phúng mang tên “Số Đỏ” cùng tranh biếm hoạ về một xã hội Âu hoá nửa vời. Tuy sự nghiệp cầm bút ngắn nhưng giọng văn trào phúng, châm biếm hiện thực xã hội của mình mà Vũ Trọng Phụng được ví như Balzac Việt Nam. Trước khi gây được tiếng vang như ngày hôm nay thì “Số đỏ” đã phải trải qua biết bao trắc trở ở thời điểm đưa tác phẩm đến với đại chúng. Có lẽ bởi cung cách sáng tác quá đỗi chân thực và cách nhìn nhận cuộc sống khác biệt nên tác phẩm của ông có một thời bị đánh giá là tự nhiên chủ nghĩa. Cốt truyện xoay quanh một tên ma cà bông không cha không mẹ, bôn ba trải đời từ rất nhỏ nhưng cũng từ những cái bất hạnh lẽ đời ấy mà cuộc đời của chàng thanh niên Xuân tóc đỏ ấy phút chốc thăng hoa tựa như màu tóc cháy nắng sau ngần ấy năm lăn lộn ngoài xã hội của hắn. Với bản tính tinh ranh, thạo đời, kẻ lưu manh giả danh tri thức như Xuân cũng có thể phút chốc trở thành ông Đốc tờ Xuân, Giáo sư quần vợt, vị anh hùng được người đời ca tụng. Cuộc đời của thằng trèo cây hái sấu, bán thuốc cao đơn hoàn tán bước chân vào công cuộc Âu hóa, cải cách xã hội với tư cách nhà trí thức, vị cứu tinh. Xuyên suốt tác phẩm, Vũ Trọng Phụng hoàn thành bức tranh châm biếm xã hội giả dối, lố lăng, thô kệch lúc bấy giờ. Một lần nữa ta lại được chứng kiến bản chất của hư danh và những thứ vật chất xung quanh đã làm chi phối, băng hoại giá trị đạo đức, truyền thống vốn có suy đồi đến nhường nào. Tác phẩm tưởng chừng sẽ mang tới tiếng cười giòn giã cho độc giả bới yếu tố trào phúng cũng như là lối viết văn hài hước của Vũ Trọng Phụng nhưng đây là cười ra nước mắt. Sự cay đắng, chua xót của một tang giá ngỡ là hiển nhiên nhưng ta sẽ không khỏi mỉa mai vì cái nhố nhăng và lộn xộn của gia đình cụ cố Hồng. Một khía cạnh khác của xã hội thượng lưu đương thường đầy rởm đời thối nát trong công cuộc “Âu hóa” được phơi bày với bộ mặt vô liêm sỉ của một xã hội suy đồi, băng hoại mọi giá trị đạo đức.

“Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái, luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại” (Lev Tolstoy). Chúng ta cũng đã từng băn khoăn suy nghĩ và tự hỏi, điều gì đã khiến cho những áng thơ văn lại mang giá trị ngôn từ tuyệt đẹp đến thế? Phải chăng những người nghệ sĩ đã phải trút cạn những giọt châu tinh túy và thanh cao nhất từ tận đáy lòng để tạo nên giá trị thẩm mỹ hoàn hảo cho những đứa con tinh thần mà họ gửi gắm tâm tư, tình cảm. Nét đẹp của văn chương dường như đã gạt bỏ đi những định kiến cay nghiệt của xã hội mà ôm con người ta vào lòng, xoa dịu từng con đau quặn lòng và rồi thanh lọc tâm hồn chúng ta, đọng lại trong tâm trí người đọc những giọt ngọc thanh khiết nhất.

Ta không chỉ đơn giản là bắt gặp những hình tượng độc đáo cùng ngôn từ cao đẹp để bày tỏ tâm tình qua những tác phẩm văn xuôi mang dấu chân thời đại mà ta còn có thể bắt gặp những đường nét mềm mại mang đậm những giá trị phẩm mỹ qua những áng thơ du dương, nhịp nhàng tựa như dòng nhạc điệu trên chiếc đĩa than cổ điển nhưng vẫn đâu đó phảng phất lên những câu hát tâm hồn. Nhà thơ Huy Cận đã từng viết: “Nếu thơ là điện thì cuộc sống con người góp phần làm sáng ấm dòng điện ấy”. Đọc thơ Huy Cận, dẫu trong tập thơ “Lửa thiêng” cứ u uất nỗi buồn thân phận con người mà vẫn thấy dạt dào lòng yêu quê hương thiết tha cánh cánh:

“Lòng quê dờn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

(Huy Cận – Tràng giang)

Không như Thôi Hiệu trong “Hoàng Hạc lâu” phải có sợi khói lam chiều, sợi khói sóng trên sông mới mang đến nỗi nhớ nhà:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”

(Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)

Đọc những vần thơ Huy Cận giúp ta yêu hơn vẻ đẹp thiết tha của quê hương, yêu nỗi buồn thân phận bé nhỏ của con người trước mang mang đất trời. Vâng! Văn học không chỉ mang đến giá trị nhận thức làm tiền đề cho giá trị giáo dục con người với tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu cuộc sống.

Thưởng thức và chắt lọc được những cái đẹp của văn học cũng là cách để con người ta có thể tự chữa lành những tâm hồn u uất chính là những yếu tố thiết yếu nhất để kiến tạo nên những nét đẹp mang tính thẩm mỹ cao trong văn học. Nét đẹp của văn chương chính là sự xoa dịu ngọt ngào, gạt bỏ khỏi lòng người những điều xấu xa và rồi chỉ để lại những điều tinh tuý nhất, thanh cao nhất cho phẩm giá của một con người. Từ đó ta có thể thấy rằng thiện không đúng chỗ là ác nhưng cái ác vẫn có thể được sinh ra từ chỗ thiện. Nhà văn Nguyên Tuân đã thành công khắc hoạ lên vẻ đẹp của hai tầm hồn của Huấn Cao và viên quản ngục. Hai số phần đứng ở hai cương vị, hai tầng lớp khác nhau nhưng điều bất ngờ nhất mà chẳng ai có thể tưởng tượng được rằng, viên cai ngục ấy lại ngưỡng mộ và tiếc thương cho một kiếp người tài hoa, cùng tấm lòng thiên lương cao cả nhưng giờ phải chịu cảnh cổ gông, xiềng xích. Vẻ đẹp con người của Huấn Cao được Nguyễn Tuân tinh tế miêu tả qua từng nét chữ của người tử tủ trong nơi tăm tối như nhà ngục. Ánh lửa lập loè cùng dáng người cần mẫn, nắn nót từng khuôn chữ quả thật chẳng đúng chút nào. Chẳng cần thư phòng sạch sẽ khang trang, chỉ cần một tấm lòng mang cùng niềm đam mê thanh thoát, hướng tới những niềm lạc quan tươi sáng phía xa chân trời. Nơi mà ánh sáng ý chí của những con người đẹp được bừng lên rực rỡ, vượt qua mọi bất công, oan trái từ định kiến xã hội.

Con người được ban cho sự sống để có thể tiếp tục sinh sôi và kiến tạo nên vẻ đẹp cho nhân loại. Tình yêu cũng chính là một chất liệu quan trọng để kiến tạo nên sự sống, nên thật không khó để ta có thể bắt gặp những lời thỏ thẻ về những khát vọng được sống, được yêu của con người ta thông qua những viên gạch ngôn từ góp phần tạo nên những công trình tuyệt đẹp. Xuân Quỳnh là một nhà thơ tiêu biểu trong thời kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Thơ của ba luôn vang lên trong lòng người đọc những bản tình ca sâu lắng về một tâm hồn thổn thức luôn khao khát tình yêu của người phụ nữ chưa bao giờ lỡ nhịp.

“Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn

Hôm nay yêu mai có thể xa rồi

Niềm đau đớn tưởng như vô tận

Bỗng có ngày thay thế một niềm vui.”

(Xuân Quỳnh - Nói cùng anh)

Văn học mang đến cho con người những cung bậc cảm xúc của tình yêu, của cuộc sống phong phú đa dạng. Có lúc nhẹ nhàng êm ái như Nguyễn Bính:

“Nhà em có một giàn trầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

(Nguyễn Bính – Tương tư)

Hay có lúc dạt dào, mãnh liệt:

“Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước và cây và cỏ rạng.”

(Xuân Diệu – Vội vàng)

Để rồi: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”.

Tất cả giúp chúng ta nhận thức tình yêu cuộc sống trong tâm hồn thi nhân.

Vũ Quỳnh đã từng nói: “Văn chương có khả năng khuyến điều thiện, răn điều ác, bỏ giả, theo thật”.Văn học không phải là đạo đức học nhưng văn học, bằng những hình tượng thẩm mỹ được xây dựng nên bởi một thứ chất liệu đặc biệt - ngôn ngữ nghệ thuật, lại có khả năng làm cho con người ta tốt hơn hoặc là hoàn thiện hơn về nhân cách, nếu đó là thứ văn học chân chính. Tuy nhiên, nói đến chức năng giáo dục của văn học không có nghĩa chỉ thu hẹp vấn đề trong phạm vi giáo dục đạo đức xã hội, giáo dục lập trường tư tưởng, không phải là sự lên lớp về các nguyên tắc, quy phạm đạo đức mà phần việc này đã có bộ môn Đạo đức, các trường tuyên huấn đảm nhận. Giáo dục ở văn học chính là tạo nên những giá trị tinh thần, bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm, xây dựng nhân cách và bản lĩnh cho mọi thế hệ công dân, góp phần tạo nên môi trường đạo đức xã hội trong sáng, lành mạnh và tiến bộ lên từng ngày.

“Tôi ví văn học như cây đàn pandur, còn những nhà văn thì tôi ví như những sợi dây căng trên cây đàn đó. Từng dây đàn đó có âm điệu riêng, cung bậc riêng nhưng khi hợp lại với nhau thì chúng làm nên một hoà âm.” (Rasul Gamzatov). Văn học không chỉ là tấm gương phản ánh và sao chép đời sống mà hiện thực được lọc qua lăng kính của mỗi người nghệ sĩ khác nhau. Cung cách sáng tác, ngôn ngữ và nét đặc sắc trong văn chương của họ cũng khác. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả ngọt ngào của cả một quá trình ấm ủ và nuôi dưỡng nguồn cảm hứng bất tận để sáng tạo nên những điều cao đẹp cùng những giá trị nhân đạo, thẩm mỹ, giáo dục và nhận thức. Qua đó thể hiện được những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc và phơi bày bản chất của xã hội thông qua hình tượng nhân vật trữ tình để ta cùng chiêm nghiệm lại bức tranh quá khứ đồng thời giúp ta nhìn thấy được những tầng lớp, một giai cấp, một thời đại đã qua đi.

Châu Huệ Trân

  • (Có 2 bình chọn)

"Sắc xuân tuổi trẻ" một cụm từ khơi lên trong tâm trí ta nhiều liên tưởng về một thời điểm khi ta còn tuổi bồng bột, nông nổi, lúc mà ta có quá nhiều điều chưa biết về thế giới này, khiến ta có một cảm giác bồn chồn, phấn khích, và từ hiện tại ta lại hoài niệm về thời trẻ...
Cho dù hành trình của văn học có là cuộc hành trình băng xuyên những “khổ đau, thất vọng” thì đích đến cuối cùng vẫn hướng con người tới miền của sáng trong, của hạnh phúc lâu bền giữa thời cuộc...
Câu nói: “Một hòn đá lăn mãi thì rêu sẽ không bám vào được” của Teruko Kobayashi đã mang đến cái nhìn đặc biệt cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bản thân và sự bứt phá, vượt qua chính mình trong cuộc sống...
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường khiến người xem, người đọc có những vỡ lẽ, những cái giật mình…. khi bỗng tự nhìn lại cách sống, cách nghĩ của chính mình
Tuổi 18, một tuổi trẻ đầy chông chênh và lo lắng... như lời thức tỉnh cho hàng ngàn những bạn trẻ đang chập chững bước qua độ tuổi trưởng thành, phải đối mặt với thách thức của cuộc đời...
Hồn Trương Ba, da hàng thịt", là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đã được đi công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và cả ngoài nước...